Án tử
Công dân Singapore bị tử hình ngày 26-4 tên Tangaraju Suppiah, 46 tuổi, bị tuyên án tại nhà tù Changi, phía đông đất nước.
Tangaraju bị kết án năm 2017 về tội "tiếp tay vào âm mưu vận chuyển" khoảng 1kg cần sa năm 2013, gấp đôi ngưỡng phải nhận mức án tử hình ở Singapore.
Kokila Annamalai, một nhà hoạt động quyền con người ở Singapore đại diện cho gia đình Tangaraju, xác nhận người này đã bị treo cổ dù đã xin khoan hồng vào đêm trước ngày hành quyết.
Tỉ phú người Anh Richard Branson, một người nổi tiếng phản đối án tử hình, cho biết bản án đối với Tangaraju không đủ tiêu chuẩn để kết án hình sự vì người này không ở gần ma túy khi bị bắt. Ông Branson cho rằng rất có thể Singapore đã kết án tử hình một người vô tội.
Đáp lại, Chính phủ Singapore cho biết ông Branson đang loan tin giả và không tôn trọng hệ thống tư pháp của nước này. Cơ quan chức năng của Singapore cũng nói thêm rằng tòa án đã dành ra hơn 3 năm để xem xét vụ việc và tuyên bố của ông Branson "rõ ràng là sai sự thật".
Singapore nghiêm khắc với ma túy
Theo Hãng tin Reuters, Singapore đã tử hình 11 người vào năm ngoái. Chính quyền cho rằng tử hình là biện pháp ngăn chặn hiệu quả đối với ma túy và phần đông người dân Singapore ủng hộ chính sách này.
Theo Hãng tin AFP, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Thái Lan, đã hợp pháp hóa cần sa. Trong khi Singapore vẫn duy trì luật pháp chống ma túy gần như nghiêm khắc nhất thế giới.
Trước đó, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) của Liên Hiệp Quốc cũng đã kêu gọi Singapore không tiến hành vụ tử hình và bãi bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm ma túy.
"Án tử hình vẫn còn ở một số quốc gia, phần lớn do người ta lầm tưởng rằng nó có thể ngăn chặn tội phạm", OHCHR nêu rõ trong tuyên bố ngày 25-4.
OHCHR cho rằng án tử hình không phải là biện pháp ngăn chặn tội phạm hiệu quả trên toàn cầu và không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận