27/07/2019 11:10 GMT+7

Người đàn ông thầm lặng gửi 18.000 lá thư báo mộ liệt sĩ

MINH PHƯỢNG - HÀ THANH
MINH PHƯỢNG - HÀ THANH

TTO - Chiến tranh đã qua nhưng ngày đêm, bao gia đình vẫn đau đáu đi tìm hài cốt liệt sĩ. Đồng cảm nỗi đau ấy, hơn 12 năm qua, có một người đàn ông tuổi ngoài 80 ngày ngày cặm cụi viết thư gửi khắp mọi miền Tổ quốc để báo mộ liệt sĩ.

Người đàn ông thầm lặng gửi 18.000 lá thư báo mộ liệt sĩ - Ảnh 1.

Suốt 12 năm kiên trì gửi thư, 18.000 lá thư được ông Xuân gửi đến các gia đình liệt sĩ - Ảnh: HÀ THANH

Tìm về thôn Chợ, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội), hỏi thăm ông Xuân "Gò", mọi người chỉ ngay: Ông Xuân đi tìm một liệt sĩ phải không? Nhà ở trong ngõ kia!  

Ông là Nguyễn Tiến Xuân (81 tuổi), người đã và đang miệt mài với những cánh thư báo mộ liệt sĩ.

12 năm, 18.000 lá thư        

Tuổi ngoài 80 nhưng ông Xuân vẫn nhanh nhẹn, trí nhớ sắc bén. Chỉ vào những những cuốn tập đã ngả màu, bên cạnh là hàng trăm lá thư sẵn sàng mang gửi, ông Xuân bảo bắt đầu công việc này vào năm 2007.

Ông có hai anh trai là liệt sĩ hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Cho đến tận bây giờ, người anh cả vẫn chưa tìm thấy mộ. Bao nhiêu năm cha mẹ, anh em, cháu con mong tìm để đưa hài cốt người liệt sĩ ấy về quê nhà an nghỉ nhưng tất cả vẫn biền biệt. 

Từ nỗi đau ấy, ông Xuân quyết định làm cầu nối, chuyển những lá thư báo mộ đến gia đình các liệt sĩ.

"Ngày ấy, chuyên mục "Những người con hi sinh vì Tổ quốc" của Đài tiếng nói Việt Nam có phát thông tin về các liệt sĩ đang nằm tại các nghĩa trang trên cả nước. Chương trình ý nghĩa nhưng có thể nhiều người không nghe được. Nhận định vậy, tôi quyết định viết thư báo về địa phương cho gia đình liệt sĩ", ông Xuân kể lý do ông bắt đầu công việc.

Chương trình phát thanh thông tin mộ liệt sĩ phát vào khung giờ khác nhau nhưng ông Xuân chẳng bỏ sót chương trình nào, đúng giờ là bật đài lên nghe, sẵn sàng giấy bút ghi chép lại. 

"Tôi tìm cách ghi thật nhanh kiểu ký hiệu, như Nguyễn thì viết N, Trần thì viết T. Sau đó viết sang một bản khác đầy đủ. Từ đây, tôi sẽ viết thư gửi cho gia đình liệt sĩ. Mười mấy năm nay, tôi không bỏ một buổi nào để nghe, chưa kể còn tìm mọi cách để nghe" - ông Xuân kể.

Trong các lá thư gửi đi, bên trong là dòng chữ viết tay nắn nót gồm tên, năm sinh, quê quán, nghĩa trang nơi an nghỉ của liệt sĩ thì cuối bức thư, ông Xuân để số điện thoại của mình để tiện hỗ trợ.

Người đàn ông thầm lặng gửi 18.000 lá thư báo mộ liệt sĩ - Ảnh 2.

Với việc ông Xuân làm, những lá thư được hỗ trợ không cần dán tem mà chỉ cần có đóng chữ "Thư báo mộ liệt sĩ" - Ảnh: HÀ THANH

Điều kiện kinh tế có hạn nhưng mong muốn tiếp tục công việc này dài lâu, ông lên UBND huyện Hoài Đức báo cáo việc gửi thư cho gia đình liệt sĩ. 

Lãnh đạo huyện đồng tình với việc làm của ông, giao phòng Thương binh - xã hội làm việc với bưu điện và ông được "đặc cách" gửi thư không cần dán tem.

Những lá thư của ông Xuân chỉ cần đóng thêm dòng chữ "Thư báo mộ liệt sĩ" ngoài bìa thư thay tem. Thế là thư đi trót lọt, từ năm 2007.

Giờ đây, dù đã lớn tuổi, con cái không dám cho đi xe máy, ông Xuân vẫn cọc cạch đạp xe 5-6 cây số lên huyện gửi thư. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã gửi đi 18.000 lá thư.

Hơn cả vật chất

Người đàn ông thầm lặng gửi 18.000 lá thư báo mộ liệt sĩ - Ảnh 3.

Ông Xuân thường nghe đài và lên mạng tìm thông tin liệt sĩ và chép vào cuốn sổ để viết thư báo mộ - Ảnh: HÀ THANH

12 năm qua, ông Nguyễn Tiến Xuân vẫn kiên trì với những lá thư báo mộ liệt sĩ. Từ hàng ngàn lá thư ấy, thân nhân 336 liệt sĩ đã tìm được mộ người thân của mình. 

Những cuộc gọi, những lá thư gửi đến cảm ơn - đó là niềm vui lớn nhất đối với người đàn ông "thích làm việc thiện" này.

Một gia đình tìm được mộ liệt sĩ đã nói với ông Xuân rằng: "Ông không giúp đỡ gia đình cháu về mặt vật chất nhưng còn hơn cả vật chất rất nhiều. Gia đình liệt sĩ dù có tiền tỉ thì cũng không bao giờ mua được hài cốt của bố, vợ không bao giờ mua được hài cốt của chồng".

Lời nghẹn ngào trên chính là tâm sự của bà Đặng Thị Dung, quê ở Đông Hưng, Thái Bình, con liệt sĩ thời chống Pháp Đặng Đình Lân. 

Bà Dung đi tìm bố bao năm không thấy, từ Thái Bình sang Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh... 

Một ngày, bà bất ngờ nhận được lá thư của người mang tên Nguyễn Tiến Xuân, báo tin liệt sĩ Đặng Đình Lân hiện đang an nghỉ tại nghĩa trang huyện Lục Nam, Bắc Giang. 

Ba ngày sau khi nhận được thư từ UBND xã đưa đến, bà đã đưa chồng và các con đến thăm mộ cha mình. 

Khi vào đến đài tưởng niệm liệt sĩ, nhìn lên bảng danh dự, thấy dòng chữ khắc tên Đặng Đình Lân, không ai bảo ai, tất cả bật khóc.

Người đàn ông thầm lặng gửi 18.000 lá thư báo mộ liệt sĩ - Ảnh 4.

Tháng 7-2017, ông Nguyễn Tiến Xuân nhận bằng khen của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng vì có thành tích xuất sắc trong thu thập, cung cấp thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ - Ảnh: HÀ THANH

Có những người mẹ cạn nước mắt vì con, ngày đêm héo mòn với ước nguyện duy nhất trước khi rời cõi trần là biết con mình đang nằm nơi đâu. 

Nhờ tấm lòng của ông Xuân, ước nguyện của một bà mẹ đã thành hiện thực. 

Bà là mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Sược, quê Nam Định. Con trai hi sinh, bà cùng các con đi tìm ở bao nhiêu nghĩa trang nhưng không thấy. 

Một ngày, lá thư của ông Xuân gửi đến báo tin cho gia đình biết liệt sĩ đang an nghỉ ở nghĩa trang Biên Hòa, Đồng Nai. 

Cả gia đình đã vào Đồng Nai, đến Sở Lao động - thương binh và xã hội tìm thì có hồ sơ của anh Nguyễn Văn Sược với đủ cả tên bố, mẹ. Đúng 100%. Cả nhà mừng mừng tủi tủi ôm lấy nhau mà khóc.

Ông Xuân kể có gia đình ở Đồng Tháp được báo tin, người nhà vào nghĩa trang nhận mộ thì phát hiện ngay bên cạnh là mộ của một liệt sĩ cùng quê. Họ lại về báo thêm cho một gia đình nữa.

Hiện nay ngoài nghe đài, ông Xuân còn nhờ người cháu tìm thêm danh sách liệt sĩ ở các nghĩa trang được đăng tải trên mạng rồi in ra giấy. 

Ông sẽ viết thư gửi về địa phương, có những liệt sĩ có địa chỉ xã thì gửi về xã, không có địa chỉ xã, chỉ có huyện thì gửi về Cựu chiến binh ở huyện… 

"Công việc của tôi chỉ có thế, chỉ cần kiên trì thôi", ông Xuân cười hiền.

Bao năm qua, người đàn ông ở Hà Nội này vẫn không thích nghỉ ngơi tuổi già mà miệt mài với những cánh thư. 

Ban đầu, cũng có người nói làm việc bao đồng, nhưng kệ họ, ông bỏ ngoài tai. Ở cái tuổi 81, ông vẫn cứ "bao đồng" như thế, vẫn cố gắng "làm được việc gì có lợi cho người khác là mừng".

Ngày 2-6-2017, ông Nguyễn Tiến Xuân được nhận bằng khen của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng vì có thành tích xuất sắc trong thu thập, cung cấp thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Tại thời điểm đó, ông đã gửi đi 15.000 lá thư, bàn giao thông tin 276 liệt sĩ cho Bộ Quốc Phòng.

Từ đó đến nay, tổng số thư báo mộ liệt sĩ ông gửi đi là 18.000, tổng số liệt sĩ được gia đình tìm được là 336 (thêm 60 liệt sĩ).

MINH PHƯỢNG - HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên