08/07/2021 08:37 GMT+7

Phòng dịch trên dòng Mekong

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - 'Hay là anh chị với mấy cháu cho ghe chạy đến nhà tôi, cũng gần đây thôi... Ở chỗ tôi không có thịt thà, nhưng gạo mắm thì không thiếu, tôi chia sẻ lại cho anh chị với mấy cháu sống qua ngày', anh Thia mời.

Phòng dịch trên dòng Mekong - Ảnh 1.

Lực lượng liên ngành kiểm dịch, khử trùng tàu buôn ở đoạn biên giới giáp Campuchia trên sông Mekong - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Giữa lúc lực lượng bảo vệ biên giới trên bộ căng sức ngăn nguồn lây dịch bệnh từ người nhập biên trái phép, vấn đề nóng này cũng đang được nỗ lực kiểm soát chặt trên sông Mekong…

Chúng tôi không rời mắt, nên không có chuyến vượt biên trái phép nào lọt qua cửa khẩu trên sông ở đây cả.

Trung úy Huỳnh Thanh Nhựt

Ánh đèn lập lòe từ chiếc máy ghe cũ kỹ. Màn đêm phủ lớp đen che khuất những chiếc ghe đang chạy nép vào dải bờ đất nhấp nhô của hữu ngạn Mekong. Phía đường chân trời dựng lên một dải sáng khiến người đi xa nao lòng: "Việt Nam kìa! Sắp tới rồi!".

Xuôi dòng Mekong sang Việt Nam

Cơn gió lạnh từ hướng thượng nguồn như muốn thổi những dòng người chạy nhanh hơn về phía ánh sáng đường biên. Người thạo đường nói lớn: "Vậy là tới Lét Đét ("Lét Đét" - huyện Leuk Daek, tỉnh Kandal, Campuchia) rồi. Còn một đoạn nữa sẽ vào Việt Nam".

Dòng Mekong chảy đến Phnom Penh chia làm 3 nhánh: nhánh sông Tonle Sap chạy ngược lên hướng tây bắc qua Kampong Chhang đến Biển Hồ; dòng Bassac chạy ngoằn ngoèo vào hướng Nam qua Long Bình, Châu Đốc thành sông Hậu; dòng chính chảy qua Nuek Luong vào Tân Châu - Hồng Ngự thành sông Tiền. 

Chính vì sông liền sông như vậy nên dọc dài lịch sử người Việt, người Khmer ở hai nước vẫn ngược xuôi qua lại giao lưu, làm ăn. Với họ, dòng Mekong được trời sinh ra để tạo kế sinh cơ, để chài lưới, nuôi nấng hy vọng ngày mai mỗi khi cảnh đời thắt ngặt...

Tuy nhiên, khi dịch giã hoành hành nguy hiểm, tình hình đã phải khác đi. Sau ba ngày đêm ròng rã trên chiếc ghe cũ được che bằng những tấm cao su rách, anh Nguyễn Văn Phương cũng đưa được vợ và 4 con nhỏ từ Biển Hồ (tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia) đến được nơi nhìn thấy ánh đèn phía quê hương cha sinh mẹ đẻ. Chị Lê Thị Mừng, vợ anh Phương, ôm chặt đứa con nhỏ mới đi lẫm chẫm, vừa mừng vừa lo...

Đến địa phận huyện Leuk Daek, họ đã được gọi lại bằng giọng Việt thân thuộc: "Khuya rồi, anh chị đưa mấy cháu đi đâu đây? Lúc này dịch bệnh, không qua quê hương Việt Nam được đâu". 

Anh Lý Văn Thia, công tác tại Hội Khmer - Việt Nam ở tỉnh Kandal, cùng một chị gốc Việt khác chạy vỏ lãi cặp vào ghe của người mới đến. Anh Phương, chị Mừng giải thích rằng họ buôn bán ở Biển Hồ, muốn sang Đồng Tháp vì tình hình dịch bệnh ở Campuchia phức tạp, họ không làm ăn được. Anh Thia nói: "Biên giới đang có lực lượng kiểm dịch ngăn chặn rồi. Anh chị đi không được đâu...".

Đêm xuống càng về khuya, gió Mekong cũng bắt đầu thổi mạnh. Anh Thia cố gắng níu giữ đồng bào mình ở lại bên đây biên giới để tốt hơn cho việc kiểm soát dịch đang bùng phát ở cả hai nước. 

Anh Thia mở lời: "Hay là anh chị với mấy cháu cho ghe chạy đến nhà tôi, cũng gần đây thôi. Ở đó còn bảy gia đình đồng bào mình từ Biển Hồ xuống nhưng chưa qua được Việt Nam. Họ tá túc gần nhà tôi mấy ngày rồi. Ở chỗ tôi, nói nào ngay, không có thịt thà nhưng gạo mắm thì không thiếu. Chủ tịch Chi (ông Châu Văn Chi, chủ tịch Tổng hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia) với mấy anh sứ quán gửi xuống cho, tôi chia sẻ lại cho anh chị với mấy cháu sống qua ngày".

Nghe nói vậy, gia đình anh Phương quay đầu ghe chạy theo vỏ lãi của anh Thia, chạy ngược về hướng thượng nguồn. Anh Thia dặn họ đến nơi rồi cũng "không đi lung tung", kẻo phiền phức với chính quyền về nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hội Khmer - Việt Nam là tổ chức của người gốc Việt sinh sống tại Campuchia, có hệ thống trên khắp 25 tỉnh thành đất nước Campuchia. Mỗi gia đình rời Biển Hồ hay trên đường tìm sang Việt Nam đều được báo về Phnom Penh cho chủ tịch Châu Văn Chi.

Anh Thia và người phụ nữ đi cùng trong đêm gặp gia đình anh Phương, chị Mừng là đại diện của hội tại Leuk Daek. Trước đó, họ đã được thông báo có gia đình Việt kiều đang rời Biển Hồ theo dòng Mekong về Việt Nam. Nhiệm vụ của anh Thia là động viên, không để các gia đình này liều vượt biên trái phép. 

Bảy gia đình mà anh nhắc đến trước đó cũng đi trên bảy chiếc ghe từ Biển Hồ. Họ đến biên giới nhưng chưa sang được Việt Nam vì tình hình phòng dịch nên quay lại nhờ anh Thia cưu mang.

Phòng dịch trên dòng Mekong - Ảnh 3.

Lực lượng tuần tra biên giới trên sông Mekong của Đồn biên phòng Vĩnh Xương (An Giang) túc trực ngăn dòng người vượt biên trái phép - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Chặn dịch ở biên giới

Về phía hạ nguồn, những chiếc sà lan chở cát, tàu buôn... đang neo đậu ken đặc một khúc sông biên giới. Nguồn tin từ lực lượng biên phòng trên những chiếc tàu dân sự cho biết có đoàn từ thượng nguồn vừa qua khỏi trạm kiểm soát biên giới của Khaam Samnor (xã K’am Samnar, huyện Leuk Daek, tỉnh Kandal, Campuchia) hướng về Việt Nam.

Không lâu sau, tàu tuần tra của lực lượng chấp pháp Việt Nam tiếp cận với đoàn ghe đang lẫn trong bóng đêm xuôi dòng vượt qua biên giới. Tiếng loa phóng thanh vang lên. Các anh lính quân hàm xanh cặn kẽ giải thích tình hình dịch bệnh phức tạp nên không thể nhập biên như thế này được, nếu là công dân Việt Nam thì tuân thủ các thủ tục nhập cảnh và cách ly phòng dịch. 

Tuy nhiên, phần lớn những người gốc Việt lênh đênh trên dòng Mekong bị phát hiện đều không có giấy tờ tối thiểu nào chứng minh là công dân Việt.

Đặc biệt, có những trường hợp không nhập biên được vào Việt Nam theo quy định luật pháp, nhưng khi quay lại Campuchia cũng không thể nhập cảnh trở lại nước này. Lý do là họ cũng không có giấy tờ chứng minh là công dân hay thẻ ngoại kiều của Campuchia. Những gia đình này lại rơi vào cảnh kẹt giữa biên giới hai nước nhưng chẳng thể là người của nước nào.

Trung úy Huỳnh Thanh Nhựt, đội trưởng đội kiểm tra - giám sát biên giới (Đồn biên phòng Vĩnh Xương, An Giang), cho biết đơn vị anh rất nhiều lần phát hiện, ngăn chặn dòng người chạy xuồng ghe từ Campuchia tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Có những đoàn người khi bị lực lượng phía Việt Nam phát hiện đã quay đầu về Campuchia, để rồi sau đó lại tìm cách quay sang Việt Nam. 

"Họ hầu hết là người gốc Việt sinh sống lâu đời ở các tỉnh ven Biển Hồ, Campuchia. Có những gia đình chất trên chiếc ghe 4 thế hệ. Thế nhưng, họ không có giấy tờ chứng minh là công dân Việt Nam hay Campuchia. Đa phần họ cũng không biết chữ Việt Nam hay chữ Khmer..." - trung úy Nhựt tâm sự. Không ít gia đình này gặp khó khăn. Các anh lính biên phòng Việt Nam giúp đỡ, nhường lương thực, đồng thời ân cần vận động họ chưa được sang Việt Nam theo quy định luật pháp và phòng dịch.

Hầu hết những chuyến nhập biên trái phép trên sông Mekong diễn ra vào ban đêm, nên những người canh giữ biên giới ở đây cũng trải qua nhiều đêm thức trắng trên sóng gió sông nước vùng biên... "Chúng tôi không rời mắt, nên không có chuyến vượt biên trái phép nào lọt qua cửa khẩu trên sông ở đây cả" - trung úy Nhựt cho biết.

Dòng người từ Kampong Chhnang, Pursat, Siem Reap, Battambang... xuôi dòng Tonle Sap tìm sang Việt Nam chưa dứt, thì ngay tại thủ đô Phnom Penh, những nhà bè trên dòng sông này cũng được lệnh giải tỏa của chính quyền thành phố. Từng đoàn ghe, từng khóm bè lại tháo dây, thả theo con nước xuôi Nam…

Phòng dịch trên dòng Mekong - Ảnh 4.

Một ghe nhập biên trái phép trên sông Mekong được vận động trở lại nơi xuất phát - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Tăng cường lực lượng kiểm soát biên giới

Hôm tôi có mặt ở vùng biên giới Vĩnh Xương, Lữ đoàn 962 hải quân cũng vừa tăng cường thêm tàu chốt giữ gần khu vực cửa khẩu trên sông. Công an tỉnh An Giang cũng điều tàu tuần tra của CSGT đường thủy tiếp sức với lực lượng biên phòng canh giữ biên cương mùa dịch.

Báo Tuổi Trẻ sẵn sàng tiếp nhận ủng hộ cho các lực lượng tuyến đầu và đồng bào vùng dịch thông qua chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19", "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" và "Cùng biên giới chống dịch COVID-19" tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực. Liên hệ trực tiếp số điện thoại: (028) 39973838 hoặc anh Phan Đắc: 0913999009.

Ngoài ra, có thể chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung chuyển tiền: Ủng hộ "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19", "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" hoặc "Cùng biên giới chống dịch COVID-19". Tài khoản USD: 007.137.0195.845 - Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR: 007.114.0373.054 - Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Chương trình Chương trình 'Cùng biên giới chống dịch COVID-19' đến với cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 hải quân

TTO - Chiều 18-6, tại TP Cần Thơ, văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ vùng Tây Nam Bộ đã đến trao quà cho Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân. Quà gồm 2.000 quả trứng, 40.000 khẩu trang, 300 chai gel sát khuẩn, nước uống…

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên