01/06/2023 07:12 GMT+7

Hạ viện Mỹ sắp bỏ phiếu dự luật trần nợ công

Dự luật đình chỉ trần nợ công 31.400 tỉ USD và ngăn vụ vỡ nợ thảm họa đã vượt rào cản thủ tục quan trọng, tạo tiền đề cho một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện.

Hạ viện Mỹ sắp bỏ phiếu dự luật trần nợ công - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy nói chuyện với các phóng viên sau khi Hạ viện bỏ phiếu theo thủ tục để bắt đầu quá trình phê duyệt dự luật trần nợ công ngày 31-5 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, dự luật đình chỉ trần nợ công đã thành công cuộc bỏ phiếu theo thủ tục với tỉ lệ phiếu 241-187.

Cuộc bỏ phiếu trên nhằm thông qua việc bắt đầu tranh luận và sau đó là bỏ phiếu chính thức cho dự luật tại Hạ viện Mỹ.

Dự luật trần nợ công trước thách thức tại Hạ viện

Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với đa số sít sao 222-213. Song 52 thành viên Đảng Dân chủ đã giúp dự luật vượt qua vòng bỏ phiếu thủ tục trước sự phản đối của 29 thành viên Đảng Cộng hòa.

Dù vậy, dự luật này vẫn cần sự ủng hộ cả Đảng Cộng hòa của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden để được thông qua.

Hiện nay, các thành viên của cả hai đảng đều phản đối các phần quan trọng của dự luật về trần nợ công.

Cuộc bỏ phiếu cho dự luật này dự kiến diễn ra vào khoảng 20h30 ngày 31-5 theo giờ Mỹ, tức 7h30 ngày 1-6 theo giờ Việt Nam.

Ông McCarthy dự đoán rằng cuộc bỏ phiếu trên sẽ thành công, đồng thời khẳng định với các phóng viên: "Nó sẽ trở thành luật".

Theo Reuters, dự luật mới sẽ đình chỉ trần nợ của Mỹ cho đến hết ngày 1-1-2025. Điều này đồng nghĩa là Mỹ sẽ không có giới hạn nào cho đến ngày đó.

Dự luật trên sẽ cho phép ông Biden và các nhà lập pháp gác vấn đề rủi ro chính trị sang một bên cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11-2024.

Dự luật này cũng giới hạn một số chi tiêu của chính phủ trong hai năm tới, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng, thu hồi các quỹ COVID-19 chưa sử dụng, đồng thời mở rộng yêu cầu công việc đối với các chương trình viện trợ lương thực.

Sau Hạ viện vẫn chưa hết khó khăn

Trong khi đó, ông Biden dự kiến sẽ nhận được dự luật này trước hạn chót là ngày 5-6, thời điểm chính phủ liên bang có thể hết tiền để thanh toán các hóa đơn của mình.

Nếu Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được đưa đến Thượng viện. Tại đây, dự luật trần nợ công có nguy cơ bị trì hoãn trừ khi lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo Đảng Cộng hòa Mitch McConnell đồng ý xúc tiến nhanh dự luật.

Theo Reuters, Đảng Cộng hòa muốn ông Schumer cho phép bỏ phiếu sửa đổi để đổi lấy việc thông qua nhanh chóng.

Tuy nhiên, ông Schumer dường như đã bác bỏ khả năng này hôm 31-5, khi nói với các phóng viên rằng: "Chúng tôi không thể gửi bất cứ thứ gì trở lại Hạ viện, rõ ràng và đơn giản. Chúng tôi phải tránh vỡ nợ".

Bộ Tài chính đã cảnh báo rằng Washington sẽ không thể chi trả tất cả nghĩa vụ của chính phủ vào ngày 5-6, nếu Quốc hội không nâng trần nợ.

Cũng trong hôm đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội phi đảng phái cho biết dự luật mới sẽ giúp Chính phủ Mỹ tiết kiệm 1.500 tỉ USD trong một thập kỷ tới.

Cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại Thượng viện có thể kéo dài đến cuối tuần, đặc biệt nếu bất kỳ ai trong số 100 thượng nghị sĩ cố gắng trì hoãn việc thông qua.

Thỏa thuận trần nợ công Mỹ có những nội dung gì?Thỏa thuận trần nợ công Mỹ có những nội dung gì?

Phân tích các điểm trong thỏa thuận về trần nợ công vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy thống nhất để tránh vỡ nợ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên