Hình hài đô thị TP.HCM sau 20 năm kể từ khi Thủ tướng ký quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đầu tiên (năm 1993) với nhiều bất cập, ngổn ngang, manh mún trong "cơn lốc" đô thị hóa đủ để các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận và có những điều chỉnh chiến lược cho những quy hoạch sắp tới.
Chuyến bay gần hai giờ của bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP.HCM và lãnh đạo một số tỉnh Đông Nam Bộ khảo sát đô thị TP.HCM từ trên cao cho thấy nhiều điều về quy hoạch, quá trình phát triển và thực trạng đô thị.
Không kể kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1988, đến nay TP.HCM đã có ba lần lập và điều chỉnh quy hoạch chung (năm 1993, 1998 và 2010).
Những quy hoạch được chuyên gia đánh giá có chiến lược, tầm nhìn phát triển TP.HCM rất rõ nét. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận sự yếu kém trong kỷ luật thực hiện quy hoạch, buông lỏng quản lý... đã tạo ra một đô thị còn ngổn ngang.
Hạ tầng yếu kém, đường sá chật hẹp, trường học, công viên, bệnh viện thiếu thốn, trong khi nhà cửa nhiều khu vực mọc lên tự phát tràn lan, nguồn lực đất đai khai thác kém hiệu quả. Đặc biệt, bộ mặt TP thiếu đi những khu đô thị hiện đại, bài bản, hay những khu công viên công cộng có tầm cỡ...
Sẽ có những điều chỉnh, lập các quy hoạch mới để thay đổi thực trạng này. Nhưng quan trọng nhất là sẽ đặt ưu tiên gì cho quá trình điều chỉnh này, đó chính là sự hy sinh cái trước mắt để gìn giữ cái lâu dài.
Nói cách khác, một bản quy hoạch có sự dẫn dắt và ý đồ phát triển của TP, cho cả cộng đồng, cho con cháu mai sau hay theo "ý muốn" của một số nhà đầu tư.
Sự hy sinh đó có thể là hy sinh nguồn lực "ăn xổi" thu được từ sự phát triển tự phát (phân lô bán nền) để tạo lập những khu đô thị công nghiệp, dịch vụ đưa chức năng quy mô lớn, hiện đại gắn với phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông.
Sự hy sinh là dành những khu đất công rộng lớn ở nội thành sau khi di dời nhà máy cho xây dựng công viên, trường học thay vì chỉ mọc lên những tòa nhà cao tầng.
Rồi đây TP sẽ quy hoạch mô hình mới như thế nào thay thế cho mô hình Khu chế xuất Tân Thuận đã bộc lộ nhiều lạc hậu. Khu đất 300ha này sẽ được định hình ra sao, hình thành khu đô thị công nghiệp - dịch vụ với đồng bộ mảng xanh công viên, khu vui chơi, trường học, hay đơn thuần chỉ là những khối nhà chọc trời mọc lên?
Tất nhiên, ưu tiên cho xây dựng, cho nhà ở... sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế trước mắt nhưng cũng là bỏ qua cơ hội "ngàn năm có một" để khai thác quỹ đất này trở thành nơi để đời cho con cháu. Đó là bài toán cân đối cho sự dám hy sinh khi làm quy hoạch.
Rồi quy hoạch khai thác "tài sản" lớn của TP.HCM - cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn ra sao, cho nguồn lợi trước mắt hay lợi ích lâu dài. Nơi đây sẽ là những mảng xanh dọc bờ sông, hình thành nên cảnh quan đặc biệt phục vụ nhu cầu cộng đồng hay lại vẫn là khu dân cư...! Vẫn là bài toán về "sự hy sinh".
Hàng loạt bài toán về cân bằng, hy sinh nguồn lợi trước mắt với lợi ích lâu dài khi làm quy hoạch phải được đặt ra. Những bài toán khó đó chỉ được giải khi các chiến lược chủ đạo được đặt trên lợi ích chung, thay vì lợi ích riêng. Có lẽ chúng ta không còn nhiều cơ hội để sửa sai, nếu cứ chạy theo quy hoạch vì cái lợi trước mắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận