16/05/2018 16:51 GMT+7

Sách giáo khoa mới sẽ được số hóa, đưa lên mạng

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã chia sẻ thông tin này tại hội thảo khoa học quốc gia 'Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế' tại Hà Nội.

Sách giáo khoa mới sẽ được số hóa, đưa lên mạng - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: NGỌC HÀ

Hội thảo do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Ban Tuyên giáo trung ương, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức ngày 16-5.

"Với chương trình mới, sách giáo khoa mới, liệu có chủ trương số hóa sách giáo khoa và đưa lên mạng hay không?", GS Lâm Quang Thiệp, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, đặt câu hỏi đến GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đáp lại băn khoăn này, GS Thuyết cho rằng đã có chủ trương số hóa, nhưng ông chỉ là tổng chủ biên của chương trình giáo dục phổ thông mới nên bản thân ông khó đưa ra câu trả lời.

Tuy nhiên, ngay lập tức, từ hàng ghế đại biểu, thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết "cái gì liên quan đến ngân sách Nhà nước cấp tiền thì sẽ hướng tới miễn phí". Theo đó, "các tài liệu số hóa sẽ được đưa lên mạng".

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia giáo dục đã đề cập yêu cầu cấp thiết phải đưa nền giáo dục mở từ một chủ trương đã được đặt ra rõ ràng tại Nghị quyết 29 từ năm 2013 thành các chính sách cụ thể và đẩy mạnh triển khai trong thực tế.

Theo GS Trần Hồng Quân - chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, hệ thống giáo dục mở là vấn đề quan trọng đã được Nghị quyết số 29 định hướng cho sự phát triển của giáo dục đào tạo nước nhà.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Tuy nhiên cho tới nay, sau bốn năm, nền giáo dục vẫn chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào về hệ thống giáo dục mở. Khái niệm này vẫn được hiểu khá cảm tính và do đó xuất hiện các quan niệm khác nhau khi giải thích về nó.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng nhất chính là phá bỏ các rào cản của nền giáo dục hiện có.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD- ĐT, đã chỉ ra một loạt rào cản ngăn trở nền giáo dục mở cần được tháo gỡ như: rào cản về chính sách, rào cản về kinh tế, rào cản về sức ỳ của hệ thống giáo dục, rào cản về lợi ích...

Phá bỏ mọi rào cản của giáo dục

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để xây dựng hệ thống giáo dục mở, phải kiên quyết dỡ bỏ tất cả những rào cản đang làm cản trở tinh thần giáo dục mở.

Theo Phó thủ tướng, đến thời điểm này, khái niệm giáo dục mở vẫn đang tiếp tục được tranh luận, nhưng cho dù chưa thống nhất về mặt khoa học thì cũng "không có nghĩa là chúng ta không làm những cái đã thấy đúng", "những gì thế giới đã thành xu thế thì ta phải theo".

Hàn Quốc số hóa chương trình giáo dục Hàn Quốc số hóa chương trình giáo dục

TT - Chính quyền Hàn Quốc đã số hóa toàn bộ chương trình giáo dục quốc gia. Cho đến trước năm 2015, Hàn Quốc muốn phân phối toàn bộ nội dung sách giáo khoa thông qua máy vi tính.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên