TTO - Vị Xuyên - chiến địa được những người lính vệ quốc 30 năm trước gọi là "lò vôi thế kỷ" với hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác trên các cao điểm núi đá biên giới Việt - Trung giờ đang được đồng đội dốc lòng dốc sức quy tập.

Những ngày đầu tháng 7 năm nay, phóng viên Tuổi Trẻ đã trèo lên những sườn núi đá - mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) xưa để chứng kiến việc tìm hài cốt anh em đang nằm lẫn trong đất đá, bên những quả mìn, đạn pháo...

Kỳ 1: NHỮNG MẢNH  XƯƠNG LẪN TRONG ĐÁ VÀ MÌN - Ảnh 1.
Kỳ 1: NHỮNG MẢNH  XƯƠNG LẪN TRONG ĐÁ VÀ MÌN - Ảnh 2.

TTO - "Lò vôi thế kỷ" là một tên gọi khác của anh em chiến sĩ vệ quốc đặt cho chiến địa Vị Xuyên. Dưới từng hốc đá, dưới từng hang sâu, từng hẻm núi, hài cốt anh em còn nằm lẫn với bom mìn.

Con đường lên núi đá càng lúc càng dốc đứng, không còn nhớ chỗ đặt dấu chân nữa. Thay vào đó, đôi bàn tay phải lựa thế bám vào các mấu đá nhấp nhô để đu người leo lên.

Đi Hà Giang hàng chục chuyến, leo dốc đá tai mèo là chuyện quá quen khi lên miền biên viễn này, nhưng leo trèo kiểu thế này lần đầu chúng tôi nếm trải.

Kỳ 1: NHỮNG MẢNH  XƯƠNG LẪN TRONG ĐÁ VÀ MÌN - Ảnh 3.
Kỳ 1: NHỮNG MẢNH  XƯƠNG LẪN TRONG ĐÁ VÀ MÌN - Ảnh 4.

Không biết thiếu tá Dũng nhắc câu nói ấy lần thứ bao nhiêu chúng tôi mới nghe tiếng người vang lên từ lưng chừng vách núi.

"Anh em dừng nghỉ một tí, gần đến nơi rồi", thiếu tá Dũng bảo. Nơi thiếu tá Dũng nói chính là khu vực anh em công binh và đội tìm kiếm hài cốt đang tìm kiếm liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Vị Xuyên.

Lại chăm chắm vào từng bước chân. Bởi công binh chỉ dò mìn mở được lối đi an toàn đến khu vực xác định có hài cốt liệt sĩ chứ không thể mở quá rộng.

"Khoan, khoan đã, có anh em đang lên", có tiếng vọng từ lưng chừng núi.

Trông qua tán lá rừng, một nhóm gần 20 anh em đang hè nhau dùng đòn bẫy để vần tảng đá chừng hơn tấn đang án ngữ trước miệng một hang đá.

Chúng tôi men theo một bờ đá cheo leo để tiếp cận khu vực đang dò tìm hài cốt. Những cây gỗ làm đòn bẫy được chèn nghiêng dưới tảng đá. Gần 20 người lính mồ hôi nhễ nhại hô rầm rập từng nhịp "hai, ba" "hai, ba" để đẩy tảng đá dần ra miệng vực.

Và "rầm", tảng đá hàng tấn bị bẩy văng, lăn xuống vực, để lộ ra một loạt các di vật đã bị vùi dưới nó hơn 30 năm qua.

Kỳ 1: NHỮNG MẢNH  XƯƠNG LẪN TRONG ĐÁ VÀ MÌN - Ảnh 5.

Trên một mô đá cạnh hiện trường, chúng tôi thấy một vỏ bi đông nhôm, vài mẩu vải quần áo được anh em tìm thấy tại đây, trước khi bẫy tung tảng đá.

Các thành viên nhóm công binh cẩn thận rà lại mặt bằng vừa lộ ra dưới tảng đá. Một mớ dây điện thoại thông tin lộ ra sau các vụn đá. Không kìm được xúc cảm, tôi chụp lấy sợi dây thông tin và kéo.

Chưa kịp kéo, một bàn tay cứng như gọng kìm đã chụp ngay cổ tay tôi và tiếng nói rất đanh của người đeo lon đại úy: "Khoan". Tôi chỉ kịp buông sợi dây thông tin vừa phát lộ.

Người đại úy buông tay tôi và bảo: "Quên dặn các anh, lính mình trước khi hi sinh thường buộc dây thông tin vào chốt lựu đạn. Phòng khi địch tìm thấy, nó cầm sợi dây kéo là chốt lựu đạn bung ra. Ăn thua đủ cùng nhau".

Hú vía. Vụ cầm dây kéo và lựu đạn nổ này ngay chiều hôm đó chúng tôi đã gặp một nạn nhân tương tự khi vào Nậm Ngặt.

Người kịp chặn hành động vội vã của tôi là Mạc Văn Cận. Đại úy Cận phụ trách nhóm tìm kiếm tại địa điểm này. Còn anh em công binh dò mìn và phối thuộc tại đây là một đơn vị công binh của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lao Cai tăng cường cho Hà Giang.

Như tỏ ra thông cảm với hành động của tôi lúc nãy, anh Cận bảo: "Lên đây, từng bước chân đi đường cũng phải cẩn thận, huống chi là ngay hiện trường như thế này".

Quan sát qua một chút khu vực dưới tảng đá, anh Cận bảo: "Thế nào cũng tìm thấy bom mìn và di vật chỗ này anh ạ!".

Y như rằng. Tiếng máy dò mìn reo tín hiệu. Và chỉ dùng đôi bàn tay gạt nhẹ lớp đá vụn lẫn đất, vài đầu đạn tiểu liên hiện ra, rồi một đoạn dây điện nhỏ màu xanh đỏ.

Quay lại nhắc anh em cẩn thận, một chiến sĩ công binh dùng bay khoét rộng cái hố nhỏ. Trời ơi, một quả mìn định hướng còn mới lồ lộ hiện ra. Do có lớp vỏ nhựa, loại mìn này khó được phát hiện bằng máy dò kim loại, những chân đế để dựng trái mìn vẫn vẹn nguyên.

Kỳ 1: NHỮNG MẢNH  XƯƠNG LẪN TRONG ĐÁ VÀ MÌN - Ảnh 6.
Kỳ 1: NHỮNG MẢNH  XƯƠNG LẪN TRONG ĐÁ VÀ MÌN - Ảnh 8.

Các chiến sĩ đội quy tập tiếp tục gạt nhẹ lớp đất, bật các tảng đá nhỏ cạnh đó lên để tiếp tục công việc. Một quả đạn B41 còn trong ống phóng được tìm thấy. Rồi những lớp quần áo, tăng võng hiện ra.

Sau khi tìm được ngần ấy di vật, lại một tảng đá hàng tấn chèn tiếp trước khu vực tìm kiếm thêm. Vị trí này có vẻ là một hang đá nhỏ bị pháo đánh sập trong cuộc chiến Vị Xuyên.

Đốt một nén nhang, đại úy Cận kính cẩn cắm xuống vị trí những mảnh quần áo lính vừa được tìm thấy. Chuyện tìm kiếm hài cốt vẫn có những mách bảo mang màu sắc tâm linh khó lý giải.

Mới hơn 10h trưa, anh em đã thấm mệt. Mấy hôm nay thời tiết nóng đến 40 độ C, anh em phải ra hiện trường từ lúc 5h sáng. Sau hơn 5 giờ đánh vật với những tảng đá nặng hàng tấn, không khí trên những sườn núi đá vôi như khô quánh lại.

Dù có vài cành cây xòe ra như muốn tạo thêm chút bóng mát cho anh em chiến sĩ đang tìm kiếm nhưng nắng vẫn trút lửa xuống từng tấm lưng của lính. Mồ hôi chảy từng dòng vào hốc mắt cay xè.

Vị trí hang đá anh em đang tìm kiếm hài cốt đồng đội ở đây là bình độ 400 ở sườn cao điểm 685.

Còn nhớ hồi tháng 3-2015, báo Tuổi Trẻ thực hiện chương trình "Tháng ba biên giới" ở Hà Giang, chúng tôi đã gặp những cựu binh của mặt trận Vị Xuyên từ năm 1984 đến 1989 cùng nhau về thắp hương cho đồng đội.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải, một khách mời của chương trình đứng cùng chúng tôi ở đài hương tại cao điểm 468, đưa cánh tay chỉ lên các điểm cao 685, 772, 1509 nghẹn ngào: "Nhiều, còn rất nhiều anh em đồng đội chúng tôi còn nằm trên đó. Nếu chỉ quy tập hài cốt liệt sĩ như các nơi khác thì anh em đã được về nằm bên nhau rồi.

Nhưng cả vùng này dày đặc mìn. Không thể dò tìm, quy tập được nếu không dọn dẹp hết mìn. Mà địa bàn khu vực này đâu có phải là bình địa hay đất đồi".

Kỳ 1: NHỮNG MẢNH  XƯƠNG LẪN TRONG ĐÁ VÀ MÌN - Ảnh 9.

Và khi ấy, dường như trong tất cả chúng tôi đều chung một niềm tức tưởi: Có lẽ nào cuộc tìm kiếm đưa hài cốt anh em trở về là vô vọng?

Nhưng trở lại Vị Xuyên lần này, những gì chúng tôi đang chứng kiến với anh em công binh đang dò mìn, anh em đội quy tập đang cất bốc hài cốt đồng đội mà nỗi khắc khoải ngày ấy đã được thay thế bằng những niềm hi vọng...

Kỳ 1: NHỮNG MẢNH  XƯƠNG LẪN TRONG ĐÁ VÀ MÌN - Ảnh 10.
Kỳ 1: NHỮNG MẢNH  XƯƠNG LẪN TRONG ĐÁ VÀ MÌN - Ảnh 11.
KỲ 2: Về thôi nào, đồng đội ơi… - Ảnh 1.

TTO - Buổi sáng, khi chúng tôi vừa lên tới nơi đội quy tập đóng quân, đã thấy căn phòng đầu tiên của doanh trại đơn vị được bài trí rất trang trọng. Đó là nơi dành đặt bàn thờ và hài cốt anh em được quy tập về.

Trong không gian rất đỗi thiêng liêng, với khói nhang hòa quyện, có 6 chiếc tiểu sành đựng hài cốt phủ cờ đỏ sao vàng. Do phải ra gấp hiện trường theo dõi việc tìm kiếm nên mọi người chỉ thắp vội nén nhang cho các anh.

KỲ 2: Về thôi nào, đồng đội ơi… - Ảnh 2.
KỲ 2: Về thôi nào, đồng đội ơi… - Ảnh 3.

Quá trưa, chúng tôi xuống núi rời hiện trường, nơi anh em đang tìm kiếm hài cốt đồng đội để trở lại doanh trại.Vừa về đến, đã thấy thượng tá Lương Đình Luyện, chính trị viên đội tìm kiếm, lễ mễ bưng một mâm cơm với 6 cái chén, 6 đôi đũa lên căn phòng đầu tiên dãy nhà anh em đang ở.

Sắp các món ăn lên bàn thờ, vừa so đũa gác lên các chén, thượng tá Luyện nói: "Căn phòng này dành để các liệt sĩ nằm khi đem anh em về từ núi, trước khi đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Đều đặn nhang khói mỗi ngày, đến bữa cơm vẫn cúng cơm theo phong tục người Việt.

KỲ 2: Về thôi nào, đồng đội ơi… - Ảnh 4.
KỲ 2: Về thôi nào, đồng đội ơi… - Ảnh 5.

Thượng tá Luyện cho biết tùy theo từng đợt tìm kiếm, có đợt tìm được 10 hài cốt, có đợt 6 hài cốt, có đợt tìm được thì hài cốt anh em đã lẫn vào nhau trong một hang đá bị sập nên đành quy tập thành ngôi mộ tập thể.

Kết thúc mỗi đợt đội đều thông báo cho các cựu binh đồng đội và cùng chính quyền địa phương tổ chức lễ viếng, truy điệu trọng thể khi đưa anh em về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.

Hôm chúng tôi lên, trong căn phòng này chỉ có 6 hài cốt liệt sĩ, nhưng vài hôm sau đó, khi rời Vị Xuyên anh em đã tìm thấy thêm 3 hài cốt đồng đội nữa. Cả 9 hài cốt được đưa về làm lễ trọng thể tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên đúng dịp "giỗ trận".

KỲ 2: Về thôi nào, đồng đội ơi… - Ảnh 6.

Câu chuyện về cuộc tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ trên đất Hà Giang mới thật sự trở thành "chiến dịch" từ hai năm nay, khi đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Ban chỉ huy quân sự tỉnh được thành lập.

Nhưng từ rất lâu, ngay khi chiến tranh kết thúc, những người dân trong khi đi nương bắt gặp mộ phần, hay những đồng đội bằng sự mách bảo của trí nhớ đã trở lại miền đất này để đưa những người lính đã hi sinh được về quây quần bên đồng đội.

KỲ 2: Về thôi nào, đồng đội ơi… - Ảnh 7.
KỲ 2: Về thôi nào, đồng đội ơi… - Ảnh 8.

Thiếu tá Hoàng Vũ Dũng, đội phó đội tìm kiếm, cho chúng tôi biết thông tin khởi đầu công tác tìm kiếm liệt sĩ trên địa bàn một phần căn cứ trên các tư liệu hồ sơ trận mạc còn lưu trữ, phần khác chủ yếu dựa vào thông tin của người dân và các cựu chiến binh.

Rất nhiều trường hợp liệt sĩ được người dân phát hiện trong việc đồng áng hàng ngày hoặc tin tức từ các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Hà Giang.

"Thông tin phần lớn dựa vào trí nhớ, do thời gian dài, địa hình, địa vật thay đổi nên nhiều cuộc tìm kiếm cực kỳ khó khăn. Mới đầu tháng 6 vừa rồi, có tin người dân thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy cho biết khoảng 20 năm trước, khi đi tìm kiếm phế liệu họ đã phát hiện khu vực này có cái hầm với ít nhất 3 hài cốt.

Đội tìm kiếm chúng tôi về ngay, gặp người dân dẫn ra hang, nhưng khu vực giờ đã thay đổi, miệng hang không thấy đâu. Đội đào bới, tìm kiếm cả chục ngày không thấy, lại tiếp tục thuê xe máy xúc đào bới từng mét vuông đất.

Suốt 3 ngày, hàng ngàn mét khối đất đá quanh khu vực này được xới xáo. Anh em chong mắt, sục tay bóp vụn từng nắm đất nhưng cuối cùng cũng không thấy chút dấu vết.

Biết là khó, nhưng không thể không dốc lòng. Anh em đã hi sinh mạng sống của mình, giờ mình có đổ cả tấn mồ hôi ra cũng không thể sánh bằng sự hi sinh đó" - thiếu tá Dũng trầm giọng.

KỲ 2: Về thôi nào, đồng đội ơi… - Ảnh 9.

Nhiều trường hợp có thông tin, có nhân chứng đầy đủ cũng gặp muôn vàn khó khăn. Như trường hợp liệt sĩ Vì Văn Thỏa, quê xã Mường Men, Vân Hồ, Sơn La.

Năm 1979, anh Thỏa, 19 tuổi, nhập ngũ về tiểu đoàn 10, trung đoàn 466, sư đoàn 314. Tháng 11-1980, Thỏa cùng đơn vị theo xe pháo hành quân vào huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Trên đường, xe pháo bị đổ đè lên, Thỏa hi sinh. Anh em mai táng đồng đội mình ngay bên đường.

Khi có thông tin từ thân nhân liệt sĩ và đồng đội của Thỏa năm xưa, đội tìm kiếm về Hoàng Su Phì, đúng địa điểm thông tin nơi chôn cất để tìm. Phải mất nhiều ngày, đội tìm kiếm đào xới từng tí đất đá một, nhưng mọi dấu vết đều đã mất.

Cuối cùng, một nguồn tin khác nói đúng anh hi sinh ở Hoàng Su Phì, nhưng chôn cất khu vực ngã ba Tân Quang. Lần theo thông tin này, đơn vị mở rộng phạm vi khu vực tìm kiếm mới tìm thấy...

Khi chúng tôi hỏi hành trình tìm hài cốt của 6 liệt sĩ đang được quàn ở doanh trại, thiếu tá Dũng cho biết tìm được các anh lần này cũng nhờ thông tin của đồng đội.

KỲ 2: Về thôi nào, đồng đội ơi… - Ảnh 10.

Mới hơn một tháng trước, tháng 5-2020, một đoàn cựu chiến binh sư đoàn 313 lên thăm lại trận địa. Khi qua thôn Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân (Vị Xuyên), cựu binh Nguyễn Hữu Phúc (trước đây là lái xe của sư đoàn) kể năm 1984 ông mấy lần chở xác anh em tử trận về an táng tại Hoàng Lỳ Pả.

Nếu so số lượng liệt sĩ được quy tập từ thôn Hoàng Lỳ Pả về nghĩa trang Vị Xuyên thì chưa đủ. Và ngay tại khu vực đó, cựu binh Phúc thấy vẫn còn nhiều mô đất mà theo linh cảm của ông chắc chắn nơi đây vẫn còn nhiều đồng đội.

Từ câu chuyện, thông tin của ông Phúc cùng các cựu binh sư đoàn 313 cung cấp, đội quy tập đã mở đợt tìm kiếm, và kết quả đúng như nhận định của các cựu binh. Sau một thời gian ngắn đào bới, ngày 3 và 4-6, đội đã tìm thấy 5 bộ hài cốt liệt sĩ.

Đến ngày 9-6, đội lại tìm thấy một bộ hài cốt liệt sĩ ở cao điểm 468 ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy...

KỲ 2: Về thôi nào, đồng đội ơi… - Ảnh 11.
Kỳ 3: LỜI THỀ TRÊN ĐÁ NÚI VỊ XUYÊN - Ảnh 1.

TTO - Không chỉ được mệnh danh là "lò vôi thế kỷ", miền chiến địa Vị Xuyên còn có tên gọi khác "thung lũng gọi hồn", bởi có đợt hơn 600 chiến sĩ hi sinh chỉ trong một trận đánh.

Sau bao nhiêu khắc khoải đợi chờ, cuối cùng trên những đồi đá Vị Xuyên cũng mọc lên công trình tưởng niệm những người lính đã bám trụ cùng "lò vôi thế kỷ" và "thung lũng gọi hồn".

Công trình không lớn nhưng ấm áp và gần gũi, gồm một mái tam quan, nhà bia và đền thờ. Nhìn quần thể tưởng niệm khang trang trên điểm cao 486, ít ai biết khởi đầu của nó chỉ là một cái am nhỏ bằng ximăng được dựng lên gần 10 năm trước.

Kỳ 3: LỜI THỀ TRÊN ĐÁ NÚI VỊ XUYÊN - Ảnh 2.
Kỳ 3: LỜI THỀ TRÊN ĐÁ NÚI VỊ XUYÊN - Ảnh 3.
Kỳ 3: LỜI THỀ TRÊN ĐÁ NÚI VỊ XUYÊN - Ảnh 4.

Tháng 7-2014, phóng viên Tuổi Trẻ đã có dịp theo cựu binh sư đoàn 356 lên đây dự buổi lễ cúng vọng đồng đội.

Những giọt nước mắt ứa ra, xót đau, tức tưởi. Ánh mắt những người lính còn sống để trở về sau cuộc chiến cứ hướng lên phía những điểm cao 1509, 772, 685 như xoáy vào tâm can chúng tôi.

Chưa dám nói đến việc quy tập hết anh em về. Chỉ thầm mong có một nơi thờ tự các anh linh cho tươm tất ngày đó cũng còn quá khó.

Những bộ quần áo lính hàng mã được anh em đốt, tàn tro bay lên vướng vít trên những ngọn đồi.

Trần sao âm vậy, biết chỉ là khát khao không tưởng, nhưng người ở lại cũng cảm thấy an lòng khi nghĩ từ những tàn tro kia, đồng đội mình ở thế giới bên kia được nhận về những bộ áo quần ấm áp sau bao năm lạnh lẽo giữa núi đồi.

Ngay trước lối vào khu tưởng niệm, một tấm bảng màu đỏ khắc 9 chữ vàng như lời tuyên thệ của lính Vị Xuyên: "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử".

Lời thề ấy bắt đầu từ một dòng khắc trên báng súng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh. Cạnh tấm bảng khắc lời thề người lính là một gốc hoàng mai Yên Tử được trồng bởi chính tay nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào dịp giỗ trận thứ 35 (12-7-1984 – 12-7-2019) của lính Vị Xuyên.

Gốc mai vàng như tấc lòng vị nguyên thủ quốc gia cùng lời thề rút ruột của người lính đứng bên nhau như khẳng định tình yêu vô bờ bến với quê hương xứ sở.

Kỳ 3: LỜI THỀ TRÊN ĐÁ NÚI VỊ XUYÊN - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, từng kể từ khi đương chức hay sau này đã về hưu, cứ đúng dịp kỷ niệm ngày 17-2 (ngày Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên cương phía Bắc năm 1979) và dịp "giỗ trận" 12-7 (ngày giỗ trận của lính Vị Xuyên, tưởng nhớ hơn 600 anh em hi sinh trong trận đánh tái chiếm các cao điểm đang bị Trung Quốc chiếm giữ vào sáng 12-7-1984), nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều lên với Hà Giang.

Cũng từ rất lâu, khi nghe câu chuyện hàng ngàn hài cốt chiến sĩ đang nằm lại giữa "lò vôi thế kỷ", ông đã đặt vấn đề: "Ngay những chiến sĩ hi sinh giữa biển khơi mênh mông như thế chúng ta vẫn tìm được hài cốt để đưa về, thì dù khó khăn đến mấy cũng phải quy tập cho được anh em đang nằm trên những cao điểm núi đá Hà Giang này".

Tâm nguyện của ông cũng là một động lực để việc quy tập được xúc tiến rốt ráo hơn, những lực cản lớn nhất với công cuộc tìm kiếm như bom mìn dày đặc trên địa bàn đã có phương án xử lý.

Với tấm lòng thiết tha cùng đồng bào biên giới, cùng những người lính đã ngã xuống nơi biên cương Tổ quốc, từ cái am nhỏ làm đài hương, hôm nay một quần thể tưởng niệm khang trang đã mọc lên.

Chiều xuống, tiếng chuông loang giữa thinh không rừng núi, chập chùng âm vọng qua các điểm cao để anh linh người lính nương theo bay về quần tụ…

Kỳ 3: LỜI THỀ TRÊN ĐÁ NÚI VỊ XUYÊN - Ảnh 6.
Kỳ 3: LỜI THỀ TRÊN ĐÁ NÚI VỊ XUYÊN - Ảnh 7.

6 tháng sau trận đánh khốc liệt khiến ngày 12-7-1984 trở thành ngày "giỗ trận" của sư đoàn 356, đồi núi Vị Xuyên vẫn chưa bình yên trở lại.

Năm đó ta ăn Tết Nguyên đán trước Trung Quốc một tháng. Khi ở thị xã Hà Giang, cách mặt trận Vị Xuyên chỉ hơn 15km đường chim bay, bà con đang chuẩn bị đón giao thừa thì trên này pháo địch vẫn cấp tập dội xuống những điểm cao chúng ta vừa tái chiếm mấy tháng trước.

Tác giả lời thề bất hủ của lính Vị Xuyên chính là trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh thuộc đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 876, sư đoàn 356. Ngày anh hi sinh là ngày 19-1-1985, nhằm ngày 29 tháng chạp năm Giáp Tý, ngay trước đêm giao thừa.

Kỳ 3: LỜI THỀ TRÊN ĐÁ NÚI VỊ XUYÊN - Ảnh 8.

Giờ đây, đứng ở khu tưởng niệm trên cao điểm 486, nhìn qua phía Bắc là điểm cao 685, nơi anh Ninh đã ngã xuống.

Cuộc chiến đấu giành lại các điểm cao biên giới Vị Xuyên dằng dai suốt từ đấy cho đến cuối năm 1984 đầu năm 1985. Với chiến thuật "lấn dũi", những người lính Vị Xuyên vừa phòng ngự vừa tấn công đã chiếm lại được nhiều cao điểm quan trọng.

Tiểu đoàn 2 của Nguyễn Viết Ninh giữ điểm E5 của cao điểm 685 từ tháng 12-1984, từ hang suối cụt, anh em "lấn dũi" lên điểm cao 685.

Những ngày áp Tết, địch nã pháo ác liệt và xua quân tiến đánh hòng chiếm lại cao điểm 685. Điểm cao 685 và bình độ 300-400 của mặt trận Vị Xuyên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Kỳ 3: LỜI THỀ TRÊN ĐÁ NÚI VỊ XUYÊN - Ảnh 9.

Riêng đại đội 5 phải đối đầu với lực lượng địch đông đến cả tiểu đoàn. Rạng sáng 19-1 (29 Tết) pháo địch nã cấp tập dọn đường cho bộ binh ào lên hòng đánh bật những người lính đại đội 5 ra khỏi điểm E5 của cao điểm 685.

Đã bị thương từ ngày hôm trước nhưng Nguyễn Viết Ninh vẫn bám lại trận địa cùng anh em, tiếp tục chỉ huy trung đội đánh địch. Tay lúc nào cũng nắm chắc khẩu AK47.

Cả ngày hôm đó, hàng chục đợt phản kích của bộ binh địch bị bẻ gãy, nhưng anh em đại đội 5 thương vong rất nhiều.

Treo cánh tay trái bị thương, Ninh bò đi thu nhặt súng đạn trên trận địa gom lại động viên anh em bám trụ.

Trưa 19-1, Ninh bị thương vào chân, đại đội trưởng Thái Khắc Ba bảo anh lên cáng về tuyến sau nhưng anh vẫn ôm khẩu AK, quyết "bám đá" đúng như lời thề trên báng súng.

Cuối chiều 29 Tết, Ninh bị thêm một vết thương đầu và hi sinh. Khi đồng đội lên mang xác về, khẩu AK vẫn được anh ôm chặt trước ngực.

Khẩu súng với lời thề khắc trên báng: "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử" ấy được anh em mang về sư đoàn. Thi hài anh được chuyển về tuyến sau, sau này đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, rồi được chuyển về quê, an táng ngay trong vườn nhà xứ trung du, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, Phú Thọ.

Kỳ 3: LỜI THỀ TRÊN ĐÁ NÚI VỊ XUYÊN - Ảnh 10.
KỲ 4: HÀNH HƯƠNG VỀ MIỀN ẢI BẮC - Ảnh 1.

TTO - "Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) đang được gấp rút tôn tạo, nâng cấp để hoàn thành các hạng mục vào tháng 4-2021 và sẽ mở rộng từ gần 2ha như hiện nay lên 10,6ha. Đây sẽ là nơi "hội tụ", yên nghỉ của 5.400 liệt sĩ… ".

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn quyết tâm như vậy khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ.

KỲ 4: HÀNH HƯƠNG VỀ MIỀN ẢI BẮC - Ảnh 2.
KỲ 4: HÀNH HƯƠNG VỀ MIỀN ẢI BẮC - Ảnh 3.
KỲ 4: HÀNH HƯƠNG VỀ MIỀN ẢI BẮC - Ảnh 4.

"Hơn 30 năm trôi qua, trên mảnh đất Vị Xuyên thân yêu này vẫn còn biết bao các liệt sĩ chưa được quy tụ đầy đủ về các nghĩa trang liệt sĩ, hài cốt các anh vẫn còn nằm lại trong rừng sâu, ở đâu đó trong lòng đất mẹ. Đó là nỗi đau, là trăn trở không của riêng ai.

Với tinh thần trách nhiệm, Hà Giang đang làm hết sức mình với mong muốn làm vơi đi những nỗi đau mất mát của những người cha, người mẹ, người vợ, người con của các liệt sĩ", ông Sơn xúc động nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, hiện có trên 1.730 liệt sĩ được quy tập đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Quỹ đất nghĩa trang đã cạn, nên việc mở rộng, tôn tạo rất cần thiết.

Từ lâu, chính quyền, người dân Hà Giang, đặc biệt đồng đội và thân nhân các liệt sĩ cũng mong muốn tôn tạo, mở rộng nghĩa trang để sẵn sàng đón các liệt sĩ về khi việc quy tập hài cốt liệt sĩ đang được đẩy mạnh.

Chính vì thế, từ những năm 2013-2014, tỉnh Hà Giang đã có đề án tôn tạo, mở rộng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Và đầu năm 2016, đề án đã được trung ương thông qua.

Còn nhớ, trong chuyến thăm Hà Giang tháng 10-2016, Bộ trưởng Bộ lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã cùng Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang khi đó là Triệu Tài Vinh cùng Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Sơn đi khảo sát thực địa, bàn tính cho việc triển khai đề án này.

Tâm sự với Bộ trưởng Dung, ông Sơn cho biết do quỹ đất nghĩa trang chỉ có gần 2ha nên chỉ đủ bố trí an táng hơn 1.730 liệt sĩ. Mỗi khi tìm kiếm, quy tập được hài cốt liệt sĩ tỉnh rất khó khăn trong việc tìm đất để an táng.

Việc mở rộng, tôn tạo nghĩa trang rất cần thiết bởi các dự án rà phá bom mìn đã được triển khai và đây chính là tiền đề cho việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được đẩy mạnh. Phải chuẩn bị mọi việc tốt nhất để sẵn sàng đón các anh về bất cứ lúc nào…

Sau khi khảo sát thực địa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: "Đây là vấn đề khiến chúng ta hết sức day dứt và đau lòng. Mất mát, hi sinh quá lớn và vẫn còn quá nhiều liệt sĩ đang nằm trong lòng đất mẹ. Chúng ta đang nợ nhân dân, nợ thân nhân các liệt sĩ, nợ các anh hùng liệt sĩ.

Việc tôn tạo, mở rộng nghĩa trang được Bộ Lao động - thương binh và xã hội cùng các bộ, ngành liên quan rất quan tâm. Việc tu bổ, nâng cấp nghĩa trang phải tính toán, thiết kế hài hòa, đảm bảo tính trang nghiêm, thuận tiện cho thân nhân, người dân, đồng đội tới thăm viếng, trở thành công trình giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau. Chúng ta phải làm ngay, làm quyết liệt".

KỲ 4: HÀNH HƯƠNG VỀ MIỀN ẢI BẮC - Ảnh 5.
KỲ 4: HÀNH HƯƠNG VỀ MIỀN ẢI BẮC - Ảnh 6.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải, một cựu binh sư đoàn 356 từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên những năm 1984, người có nhiều bài hát đầy cảm xúc về đồng đội mình, đã rất vui khi biết Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên được tôn tạo, mở rộng.

"Mình cũng như đồng đội may mắn còn sống luôn mong mỏi các đồng đội sư 356 và các "chiến hữu" đơn vị bạn đang nằm đâu đó dọc biên cương sớm được quy tập, có nơi "đi về" để đồng đội tụ họp.

Ngay tại điểm cao 468, nơi hơn 600 đồng đội đơn vị mình ngã xuống ngày 12-7-1984 và hàng trăm hàng ngàn liệt sĩ khác, từ lâu những người còn sống bọn mình đã lập cây hương để tưởng nhớ, hương khói mỗi khi về lại.

Dịp kỷ niệm 30 năm chiến dịch MB84 (năm 2014), anh em đồng đội sư đoàn 356 có ước nguyện nâng cấp cây hương, lập đài hương mới để anh em còn sống hay các liệt sĩ có "chỗ đi về" hội quân. Chỉ trong một đêm, mình đã viết xong bài hát "Về đây đồng đội ơi", người cựu binh trải lòng.

Ước nguyện của đồng đội các liệt sĩ cũng chính là mong mỏi, quyết tâm của UBND tỉnh Hà Giang.

KỲ 4: HÀNH HƯƠNG VỀ MIỀN ẢI BẮC - Ảnh 7.

"Đến thời điểm này đã quy hoạch khu đất để các huyệt mộ chờ, sẵn sàng đón các anh về bất cứ lúc nào", Chủ tịch tỉnh Hà Giang nói và cho biết thêm nghĩa trang không chỉ được mở rộng thêm hơn 8ha, mà sẽ cải tạo, nâng cấp, xây mới nhiều công trình trên diện tích gần 11ha.

Hơn 1.730 ngôi mộ hiện có cũng như các ngôi mộ xây mới sẽ được ốp đá xanh nguyên khối được đưa về từ Thanh Hóa. Giai đoạn 1 của dự án (kết thúc tháng 12-2020) tập trung giải phóng mặt bằng, quy hoạch khu mộ mới, nâng cấp các mộ hiện tại, xây dựng mới một đền thờ, hai nhà chờ để làm nơi đón tiếp, nghỉ ngơi của đồng đội, du khách và thân nhân liệt sĩ.

Nghĩa trang sẽ được mở rộng (15 - 30m) ra sát đường quốc lộ 2 và kéo dài 300m, đây sẽ là bãi đỗ xe, quảng trường. Cây xanh sẽ được trồng thêm khắp nghĩa trang để biến nơi đây thành một công viên xanh, sạch, đẹp, làm nơi vui chơi của người dân khu vực, cũng là địa điểm để thế hệ trẻ tới thăm viếng, tìm hiểu về cuộc chiến đấu anh dũng của các thế hệ cha anh bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc.

Ông Nguyễn Xuân Hùng - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Giang - cho biết dự án tôn tạo, mở rộng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên được huy động từ nhiều nguồn, trong đó có xã hội hóa với tổng kinh phí gần 300 tỉ đồng.

"Hiện các phần việc vẫn theo tiến độ, và đúng tháng 12-2020 tất cả các hạng mục sẽ cơ bản xong" - ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, dự án sẽ tiếp tục giai đoạn 2 (2020-2025), và thời gian này hạng mục quan trọng nhất là xây dựng tượng đài sẽ được thực hiện, kinh phí xây dựng tượng đài mới sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa...

KỲ 4: HÀNH HƯƠNG VỀ MIỀN ẢI BẮC - Ảnh 8.
KỲ 4: HÀNH HƯƠNG VỀ MIỀN ẢI BẮC - Ảnh 9.
Kỳ cuối: NẬM NGẶT - NỖI ĐAU HẬU CHIẾN CHƯA NGUÔI… - Ảnh 1.

TTO - Những liệt sĩ nằm lại giữa "lò vôi thế kỷ" rồi sẽ được quy tập, các anh rồi sẽ về. Nhưng hôm nay, khi chúng tôi vào Nậm Ngặt, một thôn nhỏ của xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, vẫn còn bao day dứt khôn nguôi…

Với tất cả sự nỗ lực của Nhà nước, sự tận tụy của đồng đội, sự tri ân của nhân dân, Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên rồi sẽ đàng hoàng to đẹp, sẽ trở thành biểu tượng cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Và đời sống nhân dân trên vùng chiến địa chắc chắn ngày sẽ sung túc hơn, ấm no hơn.

Nhưng đó là câu chuyện của ngày mai…

Kỳ cuối: NẬM NGẶT - NỖI ĐAU HẬU CHIẾN CHƯA NGUÔI… - Ảnh 2.
Kỳ cuối: NẬM NGẶT - NỖI ĐAU HẬU CHIẾN CHƯA NGUÔI… - Ảnh 3.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tường, đội tìm kiếm quy tập, dẫn đường đưa chúng tôi vào Nậm Ngặt. Những nhân chúng tôi muốn gặp đều không thể liên lạc được vì sóng điện thoại trong này quá phập phù.

"Chốc nữa, nếu may mắn ông ấy không lên nương, các anh sẽ gặp một nạn nhân bom mìn rất đặc biệt ở thôn Nậm Ngặt, ông Bồn Văn Hòn. Ông Hòn là người hai lần giẫm phải mìn khi đi nương. Hai lần cách nhau đúng 2 năm, mỗi lần như thế ông bị mất một chân".

"Mất hai chân sao còn đi nương được?". "Không, dân nơi đây có mất nhiều hơn thế cũng lên nương đi làm các anh ạ. Cũng có chế độ trợ cấp thương tật cho nạn nhân chiến tranh nhưng vài trăm ngàn mỗi tháng làm sao đủ sống"…

Đi loanh quanh không biết bao nhiêu đồi cao và vực sâu, bản Nậm Ngặt rồi cũng hiện ra trước mắt chúng tôi với những nếp nhà vẫn còn toát ra vẻ khó nghèo dù rải rác cũng có vài ngôi nhà tường xây, mái tôn.

Đúng như thiếu tá Tường dự đoán, ông Hòn đã đi nương. Mỗi lần vào đây không hề dễ, anh đành nói: "Chúng ta qua nhà con rể ông Hòn đi. Con rể ông cũng là một nạn nhân của bom mìn, bị mất một chân".

Đó là Triệu Văn Nguyên. Anh sinh năm 1980, năm nay tròn 40 tuổi.

Anh Nguyên kể năm 1984, mới 4 tuổi nhưng ký ức thơ bé vẫn in đậm hình ảnh những trận pháo từ bên kia biên giới rót sang Nậm Ngặt vào một sáng đầu tháng 4.

Nhiều nhà dân thấy thế đào hầm tránh pháo. Nhưng pháo từ Trung Quốc bắn sang rát quá. Hầm của dân không trụ nổi với những viên đạn pháo trên 100 ly bắn cấp tập. Nhiều gia đình trúng pháo, hết người này đến người kia chết.

Kỳ cuối: NẬM NGẶT - NỖI ĐAU HẬU CHIẾN CHƯA NGUÔI… - Ảnh 4.

Cả bản được lệnh sơ tán về tận Bắc Mê, cách Nậm Ngặt gần 100km. Không có xe, không ngựa thồ, dân bản dắt díu nhau gồng gánh đi bộ. Dân bản Nậm Ngặt sơ tán ở Bắc Mê đến cuối năm 1989, tiếng pháo tạm yên mới dắt díu nhau về lại quê.

Cái thung lũng nhỏ bình yên nằm dưới chân các điểm cao 1509 - 685 bấy giờ tan hoang bởi đạn pháo cày xới. Nhưng nguy hiểm hơn là mìn. Rất nhiều mìn vẫn ẩn nấp trong từng hốc cây, bụi cỏ.

Anh Nguyên không nhớ rõ ai là người đầu tiên ở bản Nậm Ngặt bị trúng mìn.

Lúc ấy, chị Bồn Thị Bầy, vợ anh, mới chen vào câu chuyện: "Nhà chúng em có một điều mà không ai có: đó là 3 người cộng lại chỉ có… 2 cái chân. Bố em (ông Bồn Văn Hòn) không còn chân nào. Chồng em (anh Nguyên) còn một chân và cậu ruột em (Bồn Văn Đặng) cũng chỉ còn một cái.

Chưa kể hai người cậu ruột khác là Bồn Văn Kiển và Bồn Văn Kiệt, khi đi rừng đốn tre làm rui lợp nhà đã giẫm phải mìn và bị mìn nổ chết".

Tôi không biết sẽ hình dung như thế nào nếu chụp được một tấm ảnh với ba nạn nhân trong một gia đình 3 người nhưng chỉ có 2 cái chân như thế nên nói với vợ Nguyên: "Em có thể tìm cách đón bố về cho bọn anh gặp được không?".

Vừa nghe thế, Nguyên bảo: "Ô, để em đi tìm bố Hòn về". Chúng tôi ngạc nhiên: "Chân Nguyên vậy đi xe sao được?". "Ngày nào em chả đi, em biết đi xe máy trước khi bị mìn phạt cụt chân mà, đi tốt mà", Nguyên nói.

Rồi không kịp cho chúng tôi cản lại, với chiếc chân giả, Nguyên xoay chân chống chiếc xe máy 180 độ, nhảy tót lên, đề máy rồi vút đi trên con đường chênh vênh giữa núi đồi Nậm Ngặt.

Chờ non một giờ thì Nguyên về. Ông Hòn ngồi sau xe. Xe dừng, ông khéo léo bật người xuống rồi chống nạng bước vào nhà. Cụt hai chân nhưng ông chỉ dùng một chân giả, chân kia thay bằng nạng.

Kỳ cuối: NẬM NGẶT - NỖI ĐAU HẬU CHIẾN CHƯA NGUÔI… - Ảnh 5.
Kỳ cuối: NẬM NGẶT - NỖI ĐAU HẬU CHIẾN CHƯA NGUÔI… - Ảnh 6.

"Nhà báo chờ lâu không? Mình chăn dê xa lắm, tít trên núi kia", ông Hòn vồn vã. Vốn đã nghe câu chuyện về ông Hòn do thiếu tá Tường kể trên đường vào, chúng tôi băn khoăn: "Chân bác đã như thế, nhỡ đâu trên nương còn mìn thì sao?".

Ông Hòn cười: "Mình còn chân nào nữa đâu mà sợ giẫm phải mìn".

Ông kể lần giẫm phải mìn và cụt cái chân đầu tiên là năm 2000. Lúc ấy ông đi phát nương và bị cụt mất chân phải. Bà con trong bản khiêng cáng ra Bệnh viện Hà Giang điều trị mấy tháng mới về nhà.

Mất một chân mà không mất mạng là may. Không cày cuốc được, ông Hòn tìm cách chăn nuôi bò, dê để hợp với thương tật của mình. Vậy mà năm 2004, lần thứ hai ông giẫm phải mìn khi đang dắt bò từ nương về.

Khi tận cùng đau thương, người ta thường biến đau thương thành điều gì đó để trêu đùa. "Lần đầu giẫm mìn thôi thì cho là xui xẻo đi, nhưng lần thứ hai thì khó thế mà vẫn dính, chứng tỏ đó là số phận rồi", ông Hòn bảo.

Ông tự giải thích: "Hôm đó tôi dắt con bò, con bò có 4 chân, tôi có 1 chân giả và 1 chân thật. Thế mà thế nào 4 chân bò và cái chân giả không giẫm trúng mà cái chân thật duy nhất còn lại lại dính đòn".

Rồi ông cười. Tiếng cười như có mảnh đạn xé. Nhói buốt người nghe.

Đang mải chuyện với ông Hòn, chợt có tiếng đằng hắng ngoài sân. Vợ Nguyên trông ra rồi quay lại nói: "Cậu Đặng, cậu ruột em, em trai mẹ em đấy".

Rất tự nhiên, Đặng tựa cái nạng chống vào vách tường rồi sà xuống chiếu, vê một điếu thuốc lào: "Các anh hỏi chuyện giẫm mìn ở xã Thanh Thủy chúng em thì không chép hết đâu, nhiều lắm!".

Kỳ cuối: NẬM NGẶT - NỖI ĐAU HẬU CHIẾN CHƯA NGUÔI… - Ảnh 7.
Kỳ cuối: NẬM NGẶT - NỖI ĐAU HẬU CHIẾN CHƯA NGUÔI… - Ảnh 8.

Đặng đẹp trai, gương mặt sáng và cởi mở: "Em bị như thế này đúng năm em 20 tuổi, năm 2007", Đặng kể.

"Bọn em về lại Nậm Ngặt khi mới 3 tuổi, cả tuổi thơ ấu cho đến lúc thanh niên, em đâu xa lạ gì với chuyện bom mìn ở nương rẫy bản mình. Hai người anh của em cũng chết vì mìn mà. Thế mà trong một lần đi nương, em lại giẫm phải nó".

Đặng cũng bị mìn cướp mất chân phải. "Em xác định rồi, không trước thì sau, có lúc mìn nó cũng đụng đến mình, sống được là may mắn, nên có cụt chân thì cũng phải sống như một người bình thường, đi nương, chăn dê mà sống".

Như sức nhớ ra điều gì, vợ Nguyên lại thêm vào câu chuyện: "Năm ngoái em cũng suýt chết đấy. Đi nương thấy sợi dây điện thông tin vướng ngang đường, em cầm lên kéo vứt đi. Nhưng như một phản xạ em nằm ụp xuống đất, bên kia tảng đá quả lựu đạn nổ uỳnh. Cứ tưởng hai mẹ con chết rồi, may nhờ tảng đá chặn lại nên không sao".

Câu chuyện của Bầy kể khiến chúng tôi nhớ lại hôm trước ở hiện trường tìm kiếm tôi cũng đã cầm sợi dây để kéo như thế.

Có lẽ câu chuyện của ba người thân thiết trong một gia đình như ông Bồn Văn Hòn, Triệu Văn Nguyên và Bồn Văn Đặng đã quá đủ cho một hình dung nỗi đau hậu chiến.

Kỳ cuối: NẬM NGẶT - NỖI ĐAU HẬU CHIẾN CHƯA NGUÔI… - Ảnh 9.
Kỳ cuối: NẬM NGẶT - NỖI ĐAU HẬU CHIẾN CHƯA NGUÔI… - Ảnh 10.
Kỳ cuối: NẬM NGẶT - NỖI ĐAU HẬU CHIẾN CHƯA NGUÔI… - Ảnh 11.
Kỳ cuối: NẬM NGẶT - NỖI ĐAU HẬU CHIẾN CHƯA NGUÔI… - Ảnh 12.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0