08/02/2023 10:26 GMT+7

Sử dụng dữ liệu cá nhân không cần 'xin phép' khi nào?

Một số trường hợp được sử dụng dữ liệu cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu đã được Chính phủ quy định rõ khi xây dựng nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Sử dụng dữ liệu cá nhân không cần xin phép khi nào? - Ảnh 1.

Nhiều thông tin cá nhân được sử dụng cho các hoạt động giới thiệu, quảng cáo trên mạng - Ảnh: TỰ TRUNG

Thủ tướng Chính phủ vừa ký, ban hành nghị quyết thông qua hồ sơ xây dựng nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo đó, nghị quyết đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong một số trường hợp cụ thể.

5 trường hợp được sử dụng dữ liệu cá nhân

1. Sử dụng dữ liệu để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác trong tình huống khẩn cấp. Bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.

2. Việc sử dụng dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cũng được áp dụng trong trường hợp công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.

3. Trường hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được xử lý dữ liệu cá nhân trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.

4. Ngoài ra là trường hợp khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp. Phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định.

5. Bên cạnh đó, trường hợp sử dụng dữ liệu cá nhân sẽ được áp dụng để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định. Phục vụ cho hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

Nghị quyết do Thủ tướng ban hành cũng thông qua nội dung tờ trình của Chính phủ, báo cáo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Chính phủ giao bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc xây dựng và trình Chính phủ dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cùng các văn bản hướng dẫn là một trong những nhiệm vụ Chính phủ đã giao để thực hiện Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ Công an, việc xây dựng và ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại công nghệ số hiện nay, thì vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đang ngày càng trở nên cấp thiết cả trên thế giới và tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới. Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ càng nhiều thì việc cung cấp, sử dụng thông tin cá nhân lại càng lớn.

Điều này đặt ra cho Chính phủ bài toán phải quản lý sao cho hiệu quả, đảm bảo phòng ngừa, xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân; đồng thời, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế.

Công ty mua bán trái phép dữ liệu cá nhân 150.000 người như thế nào?Công ty mua bán trái phép dữ liệu cá nhân 150.000 người như thế nào?

TTO - Liên quan đến việc Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset mua bán dữ liệu cá nhân khoảng 150.000 người, công an xác định các đối tượng chủ động tìm, mua thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm kín, thông tin bị lộ từ các tổ chức tài chính.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên