Theo Hãng tin AP, ông Biden và ông McCarthy đạt thỏa thuận về trần nợ công sau khi nói chuyện qua điện thoại vào tối 27-5 giờ Mỹ (sáng 28-5 giờ Việt Nam).
Thỏa thuận có thể sắp cứu nền kinh tế Mỹ khỏi thảm họa vỡ nợ gồm một số điểm chính sau.
Đình chỉ trần nợ chứ không tăng
Theo Hãng tin Bloomberg, ông Biden và ông McCarthy thống nhất sẽ đình chỉ việc áp trần nợ trong 2 năm, đến 2025. Như vậy trần nợ sẽ không tăng, song Chính phủ Mỹ cũng sẽ không phải lo về việc không thể vay thêm tiền. Hiện trần nợ công của Mỹ là 31.000 tỉ USD.
Điều này được xem là cực kỳ có lợi cho Đảng Dân chủ, đặc biệt là ông Biden, khi không phải lo lắng về việc lại phải đàm phán về trần nợ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Mặc dù hầu hết 78 lần tăng trần nợ trong quá khứ đều diễn ra suôn sẻ, những năm gần đây, tục lệ định kỳ này đang bị biến thành vũ khí chính trị được đảng không cầm quyền dùng để ép đảng cầm quyền nhượng bộ các chính sách tài chính.
Giảm một số chi tiêu chính phủ
Theo nguồn thạo tin của Hãng tin Bloomberg, thỏa thuận mới cho phép các khoản chi ngoài quốc phòng giữ nguyên trong năm 2024 và tăng 1% trong năm 2025.
Phạm vi giới hạn sẽ là các khoản ngân sách cho các cơ quan liên bang và chương trình chính phủ mà Quốc hội có thể điều chỉnh định kỳ. Các chương trình bắt buộc như Medicare (bảo hiểm y tế) và an sinh xã hội không bị ảnh hưởng.
Chi tiêu quốc phòng năm 2024 sẽ tăng 3,3%, đúng theo đề xuất ngân sách của ông Biden. Đây là điểm khác với thỏa thuận nâng trần nợ năm 2011 giữa tổng thống bấy giờ là ông Obama và Quốc hội. Khi ấy, việc giới hạn chi tiêu công được thực hiện ở cả lĩnh vực quốc phòng và ngoài quốc phòng.
Với những chi tiết trên, nhiều chương trình liên bang sẽ bị cắt giảm ngân sách vì khoản tiền được tăng không đủ để bù đắp lạm phát. Quốc hội vẫn cho phép tăng chi tiêu trong những trường hợp không lường trước như chiến tranh, bệnh dịch.
Điều khoản này phản ánh đúng nhận xét của ông Biden sau buổi họp ngày 27-5 với ông McCarthy: "Đây là sự thỏa hiệp, nghĩa là không phải ai cũng có thứ mình muốn".
Đảng Dân chủ thất bại trong việc yêu cầu nâng trần nợ mà không cắt giảm chi tiêu. Ở chiều ngược lại, Đảng Cộng hòa không thành công trong việc yêu cầu cắt giảm các khoản ngân sách lớn hơn.
Siết chặt tiêu chuẩn nhận trợ cấp
Một trong những biện pháp được ông Biden và ông McCarthy thống nhất để cắt giảm chi tiêu là siết chặt tiêu chuẩn nhận trợ cấp với tem lương thực.
Những người trưởng thành thu nhập thấp có khả năng lao động, không có người phụ thuộc (con nhỏ, người thân khuyết tật…) từ 49 đến 54 tuổi sẽ phải có việc làm để nhận tem lương thực.
Theo luật hiện hành, nhóm người trưởng thành từ 18-49 tuổi không có người phụ thuộc hoặc bị khuyết tật có thể nhận trợ cấp tối đa 3 tháng trong mỗi 3 năm, trừ khi họ đã có việc làm. Nhóm 18-49 tuổi này bao gồm cả đối tượng thu nhập thấp lẫn thất nghiệp.
Nhà Trắng cho rằng họ đã đạt điều mình muốn khi giành được quyền ngoại lệ cho cựu chiến binh và những nhóm dễ bị tổn thương như người vô gia cư. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa cũng đạt điều mình muốn khi giảm được số người nhận trợ cấp chống đói nghèo, qua đó giảm chi tiêu công.
Dự luật về trần nợ vẫn có thể bị bác
Dựa trên các điều khoản đã thống nhất với Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện McCarthy và các nghị sĩ Hạ viện đang gấp rút soạn thảo dự luật mới. Các dân biểu Hạ viện dự kiến sẽ biểu quyết thông qua dự luật này vào ngày 31-5. Nếu được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ tiếp tục được đưa lên Thượng viện biểu quyết.
Theo báo New York Times, dù mang lại nhiều tín hiệu khả quan, dự luật mới về trần nợ công vẫn có thể vấp phải nhiều phiếu chống ở cả hai cơ quan Quốc hội, khi nhiều yêu sách của cả hai đảng vẫn chưa được thỏa mãn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận