"Ông Chew có mặt ở đây vì người dân Mỹ cần biết sự thật về mối đe dọa mà TikTok gây ra đối với an ninh cá nhân và quốc gia của chúng tôi", bà Cathy McMorris Rodgers, chủ tịch Ủy ban Năng lượng và thương mại của Hạ viện Mỹ và là dân biểu Đảng Cộng hòa, phát biểu mở đầu phiên điều trần hôm 23-3 (theo giờ Mỹ).
Sức ép bán lại cổ phần
Lần xuất hiện công khai hiếm hoi của CEO Shou Zi Chew diễn ra vào thời điểm quan trọng với TikTok.
Số người dùng của TikTok tại Mỹ đã tăng lên tới 150 triệu chỉ trong vài năm ngắn ngủi, nhưng ứng dụng đang đối diện nguy cơ bị cấm trên toàn nước Mỹ.
Mỹ lo ngại TikTok là công cụ gián điệp phục vụ cho chính quyền Trung Quốc, gây nguy hiểm cho dữ liệu của người Mỹ.
Trong vòng chưa đầy 10 năm, TikTok đã bùng nổ và trở thành nền tảng chia sẻ video ngắn phổ biến ở cả Mỹ và toàn cầu.
Vào tháng 9-2021, TikTok cho biết họ đã vượt mốc 1 tỉ người dùng khắp thế giới. Theo Công ty phân tích Sensor Tower, trong quý 2-2022, người dùng toàn cầu của TikTok đã dành trung bình 95 phút mỗi ngày trên ứng dụng này.
Những lo ngại về TikTok tăng lên vào tháng 12-2022 khi ByteDance lúc đó thừa nhận họ sa thải 4 nhân viên - gồm 2 người ở Mỹ và 2 người ở Trung Quốc - đã truy cập dữ liệu của 2 nhà báo và những người liên quan vào mùa hè năm ngoái, trong lúc các nhân viên này nỗ lực tìm hiểu nguồn rò rỉ tin nội bộ cho báo chí.
Nhận thức được điểm yếu của mình, TikTok đang cố gắng làm mờ nhạt đi "nguồn gốc Trung Quốc" của ứng dụng này. Họ cho biết 60% cổ phần của công ty mẹ ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu như Carlyle Group. "Quyền sở hữu không phải là tâm điểm của việc giải quyết những lo ngại này", ông Chew nói.
Nhưng đối với nhiều người ở Mỹ, "nguồn gốc Trung Quốc" của TikTok lại là vấn đề. Theo Hãng tin AP, chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là đã yêu cầu các chủ sở hữu người Trung Quốc của TikTok bán lại cổ phần của họ trong công ty để tránh bị áp lệnh cấm trên toàn nước Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố "kiên quyết phản đối" việc ép buộc bán lại TikTok. "Việc ép buộc bán lại TikTok sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, gồm cả từ Trung Quốc, đối với việc đầu tư vào Mỹ", Bộ Thương mại Trung Quốc nêu.
Theo Đài CNN, từ năm 2020, Bắc Kinh đã báo hiệu rằng họ muốn bảo vệ công nghệ Trung Quốc bằng cách thêm các thuật toán vào danh sách những công nghệ bị hạn chế xuất khẩu.
Các nhà phân tích và chuyên gia pháp lý tin rằng sau cùng Bắc Kinh có thể sẽ muốn TikTok rời khỏi thị trường Mỹ hơn là từ bỏ thuật toán - cái khiến người dùng "dán mắt" vào TikTok và được cho là chìa khóa thành công của ứng dụng này.
Những câu hỏi hóc búa cho CEO TikTok
Trong lần xuất hiện đầu tiên của CEO TikTok Shou Zi Chew trước Quốc hội Mỹ, ông Chew đã phải đối mặt với các câu hỏi hóc búa, khi các nhà lập pháp Mỹ lo ngại TikTok đặt ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ vì ứng dụng này thuộc sở hữu của Công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh.
Các nhà lập pháp từ cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã đưa ra câu hỏi về một loạt chủ đề, bao gồm các hoạt động kiểm duyệt nội dung của TikTok, cách TikTok lên kế hoạch bảo vệ dữ liệu của người Mỹ khỏi tay Bắc Kinh, vấn đề theo dõi các nhà báo...
Còn ông Chew dành phần lớn thời gian của phiên điều trần để cố gắng bác bỏ cáo buộc TikTok hoặc công ty mẹ ByteDance là công cụ của chính quyền Trung Quốc.
Ông Chew nói với Ủy ban Năng lượng và thương mại Hạ viện Mỹ rằng TikTok ưu tiên sự an toàn của người dùng trẻ và phủ nhận TikTok gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ.
Tuy nhiên ông đã không trả lời được những câu hỏi hóc búa về các hành vi của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, và dường như bị bất ngờ trước một video kích động bạo lực trên TikTok do nữ dân biểu Cộng hòa Kat Cammack chiếu tại phiên điều trần.
Nhìn chung CEO TikTok Shou Zi Chew không thuyết phục được Quốc hội Mỹ rằng TikTok là an toàn.
Nhà phân tích Dan Ives của Công ty quản lý tài sản Wedbush mô tả lời khai của CEO này là "thảm họa", sẽ trở thành căn cứ cho các nghị sĩ Mỹ tìm cách cấm TikTok nhiều hơn nếu nó không tách khỏi công ty mẹ ở Trung Quốc. Và lệnh cấm TikTok sẽ có lợi cho các đối thủ của ứng dụng này như YouTube, Instagram và Snap.
Dự án Texas
Để tránh bị cấm trên toàn nước Mỹ, TikTok đang đề xuất một kế hoạch trị giá 1,5 tỉ USD có tên là "Dự án Texas", theo đó chuyển tất cả dữ liệu người dùng Mỹ đến các máy chủ do Tập đoàn công nghệ Oracle (Mỹ) sở hữu và duy trì.
Kể từ tháng 10-2022, tất cả dữ liệu người dùng mới của Mỹ đã được lưu trữ bên trong nước Mỹ. CEO TikTok Shou Zi Chew cho biết công ty này bắt đầu xóa tất cả dữ liệu lịch sử của người dùng Mỹ khỏi các máy chủ không phải của Oracle trong tháng này và quá trình này dự kiến hoàn tất trong năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận