Điều đáng lên án là những người bán dữ liệu khách hàng chính là nhân viên của các ngân hàng được cấp quyền tiếp cận với dữ liệu này. Mỗi tài khoản được rao bán ít nhất từ 200.000 - 500.000 đồng, thậm chí 1,9 triệu đồng.
Nhiều thập niên trước, dữ liệu cá nhân được nhiều quốc gia xác định là nguồn tài nguyên. Ngày nay, điều đó càng rõ ràng khi cư dân tham gia không gian mạng.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành nghị định 13/2023 bảo vệ dữ liệu cá nhân nêu rõ quy định về thu thập, chuyển giao, mua, bán trái phép dữ liệu cá nhân. Tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu để ngăn chặn tình trạng thu thập dữ liệu cá nhân trái phép từ hệ thống, trang thiết bị dịch vụ của mình.
Như vậy, theo nghị định này, việc thu thập, sử dụng, phát tán, mua bán kinh doanh dữ liệu cá nhân không được phép, là hành vi vi phạm pháp luật.
Dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đó. Chủ thể dữ liệu cần được biết về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Hẳn rất nhiều người từng bị làm phiền bởi các cuộc gọi, người gọi đọc vanh vách thông tin cá nhân của mình, ban đầu là chào hỏi, gợi ý, cũng có thể là hù dọa để trục lợi, lừa đảo.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng dữ liệu cá nhân từ lâu đã bị chính chúng ta "dâng hiến" cho các ông lớn công nghệ bigtech đến các nhà bán lẻ, đơn vị cung ứng dịch vụ như ngân hàng... khi chúng ta giao dịch hoặc đồng ý sử dụng một dịch vụ của họ.
Điều này dù vô tình hay cố ý nhưng phải nói rằng ở góc độ cá nhân, việc sử dụng dữ liệu đó gần như vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mọi cá nhân.
Đã đến lúc không thể xem dữ liệu cá nhân là món hàng để mua bán. Việc sử dụng dữ liệu cá nhân phải tuân thủ pháp luật, nếu không sẽ bị trừng phạt.
Còn nhớ năm 2014, sự kiện giàn khoan HD981 của Trung Quốc kéo vào thềm lục địa Việt Nam. Hàng loạt phóng viên ra tác nghiệp tại Hoàng Sa, trong đó có tôi, bị các tàu Trung Quốc bắt loa đọc rõ tên tuổi, địa chỉ, gia đình...
Rõ ràng trong trường hợp này dữ liệu cá nhân không còn là dữ liệu thông thường mà là thông tin tình báo, việc mua bán dữ liệu cá nhân không chỉ ảnh hưởng tới từng cá nhân, gia đình mà vấn đề an ninh quốc gia cũng bị tổn hại. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, người cung cấp thông tin đã bị trừng phạt vì hành động này.
Song song với nghị định trên, đã đến lúc chúng ta cần những công nghệ mới, các công cụ rà soát nhằm phát hiện sớm các vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng. Vụ án do Công an Đà Nẵng thực hiện là lời cảnh báo mạnh mẽ đến những ai đang xem dữ liệu cá nhân là món hàng mua bán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận