Trích đoạn kịch Bông hồng cài áo - Video: GIA TIẾN
Vở kịch nói về tình mẫu tử hết sức cao đẹp (nguyên tác cải lương: Hoàng Khâm, chuyển thể thoại kịch: NSND Kim Cương), lần này dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Ái Như tiếp tục làm thổn thức trái tim người xem, một món quà hết sức ý nghĩa mà tập thể sân khấu Hoàng Thái Thanh gửi đến khán giả nhân mùa Vu lan.
Tình mẹ và hấp lực của sự giàu sang
Bối cảnh câu chuyện cách thời hiện tại mấy chục năm. Bà Tư bán tàu hủ từng vì nghèo mà bị gia đình của người đàn ông mình yêu thương khinh rẻ, ăn ở với nhau có hai mặt con nhưng vẫn bị bắt chia lìa khiến chồng xa vợ, cha xa con.
Một mình bà Tư một nách hai con đứa 1 tuổi, đứa mới lên 4, đơn độc, sấp ngửa giữa chợ đời. Hai chục năm sau, người cha bội bạc chết trên xứ người, bà nội quay về Việt Nam tìm lại hai giọt máu bà bỏ rơi năm nào.
Bị đời quăng quật vì cái nghèo, bị người đời rẻ rúng, hai đứa con của bà Tư như bắt được cái phao. Họ sẽ lựa chọn ai, lựa chọn cái gì để tin rằng đó mới chính là hạnh phúc?
Bông hồng cài áo được dựng lại trên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - Ảnh: GIA TIẾN
Một nỗi buồn xưa cũ, vậy mà dường như không có khoảng cách với xúc cảm của người xem hôm nay. Bởi tình mẫu tử từ xa xưa đến nay vẫn một màu như thế, lắng đọng nhẹ nhàng và tràn ngập yêu thương.
Bi kịch mỗi người mỗi khác nhưng xem những câu chuyện mẹ con, dường như ai cũng thấy có chút gì của mình trong đó. Hiếu - Thảo, hai đứa con mang cái tên như ước nguyện cả đời của bà Tư nhưng cái nghèo khó đã khiến họ rời xa mẹ mình, quên đi những ấp yêu, nâng niu, gánh nặng tần tảo trên đôi vai gầy của mẹ đã nuôi mình khôn lớn.
Họ chạy nhanh đến với đồng tiền, với giàu sang và nghĩ rằng có thể bù đắp cho mẹ. Nhưng cha mẹ già như chuối chín cây, biết có đợi chờ được với những toan tính của con cái?
Nghệ sĩ Thành Hội trong vở Bông hồng cài áo - Ảnh: GIA TIẾN
Bông hồng đỏ nào rồi cũng sẽ trắng, đó là quy luật. Vì vậy chúng ta hãy cố gắng giữ màu đỏ thật lâu, yêu thương mẹ thật nhiều khi mẹ còn ở bên chúng ta...
Nghệ sĩ Thành Hội
Lan tỏa những yêu thương
NSND Kim Cương vốn rất kỹ tính với những tác phẩm đã trở thành thương hiệu của đoàn kịch Kim Cương. Bà lựa chọn rất kỹ gương mặt để "gửi vàng" bởi sợ người đi sau sẽ làm "biến dạng" đứa con tinh thần của mình.
Bông hồng cài áo từng được bà tin tưởng cho đạo diễn Vũ Minh của sân khấu Idecaf dựng lại vào năm 2013. Năm ngoái, khi đạo diễn Ái Như đến xin phép, bà đã đồng ý và có những trao đổi, góp ý để Hoàng Thái Thanh đưa vào kế hoạch dàn dựng vở năm nay một tác phẩm chất lượng và tiếp tục nối dài sự rung cảm về tình cảm mẫu tử hết sức thiêng liêng.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đạo diễn Ái Như cho hay: "Với sân khấu Hoàng Thái Thanh, dù tác giả có yêu cầu hay không, khi dựng lại một vở diễn đã thành công, chúng tôi luôn cố gắng giữ đúng cốt lõi, tinh thần của vở diễn".
Trích đoạn kịch Bông hồng cài áo - Video: GIA TIẾN
Tuân thủ giá trị tinh thần của vở diễn nhưng Ái Như đã chọn một cách kể mới. Ở đó, chị phát triển câu chuyện trên bối cảnh của những năm 1970, chị phả vào một không khí hippie, từ trang phục, tóc tai, phong cách cho tới âm nhạc, cảnh trí...
Ngoài câu chuyện lay động trái tim người xem, khán giả còn thích thú nhìn ngắm một Sài Gòn xưa trong Bông hồng cài áo. Những chiếc quần ống loe, tóc phồng, áo dài xưa, bức tường loang lổ hay chiếc gạc-măng-rê cũ kỹ, rèm cửa vải bông, chai nước thủy tinh đậy nắp giấy ở nhà cô Nga.
Đặc biệt, nghệ sĩ Ái Như làm người xem khóc hết nước mắt vì khả năng hóa thân vào 2 nhân vật bà mẹ quá tinh tế. Cô giáo Nga trong vở diễn đã đau đáu: "Một người mẹ bị mất con và một người mẹ bị con ruồng bỏ, ai sẽ đau đớn hơn?". Thật khó trả lời.
Nhưng với cách khai thác đầy chiều sâu, người mẹ nào của Ái Như cũng làm trái tim người xem như bị bóp nghẹt, bởi trong nghịch cảnh nào, sự bứt lìa núm ruột đều khiến người mẹ đau đớn, tan nát.
Xem kịch mà nghèn nghẹn, rưng rưng bởi chúng ta thấy mình đâu đó trong câu chuyện của vở kịch, tự thấy mình dường như còn vô tình với cha mẹ.
Lời của nghệ sĩ Thành Hội mở đầu buổi biểu diễn khi nói về cơn đau mà tất cả người đàn bà trong cuộc đời không thể chia sẻ cùng ai là nỗi đau chuyển dạ, sinh ra đứa con như một mạch ý dẫn vào vở kịch và đọng lại trong tâm trí người xem: chúng ta sẽ làm gì để mẹ đừng đau thêm một lần nữa trong đời...
Những gương mặt mới
Hoàng Vân Anh và Võ Tấn Phát trong vở Bông hồng cài áo - Ảnh: GIA TIẾN
Dàn diễn viên của Bông hồng cài áo trên sân khấu Hoàng Thái Thanh hoàn toàn mới, không cố vươn tới cái đỉnh kịch Kim Cương đã chạm đến với Bông hồng cài áo mà họ cảm, họ len lỏi vào trái tim người xem bằng những rung động của ngày hôm nay.
Hoàng Vân Anh ngày càng chứng tỏ sự trưởng thành và đa dạng khi vào vai Thảo, cô con út được cưng chiều, còn trẻ con, hơi ích kỷ và nông nổi. "Tân binh" Tấn Phát cũng gây được chú ý khi vào vai Hiếu.
Các nghệ sĩ còn lại như Thành Hội, Xuân Hương, Bích Ngọc, Thái Quốc, Thế Hải, Phương Trâm... mỗi người đều góp phần để tạo nên một câu chuyện ý nghĩa và giàu cảm xúc trong Bông hồng cài áo.
Thái Quốc và Ái Như trong vở Bông hồng cài áo - Ảnh: GIA TIẾN
* PGS.TS Đinh Phương Duy: Góp thêm tiếng chuông tỉnh thức
Những vở kịch như vậy rất cần cho chúng ta khi mà cái gốc của xã hội - là gia đình - đang hỏng ở nhiều nơi.
Đưa chữ hiếu lên sân khấu mùa Vu lan này, vở kịch không chỉ là câu chuyện của đời sống mấy chục năm trước bởi nó vẫn mang một thông điệp rất thời sự, rất đời. Giữa những sự hỗn loạn của giá trị, Bông hồng cài áo như góp thêm một tiếng chuông tỉnh thức...
* Chị Thúy Kim (Q.10): Soi rọi lại mình
Bông hồng cài áo là vở diễn được dàn dựng công phu, tử tế. Bên cạnh những vở diễn giải trí đơn thuần thì sân khấu cần những vở chính kịch đào sâu, khai thác tâm lý kỹ càng như Bông hồng cài áo để người ta có dịp nhìn lại những mối quan hệ trong gia đình, soi rọi lại bản thân.
Đoạn đầu của vở diễn hơi dàn trải, ưng nhất là phần 2, khi cảm xúc của khán giả được đẩy lên đến tận cùng để họ có thể khóc, có thể giật mình nếu sự vô tình của mình có thể đánh mất những điều quý giá nhất. Tôi cũng muốn vài diễn viên trẻ diễn có độ lắng hơn một chút, có lẽ cần thêm thời gian để qua từng suất diễn sự hóa thân của họ có thể chạm đến trái tim người xem.
Cuộc tiếp sức giữa nghệ sĩ Kim Cương và Ái Như
NSND Kim Cương trong vai bà Tư của vở Bông hồng cài áo - Ảnh chụp màn hình
Hơn một tháng đưa Bông hồng cài áo trở lại sàn diễn, cũng là thời gian đạo diễn Ái Như đối diện với rất nhiều nỗi lo.
Trước nhất là làm sao để một vở diễn có tuổi thọ ở hàng 60 có thể đồng hành với khán giả đương đại? Mà khi tính chuyện đồng hành với khán giả hôm nay rồi, liệu bản sắc của cá tính nghệ sĩ ở một tên tuổi lớn như NSND Kim Cương còn giữ được không? Và ai cũng biết nghệ sĩ Kim Cương rất kỹ đối với các đứa con tinh thần của mình.
Nhưng nhìn ở phía khác, hình như trong việc tìm cái khó để làm của đạo diễn Ái Như đã tiềm ẩn một sự tương đồng ở hai thế hệ nghệ sĩ này. Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương cũng nêu lý do: "Tôi biết sân khấu Hoàng Thái Thanh đang nhất mực đi theo dòng kịch gần với đoàn Kim Cương trước đây là sân khấu của những câu chuyện tình, thấm đẫm giá trị nhân văn".
Nghệ sĩ Kim Cương đồng ý để tái dựng vở chỉ là như vậy. Bên cạnh đó là một điều kiện duy nhất: được xem vở trước khi công diễn.
Ái Như và Hoàng Vân Anh trong vở Bông hồng cài áo - Ảnh: GIA TIẾN
Và sau buổi phúc khảo vở, nghệ sĩ Kim Cương bày tỏ sự hài lòng về hiệu quả vở diễn, đồng thời khen đạo diễn Ái Như chỉnh sửa kịch bản không làm mất tinh thần cốt lõi của Bông hồng cài áo.
Bà cũng hoàn toàn yên tâm về khả năng đem lại cảm xúc chân thành của vở diễn và đặc biệt khen khả năng diễn xuất của anh em nghệ sĩ của nhà hát Hoàng Thái Thanh. Các diễn viên trẻ cũng làm Kim Cương bất ngờ...
Riêng với Ái Như đã đảm nhiệm một lúc hai vai: một người mẹ mất con vì con bị tai nạn giao thông, và một người mẹ có nguy cơ mất con vì nghèo, bị con bỏ đi theo sự giàu sang.
Phần diễn người mẹ nghèo là sở trường của nghệ sĩ Ái Như xưa nay rồi. Kính thưa các kiểu nghèo, chị đã có cả một pho tự điển rồi.
Nhưng ở đây hình tượng một người mẹ bị điên đang dần tỉnh, cứ câu đúng câu sai, cứ câu của chuyện quá khứ đan xen với chuyện bây giờ làm cho tất cả sụt sùi. Tất cả đỏ hoe mắt...
Những điều đó theo lời của nghệ sĩ Kim Cương, đã làm cho vở rất mới mẻ, đàng hoàng... Và Kim Cương cũng nói: "Phải chi chị trẻ lại hai mươi tuổi, chị sẽ trở lại, lo mọi thứ cho Như làm"...
Huỳnh Thanh Diệu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận