19/02/2025 11:17 GMT+7

Thích sống - Kỳ 4: Còn thở là còn hy vọng

Các bạn hiện diện ở đây đang còn thở nghĩa là còn cơ hội. Trong những lúc khó khăn nhất, điều quan trọng mà chúng ta cần có là phải giữ lấy niềm hy vọng.

Thích sống - Kỳ 4: Còn thở là còn hy vọng - Ảnh 1.

Tác giả gặp Nick Vujicis, diễn giả khuyết chân lan truyền nghị lực sống - Ảnh: tư liệu của N.B.L.

Một ngày cuối năm 2019, tôi cùng vợ chồng người bạn thân là bác sĩ quân y tới thăm một trại giam cách Hà Nội gần 100km, để tặng sách cho nơi này. Nhưng sau khi trò chuyện với tôi, lãnh đạo trại đã quyết định tổ chức buổi nói chuyện giữa tôi và các phạm nhân.

1. Tôi ý thức được mình và họ chỉ có thời gian ít ỏi, mà mỗi khoảnh khắc đều vô cùng quý giá. Vậy nên tôi bắt đầu ngay lập tức.

Nguyên tắc trại giam, không ai được phép ghi âm buổi nói chuyện, nên ngay sau khi trở về tôi đã ghi lại những gì mình nhớ được.

Những gì bạn đọc được dưới đây có thể không phải 100% những gì tôi đã nói với phạm nhân, nhưng đây là những gì tôi thực sự muốn nói với họ và tất cả người mà tôi có cơ hội tiếp xúc ở bất cứ trại giam nào tôi đến thăm.

"Chào các bạn! Ở đây có những người lớn tuổi hơn tôi nhiều, nhưng hãy cho phép tôi gọi tất cả mọi người là bạn.

Dù các bạn phạm tội gì, có quá khứ như thế nào, có oán hận ai đó hay cuộc đời này vì lý do bạn phải ở đây hay không, thì vào lúc này, khi các bạn ngồi đây nghe tôi nói chuyện, tôi tin rằng tất cả các bạn cũng như tôi, đều có lòng hướng tới những điều tốt đẹp, thiện lành.

Tôi và các bạn đều có ít nhất một điểm chung: đó là chúng ta đều gặp phải những biến cố rất lớn trong cuộc đời và đều phải chịu sự thử thách nghiệt ngã của số phận.

Thách thức khủng khiếp đến với tôi có lẽ sớm hơn với bất cứ ai có mặt tại đây. Năm tôi 13 tuổi, tôi được phát hiện mắc bệnh loạn dưỡng cơ, một căn bệnh làm suy yếu hệ thống cơ toàn cơ thể.

Nói cụ thể hơn là các tế bào cơ trong cơ thể của tôi thoái hóa dần và mất đi khiến tôi mất một phần khả năng vận động cũng như gây ra những vấn đề về sức khỏe khác, thậm chí đe dọa mạng sống.

Từ chỗ có thể đi lại, chạy nhảy thoải mái, tôi gầy rộc, đi đứng không vững, thường xuyên phải đối mặt với những cú ngã đau đớn, thậm chí chảy máu đầm đìa vì tôi luôn ngã đập đầu xuống đất hoặc va vào những vật rắn.

Tôi trở thành người khuyết tật từ đó. Tôi buộc phải nghỉ học khi mới chỉ kết thúc lớp 8, và đã có lúc tôi nghĩ phải ở trong bốn bức tường bệnh viện triền miên hết ngày này qua ngày khác như thế tôi không thể nào chịu đựng nổi.

Ba lần tôi nghĩ mình đã thấy tử thần, nhưng may mắn thay cuộc sống tôi chưa chấm dứt. Và tôi hiểu ra rằng còn thở là còn cơ hội thay đổi, cải thiện cuộc sống.

Quả thực sau một thời gian để mặc cho nỗi buồn, sự chán nản điều khiển cuộc sống mình, tôi quyết định thay đổi tâm trạng, thay đổi hoàn cảnh mình.

Tôi bắt đầu tự học bằng tất cả quỹ thời gian dồi dào mà căn bệnh vô tình tạo điều kiện cho tôi khi nó không cho phép tôi hoạt động như những người bình thường khác.

Tôi bắt đầu tự học bằng tất cả năng lượng mà suốt thời gian tôi dùng để nuôi cảm giác buồn khổ tột cùng, nỗi chán chường vô tận.

Tôi tự học bằng tất cả những phương tiện mà tôi có được ở bên ngoài và tất cả sức mạnh ý chí, sự kiên trì và lòng quyết tâm mà tôi huy động được ở trong tôi.

Tôi lập thời khóa biểu để mình tự học với phương tiện ít ỏi gồm vài cuốn sách cũ: sách mà tôi dùng để tự học hồi ấy còn cũ hơn và ít hơn số sách mà hôm nay chúng tôi mang đến với ý định sẽ tặng từng buồng giam cho các bạn cùng đọc.

Với kỷ luật không gì lay chuyển nổi, tôi bắt đầu thực hiện thời khóa biểu đó, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.

Tôi tự học tiếng Anh, tự học các kiến thức phổ thông mà khi nghỉ học tôi bỏ dở, tự học tất cả những gì tôi có thể. Sau 5 năm tự học, tình cờ cơ hội tìm đến tận cửa phòng tôi: những đứa trẻ làng tôi muốn tôi dạy tiếng Anh cho chúng.

Và cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi một cách căn bản từ đó. Từ lúc tôi biết mình vẫn còn có ích cho ai đó, cho cuộc sống. Hôm nay, khi gặp các bạn tôi là tác giả, dịch giả của hơn 40 cuốn sách!

Các bạn hiện diện ở đây, đang còn thở, nghĩa là còn cơ hội. Trong những lúc khó khăn nhất, điều quan trọng mà chúng ta cần có là phải giữ lấy niềm hy vọng. Hy vọng vào sự đổi khác của hoàn cảnh, hy vọng vào điều tốt đẹp hơn, hy vọng vào một ngày các bạn trở về đoàn tụ với gia đình.

Tôi đến đây để nói điều này không chỉ vì bản thân các bạn mà còn vì những người cha, những người mẹ già, những đứa trẻ đang đợi các bạn ở nhà.

Dù chưa có cơ hội đi đây đi đó nhiều, nhưng tôi cũng đã gặp những cảnh khổ cực từ các gia đình thiếu vắng trụ cột: những đứa trẻ thực sự rất thiệt thòi khi không có sự che chở, chăm sóc của người cha.

Tôi cố gắng không gục ngã trong bệnh tật, tôi quyết chí tự học để sống và làm việc như một người bình thường, trước hết là bởi tôi hiểu khi một thành viên trong gia đình (bất cứ gia đình nào) gặp chuyện chẳng lành thì cả gia đình đó rất dễ mất tương lai, mà tôi thì tha thiết mong muốn những người thân yêu nhất của mình được hạnh phúc hoặc ít nhất không phải vì mình mà thiệt thòi lây.

Làm thế nào để nuôi hy vọng ư? Hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp, tích cực và hãy chỉ làm những điều tốt đẹp và tích cực.

Ở đây giữa bốn bức tường này có gì tích cực để mà làm, bạn sẽ tự hỏi như vậy phải không? Trong không gian giới hạn của các bạn hiện nay, việc hữu ích nhất có lẽ là đọc sách. Xét theo một mặt nào đó thì các bạn hiện đang là những người giàu có: giàu có về mặt thời gian.

Những cuốn sách chúng tôi chọn mang đến tặng các bạn đều hữu ích theo một cách nào đó. Hãy dùng thời gian của các bạn để đọc chúng.

Chúng có thể giúp các bạn hướng tâm trí của mình tới những điều tích cực, phần nào giúp các bạn nuôi dưỡng niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn, cũng như chúng đã giúp tôi không gục ngã trong hoàn cảnh rất bi đát.

Biết đâu việc đọc những cuốn sách đó còn có thể giúp ích nhiều hơn thế, gợi ra những ý tưởng mới cho những gì các bạn có thể làm sau khi trở về với đời thường?

Và mỗi người các bạn chẳng phải là một cuốn sách phong phú về cuộc đời, trường đời hay sao? Thay vì dành thời gian cho thù hận và hủy hoại lẫn nhau, các bạn có thể chia sẻ với nhau những điều hữu ích.

Ai ở đây biết một ngoại ngữ nào đó, người ấy thực sự là một kho báu. Hãy dạy nó cho các bạn cùng phòng của mình, mỗi ngày vài từ, vài câu thôi nhưng chính vài từ, vài câu ấy các bạn có thể quy đổi ra hy vọng đấy các bạn ạ.

Ai đó trong số các bạn biết một kỹ năng hữu ích cho cuộc sống (tôi biết nhiều bạn rất khéo tay) hãy chia sẻ nó với những người khác, bởi vì biết đâu đấy, mai này họ sẽ cần đến chúng, biết đâu đấy sau này kỹ năng đó sẽ trở thành phương tiện kiếm sống lương thiện của họ?

Hãy khám phá những kho báu mà các bạn có trong chính con người mình và chia sẻ nó với những người cùng cảnh ngộ để tất cả cùng hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Chẳng phải cách ứng xử ấm áp mà con người dành cho nhau khiến cuộc sống của chúng ta trên đời này đáng sống hơn ư?".

Thích sống - Kỳ 4: Còn thở là còn hy vọng - Ảnh 2.

Phạm nhân về buồng giam với tự truyện Không gục ngã của Nguyễn Bích Lan - Ảnh: N.B.L.

2. Tôi nói gần như một mạch, chỉ dừng lại một chút khi cảm xúc của chính mình dâng trào. Ngay tại thời khắc đó không phải bộ não mà trái tim tôi đã cất lên tiếng nói.

Những người đàn ông đang khóc. Trong đời mình tôi chưa bao giờ thấy cảnh đó, chưa bao giờ tôi thấy nhiều người đàn ông cùng khóc như thế.

"Tôi là đàn ông, tôi không khóc bao giờ. Nhưng nghe chuyện cuộc đời chị tôi đã khóc! Tôi hỏi bản thân mình: Tại sao mình lại làm cho gia đình mình buồn?", một người đàn ông tóc bạc nói.

Lâu lâu tôi lại nhận được tin nhắn của một người mới được ra tù. Họ nói đã đọc tự truyện Không gục ngã của tôi khi còn đang chịu án. Họ đơn giản chỉ muốn chào tôi một tiếng và báo cho tôi biết mình đã trở về với cuộc sống bình thường.

Một người tù trở về với cuộc sống bình thường.

Đúng vậy, cuộc sống bình thường là diễm phúc đủ nhiều.

Khi ta nghĩ tới những điều tích cực, làm những điều tích cực, tinh thần ta được nuôi dưỡng, và cảm giác chán nản sẽ bớt đi, cảm giác phấn khởi và hy vọng sẽ tăng lên. Cứ thế từng ngày từng ngày, thời gian trôi đi, rồi sẽ đến lúc những cánh cửa kia mở ra, và các bạn sẽ trở về với cuộc sống bình thường.

----------------------

Đôi khi muốn chấp nhận một điều tưởng chừng không thể chấp nhận nổi, bạn phải làm việc với bản thân để trả lời câu hỏi tại sao điều đó lại xảy ra với mình?

Kỳ tới: Trong thách thức luôn có cơ hội

Thích sống - Kỳ 4: Còn thở là còn hy vọng - Ảnh 3.Thích sống - Kỳ 3: Người lớn mắc nợ trẻ em nhiều lắm

Năm 2020, sau hơn 20 năm cặm cụi dịch sách cho người lớn, tôi quyết định dành vài năm dịch sách thiếu nhi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên