13/09/2018 11:31 GMT+7

Sách giáo khoa dùng một lần rồi bán giấy vụn!?

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Ngày 12-9, thảo luận nội dung dự án Luật giáo dục (sửa đổi), nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ bức xúc trước thực trạng sách giáo khoa dùng một lần và nguy cơ của quy định "một chương trình, nhiều bộ SGK".

Sách giáo khoa dùng một lần rồi bán giấy vụn!? - Ảnh 1.

Một phụ huynh ở Q.Gò Vấp, TP.HCM chọn mua sách cho con vào lớp 2 dịp đầu năm học - Ảnh: Hoàng Đông

Vì tính chất quan trọng của dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định kéo dài thêm thời gian thảo luận, xem xét. Theo đó, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại kỳ họp cuối năm 2018, đến kỳ họp giữa năm 2019 mới xem xét thông qua.

Có nên miễn học phí đại trà bậc THCS?

Chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục là vấn đề còn quan điểm khác nhau.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình, thường trực ủy ban này tán thành với chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập như trong dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi), và cho rằng chính sách trên đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phổ cập và xã hội hóa giáo dục.

Chính sách này thúc đẩy và khuyến khích các loại hình trường dân lập, tư thục phát triển để tham gia thực hiện giáo dục phổ cập, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người học diện phổ cập, đồng thời tạo sự bình đẳng giữa trường công lập vàtrường dân lập, tư thục.

"Để chính sách ưu việt này được triển khai khả thi, có hiệu quả, thường trực ủy ban đề nghị quy định rõ hơn về lộ trình thực hiện chính sách, trong đó đặt ra yêu cầu, thời điểm và điều kiện triển khai thực hiện chính sách học phí đối với người học thuộc diện phổ cập giáo dụcnày" - ông Bình nói.

Còn theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, theo xu thế thế giới nói chung, phổ cập giáo dục bắt buộc thực hiện ở mức nào thì nhà nước miễn học phí ở mức đó, nhưng thực tế tại VN đã phổ cập THCS và đang tiến tới phổ cập THPT nhưng Nhà nước mới miễn học phí ở cấp tiểu học. Do tính toán số tiền quá lớn nên Chính phủ đề xuất thực hiện theo lộ trình, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

Nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: "Tôi chưa đồng tình với quy định miễn học phí toàn bộ khối THCS, kể cả ngoài công lập. Chúng ta cần phải phân tầng. Phải chăng chỉ miễn học phí khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, khó khăn và gia đình khó khăn.

Ở thành phố có những trường phải xếp hàng mới vào được, phụ huynh sẵn sàng đóng 7-8 triệu đồng/tháng thì có cần miễn học phí không?". Ông Hiển cho rằng phải thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục như đang triển khai với lĩnh vực y tế, còn nếu cứ cách tư duy bao cấp thì không thể phát triển giáo dục, ngân sách nhà nước cũng không kham nổi.

Mỗi năm in sách giáo khoa ngàn tỉ rồi bán giấy vụn

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng bày tỏ rất băn khoăn với quy định "cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn SGK để sử dụng trong giảng dạy, học tập".

Ông cho rằng với bao nhiêu trường như vậy, mà mỗi trường lựa chọn một loại sách thì loạn. "Thời chúng tôi đi học chỉ một bộ SGK, anh để lại cho em vẫn học được. Bây giờ quy định như vậy, thay đổi liên tục gây tốn kém cho xã hội, về góc độ kinh tế là bất hợp lý" - ông Hiển nói.

"Cần hết sức cân nhắc quy định "một chương trình nhiều bộ SGK", đặc biệt là đối với cấp tiểu học. Cử tri rất bức xúc với tình trạng SGK sử dụng một lần, rất lãng phí" - Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lên tiếng.

Bà cho biết doanh thu của NXB Giáo Dục năm 2017 là 1.200 tỉ đồng, chiếm hơn 50% doanh thu toàn ngành xuất bản. Trong năm 2017, NXB Giáo Dục đưa ra 100 triệu bản SGK, phụ huynh phải chi hơn 1.000 tỉ đồng để mua SGK và nếu dùng một năm thì năm sau bán giấy vụn.

Học sinh phải sử dụng một lần vì SGK có kèm bài tập trong đấy, năm sau tái bản thì nội dung kiến thức vẫn như vậy, chỉ in lại phần bài tập. "Tới đây áp dụng "một chương trình nhiều bộ SGK" thì vấn đề này sẽ như thế nào? Cử tri gọi điện, viết thư cho chúng tôi, rất bức xúc" - bà Hải phản ảnh.

Phải giảm tải ngay nội dung, chương trình

"Cả nước phải thống nhất SGK, không thể để trường tự chọn, địa phương tự chọn. Nếu thế thì truyền thống giáo dục VN ở đâu, hay chỉ cục bộ từng địa phương? Rồi dễ nảy sinh tiêu cực, nhà trường hướng dẫn phụ huynh mua sách, mà không mua thì khó coi" - Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đặt vấn đề.

Ông đề nghị: "Phải giảm tải ngay nội dung chương trình học, đặc biệt là chương trình tiểu học và phổ thông. Tôi có hỏi học sinh đi học nước ngoài, các cháu nói nước ngoài học ít mà hiểu nhiều vì học gắn với hành, nhưng các bạn ở VN học rất nhiều mà hiểu lại ít.

Tôi lấy ví dụ các cháu học tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký thì phải có thời gian để các cháu biết con dế mèn thế nào, học con trâu thì phải có thời gian đi xem con trâu thế nào. Tôi rất thương các cháu nhỏhiện nay học rất vất vả".

Vẫn theo ông Phan Thanh Bình, về chương trình, SGK giáo dục phổ thông, thường trực ủy ban "đề nghị cần quy định về thời gian, hình thức, quy mô, tổng kết, đánh giá thí điểm, thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông, thực hiện chương trình giáo dục khác biệt với chương trình giáo dục do bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành; quy định việc sử dụng các tài liệu dạy học song song hoặc thay thế SGK, hướng đến yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển tư duy phảnbiện cho học sinh".

Đừng quên giáo dục hòa nhập

"Nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt luôn cần sự quan tâm, chăm lo toàn diện của Nhà nước, gia đình, cơ sở giáo dục và toàn xã hội để trẻ em thuộc nhóm này phát triển năng lực cá nhân và thực hiện đầy đủ quyền của mình theo hiến định và theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Vấn đề này chưa được ban soạn thảo đề cập thỏa đáng. Thường trực ủy ban đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể về nội dung này trong dự thảo luật".

Ông PHAN THANH BÌNH

Không có chủ trương cải cách tiếng Việt

Giải thích về việc những tranh luận liên quan đến dạy tiếng Việt gần đây, ông Vũ Đức Đam tái khẳng định: "Chính phủ hoàn toàn không có chủ trương cải cách tiếng Việt. Còn câu chuyện sách công nghệ giáo dục chỉ là một phương pháp đổi mới trong cách học tiếng Việt chứ không phải cải cách ngôn ngữ".

Bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng công nghệ giáo dục thực nghiệm trước đây là thí điểm, nhưng hiện nay nhiều địa phương cho áp dụng, tức là đã đại trà rồi. "Tôi đề nghị Luật giáo dục (sửa đổi) quy định rõ quyền lựa chọn của học sinh và cha mẹ học sinh được lựa chọn nội dung, chương trình học" - bà kiến nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích: "Thời anh Phùng Xuân Nhạ là sinh viên, cách đây mấy chục năm đã có thực nghiệm rồi. Thực nghiệm gì mà thực nghiệm mãi được? Cháu nội tôi đi học, tôi có trao đổi với người bạn làm giáo viên thì bạn tôi nói "không hiểu sao nội dung chương trình bây giờ cứ nặng nề, cao siêu quá".

Bây giờ dạy thêm, học thêm quá nhiều, các cháu gần như không có nghỉ hè. Ngày xưa chúng ta đi học nghỉ hè là trọn vẹn 3 tháng, chúng ta học lịch sử Đinh, Lý, Trần, Lê... thuộc từng trận đánh, nhưng bây giờ hỏi nhiều cháu không biết, trong khi các cháu lại học rất khổ".

"Với một hệ thống giáo dục mà Quảng Nam chọn sách cho Quảng Nam, Hà Tĩnh chọn sách cho Hà Tĩnh, tỉnh nào chọn sách cho tỉnh đó thì không được" - bà Ngân nói.

Sách giáo khoa toán của Việt Nam khó hơn nhiều so với ở Séc Sách giáo khoa toán của Việt Nam khó hơn nhiều so với ở Séc

TTO - Ông Václav Klaus, chủ tịch Ủy ban Khoa học, Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên và Thể thao Cộng hòa Séc nhận xét như vậy trong buổi nói chuyện với giảng viên, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng sáng 8-6.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên