07/01/2022 20:11 GMT+7

Tăng thu ngân sách nếu không 'bỏ lọt' thuế thuốc lá điện tử

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - 'Nếu áp mức thuế suất tương đương hoặc tối thiểu bằng mức áp dụng thuốc lá thông thường thì ngân sách nhà nước tăng thu đáng kể vì mức thuế nhập khẩu thuốc lá điếu từ 100 - 135%, thuế tiêu thụ đặc biệt 75% và thuế giá trị gia tăng 10%'.

Tăng thu ngân sách nếu không bỏ lọt thuế thuốc lá điện tử - Ảnh 1.

Quang cảnh tọa đàm - Ảnh: HOÀNG THƯ

Hoàn thiện khung pháp lý quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng... hứa hẹn tăng thu ngân sách là một trong những ý kiến được chuyên gia đưa ra tại tọa đàm "Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới" do báo Pháp Luật Việt Nam tổ chức chiều 7-1.

Theo ông Vũ Đức Nam - phó trưởng Phòng công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), thuốc lá làm nóng được phép nhập khẩu và lưu hành tại gần 70 quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Nga, Malaysia… 

Trong khi đó, thuốc lá điện tử được quản lý chặt chẽ, kiểm soát tại 47 nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc. Có 8 quốc gia quy định bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép hoặc thuốc kê đơn điều trị theo phác đồ như Úc, Nhật Bản, Đài Loan…

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Nam cho rằng Việt Nam cần đưa mọi loại thuốc lá hoặc sản phẩm có chứa nicotin vào quản lý, kiểm soát. Nhiều năm qua, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa được cấp phép nhưng được đưa vào nước ta thông qua đường xách tay hoặc buôn lậu. Việc mua bán khá công khai, dễ dàng; quảng cáo tự phát tràn lan… dẫn tới nhiều hệ lụy cho xã hội.

Theo ông Nam, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Y tế nghiên cứu cơ sở pháp lý, đánh giá các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

"Thuốc lá thế hệ mới có giá trị tương đối cao. Nếu áp mức thuế suất tương đương hoặc tối thiểu bằng mức áp dụng thuốc lá thông thường thì ngân sách nhà nước tăng thu đáng kể vì mức thuế nhập khẩu thuốc lá điếu từ 100 - 135%, thuế tiêu thụ đặc biệt 75% và thuế giá trị gia tăng 10%", ông Nam nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Quỳnh Liên, phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), cho rằng nhiều quốc gia không cấm triệt để hoặc cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng vì "nếu như cấm mà thị trường và nhu cầu người tiêu dùng vẫn có thì phát sinh thị trường chợ đen".

Do đó, nhiều nước chỉ đặt ra quy định cấm đối tượng tiếp cận, cấm thành phần có khả năng thu hút giới trẻ và quy định giám sát các nhà sản xuất. 

Nói về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng - phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) - cho rằng thuốc lá thế hệ mới hầu hết đi vào Việt Nam từ con đường nhập lậu do chưa có biện pháp quản lý và việc "cấm chỉ mang tính chất nửa vời".

Do vậy, ông Nhưỡng nhấn mạnh thí điểm cấp phép quản lý thuốc lá thế hệ mới sẽ giúp kiểm soát tình trạng buôn lậu, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng…

Tại hội thảo phòng chống buôn lậu thuốc lá diễn ra ngày 17-7, chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết buôn lậu thuốc lá làm Nhà nước thất thu ngân sách khoảng 8.500 tỉ đồng/năm.

Quản lý để ngăn chặn nguy cơ thuốc lá điện tử tiếp cận giới trẻ Quản lý để ngăn chặn nguy cơ thuốc lá điện tử tiếp cận giới trẻ

Các biện pháp quản lý thuốc lá thế hệ mới cần dựa trên cơ sở khoa học và tham chiếu với quốc tế để góp phần thực hiện mục tiêu chống buôn lậu cũng như ngăn chặn hiệu quả sự tiếp cận của giới trẻ.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên