Vở kịch Bông hồng cài áo (nguyên tác cải lương: Hoàng Khâm, chuyển thể thoại kịch: NSND Kim Cương) của sân khấu Hoàng Thái Thanh được đạo diễn Ái Như chăm chút nhiều mảng miếng tạo nên cảm xúc rất đặc biệt về câu chuyện tình mẫu tử - Ảnh: GIA TIẾN
Bầu sân khấu tiếp tục bù lỗ
Năm 2019, tình trạng khan hiếm kịch bản hay trong làng sân khấu đã đến mức báo động. Sau mùa mùa kịch Tết đến nay Idecaf vẫn không tìm được kịch bản mới ưng ý để dàn dựng, vở mới nhất Mặt nạ bong bóng cũng là vở làm lại từ kịch bản cũ năm 2012.
Một tháng bình quân Idecaf phải diễn tối thiểu 12 suất nhưng trong tháng 8-2019 sân khấu chỉ diễn được 9 suất, nghĩa là dù không diễn ông bầu Huỳnh Anh Tuấn vẫn tự bỏ tiền túi trả tiền rạp 3 suất không diễn.
"Thật ra, chúng tôi đã được đơn vị cho thuê rất chia sẻ và thông cảm. Đúng lý ra khi thuê chúng tôi phải biểu diễn đủ 30 suất/tháng nhưng thấy hoạt động sân khấu khó khăn họ giảm xuống chỉ còn 12 suất. Chỉ 12 suất mà lịch diễn cũng không thể lấp đầy!" - ông Tuấn ngao ngán chia sẻ.
Để duy trì nhà hát 5B, hiện tại hàng tháng bà bầu Mỹ Uyên cũng đang tự bù lỗ. Bà bầu Hồng Vân phải chạy sô bên ngoài đem tiền về lo cho sân khấu, lo cho các lớp học đào tạo diễn viên, tạo điều kiện cho các bạn trẻ yêu nghề...
Hai nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như đang gồng để duy trì sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Vở nhạc kịch Tiên Nga ra đời từ cuối năm 2017 vẫn tiếp tục là vở diễn đinh của sân khấu Idecaf với 5 đợt diễn, tổng cộng 49 suất diễn, phục vụ hơn 30 ngàn khán giả, được đánh giá là vở nhạc kịch thành công nhất của sân khấu thành phố trong những năm gần đây - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sàn diễn đang ngày càng thu hẹp. Nếu trước đây số lượng các sân khấu xã hội hóa có thể lên đến cả chục điểm diễn thì nay co cụm lại chỉ còn khoảng 5 điểm. Sân khấu SuperBowl của kịch Hồng Vân sau những "sóng gió" từ năm ngoái, năm nay đã chính thức đóng cửa.
Hiện tại, chỉ còn một số sân khấu đang cố gắng sáng đèn như Idecaf, Hoàng Thái Thanh, 5B, Thế giới trẻ, sân khấu Phú Nhuận. Sân khấu kịch Hồng Vân đang nỗ lực để 21-12 sẽ chính thức khai trương thêm điểm diễn mới là sân khấu Hồng Vân - Chợ Lớn (Thuận Kiều Plaza).
Sân khấu khó khăn thế, nhưng các nghệ sĩ vẫn đang cố gắng "chòi đạp". Chẳng hạn, những vở diễn của Hoàng Thái Thanh như Lạc dòng, Bông hồng cài áo tạo được thiện cảm bởi sự đầu tư kỹ lưỡng, làm lại từ kịch bản cũ nhưng có sự chăm chút, khai thác để tìm ra nét riêng nên kịch bản cũ mà vở diễn không cũ.
Nhà hát 5B cũng rất cố gắng với những vở diễn Diều ơi, Chuyện tình nữ phạm nhân… Ra mắt từ cuối năm 2017, vở nhạc kịch Tiên Nga vẫn là vở diễn đinh, gây dấu ấn của Idecaf, trong năm nay sân khấu cố gắng trụ rạp tại nhà hát Bến Thành với những đợt diễn vào những ngày nghỉ lễ.
Vở kịch Diều ơi của nhà hát 5B đánh dấu lần đầu tiên NSƯT Thoại Mỹ tham gia sàn kịch. Qua bàn tay đạo diễn của NSƯT Hữu Quốc vở đã tạo nhiều cảm xúc và lấy nước mắt người xem - Ảnh: T.T.D
Vương vấn cải lương xưa
Từ năm ngoái, khi cả nước có một số hoạt động mừng 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương, thì chương trình tái hiện lại hình ảnh của sân khấu cải lương xưa tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được nhiều khán giả thích thú.
Tháng 11-2019, Hội đồng Anh cũng tổ chức chuỗi chương trình Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp tại Đường sách Nguyễn Văn Bình với những hoạt động như triển lãm sách, biểu diễn cải lương xưa, giao lưu trò chuyện cùng nghệ sĩ để thấy được vẻ đẹp và thật của cải lương thời hoàng kim…
Chương trình cải lương Trăm năm nguồn cội (đạo diễn: Quang Thảo) là tâm huyết của những người trẻ với sân khấu cải lương. Chương trình như một món quà mà ê kíp thực hiện chăm chút để góp thêm vào hoạt động mừng 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương. NSND Bạch Tuyết, thạc sĩ Huỳnh Khải là những người cố vấn hết lòng để đem đến cho giới trẻ cái nhìn gần gũi về tổng quan hành trình của sân khấu cải lương trong 100 năm qua - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các đơn vị cải lương xã hội hóa những năm gần đây vẫn phải nương nhờ chủ yếu vào các kịch bản cải lương cũ. 1, 2 năm trở lại đây không ít người làm nghề vui mừng vì các đơn vị tổ chức được các suất diễn và lượng vé bán ra khá ổn. Có người lạc quan cho rằng sân khấu cải lương đang hồi sinh.
Thế nhưng, thực tế mỗi vở diễn dựng lại đa phần chỉ diễn được khoảng 1, 2 suất là hết khách, khán giả cải lương vẫn chỉ nhiêu đó. Năm qua chỉ có ông bầu Gia Bảo là "cả gan" đưa vở Lan và Điệp diễn từ TP.HCM ra Đà Nẵng và đến tận Hà Nội.
Các vở dựng lại theo kịch bản ăn khách cũ vẫn có nhiều điều phải bàn. Cách dựng không nhiều đột phá để hấp dẫn, gần gũi với quan điểm, hơi thở cuộc sống hôm nay.
Một số vở nghệ sĩ dành vài ngày ráp tập, diễn chỉ 1, 2 suất nên không thể nhuần nhuyễn, mượt mà. Có vở cố đưa tân nhạc, đưa mảng miếng mới vào để thu hút khán giả trẻ, thế nhưng cách đưa không ngọt khiến vở diễn bị "băm" ra, cảm xúc không liền mạch.
Nhìn chung, đa phần các vở cải lương dựng lại từ kịch bản cũ trong năm qua chưa gây ấn tượng về chất lượng nghệ thuật, hiếm hoi có Giấc mộng đêm xuân tạo được cảm tình với người xem.
Vở cải lương Giấc mộng đêm xuân là vở diễn nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thực hiện nhân hoạt động mừng 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương. Vở gây ấn tượng bởi chất trữ tình, đậm nét cải lương. Xem vở diễn, khán giả được ngắm nhìn lại hình ảnh của cải lương xưa: sân khấu kiểu gánh hát gạo chợ nước sông, cảnh quay đèn màu, không khí coi hát thời xưa... - Ảnh: GIA TIẾN
Vở cải lương Đam mê và quyền lực được đạo diễn Hoa Hạ viết mới hoàn toàn. Vở là câu chuyện về Tuyên phi Đặng Thị Huệ và chúa Trịnh Sâm với góc nhìn khá đa chiều. Đây là nỗ lực của Hoa Hạ khi tiếp tục cho ra đời những vở diễn cải lương lịch sử sau vở cải lương Trung thần từng gây ấn tượng trước đó - Ảnh: LÊ THÚY BÌNH
Vở cải lương Chuyện tình Khau Vai của sân khấu mới Đại Việt. Vở gây ấn tượng với sự kết hợp nghệ sĩ cải lương hai miền Nam - Bắc. Để các diễn viên miền Nam có thể diễn ra chất mộc mạc của nhân vật dân tộc miền núi Đông Bắc, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã tổ chức cho các nghệ sĩ Lê Tứ, Hà Như, Quế Trân... chuyến thực tế lên tận Khau Vai (Hà Giang) để tìm hiểu phong tục tập quán, cuộc sống người dân nơi đây. Vở tạo cảm tình bởi được được chăm chút từ cảnh trí, âm nhạc, trang phục, âm thanh, ánh sáng, diễn xuất của diễn viên để tạo ra màu sắc rất đặc biệt của đồng bào dân tộc vùng Đông Bắc - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vở cải lương Nhật thực cũng là nỗ lực của đạo diễn Lê Nguyên Đạt, tạo cơ hội cho nghệ sĩ Lê Trung Thảo tỏa sáng khi cùng lúc vào các vai diễn vua, trung thần, nịnh thần và Thảo đã giành huy chương vàng cá nhân trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3, tháng 10-2019 tại Hà Nội - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vở hát bội không lời Sanh vi tướng, tử vi thần khiến giới trẻ thích thú vì súc tích, dễ hiểu, dễ cảm. NSND Trần Ngọc đã dụng công trong sự kết hợp nhạc truyền thống và hiện đại, chắt lọc những trình thức biểu diễn của diễn viên để đem đến cho người xem một vở diễn giàu cảm xúc - Ảnh: DUYÊN PHAN
Vở cải lương Lan và Điệp đánh dấu lần đầu tiên NSƯT Thanh Kim Huệ và Chí Tâm bước lên sân khấu diễn trọn vở Lan và Điệp sau bản thâu âm nổi đình nổi đám năm 1974. Vở phần nào làm thỏa lòng người hâm mộ hai giọng ca để đời với vai Lan (NSƯT Thanh Kim Huệ) và Điệp (Chí Tâm) và được bầu Gia Bảo đưa đi lưu diễn từ TP.HCM đến Đà Nẵng, Hà Nội - Ảnh: GIA TIẾN
Vở cải lương Dương Quý Phi do Vũ Luân và Gia Bảo hợp tác thực hiện với sự góp mặt của nhiều ngôi sao cải lương như Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thanh Hằng, Linh Tâm, Tú Sương, Vũ Luân... - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Tràn ngập" hình ảnh Kiều
Tiến tới kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, trong năm 2019 và sang đến năm 2020 rất nhiều sân khấu khởi dựng những tác phẩm về Kiều.
Chương trình Nàng Kiều được viện Goeth của Đức hỗ trợ tháng 10-2019 với sự tham gia của 4 đạo diễn, gồm NSND Hồng Vân, NSƯT Trần Lực, NSƯT Bùi Như Lai và đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer biểu diễn tại Hà Nội và TP.HCM. Mỗi đạo diễn dàn dựng một lát cắt về thân phận nàng Kiều theo góc nhìn đương đại.
Sau chương trình này, nghệ sĩ Hồng Vân đầu tư viết lát cắt về nàng Kiều đầy đặn hơn thành vở kịch Ngẫm Kiều, vở sẽ chính thức được giới thiệu đến khán giả TP.HCM ngày 21-12, nhân dịp chị ra mắt sân khấu Hồng Vân - Chợ Lớn tại Thuận Kiều Plaza.
Nhà hát Thế giới trẻ (Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) cũng đang trên sàn tập vở Kiếp hồng nhan (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu).
Nhà hát múa rối Việt Nam cũng gây ấn tượng tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3 tại Hà Nội tháng 10 vừa qua với vở rối cạn Thân phận nàng Kiều. Nhà hát Chèo Quân đội có vở Câu Kiều ru một đời người…
Vở rối Thân phận nàng Kiều gây ấn tượng với những tạo hình con rối rất sinh động. Vở hài hòa từ cảnh trí, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng đến diễn xuất của diễn viên điều khiển con rối. Vở giành huy chương vàng và nhiều giải thưởng quan trọng trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3 - 2019 tại Hà Nội - Ảnh: LINH ĐOAN
Vở kịch Ngẫm Kiều của sân khấu kịch Hồng Vân sẽ ra mắt khán giả vào ngày 21-12 tại sân khấu Hồng Vân - Chợ Lớn. Vở được phát triển từ lát cắt thân phận nàng Kiều trong chương trình Nàng Kiều do viện Goeth hỗ trợ thực hiện. Vở xoay quanh nỗi lòng của Hoạn Thư với góc nhìn chia sẻ về người vợ yêu chồng nhưng bị kẻ khác tước đoạt tình yêu - Ảnh: LINH ĐOAN
Vài điểm sáng của sân khấu cải lương năm 2019
Chương trình Trăm năm nguồn cội được đầu tư kỹ lưỡng đem đến cho người xem cái nhìn khá tổng quan về nghệ thuật sân khấu cải lương trong trăm năm qua.
Sân khấu cải lương Đại Việt dựng lại Chuyện tình Khau Vai phiên bản mới có sự tham gia của nghệ sĩ cải lương hai miền Nam - Bắc đem lại luồng gió khá tươi mới, dù hành trình chinh phục khán giả phương Nam trong thời gian sắp tới không hề dễ dàng.
Đạo diễn Hoa Hạ đã cho ra mắt vở Đam mê và quyền lực, một kịch bản cải lương lịch sử được viết mới là nỗ lực rất đáng trân trọng trong thời buổi cải lương khó khăn hiện nay. Hát bội cũng gây ấn tượng khi ra mắt vở hát bội không lời Sanh vi tướng, tử vi thần với ngôn ngữ nghệ thuật súc tích, dễ hiểu, dễ cảm với đa số khán giả trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận