
Tác giả ký tặng sách Thích sống cho bạn đọc - Ảnh: N.B.L.
1. Tôi có cảm giác rằng dường như sau khi đọc cuốn Không gục ngã, gấp sách lại, độc giả nào cũng muốn gặp tôi một lần trong đời thực.
Có người muốn gặp tôi để chia sẻ những cảm xúc của họ khi họ đọc về một cuộc đời khiến họ xúc động và nể phục. Có người đơn giản muốn gặp để xem ngoài đời có một "Nguyễn Bích Lan" bằng xương bằng thịt thật hay không. Có người muốn đến thăm gia đình tôi để gặp "người mẹ anh hùng" của tôi, như họ tuyên bố lý do.
Thật thuận tiện bởi gia đình tôi đã chuyển tới sống tại một căn hộ chung cư hiện đại, rộng rãi hơn, và gần như tuần nào tôi cũng dành một buổi cuối tuần để tiếp chuyện các độc giả của mình.
Suốt hơn một thập kỷ, các cuộc gặp gỡ như thế cứ nối tiếp nhau và có lẽ không bao giờ hết, bởi vì tôi luôn có thêm các độc giả mới, trong khi không ít "người cũ" đã từ vị trí độc giả đơn thuần trở thành bạn thực sự của tôi, của gia đình tôi từ lúc nào.
Tôi có thể làm công việc mà mình say mê quanh năm suốt tháng không cần ngày nghỉ. Nhưng tôi cũng có thể dành cho ai đó cả một buổi chỉ để lắng nghe những lời tâm sự.
Một buổi sáng của năm 2016, tôi nhận được tin nhắn từ một độc giả mà tôi coi như một người anh của mình.
"Anh đã xin vụng của em một bài thơ trong tập Ru để tặng vào tường FB của một người bạn thân. Bạn này bị "say" luôn, đến lúc anh tặng Không gục ngã bằng sách thì bạn ấy lại giống anh: Hâm mộ em...". Anh muốn tôi dành chút thì giờ để gặp người bạn đó của anh. "Để anh kể sơ sơ về bạn anh cho em biết nhé...", anh nhắn thêm. Và rồi câu chuyện anh kể làm chao đảo cả buổi sáng của tôi.
Vào một ngày tháng mười một của năm 2011, trong một ngôi nhà ba tầng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, người mẹ dậy sớm nấu bữa sáng cho chồng và hai đứa con như mọi ngày.
Chị bật công tắc điện và một tiếng nổ khủng khiếp vang lên đúng lúc chồng chị đang bước xuống cầu thang. Cả hai anh chị đều bất tỉnh. Lúc đó họ không hề biết rằng bình gas trong bếp bị rò rỉ từ bao giờ và phát nổ khi chị bật công tắc điện.
Họ được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Xanh-Pôn. Cả hai đều bị bỏng khá nặng và bị sốc. Ngay khi tỉnh lại, họ hỏi về các con của mình. Người thân nói với họ rằng các cháu bị thương, chưa thể gặp bố mẹ ngay được.
Anh chị đâu ngờ ngôi nhà ba tầng của họ bị sập hoàn toàn và lực lượng cứu hộ, gồm cả bộ đội đang chạy đua với thời gian, tập trung hết sức lực và phương tiện để tìm hai con của họ trong đống đổ nát.
Sáu giờ liên tục lực lượng cứu hộ làm việc không ngừng nghỉ. Hàng trăm người nín thở theo dõi và cầu nguyện cho sự sống của hai cháu. Nhưng phép màu đã không xảy ra. Cả hai con của anh chị, bé gái lớn 14 tuổi và bé trai 7 tuổi đã vĩnh viễn ra đi!
2. Câu chuyện bạn kể khiến tôi choáng váng. Tôi "Google" đọc những bài báo đưa tin về vụ nổ khí gas đó và không dám dừng lâu trước hình ảnh cả lớp con gái của anh chị mặc đồng phục quần đen áo trắng, đeo băng tang xếp thành hàng, khóc nghẹn tiễn đưa người bạn học giỏi, dễ mến của mình. Tôi không dám nhìn di ảnh của các con anh chị.
Khi việc hậu sự của hai cháu được lo xong đâu đấy, khi sức khỏe của anh chị đã dần ổn định, bạn bè và người thân của họ phải làm cái việc khó nhất trên đời: Thông báo cho anh chị biết các con họ không còn nữa.
"... Không một loại từ ngữ nào diễn tả nổi... và không ai dám tưởng tượng vợ chồng bạn ấy sẽ đứng lên và đi tiếp như thế nào... không ai biết phải an ủi câu gì nữa...", bạn tôi kể tiếp chuyện bằng những dòng tin nhắn với những dấu ba chấm mà mỗi dấu như một tiếng nghẹn ngào.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy sợ cuộc gặp gỡ mà anh bạn tôi đang muốn thu xếp. Tôi sợ phải đối diện với nỗi đau khôn cùng ấy. Nhưng đồng thời tôi cũng có một mong muốn tha thiết được chia sẻ bớt nỗi đau đó cùng anh chị. Cuối cùng tôi đồng ý gặp bạn của anh.
Hóa ra người ấy nào có ở đâu xa! Sau biến cố đó anh chị chuyển đến ở cùng dưới một mái nhà với tôi: ý tôi là chúng tôi ở cùng một tòa nhà chung cư, nhưng khác tầng.
Gần như ngay sau khi tôi đồng ý, anh xuất hiện trước mặt tôi. Một người đàn ông hơn tôi vài tuổi, cao lớn, có gương mặt sáng, toát lên vẻ hiền lành rất dễ mến.
Tôi cất tiếng chào, nhìn quanh vài giây, và rồi lấy hết can đảm nhìn vào đôi mắt anh. Tôi không biết mình đã nhìn thấy gì trong đôi mắt anh lúc ấy, để rồi về sau tôi viết bài thơ này, gửi tặng anh chị:
Chúng ta ở đây phút này đang còn thở
Để biết nỗi đau đã hóa thành ta một phần không lìa bỏ
Nhưng chúng ta ở đây cũng đồng thời chứng tỏ
Bản thân ta giàu sức mạnh hồi sinh
Và tương lai luôn có chỗ cho mình
Cũng như cho những con người can đảm
dám đối diện thay vì chán nản
xắn tay làm chứ không đợi ban ơn
biết mỉm cười thay vì chỉ thở than
kiên nhẫn đi tìm cánh cửa mình cần mở
không hắt hủi cuộc đời kể cả những nỗi đau
lựa chọn sống thế nào hơn là sống bao lâu
Chúng ta ở đây phút này đang còn thở...

Người cha (đứng cạnh tác giả) đã vượt qua nỗi đau mất con sau vụ nổ bình gas, để đến thăm Bích Lan và cho cô xem bài thơ cô tặng đã được viết thư pháp - Ảnh: N.B.L.
3. Vài ngày sau, vào một buổi tối, tôi lên thăm nhà anh chị. Một căn hộ rộng rãi, có cha mẹ già ở cùng với họ.
Và thật kỳ diệu, tạo hóa đã lại cho anh chị được làm bố mẹ dù tuổi không còn trẻ. Khoai, bé trai kháu khỉnh, đang chơi trên sàn nhà bi bô chào tôi khi được bố mẹ khích lệ, trong khi bé Sắn mới chập chững tập đi, tròn mắt nhìn tôi.
Tôi có thể cảm nhận được rất rõ niềm vui sống đã hồi sinh trong gia đình của anh chị qua cách anh chị vừa đi làm việc chính ở cơ quan, vừa chăm sóc cha mẹ già, chăm con nhỏ, vừa tranh thủ thời gian nhập thực phẩm từ các nguồn sạch cung cấp cho dân trong khu chung cư để kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Cho đến khi thấy nụ cười trên gương mặt còn in những vết sẹo của anh chị, tôi mới dám đưa mắt tìm kiếm trên bàn thờ di ảnh của hai đứa con đã khuất của họ.
Làm bạn với anh chị, tôi thực sự biết con người ta khi đã trụ được qua những đớn đau tưởng chừng không thể vượt qua nổi sẽ sống mạnh mẽ và yêu cuộc sống đến nhường nào.
Bận đến mức không thể bận hơn, nhưng năm nào anh cũng cùng những người bạn góp công, góp của xây một trường học cho trẻ vùng cao.
Anh chị đã sống đúng như lời anh đã nói khi anh cảm ơn tất cả mọi người đã đứng bên anh chị trong cơn bão tố của số phận, rằng anh chị sẽ vượt lên định mệnh, sống tốt hơn và góp phần nhỏ bé xây dựng một xã hội đầy tình nhân ái.
Quan sát cách anh chị đối xử với nhau, tôi thấy sợi dây bền chặt nhất gắn kết họ giờ đây chính là tình yêu đích thực - tình yêu đã vượt qua cuộc thử thách khắt khe của số phận.
Đó là tình yêu đi liền với tình thương và sự trân quý. Đó là điều vô cùng quý giá họ tìm được trong nhau, trong cuộc sống sau mất mát lớn lao.
Giờ đây anh đã nghỉ làm cơ quan để chung sức với chị đồng hành cùng những trẻ em chậm phát triển. Anh say mê với việc sáng tạo ra các học liệu phù hợp từng bé, trong khi chị trực tiếp dạy và nghiên cứu các phương pháp giúp ích cho trẻ gặp khó khăn về phát triển. Cuộc sống của họ bận rộn và ý nghĩa.
Cách anh chị sống với hiện tại gieo cho tôi niềm tin về khả năng hồi sinh của tâm hồn nhờ tình yêu thương và lòng can đảm...
Mới đây, khi tôi viết về khả năng hồi sinh sau mất mát, một người mẹ vừa mới mất đứa con trai 17 tuổi đã nhắn tin cho tôi: "Biết đến bao giờ chị mới có cơ hội hồi sinh em ơi?".
Tôi trả lời chị: "Con trai mong chị dần dần vui trở lại. Cũng như chúng ta mong con trên thiên đường được hạnh phúc đó chị". Tận đáy lòng tôi mong như vậy cho tất cả những ai đã từng trải qua mất mát lớn lao trong cuộc đời này.
---------------------------------
Chúng ta nợ con trẻ những công viên cây xanh ở thành phố, môi trường trong lành, yên tĩnh ở nông thôn. Nợ con trẻ thời gian ở bên chúng. Nợ con trẻ những giờ chúng được vui chơi tự do, an toàn, thỏa thích. Và nhiều thứ khác nữa.
Kỳ tới: Chúng ta nợ trẻ em và "cây cam ngọt của tôi"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận