08/05/2019 13:47 GMT+7

Nhớ Giang Châu, nhớ Trùm Sò của cải lương Ngao Sò Ốc Hến

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Tin nghệ sĩ gạo cội Giang Châu qua đời không quá bất ngờ, bởi vài năm gần đây ông yếu nhiều, nhưng sự ra đi của Giang Châu vẫn khiến đồng nghiệp, khán giả thương tiếc vì cải lương đã mất thêm một tài năng.

Nhớ Giang Châu, nhớ Trùm Sò của cải lương Ngao Sò Ốc Hến - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Giang Châu vai Trùm Sò - Ảnh tư liệu

Vợ chồng NSƯT Thanh Điền và NSƯT Thanh Kim Huệ gắn bó với NSƯT Giang Châu qua hàng ngàn suất diễn vở cải lương hài đình đám Ngao Sò Ốc Hến.

Thanh Kim Huệ nhớ lại: "Thời đó, chỉ một vở Ngao Sò Ốc Hến mà tụi tui diễn suốt hai - ba năm, lên tới cả ngàn suất, có ngày diễn hai suất. Khán giả đông nghẹt, tụi tui còn hóa trang trong hậu trường mà khán giả ngồi kín rạp rồi.

Tánh Giang Châu hiền lành nhưng vui, chịu tếu lắm. Diễn riết mà suất nào cũng kiếm chuyện chọc phá, bữa nay Trùm Sò lạy kiểu này bữa mai lạy kiểu khác, khiến Quan Huyện, Thị Hến, Thầy Đề… phải tròn mắt, tức cười với ảnh.

Ngày xưa ảnh có giọng hát hay lắm, đầy nội lực, trong một lần diễn chung, thấy Giang Châu có giọng hay nên tôi kéo về giới thiệu đoàn Xuân Liên Hoa (đoàn hát của nhà anh Thanh Điền), từ đó ảnh được đoàn khai thác giao nhiều vai kép chánh.

Với Ngao Sò Ốc Hến , lần đầu tiên Giang Châu diễn vai hài, vậy mà ảnh đã làm được và làm rất tốt, khiến vai Trùm Sò đã trở thành vai diễn để đời của ảnh

NSƯT Thanh Kim Huệ

Nhớ Giang Châu, nhớ Trùm Sò của cải lương Ngao Sò Ốc Hến - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Giang Châu trong vở Pha lê và cát bụi - Ảnh :Thanh Hiệp

Nghệ sĩ Thanh Điền nhận xét: "Giang Châu có làn hơi mạnh, đầy nội lực nhưng không phải là giọng mùi mà là giọng hát tính cách nên có khả năng hóa thân ở nhiều dạng vai, từ bi, hài, tới phản diện.

Hồi tụi tui về đoàn Sài Gòn 1, Giang Châu thế nghệ sĩ Thành Được, còn Thanh Kim Huệ thế chị Phượng Liên. Cả hai phối hợp trở thành cặp đào kép chánh với kiểu ca hơi dài đặc trưng được khán giả yêu thích. Mà họ ca hơi dài thật chứ không phải… nối khúc rồi bảo ca hơi dài như một số bạn trẻ bây giờ.

Giang Châu rất sáng tạo, anh biết nghiên cứu trong cách nhấn nhá câu vọng cổ, làn hơi ngân nga, nhịp nhàng sắp đặt như thế nào để câu ca của anh cất lên là người ta nhớ, ấn tượng".

Năm 2006, sân khấu kịch Phú Nhuận dàn dựng lại vở Ngao Sò Ốc Hến với bàn tay đạo diễn của NSND Hồng Vân và bà Hồng Dung (ái nữ của soạn giả Năm Châu).

Nghệ sĩ Hồng Vân chia sẻ chị rất mê tuồng Ngao Sò Ốc Hến từ thời xem vở phát trên tivi, chị cho rằng: "Có thể nói vai Trùm Sò là vai để đời của chú Giang Châu, không ai có thể diễn qua ông vai này. Nhớ nhất là cách chú ca, chú thoại kéo dài nhừa nhựa chữ. Vì mê vở diễn mà tôi đã xin phép gia đình dựng lại trên sân khấu Phú Nhuận với sự tham gia của nghệ sĩ Bảo Quốc, Thanh Thanh Tâm, Anh Vũ, Tiểu Bảo Quốc, Lê Giang, Văn Ruy…

Vai Trùm Sò được giao cho Minh Nhí. Minh Nhí mê vai Trùm Sò của chú Giang Châu lắm nên tôi nhớ Minh Nhí trăn trở ghê lắm, suy nghĩ làm sao để thể hiện mà không bị lặp lại cái bóng của chú. Vở sau đó diễn được một thời gian khá dài và cũng được các nghệ sĩ đem bản dựng này sang hải ngoại, đưa vào kịch truyền hình".

Nhớ Giang Châu, nhớ Trùm Sò của cải lương Ngao Sò Ốc Hến - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Giang Châu trong vở Những vì sao không tên - Ảnh :Thanh Hiệp

Với Minh Nhí, lần thể hiện vai Trùm Sò của nghệ sĩ Giang Châu là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm nghệ thuật của anh. Anh kể đã coi Ngao Sò Ốc Hến trên tivi, rồi sân khấu tổng cộng lên đến… hơn 50 lần!

"Hồi còn nhỏ ở quê, coi vở Ngao Sò Ốc hến trên tivi là tui đã mê rồi, mê vì vở vui từ đầu tới cuối và vai nào cũng hay hết. Tới khi vào học trường nghệ thuật Sân khấu 2 TP.HCM, tui dành dụm tiền mua vé coi vở từ rạp Thủ Đô, Quốc Thanh cho đến Hưng Đạo.

Đặc biệt, tui quá yêu thích vai Trùm Sò của chú Giang Châu. Khoái cái cách chú diễn hài tỉnh rụi, tự nhiên không bị gồng, cái cách hát như kéo kèn lá trên công đường ở lớp lên huyện đường kiện Thị Hến. Tới khi được giao vai, tui cứ sợ mình lặp lại chú. Cuối cùng tôi cố gắng thoát ra, tìm cách riêng bằng cách chuyển những bài vọng cổ sang các điệu lý, tìm cách diễn phù hợp với mình.

Khi công diễn, khán giả cũng yêu thích cũng cười nhưng tôi cho rằng khán giả yêu mến bởi thấy lạ, vì tui là diễn viên kịch mà hát cải lương nên nghe ngộ ngộ. Còn nếu đúng Trùm Sò bản cải lương thì khẳng định rằng tui không bao giờ diễn bằng chú được.

Nghệ sĩ Giang Châu tên thật là Trần Ngọc Châu, sinh năm 1952 tại Chợ Lách, Bến Tre. Ông qua đời lúc 6h30 ngày 8-5. Thấm nhuần tình yêu đờn ca tài tử từ quê nhà, khoảng năm 15, 16 tuổi ông đã rời gia đình theo gánh hát với các đoàn như Phước Châu, Hương Mùa Thu, Sài Gòn 2, Sài Gòn...

Với chất giọng khỏe khoắn, mùi mẫn, ca vọng cổ hơi dài ngọt xớt, ông nổi tiếng qua các vở tuồng Con cò trắng, Hai chiều ly biệt, Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông Hậu, Ánh lửa rừng khuya, Những ánh sao đêm, Khách sạn Hào Hoa, Tô Ánh Nguyệt...

Tang lễ của NSƯT Giang Châu sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp, TP HCM). Lễ viếng bắt đầu lúc 20h ngày 8-5-2019. Lễ động quan lúc 6h ngày 11-5-2019, sau đó an táng tại hoa viên nghĩa trang Bình Dương.


Nghệ sĩ Giang Châu qua đời sau thời gian lâm nhiều trọng bệnh Nghệ sĩ Giang Châu qua đời sau thời gian lâm nhiều trọng bệnh

TTO - Theo thông tin từ gia đình, NSƯT Giang Châu đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6h35 sáng 8-5 tại nhà riêng ở quận Tân Phú (TP.HCM)


LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên