
Cuốn Cây cam ngọt của tôi được cả trẻ em lẫn người lớn thích đọc - Ảnh: N.B.L.
Lý do tôi làm thế bởi tôi cảm thấy người lớn chúng ta, trong xã hội này, ở thời buổi này, nợ những đứa trẻ quanh mình nhiều quá.
1.
Chúng ta nợ con trẻ những công viên cây xanh ở thành phố, môi trường trong lành, yên tĩnh ở nông thôn.
Nợ con trẻ thời gian ở bên chúng. Nợ con trẻ những giờ chúng được vui chơi tự do, an toàn, thỏa thích. Và nhiều thứ khác nữa.
Tôi từng có tuổi thơ gần gũi thiên nhiên. Ngoài khu vườn quanh nhà, tôi có những cánh đồng rộng mênh mông trong làng để khám phá thế giới tự nhiên, từ những loài cây cỏ đến các loại côn trùng sống cộng sinh trong một hệ sinh thái phong phú.
Thiên nhiên giúp tôi phát triển các giác quan, kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng. Thiên nhiên mang đến cho tôi những khái niệm đầu tiên về sự mát lành, trong trẻo cũng như sự dữ dội và sức mạnh vô song, sự bí ẩn khôn cùng.
Thiên nhiên là người thầy đầu tiên chỉ tôi biết về sự nhỏ bé con người trong vũ trụ, qua đó dạy tôi những bài học về sự khiêm nhường.
Những năm đầu đời của tôi, việc chơi luôn trội hơn học.
Bạn thử tưởng tượng xem, nếu tuổi thơ của tôi bị nhồi đầy việc học căng thẳng hoặc rặt những thứ mang tính nhân tạo lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, và khi tôi vừa mới bước vào tuổi mới lớn, số phận lại xếp vào đời tôi một căn bệnh nan y thì thế giới tinh thần và tâm hồn tôi sẽ như thế nào?
Nhờ có tuổi thơ từng biết đến hương vị hạnh phúc, sự tự do vui chơi mà tôi có sẵn lòng yêu đời để "rót" cho chính mình trong hoàn cảnh đầy thách thức như người ta rót dầu cho ngọn đèn sắp hết nhiên liệu.
2.
Bây giờ đa số trẻ em được nếm mùi "stress" từ tấm bé. Càng ngày tôi càng thấy con trẻ của chúng ta bị chất lên tuổi thơ những gánh nặng ngộp thở của việc học, thi cử, điểm số và danh hiệu.
Thay vì được vui chơi cùng nhau để được biết và hiểu nhau, con trẻ giờ phải cạnh tranh với nhau, "chọi" nhau trên thang điểm. Đó không phải là cách phát triển đáng lựa chọn cho đoạn đầu đời một con người.
Trong lần tôi giao lưu tại một trường tiểu học ở Hà Nội, một em bé lớp 2 đã hỏi tôi: "Cô ơi, tại sao chúng con chỉ được nghỉ hai ngày một tuần?
Con muốn được chơi sáu ngày cơ!". Tôi nhìn đứa trẻ vừa ngáp vì ngái ngủ vừa đặt câu hỏi, và tự nhủ ừ tại sao với trẻ nhỏ như thế này không phải là một tuần sáu ngày chơi, hai ngày học nhỉ?
Nhưng những đứa trẻ có gì để chơi khi xung quanh chúng là những khối bê tông khép kín?
Thời này thứ gì để trẻ con chơi dễ tiếp cận và nhàn cho người lớn hơn là chiếc điện thoại thông minh?
Với trẻ con, thứ mà cha mẹ thích chơi hơn cả chơi với con mình ấy, đương nhiên thật hấp dẫn. May còn có một thứ khác đáng để thử. Đó là sách. Nhưng để trẻ con thích đọc sách chẳng dễ chút nào.
Trước hết, bạn phải có những cuốn sách thực sự được viết, dịch ra vì trẻ em, cho trẻ em, không phải để phục vụ nhu cầu nhồi nhét các bài học giáo điều hay các dụng ý tuyên truyền quá sức hiểu của trẻ.
Nếu muốn thu hút trẻ, bạn phải tìm đứa trẻ trong bạn để cùng chơi, và tương tác với trẻ chứ không phải tìm một người lớn trong một đứa trẻ để hiểu các thông điệp của bạn.
Chúng ta không thiếu sách cho trẻ em, nhưng vẫn chưa đủ sách hay cho độc giả này. Bởi vì văn học trong nước chưa có nhiều cuốn sách thực sự hay cho trẻ em, các dịch giả có kinh nghiệm phải tìm tòi và góp sức mình.
Trong 3 năm tập trung dịch sách văn học cho thiếu nhi tôi đã cho ra đời 9 cuốn sách dịch dành cho các bé tuổi từ mẫu giáo lớn tới tuổi dậy thì. Thật mừng vì cuốn sách nào tôi dịch cho thiếu nhi cũng được các bạn nhỏ yêu thích, được tái bản nhiều lần.
Tôi đã dịch một nửa di sản truyện cổ Andersen từ bản tiếng Anh đồ sộ The Complete Fairy Tales Of Hans Christian Andersen (Truyện cổ Andersen toàn tập). Bản dịch của tôi được Công ty văn hóa Nhã Nam ấn hành dày tới hơn 600 trang.
Tôi hãnh diện là bởi khi tôi còn bé, Andersen là tác giả viết cho thiếu nhi mà tôi yêu thích nhất. Dĩ nhiên các truyện của ông đã được dịch sang tiếng Việt từ lâu, nhưng có lẽ dự án dịch mà tôi tham gia cho phép độc giả Việt lần đầu được tiếp cận di sản truyện cổ Andersen trong một ấn bản không bị cắt xén hoặc giản lược.

Bích Lan tại một buổi giao lưu sách dịch của cô - Ảnh: tư liệu của tác giả
3.
Nếu bạn hỏi cuốn sách nào tôi dịch được nhiều người đọc nhất, thì tôi sẽ trả lời rằng đó là cuốn Cây cam ngọt của tôi.
Đó là tác phẩm của nhà văn nổi tiếng người Brazil José Mauro de Vasconcelos, kể về thời thơ ấu của chính tác giả theo cách tiểu thuyết hóa với những thông điệp về tầm quan trọng của tình yêu thương dành cho con trẻ.
Bản dịch Cây cam ngọt của tôi ra mắt bạn đọc Việt Nam vào năm 2020 và trở thành hiện tượng xuất bản vì luôn đứng trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất.
Trong hơn ba năm đã có tới gần 200.000 bản Cây cam ngọt của tôi được bán ra - là cuốn sách đứng đầu về lượng tiêu thụ trong năm 2023 trên toàn thị trường xuất bản của Việt Nam. Ở đất nước có tỉ lệ người đọc sách còn thấp như nước ta, nhất là trong giai đoạn thị trường sách chịu ảnh hưởng của dịch bệnh
Covid kéo theo suy thoái kinh tế, đó là thành công đáng kinh ngạc. Khi dịch cuốn sách này, tôi biết là nó sẽ được yêu thích, nhưng tôi không hình dung nổi lại được độc giả đón nhận nhiệt thành đến thế.
Tôi cũng không đoán được rằng cuốn sách dán nhãn là "sách cho thiếu nhi" lại thu hút nhiều người lớn cùng đọc. Gần như trong các gia đình, nếu các con đọc cuốn Cây cam ngọt của tôi thì các mẹ cũng đọc nó, và ngược lại.
Tôi cũng không thể ngờ khi cuốn Cây cam ngọt của tôi được xuất bản là trong số độc giả sách lại có nhiều người từng bị cha mẹ và người thân đánh đập đến thế, và còn có nhiều hơn những người từng trải qua cảm giác đau khổ vì không được người lớn xung quanh mình thấu hiểu.
Dường như bóng đen bạo lực gia đình, hố sâu ngăn cách giữa cha mẹ và con cái, nỗi đau khổ của các nạn nhân lần lượt được bạn đọc gọi tên chính xác nhờ sự khích lệ từ câu chuyện đầy cảm động của cậu bé Zezé.
"Ngày bé em cũng bị bố đánh tóe máu nhiều lần. Thế nên khi đọc những trang Zezé bị đánh đòn em không cầm được nước mắt", một độc giả 40 tuổi nhắn tin cho tôi.
Chú Hoàng Điệp, độc giả của tôi ở Hà Nội, trong một buổi giao lưu với tôi đã nói: "Chú có năm đứa cháu.
Ba đứa đầu hễ nghịch ngợm là chú đánh mắng, nhưng sau khi chú đọc Cây cam ngọt, hai đứa sau không bị đánh lần nào. Ông cháu gần gũi nhau hơn trước nhiều".
Tôi cũng không ngờ có rất nhiều cha mẹ đang mắc kẹt bởi chính cách hành xử của mình đối với con cái đã tình cờ hoặc chủ động đọc cuốn sách do tôi dịch.
Một người mẹ đọc xong cuốn sách liền nhắn tin cho tôi: "Đọc cuốn Cây cam ngọt của tôi em khóc hu hu. Con trai em là đứa trẻ nghịch ngợm. Những lúc nóng giận, không kiềm chế được em đã đánh con.
Em đánh con rất nhiều lần. Đọc câu chuyện của Zezé em thương con, em thương bản thân mình quá. Từ nay mỗi khi nóng giận em sẽ cố gắng kiểm soát bản thân, không đánh con nữa".
Là người đã tiếp xúc với văn học từ bé, tôi tin rằng những tác phẩm văn chương khơi dậy tình yêu thương như Cây cam ngọt của tôi thực sự rất cần cho cuộc đời này.
Bởi thế, mỗi khi trong vòng tròn bạn hữu hoặc các độc giả của mình có ai đó bức xúc vì con trẻ, tôi lại giới thiệu cuốn sách về cậu bé Zezé.
Theo tôi, không chỉ là tác phẩm văn chương đáng đọc, nó còn là một trong những cuốn sách bổ ích đối với việc làm cha mẹ, về tình yêu thương và sự thấu hiểu mà đứa trẻ cần, nhất là những đứa trẻ nhạy cảm.
Tôi tin rằng nếu bạn không biết phải làm gì cho cuộc đời này thì bạn có thể bắt đầu bằng việc làm vui cho những đứa trẻ.
Mọi gánh nặng chất lên con trẻ từ khi chúng còn quá nhỏ đều sẽ là những gánh nặng chất lên tương lai của xã hội chúng ta, khiến nó bấp bênh, bất ổn về nhiều mặt.
----------------------
Cuối năm 2019, tôi cùng vợ chồng người bạn thân là bác sĩ quân y tới thăm một trại giam cách Hà Nội gần 100km. Mục đích chính của chúng tôi là tặng sách cho trại giam.
Kỳ tới: Chúng ta còn thở là còn cơ hội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận