Đại tá Trần Quang Tuấn (thứ nhất từ trái sang) - phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - quan sát, kiểm tra hoạt động của thuyền trên vùng biển giáp ranh nước bạn Campuchia - Ảnh: DUY KHÁNH
Theo chân đoàn kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vùng biển Tây Nam và đặc biệt là kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 trên biển do đại tá Trần Quang Tuấn - phó tham mưu trưởng quân huấn Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - dẫn đầu, chúng tôi mới cảm nhận được những khó khăn, gian khổ mà những người lính phải trải qua khi thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển lịch sử giữa nước ta và Campuchia khi đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở các nước trong khu vực.
Theo Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, vùng biển giữa Việt Nam và Campuchia có diện tích hẹp, có những điểm từ bên kia biên giới về đảo Phú Quốc (Kiên Giang) rất gần.
Nếu người nhập cảnh trái phép sử dụng phương tiện nhỏ, vận tốc lớn, đi vào những thời điểm đêm tối, xâm nhập các khu vực không có dân sinh sống, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng của ta.
Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 tuần tra ngăn chặn người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Phú Quốc - Video: DUY KHÁNH
Bên cạnh đó, do đặc điểm của vùng nước lịch sử, ngư dân hai nước có quyền đánh bắt hợp pháp nên các phương tiện tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép dễ trà trộn với tàu đánh cá của ngư dân, khi có điều kiện sẽ xâm nhập trái phép vào đảo.
Cả tháng chưa lên bờ!
Xuồng cao tốc 621 của Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 xuất phát từ mũi Gành Dầu (xã Gành Dầu, thành phố Phú Quốc) rẽ sóng về hướng Tây Bắc đưa chúng tôi nhằm hướng tàu CSB 3002 đang làm nhiệm vụ ở vị trí giáp vùng biển lịch sử có nhiều tàu thuyền của ngư dân 2 nước đang đánh bắt hải sản.
Bắt đầu mùa biển động, những đợt sóng biển tung bọt trắng xóa tràn lên, chiếc xuồng lướt sóng dữ tiến đến mục tiêu đã xác định.
Tàu CSB 3002 đang làm nhiệm vụ ngăn chặn người nhập cảnh trái phép từ bên kia biên giới vào Phú Quốc - Ảnh: DUY KHÁNH
Các chiến sĩ ở Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 ngồi bàn kế hoạch canh giữ và ngăn chặn người nhập cảnh trái phép vào Phú Quốc, Kiên Giang - Ảnh: DUY KHÁNH
Vì nhiệm vụ, những người lính trẻ trên tàu CSB 3002 túc trực ngoài khơi đã hơn 1 tháng - Ảnh: DUY KHÁNH
Sau gần 30 phút, xuồng cập mạn tàu CSB 3002. Toàn bộ thủy thủ tàu quân phục chỉnh tề đứng trên boong đón đoàn kiểm tra. Các hoạt động sau đó diễn ra nhanh chóng, nề nếp như tác phong vốn có của người lính.
Thượng úy Lê Thế Bằng - thuyền trưởng tàu CSB 3002 - thay mặt cán bộ chiến sĩ trên tàu báo cáo đoàn kiểm tra những kết quả hoạt động nhiệm vụ của tàu trong thời gian qua.
Thượng úy Bằng cho biết trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19 này, nhiều cán bộ chiến sĩ trên tàu cả tháng chưa được lên bờ. Cũng theo thuyền trưởng Bằng, từ ngày 26 đến 29-4, tàu đã phát hiện bắt giữ 3 vụ, 5 phương tiện với 12 người xâm nhập trái phép, bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.
"Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như thế này, chúng tôi luôn động viên nhau vượt qua khó khăn để giữ an toàn cho Phú Quốc nói riêng và cả nước nói chung", thượng úy Bằng chia sẻ.
Chỉ huy tàu CSB 3002 báo cáo tình hình với đoàn kiểm tra - Ảnh: DUY KHÁNH
Trên bờ vui lắm phải không anh?
Đứng trên boong tàu giữa trời nắng, trung úy chuyên nghiệp Lương Văn Phong cầm chắc ống nhòm theo dõi mọi hoạt động của những tàu thuyền qua lại. Quê ở Thanh Hóa, chưa lập gia đình nên đối với trung úy Phong tàu chính là nhà.
Ngày nào cũng vậy, trung úy Phong đứng hiên ngang trên boong, dõi mắt dò tìm những tàu thuyền khả nghi giữa biển khơi mênh mông để không cho bất cứ phương tiện nào đưa người nhập cảnh trái phép từ bên kia biên giới.
"Tàu hoạt động cách bờ không xa, nhìn vào bờ nơi có công trình 'thành phố không ngủ' vừa khai trương với những ánh đèn đủ màu sắc, những âm thanh vui nhộn, nhất là qua báo đài chúng tôi biết mấy ngày nghỉ lễ du khách chọn Phú Quốc nghỉ dưỡng, chúng tôi càng tự hào vì mình đã góp phần giữ cho đảo Phú Quốc được an toàn để du khách an tâm. Chắc là trên bờ đang vui lắm phải không anh?", trung úy Phong trầm ngâm.
Sau hơn 1 giờ kiểm tra hoạt động của tàu, thay mặt đoàn kiểm tra, đại tá Trần Quang Tuấn đánh giá cao những kết quả mà cán bộ chiến sĩ đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ngăn chặn người nhập cảnh trái phép từ bên kia biên giới bằng đường biển.
"Phú Quốc đang là điểm đến hàng đầu thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Lực lượng cảnh sát biển chúng ta là lực lượng trấn thủ vòng đầu tiên chống lại mọi sự xâm nhập bất hợp pháp nên nếu chúng ta để người nhiễm COVID-19 xâm nhập bằng đường biển vào Phú Quốc không chỉ là chưa hoàn thành nhiệm vụ mà còn có tội rất lớn với nhân dân", đại tá Tuấn giải thích với các chiến sĩ.
Cùng biên giới chống dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó có các nước giáp Việt Nam. Lực lượng bảo vệ biên giới, ngăn chặn những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang túc trực 24/24 giờ, nỗ lực hết mình trong nhiều khó khăn.
Báo Tuổi Trẻ sẽ hỗ trợ khẩn cấp trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch tuyến biên giới. Đặc biệt, chương trình sẽ hỗ trợ những cư dân ở biên giới có hoàn cảnh khó khăn đang hỗ trợ lực lượng chức năng vùng biên cùng phòng chống dịch COVID-19.
Bạn đọc ủng hộ chương trình "Cùng biên giới chống dịch COVID-19" có thể ủng hộ kinh phí hoặc các sản phẩm thiết yếu (trang thiết bị y tế phòng chống dịch: khẩu trang, nước sát khuẩn; nhu yếu phẩm, thực phẩm...), trang thiết bị hỗ trợ tuần tra (chăn, màn; lều trại di động; đèn soi sáng...) cho chương trình. Quà tặng, kinh phí ủng hộ chương trình, các công ty, đơn vị và bạn đọc có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực.
Ngoài ra, có thể chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung chuyển tiền: "Cùng biên giới chống dịch COVID-19". Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về chủ tài khoản báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận