Nhưng những vùng mà hệ thống thủy lợi có thể vươn tới vẫn đang chống chịu tốt với nắng hạn.
Điều này mở ra một cơ hội cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có thể mở rộng diện tích canh tác hiệu quả thêm hàng trăm ngàn héc ta trong mùa khô.
Thiếu thủy lợi, cây chết khô
Ghi nhận tại tỉnh Gia Lai, một số huyện thiệt hại nặng do khô hạn từ đầu năm 2024 tới nay là Phú Thiện, Chư Păh và Kbang.
Trong đó, huyện Phú Thiện thiệt hại nặng nhất với hơn 88ha hoa màu chết khô. Cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện này cho hay toàn bộ diện tích khô hạn đều nằm ngoài phạm vi bao tưới của đại thủy nông Ayun Hạ, canh tác phụ thuộc vào nước trời và các sông suối nhỏ.
Đối với những diện tích canh tác được thủy nông bao tưới vẫn đảm bảo sản xuất, không bị thiếu nước dù mùa khô đã đến đỉnh điểm.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, nhiều vùng nông nghiệp khô hạn, thiệt hại nặng tại tỉnh này trong mùa khô năm nay phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Hiện toàn tỉnh có 352 công trình thủy lợi, tổng năng lực thiết kế tưới cho 67.411ha cây trồng.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Gia Lai, nhìn chung cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, tỉ lệ tưới chủ động từ thủy lợi mới đáp ứng 12,5% nhu cầu.
Đây là tỉ lệ rất thấp so với bình quân chung của các nước và khu vực Tây Nguyên (tỉ lệ chủ động nước tưới bình quân cả nước hiện đạt 51,4%, khu vực Tây Nguyên đạt 28%).
Ông Nguyễn Thanh Bình - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai - cho hay riêng tỉnh có khoảng 500.000ha đất nông nghiệp, nhưng tỉ lệ chủ động nước tưới chỉ 12,5%, rất nhiều vùng đất trù phú chưa thể khai phá hết tiềm năng phát triển. Để nâng tỉ lệ tưới chủ động tại tỉnh lên ngang bằng mức bình quân cả nước cần ít nhất 60.000 tỉ đồng.
Chờ công trình thủy lợi ngàn tỉ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Mah Tiệp - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho hay địa phương đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chính phủ trong việc khảo sát, lập quy hoạch hồ đập, kênh dẫn tưới tiêu.
Đến nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có kế hoạch đầu tư hai công trình thủy lợi lớn tại tỉnh này với số vốn hàng ngàn tỉ đồng.
Đó là dự án hồ chứa nước Ia Thul, huyện Ia Pa có quy mô 4.000 tỉ đồng sẽ cấp nước sản xuất cho 8.600ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho 28.500 dân hạ du các huyện Ia Pa, Krông Pa.
Cùng với đó là dự án đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng cho thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông. Hồ thủy lợi này có quy mô đầu tư gần 3.000 tỉ đồng đang gần hoàn thiện, góp phần đảm bảo vùng tưới cho khoảng 8.000ha đất nông nghiệp tại Gia Lai và 4.000ha tại Đắk Lắk.
Trong lúc chờ giải pháp căn cơ, mới đây ông Dương Mah Tiệp đã ký công văn chỉ đạo các sở ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.
Trong trường hợp thiếu nước phải ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu. Các công trình thủy lợi chủ động trữ nước đảm bảo nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Ứng dụng công nghệ thích ứng mùa khô
Tháng 4-2024 là thời điểm mùa khô khốc liệt nhất nhưng tại vùng "tiểu sa mạc" ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nhiều cánh đồng măng tây xanh đang phát triển tươi tốt. Đây là kết quả khi nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm.
Ông Nạo Văn Xây ở thôn Tuấn Tú cho biết trước đây nông dân bơm nước lên các mương tràn rồi cho nước tự chảy trên mặt đất vào ruộng, lượng nước thất thoát rất lớn, thiếu nước thường xuyên.
Từ khi bà con trong thôn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa, tưới nhỏ giọt cho đất trồng các loại cây măng tây cho thấy hiệu quả rất cao, chỉ cần mở van là nước tự động phun tưới cho măng tây xanh.
"Tưới tự động lượng nước thất thoát rất ít vì lượng nước vừa đủ giữ ẩm cho cây trồng" - ông Xây cho hay.
Còn tại xã Phước Trung (huyện Bác Ái) nhờ được hỗ trợ đào ao trữ nước từ dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ - Ninh Thuận" (SACCR - Ninh Thuận) nên nhiều hộ dân ở đây không lo thiếu nước vào mùa khô năm nay.
Bà Chamléa Thị Quề ở thôn Tham Dú cho biết mấy năm trước thời điểm này các ao, hồ chứa không còn nước sản xuất.
Nhưng năm nay có ao trữ nước nên bà con đã không còn lo thiếu nước, gia đình mạnh dạn đầu tư máy bơm, trồng thêm dừa để phát triển kinh tế gia đình.
Gấp rút chuyển nước thủy lợi cứu hạn
Cũng tại Ninh Thuận, hơn tháng qua hồ Ông Kinh ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải đã về mực nước chết. Khoảng 160ha hành, tỏi, ớt nơi này người dân thấp thỏm mỗi khi tới mùa khô.
Để cứu cây trồng, dân bỏ tiền khoan giếng ngay giữa lòng hồ, chuyển nước qua nhiều chặng làm chi phí sản xuất tăng cao.
Trước tình hình trên, lãnh đạo huyện Ninh Hải chỉ đạo gấp rút triển khai dự án chuyển nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ dài 64km để bà con ổn định sản xuất và hướng đến quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay hơn 90% mặt bằng phục vụ dự án này đã được bàn giao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận