Cuộc sống, sinh hoạt của người dân biên giới được yên ổn cũng nhờ "lá chắn" giữ biên giới suốt ngày đêm của lực lượng làm nhiệm vụ - Ảnh: N.TÀI
Ban ngày, 100% lực lượng chốt chặn cố định, tuần tra và mật phục. Ban đêm, các chốt cũng sáng đèn trên đất liền lẫn trên sông.
Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp vừa tăng cường thêm một chốt canh phòng chống nhập cảnh trái phép. Như vậy là có 4 chốt, mỗi chốt lại tiếp tục "phân nhánh" ra từng tổ nhỏ với phương châm một tổ "hiện hình", một tổ "ẩn mình" và một tổ cơ động tuần tra.
Tại chốt cố định, nhà được xây bằng sắt, mái tôn đi kèm một lán trại đơn sơ thường đặt trong vườn cây của nhà dân để dễ quan sát.
Vì che nắng che mưa chỉ bằng những tấm lưới cách nhiệt nên khi mưa to, chiến sĩ trực gác vội vã vào nhà dân trú mưa, nhưng mắt vẫn dán chặt vào đường biên giới.
Vườn bạch đàn - chốt canh phòng số 1 được xây dựng kiên cố nhưng nền nhà khá thấp. Mưa lớn, các chiến sĩ phải “bì bõm” trong nước
Anh Dương Hoàng Anh, trưởng chốt canh phòng số 2, cho biết việc canh gác thực hiện 24/24 giờ. Ban ngày, lực lượng chia ra thành nhiều tổ gác tại các chốt và tuần tra lưu động, làm việc xuyên suốt, chỉ thay phiên nhau ăn cơm, vệ sinh cá nhân. Ban đêm từ 21h đến 6h sáng hôm sau sẽ chia thành 4 ca, mỗi ca canh 2 tiếng.
Anh Hồ Khắc Trung, cán bộ chốt chống dịch số 1, lên chức ba từ hơn năm trước và vẫn chẳng mấy khi được về thăm vợ con. Trước khi dịch bùng phát, anh được đơn vị luân chuyển về biên giới để gần nhà, cũng tiện bề cưới vợ, sinh con.
"Dù đã về gần nhà, cũng chẳng được về nhà", anh Trung chia sẻ.
Không riêng anh Trung, hầu hết chiến sĩ làm công tác bảo vệ biên giới đều gác việc nhà, gác niềm vui riêng vì nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
Đồng Tháp có hơn 50km đường biên giáp Campuchia, riêng địa phận sông Tiền dài hơn 2km. Từ ngày dịch bùng phát, luôn có một tổ canh gác trên sông hoạt động 24/24 giờ, nhất là những ngày gần đây tình hình nhập cảnh trái phép bằng đường sông khá phức tạp.
Đại úy Nguyễn Trường Giang - phó Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước - cho biết những trường hợp nhập cảnh trái phép bất kể giờ giấc. Có những gia đình gốc Việt phải đẩy đuổi vài lần, đuổi xong họ tấp ghe gần đó rồi lại tìm cách xâm nhập tiếp.
Tại vườn bạch đàn, chốt canh phòng số 2 được dựng đơn sơ bằng lưới cách nhiệt
Một chốt canh phòng trên đường ĐT 841, chốt chặn ngay sau cửa khẩu
Đường mòn phía xa là biên giới tự nhiên với Campuchia. Lực lượng chốt chặn chọn những vị trí vừa “hiện hình” vừa “ẩn mình” để quan sát những trường hợp nhập cảnh trái phép
Mùa mưa đến, những chốt canh phòng phải chằng néo kỹ bốn góc
Chốt canh phòng số 3 ở ấp Giồng Bàng, chỉ cách đường biên giới khoảng 500m
Bên cạnh nhiệm vụ chống xâm nhập trái phép, các chốt canh phòng cũng thường xuyên tuyên truyền người dân không vượt biên sang Campuchia làm ăn
Mỗi tổ gác đêm trên sông Tiền phân công một chiến sĩ soi đèn dọc tuyến sông để phát hiện tàu nhập cảnh trái phép
Nhờ gác đêm và tuần tra xuyên suốt nên đã ngăn chặn được nhiều vụ nhập cảnh trái phép
Cùng biên giới chống dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó có các nước giáp Việt Nam. Lực lượng bảo vệ biên giới, ngăn chặn những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang túc trực 24/24 giờ, nỗ lực hết mình trong nhiều khó khăn.
Báo Tuổi Trẻ sẽ hỗ trợ khẩn cấp trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch tuyến biên giới. Đặc biệt, chương trình sẽ hỗ trợ những cư dân ở biên giới có hoàn cảnh khó khăn đang hỗ trợ lực lượng chức năng vùng biên cùng phòng chống dịch COVID-19.
Bạn đọc ủng hộ chương trình "Cùng biên giới chống dịch COVID-19" có thể ủng hộ kinh phí hoặc các sản phẩm thiết yếu (trang thiết bị y tế phòng chống dịch: khẩu trang, nước sát khuẩn; nhu yếu phẩm, thực phẩm...), trang thiết bị hỗ trợ tuần tra (chăn, màn; lều trại di động; đèn soi sáng...) cho chương trình. Quà tặng, kinh phí ủng hộ chương trình, các công ty, đơn vị và bạn đọc có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực.
Ngoài ra, có thể chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung chuyển tiền: "Cùng biên giới chống dịch COVID-19". Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về chủ tài khoản báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận