16/12/2021 14:00 GMT+7

Lộ trình quản lý thuốc lá thế hệ mới của các nước như thế nào?

D.K
D.K

Quản lý thuốc lá thế hệ mới dựa trên khoa học và tuân theo chiến lược giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là cách mà nhiều quốc gia đang áp dụng.

Lộ trình quản lý thuốc lá thế hệ mới của các nước như thế nào? - Ảnh 1.

Trung Quốc chính thức áp dụng Luật độc quyền ngành thuốc lá hiện hành để quản lý thuốc lá thế hệ mới - Ảnh: Global Times

Tùy theo tình hình thực tế và nội lực của từng quốc gia, chính phủ nhiều nước đưa ra phương thức quản lý thuốc lá thế hệ mới phù hợp. Nhiều nước đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới luật hiện hành, một số nước cẩn trọng hơn bằng cách thí điểm trước khi cho phép kinh doanh chính thức.

Tận dụng luật quản lý thuốc lá sẵn có

Nhiều quốc gia đều tận dụng luật kiểm soát thuốc lá hiện hành và bổ sung thêm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào luật.

Mới đây nhất, Trung Quốc chính thức áp dụng luật độc quyền ngành thuốc lá hiện hành để quản lý thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác. Bằng việc này, Trung Quốc đã tạo ra một nền tảng quản lý thống nhất có tính chất quốc gia cho việc mua bán thuốc lá. Tất cả các công ty, từ sản xuất đến bán buôn và bán lẻ thuốc lá điện tử ở Trung Quốc phải có giấy phép và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia để đăng ký với cơ quan quản lý và kinh doanh hợp pháp.

Tại Mỹ, ngày 11-6-2013, Thượng viện thông qua dự luật nhằm mục tiêu kiểm soát thuốc lá toàn diện hơn. Theo đó, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) được quyền kiểm soát lớn hơn với tất cả các công ty thuốc lá như hạn chế quảng cáo, yêu cầu in cảnh báo mạnh mẽ hơn trên bao bì và thanh tra đối với các nhà sản xuất thuốc lá.

Theo đó, bất kì sản phẩm thuốc lá nào trước khi được phép thương mại đều phải trải qua quá trình xét duyệt của FDA nhằm đánh giá các nhân tố quan trọng như thành phần, thiết kế sản phẩm và nguy cơ đối với sức khỏe, cũng như mức độ thu hút đối với thanh thiếu niên và người không hút thuốc.

FDA phân loại thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá không đốt cháy (non-combusted cigarettes) để phân biệt với thuốc lá điếu (được phân loại là thuốc lá đốt cháy - combusted cigarettes) và thuốc lá điện tử (e-cigarettes). Trên bao thuốc cũng có những cảnh báo sức khỏe tương tự như thuốc lá điếu theo luật liên bang.

Đến nay, trong danh mục sản phẩm thuốc lá thế hệ mới mà FDA đã cho phép kinh doanh có một sản phẩm thuốc lá làm nóng (Heated tobacco product) một loại thuốc lá điện tử hệ thống đóng (Closed END system) đi kèm với tinh dầu hương thuốc lá và một vài sản phẩm thuốc lá thế hệ mới sử dụng qua đường uống (Oral tobacco) và thuốc lá ngậm snus.

Hàn Quốc, Nga, Anh, New Zealand, Israel và nhiều quốc gia khác cũng đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới luật hiện hành như một công cụ bổ trợ cho chiến lược kiểm soát thuốc lá toàn diện.

Thí điểm trước khi cho phép thương mại rộng rãi

Trong nhóm các quốc gia áp dụng biện pháp thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý chính thức, Nhật Bản được xem là trường hợp điển hình.

Xuất hiện trên thị trường Nhật Bản từ 2012, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được chính thức kinh doanh vào năm 2014, sau một thời gian thử nghiệm tại một số thành phố để đánh giá mức độ tác động lên sức khỏe của người dùng, cũng như mức độ tiếp cận tới giới trẻ.

Thuốc lá điện tử có chứa nicotin được Bộ Y tế Nhật Bản quản lý như một loại dược phẩm. Còn thuốc lá làm nóng được được Bộ Tài chính kiểm soát, xếp vào nhóm các sản phẩm thuốc lá vì các nguyên liệu của chúng được làm từ lá thuốc lá.

Thuốc lá làm nóng được đề cập trong Đạo luật kinh doanh thuốc lá, khung pháp lý quy định danh mục sản phẩm này ngày càng khác xa so với khung pháp lý quy định thuốc lá điếu đốt cháy, bao gồm việc áp thuế, cảnh báo sức khỏe và hạn chế sử dụng.

Các nghiên cứu và khảo sát toàn quốc tại Nhật Bản những năm sau đó cũng chỉ ra, việc đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới luật đã mang lại nhiều tín hiệu khả quan trong cuộc chiến chống thuốc lá toàn diện ở quốc gia này. 

Theo khảo sát toàn quốc về sức khỏe và dinh dưỡng tại Nhật Bản năm 2018, chỉ có 9% tỉ lệ sử dụng kép (tức sử dụng đồng thời thuốc lá làm nóng và thuốc lá điếu đốt cháy). Mức độ sử dụng thuốc lá làm nóng trong bộ phận học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng rất thấp chỉ bằng 1/5 so với tỉ lệ hút thuốc lá điếu đốt cháy, tức chỉ có 0,1%.

Nhật Bản hiện là thị trường tiêu thụ thuốc lá làm nóng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 85% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên với chiến lược kiểm soát chặt chẽ và toàn diện, quốc gia này vẫn đang kiểm soát rất tốt các vấn đề liên quan tới thuốc lá, bao gồm thuốc lá thế hệ mới. Số liệu cho thấy ngay cả sau khi các sản phẩm thuốc lá làm nóng đã được kinh doanh trên thị trường, tổng doanh số của tất cả các sản phẩm thuốc lá vẫn tiếp tục giảm. Các chuyên gia nhận định, Nhật Bản được xem là điển hình của việc thực hiện thành công chiến lược giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại mà WHO đã hướng dẫn.

Phiên họp thứ 8 của Hội nghị các bên (COP) tham gia Công ước khung về kiiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nêu rõ thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá và kêu gọi các nước quản lý theo Luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của quốc gia.

Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên tham gia FCTC ngay từ những ngày đầu. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) được xây dựng là cam kết của Chính phủ nước ta trong việc kiểm soát thuốc lá toàn diện mang tính khoa học, pháp lý và thực tiễn.

Trước yêu cầu cần ngăn chặn tình trạng thuốc lá thế hệ mới vẫn còn trôi nổi ngoài vòng pháp luật, các chuyên gia cho rằng Luật PCTHTL luôn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang có mặt trên thị trường, cũng như những sản phẩm sẽ xuất hiện trong tương lai, dù là thí điểm quản lý hay đưa ngay vào dưới luật hiện hành như cách các quốc gia trên thế giới đang thực hiện.

D.K
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên