Sau khi một số nước châu Âu cấm công chức dùng TikTok, Chính phủ Pháp cũng quyết định "từ giờ trở đi cấm tải xuống và cài đặt các ứng dụng giải trí trên điện thoại làm việc được cấp cho công chức".
Nguyên do là các ứng dụng giải trí không có đủ mức độ bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng để cài đặt trên các thiết bị quản trị.
Một nguồn tin của Hãng tin AFP cho biết lệnh cấm của Chính phủ Pháp sẽ bao gồm "các ứng dụng trò chơi như Candy Crush, các ứng dụng phát trực tuyến như Netflix và các ứng dụng giải trí như TikTok".
Trong đó, TikTok là ứng dụng cực kỳ phổ biến trên toàn thế giới và đang là tâm điểm nhắm tới của các chính phủ phương Tây.
Ủy ban châu Âu cũng như chính phủ các nước Hà Lan, Anh, Mỹ, Canada và New Zealand đã nói với các quan chức rằng không được sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị công việc, vì lo ngại ứng dụng có liên quan đến chính quyền Bắc Kinh.
Trong khi đó, TikTok khẳng định Chính phủ Trung Quốc không có quyền kiểm soát hoặc truy cập vào dữ liệu của họ.
Tuy nhiên, vào tháng 11-2022, ứng dụng này đã thừa nhận rằng một số nhân viên ở Trung Quốc có thể truy cập vào dữ liệu người dùng châu Âu. Tới tháng 12 cùng năm, TikTok nói nhân viên của họ đã sử dụng dữ liệu để theo dõi các nhà báo.
Ngày 23-3, Giám đốc điều hành (CEO) Shou Zi Chew của TikTok điều trần trước Quốc hội Mỹ và bị chất vấn dữ dội về an ninh dữ liệu. CEO TikTok khẳng định hoạt động của ứng dụng này không khác gì so với những mạng xã hội khác ở Mỹ.
Phía Trung Quốc cũng khẳng định luôn coi trọng an ninh dữ liệu và không buộc các công ty phải giao nộp dữ liệu thu thập từ nước ngoài.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh cho biết Trung Quốc "chưa bao giờ và sẽ không yêu cầu các công ty hoặc cá nhân thu thập hoặc cung cấp dữ liệu ở nước ngoài theo cách vi phạm luật pháp địa phương".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận