10/06/2019 14:44 GMT+7

'Chuyện tình' của hai miền Nam - Bắc

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Tối 7-6 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, sân khấu Đại Việt - sân khấu cải lương mới được thành lập với mong muốn giới thiệu những vở cải lương được đầu tư nghiêm túc - đã ra mắt công chúng vở Chuyện tình Khau Vai.

Trích đoạn vở Chuyện tình Khau Vai - Video: QUANG ĐỊNH

Chuyện tình Khau Vai là câu chuyện về phiên chợ tình diễn ra ngày 27-3 âm lịch hằng năm, nơi những người yêu nhau nhưng vì trắc trở không đến được với nhau có dịp gặp gỡ, trút bầu tâm sự. 

Nơi đó có một tình yêu đẹp giữa chàng Ba - chàng trai nghèo khó dân tộc Nùng và nàng Út - con gái cưng của tộc trưởng người Giáy. Vì không cùng sắc tộc, lại phân chia đẳng cấp sang hèn nên tình yêu của họ bị cấm đoán, chia cách, tạo nên những bi thương ngất trời...

Chuyện tình của hai miền Nam - Bắc - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Quang Khải (trái) và Quế Trân trong vở Chuyện tình Khau Vai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuyến đi thực tế đáng nhớ

Trước buổi công diễn, trước sảnh nhà hát nhiều khán giả thích thú khi được thưởng lãm một không gian trưng bày rất nhiều vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc như chén, tô, cối, máng, quang gánh, nỏ, nhạc cụ... 

Đó là những vật dụng mà trong chuyến cùng các nghệ sĩ phía Nam đi thực tế Khau Vai hồi đầu tháng 5-2019, đạo diễn Triệu Trung Kiên đã cất công tìm kiếm và xin mua lại.

Chuyện tình của hai miền Nam - Bắc - Ảnh 3.

Nhiều khán giả thích thú khi được thưởng lãm một không gian trưng bày rất nhiều vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc ở sảnh nhà hát - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Có thể nói khá hiếm hoi có một dự án cải lương mà các nghệ sĩ phía Nam như Lê Tứ, Hà Như, Quế Trân... được đưa đi thực tế tận Khau Vai để tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống của người dân tộc. 

Nhờ những rung cảm từ chuyến đi mà các diễn viên vào vai chân thật và thuyết phục hơn. NSƯT Lê Tứ (vai tộc trưởng) chia sẻ: "Chuyến đi rất bổ ích với tôi, đến đó tận mắt thấy cuộc sống khó khăn của người dân, địa hình tuyệt đẹp nhưng hiểm trở, cheo leo, bà con vẫn cặm cụi trong giá rét trồng từng mầm ngô trên đá. 

Chính điều kiện sống khắc nghiệt đã tạo nên tính cách và những luật lệ rất riêng của họ mà người miền xuôi khó lòng hiểu hết. Nhờ chuyến đi, tôi đã diễn vai tộc trưởng dứt khoát hơn bởi có sự chia sẻ với quan niệm, phong tục tập quán của người dân tộc".

Chuyện tình của hai miền Nam - Bắc - Ảnh 4.

Cảnh trong vở Chuyện tình Khau Vai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quế Trân cũng chia sẻ đây là lần đầu tiên cô được đi thực tế trước khi hóa thân vào nhân vật: "Tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của đất trời Hà Giang, của vùng đất Khau Vai. Được ăn bữa cơm, trò chuyện với người dân, tặng quà cho các em bé, những hoạt động đó tạo cho tôi rất nhiều cảm xúc. Vì có cảm xúc từ chuyến đi nên không chỉ diễn mà tôi đang truyền tình cảm, tình yêu vào nhân vật".

Tôi có nhiều cảm xúc với vở diễn bởi lớp diễn nào cũng hay và tạo cơ hội cho diễn viên phát huy khả năng của mình; âm nhạc, các điệu múa đặc sắc, trang phục... được đầu tư tạo nên những điểm nhấn rất riêng.

NSƯT Thoại Mỹ

Sắc màu văn hóa độc đáo

Vai nàng Út trước đây do Như Quỳnh (diễn viên Nhà hát cải lương Việt Nam) thể hiện. Như Quỳnh có lợi thế là người dân tộc Cao Lan nên nhân vật này quá phù hợp với cô. 

Với bản dựng này, Quế Trân và đạo diễn Triệu Trung Kiên đã trăn trở để tạo nên một nàng Út phiên bản mới. Nếu Như Quỳnh mềm mại, nhẹ nhàng thì nàng Út của Quế Trân mạnh mẽ, mãnh liệt hơn trong tình yêu. Bằng sự nhạy cảm của mình, Quế Trân đã tạo cho nàng Út một hình ảnh rất riêng.

Quang Khải từng thể hiện nhân vật chàng Ba cách đây 6 năm, tưởng thuận lợi nhất đoàn nhưng hóa ra lại gặp khó khăn vì lần này nhân vật phải thoại tiếng Nam, khiến chàng diễn viên đất Bắc phải trầy trật cả tháng nay để "chàng Ba" được nói giọng Nam. 

Nghệ sĩ trẻ Võ Minh Lâm sau lần thử sức vai công tử Hiến trong vở Thầy Ba Đợi, lần này tiếp tục "trượt dài" với những nhân vật "khó ưa". Cố Sầu của Võ Minh Lâm mưu mô, bất chấp tất cả để đoạt lợi. Lâm đã nỗ lực và hứa hẹn cho thấy khả năng biến hóa ở nhiều dạng vai chứ không dừng ở những vai kép đẹp.

Chuyện tình Khau Vai còn gây được ấn tượng đẹp vì phả vào vở diễn màu sắc văn hóa độc đáo. Âm nhạc, cảnh trí, trang phục, các điệu múa... được chăm chút để chuyển tải xác thực nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc miền núi phía Bắc. Tiếc là do kẹt rạp nên vở diễn không ra mắt được tại Nhà hát Bến Thành, sàn diễn của Nhà hát Trần Hữu Trang khá hẹp vì vậy việc trưng bày cảnh trí bị hạn chế, chưa lột tả hết vẻ đẹp như tiên cảnh của đất trời Khau Vai.

Sân khấu cải lương mới Đại Việt là tâm huyết của ba thành viên: soạn giả Hoàng Song Việt, đạo diễn Triệu Trung Kiên và nghệ sĩ Quang Khải (cố vấn nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu).

Vở Chuyện tình Khau Vai (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể và đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) từng được Nhà hát cải lương VN dàn dựng vào cuối năm 2013. Lần dựng lại này, vở tập hợp nghệ sĩ của hai miền Nam - Bắc diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang trong ba đêm 7, 8 và 9-6, sau đó vở sẽ được đưa ra Nhà hát TP vào hai đêm 25 và 26-7.

Chuyện tình của hai miền Nam - Bắc - Ảnh 7.

Cảnh trong vở Chuyện tình Khau Vai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuyện tình của hai miền Nam - Bắc - Ảnh 8.

Cảnh trong vở Chuyện tình Khau Vai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuyện tình của hai miền Nam - Bắc - Ảnh 9.

Cảnh trong vở Chuyện tình Khau Vai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuyện tình Khau Vai, Đoạt hồn, Lôi vũ... mở lối mới cho cải lương Chuyện tình Khau Vai, Đoạt hồn, Lôi vũ... mở lối mới cho cải lương

TTO - Chiều 25-3, tại Hội Sân khấu TP.HCM, Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt gặp gỡ báo chí để giới thiệu sân khấu cải lương mới Đại Việt, sẽ chính thức ra mắt tháng 6 năm nay với vở cải lương Chuyện tình Khau Vai.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên