27/07/2019 10:18 GMT+7

'Thằng con trai đúng giờ quá, mai mẹ hết thuốc nay nó có mặt rồi'

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - 'Chu cha, thằng con trai đến đúng giờ quá, mai hết thuốc, hôm nay đã có mặt rồi', hai mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Thung và Nguyễn Thị Soạn nói khi thấy bác sĩ Chung.

Thằng con trai đúng giờ quá, mai mẹ hết thuốc nay nó có mặt rồi - Ảnh 1.

Mẹ Qua tuổi cao đau ốm liên tục và bác sĩ Chung thường xuyên đến nhà thăm khám sức khỏe - Ảnh: TRẦN MAI

"Mẹ hạnh phúc và vui mừng khi được quan tâm, chăm sóc sức khỏe. Nhưng đôi khi mẹ buồn bởi các con mẹ đã hi sinh cả rồi..." - bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Qua (92 tuổi, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) rưng rưng khi được cán bộ y tế huyện Bình Sơn đến tận nhà thăm khám sức khỏe và cấp thuốc.

Nỗi lòng của mẹ Qua chắp nối cho câu chuyện đầy tình nghĩa tại huyện Bình Sơn. Hơn một năm qua, gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh ở huyện Bình Sơn đón nhận sự chăm sóc bằng tất cả tấm lòng của ngành y tế huyện này.

Bác sĩ Bùi Tấn Chung - Trạm y tế xã Bình Trung (huyện Bình Sơn) - vỗ về người mẹ ấy như chính mẹ mình. Bác sĩ Chung bảo rằng những chia sẻ ấy chẳng thể làm nguôi ngoai nỗi mất mát của quá khứ, nhưng ít ra cũng khiến mẹ Qua ấm lòng.

"Gần như lần nào chúng tôi đến mẹ Qua cũng ngồi chờ. Biết bao nhiêu bù đắp cho đủ. Mình thế hệ sau cứ cố gắng từng việc nhỏ nhất, bù đắp cho sự hi sinh và mất mát của mẹ" - bác sĩ Chung trải lòng.

Bên hiên nhà nhìn ra phía ruộng lúa mới vào mùa xanh thẳm. Hòa bình hiện diện bằng cuộc sống thanh bình và mùa vụ tốt tươi. Nhưng chính trên cánh đồng ấy, hai người con của mẹ là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Anh và Nguyễn Ngọc Ánh đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc lúc vừa tròn đôi mươi.

Vùng đất Bình Trung là nơi diễn ra nhiều cuộc giao tranh ác liệt thời chiến. Những "làng đỏ" dọc các cung đường. Cả xã có đến gần 500 liệt sĩ. Thương binh, bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng còn rất nhiều. Bác sĩ Chung bảo "đây là xã anh hùng, gần như nhà nào cũng góp công cho Tổ quốc".

Chiếc xe dừng lại bên mái nhà núp dưới tán cây, nơi mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Thung đang ngồi trò chuyện với mẹ Nguyễn Thị Soạn. Cả hai đã ngoài 90 tuổi. Thấy bác sĩ Chung đến, hai mẹ nói: "Chu cha, thằng con trai đến đúng giờ quá, mai hết thuốc, hôm nay đã có mặt rồi".

Gió thốc vào trong nhà, nơi có những trang thờ chỉ có lư hương, không có lấy một di ảnh. Phía bên trên là những tấm bằng Tổ quốc ghi công treo chật kín.

Trong ngôi nhà này, điều duy nhất mẹ Thung giữ gìn cẩn thận là những kỷ vật của con. Với mẹ, đó là tài sản vô giá. "Đời mẹ chỉ có vậy" - mẹ Thung trải lòng. Kèm theo đó là tiếng thở dài của mẹ Soạn xa xăm nhìn lên ngọn núi, nơi các con của hai mẹ ngã xuống khi còn thanh xuân.

Bác sĩ Chung thăm khám cấp thuốc cho hai mẹ xong, anh xếp lại đồ đạc trong nhà. Lúc xin phép hai mẹ ra về, anh nói nhỏ với tôi: "Mình vinh hạnh được chăm sóc các mẹ. Giá mà đừng có chiến tranh thì giờ này các mẹ sum vầy với con cháu rồi".

Y tế huyện Bình Sơn như chiếc mỏ neo kết nối và giữ vững những tấm lòng của sự biết ơn và tri ân. Chẳng ai yêu cầu việc đến tận nhà chăm sóc sức khỏe gia đình chính sách, có công... Bác sĩ Võ Hùng Viễn - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn - chính là người gợi mở ý tưởng đến tận nhà chăm sóc định kỳ cho người có công và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện Bình Sơn.

"Đây là những việc làm xuất phát từ tấm lòng của chúng tôi" - bác sĩ Viễn nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tri ân thương bệnh binh và người có công Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tri ân thương bệnh binh và người có công

TTO - 500 đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc, đại diện cho hơn 12.000 thương binh nặng, hàng trăm nghìn thương binh, bệnh binh và hàng triệu người có công trên khắp mọi miền đất nước.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên