Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 1.

Không phải bất cứ người dân Quảng Ninh nào cũng có thể hiểu rõ chủ trương 3 đột phá chiến lược mà tỉnh đã triển khai cụ thể là những gì. Nhưng một điều chắc chắn, nếu hỏi về những thay đổi của tỉnh trong vòng 5 năm qua, chắc chắn họ sẽ tự hào mà chia sẻ với bạn bè, du khách về hệ thống cao tốc, cảng biển, sân bay quốc tế hay sự phát triển vượt trội trong cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. 

Bởi đó là những thành quả rõ nét của tỉnh mà mỗi người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư cảm nhận được bằng "mắt thấy, tai nghe" và đã, đang được thụ hưởng… Thu nhập bình quân đầu người cải thiện, tăng gần gấp đôi, từ 3.770 USD/người/năm 2016 lên 6.500 USD/người/năm 2020…

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 2.

5 năm qua, Quảng Ninh đã chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào 3 đột phá chiến lược: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải cách hành chính; và phát triển nguồn nhân lực.

Về hạ tầng, tỉnh đã đa dạng hóa, huy động và sử dụng các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ. 

Với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", trên cơ sở kiên trì, quyết liệt thực hiện cơ cấu đầu tư công có hiệu quả, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh (hoặc ứng vốn cho Trung ương) tập trung vào các dự án, công trình động lực có tính lan tỏa cao; quyết liệt đi đầu thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư (lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công, đầu tư công - quản lý tư, BT, BOT…)…

Nhờ đó mà Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên, duy nhất có sân bay Vân Đồn do tư nhân đầu tư. Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh hiện có tuyến đường cao tốc dài nhất (trên 100 km), và tới đây, khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được hoàn thành thì Quảng Ninh sẽ có tuyến cao tốc "xuyên tâm" với tổng chiều dài gần 200 km, giúp rút ngắn thời gian và quãng đường từ Hà Nội đi hạ Long, đến Vân Đồn và mảnh đất địa đầu Móng Cái.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 3.

Đối với cải cách hành chính, tỉnh đã quyết liệt thực hiện khâu đột phá là thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND. Công tác cải cách thủ tục hành chính bảo đảm yêu cầu 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư và nhân dân, tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đạt gần 70%. 100% xã, phường, thị trấn triển khai bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, đưa 231 điểm cầu trực tiếp kết nối liên thông từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã vào hoạt động…

Nhờ những nỗ lực trên, những năm qua, nhất là từ năm 2017, Quảng Ninh luôn đứng vị trí dẫn đầu các tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Về nguồn nhân lực, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách về chăm lo phát triển con người. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Hằng năm, dành nguồn lực thỏa đáng cho phát triển nguồn nhân lực theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và đề án "đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020"…

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 4.

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, luôn cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh ghi nhận tăng trưởng kinh tế năm 2016 tăng 10,1%; năm 2017 tăng 10,2%; năm 2018 tăng 11,1%; năm 2019 tăng 12,09%; 6 tháng đầu năm 2020 tăng 5,7%.

Năm năm qua, hạ tầng giao thông, du lịch của Quảng Ninh có nhiều đột phá, hàng loạt công trình trọng điểm được xây dựng, hoàn thành, như: sân bay quốc tế Vân Đồn; cầu Bạch Đằng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; triển khai xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái… Quảng Ninh cũng là địa phương tiên phong của cả nước trong lĩnh vực thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm, cả 3 dự án lớn cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, sân bay quốc tế Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đều được đầu tư BOT để huy động vốn tư nhân.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 5.

Hạ tầng du lịch của Quảng Ninh cũng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, với lợi thế sở hữu kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, cùng vùng biển đẹp trên vịnh Bái Tử Long, huyện đảo Vân Đồn, hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp đã và đang được đầu tư. Đó là các dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Hạ Long Xanh, đảo du lịch Tuần Châu, casino Vân Đồn, FLC Hạ Long, sân golf , resort… Hạ tầng tốt lên, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh qua các năm cũng tăng nhanh, năm 2016 khoảng 8,3 triệu lượt khách, thì đến năm 2019 đạt khoảng 14 triệu lượt khách, 6 tháng năm 2020 ước khoảng 4,19 triệu khách (do ảnh hưởng COVID-19).

Đời sống người dân Quảng Ninh cũng được cải thiện mạnh mẽ, thu nhập bình quân đầu người thời gian qua tăng lên nhanh chóng, năm 2016 đạt 3.776 USD/người, năm 2017 đạt 4.528 USD/người, năm 2018 đạt 5.065 USD/người, năm 2019 đạt 6.135 USD/người, năm 2020 ước đạt 6.500 USD/người. Quảng Ninh luôn được đánh giá là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế năng động, cuộc sống người dân ngày càng khá giả hơn.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 6.

Sau nhiều năm mong ngóng, ngày 2-9 vừa qua, cán bộ, chiến sĩ, và người dân ở đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) đã vỡ òa niềm vui khi dòng điện quốc gia chính thức đến với đảo tiền tiêu.

Dòng điện đã "bừng sáng" nơi đảo xa, và chắc chắn sẽ mở ra vận hội mới, cơ hội phát triển mới để làm thay đổi diện mạo, cuộc sống ở đảo Trần…

Đảo Trần, đảo thanh niên thứ 5 của Việt Nam được gọi là "Trường Sa đông bắc", là một trong những hòn đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, là đảo tiền tiêu nơi biển trời Đông Bắc Tổ quốc. Hòn đảo nằm cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ chỉ hơn 10 hải lý (khoảng 18 km), và cách điểm đất liền gần nhất là Hà Cối (huyện Hải Hà) khoảng 20 hải lý.

Bà Nguyễn Thị Cảnh

Từ những năm 2010, phóng viên Tuổi Trẻ cùng nhiều đồng nghiệp đã có dịp đến với đảo Trần. Thời đó, việc ra đảo rất khó khăn. "Những năm 2014 trở về trước thì gần như không có tàu thuyền ra đảo. Cả đảo chỉ có mỗi một nóc nhà dân, còn lại toàn bộ đội. Mình có việc đi về đất liền chỉ có đợi tàu cá của dân đi qua thì đi nhờ. Mỗi lần như vậy mất 3-4 tiếng đồng hồ mới vào đến bờ. Còn nay thì tốt hơn trước nhiều lắm rồi. Đảo đã có 12 hộ dân. Phương tiện đi lại dễ dàng hơn, có ca nô cao tốc và chỉ mất khoảng tiếng đồng hồ là vào đến bờ hoặc sang xã đảo Thanh Lân…" - bà Nguyễn Thị Cảnh, 43 tuổi, bí thư kiêm trưởng thôn đảo Trần, một trong những người dân sống lâu nhất ở đảo Trần nhớ lại.

Bà Cảnh cùng chồng là Hoàng Văn Hiển (44 tuổi, quê Thủy Nguyên, Hải Phòng) đến đảo Trần "lập nghiệp" sớm nhất, từ năm 2006, và đến 2008 thì được bộ đội giúp đỡ dựng ngôi nhà. 

"Thời gian đầu dù rất khó khăn, thiếu thốn nhưng may mắn được anh em chiến sĩ bộ đội giúp đỡ nên hai vợ chồng quyết định ở lại đảo lập nghiệp, buôn bán hàng tạp hóa phục vụ anh em lính đảo. Giờ điều kiện thuận lợi hơn, cuộc sống tốt hơn, dân đông hơn rồi nên vợ chồng tôi cũng không muốn về đất liền nữa’, ông Hiển - chồng bà Cảnh tâm sự.

Theo bà Cảnh, bí thư kiêm trưởng thôn đảo Trần, từ năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đưa dân ra đảo Trần sinh sống. Hai dãy nhà cho dân ở được tỉnh xây dựng. Ngôi trường rộng rãi khang trang trị giá hơn 15 tỉ đồng cũng được Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam xây tặng. 

Rồi lần lượt tỉnh tuyển đủ 12 hộ gia đình thanh niên ra đảo lập nghiệp, sống dựa vào nghề đánh bắt hải sản, kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, thương mại…

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 8.

"Cuộc sống ngoài đảo khó khăn, thiếu thốn nhất vẫn là điện và nước sinh hoạt. Dù được tỉnh lắp điện mặt trời, đầu tư máy phát điện nhưng ở ngoài đảo nên điện rất phập phù vì máy móc hay trục trặc, hỏng hóc thiết bị do thời tiết, chi phí khá cao… 

Nhưng bây giờ chắc chắn sẽ khác rồi. Có điện lưới, việc kinh doanh, sản xuất, sinh hoạt sẽ chủ động hơn, và chắc chắn chi phí tiền điện sẽ giảm ít nhất một nửa. Đó là những điều mà người dân chúng tôi rất vui. Có điện, chắc chắn người dân sẽ yên tâm bám đảo, và biết đâu, mai mốt sẽ còn có nhiều hộ gia đình trẻ nữa xin ra ngoài đảo sinh sống, làm ăn…", bí thư kiêm trưởng thôn háo hức.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 9.
Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 10.

Quảng Ninh ghi dấu ấn mạnh mẽ trong thực hiện sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, đơn vị của tỉnh có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, theo hướng một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người, một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm.

Việc nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo, quản lý cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã làm tinh gọn bộ máy, làm rõ trách nhiệm từng vị trí cán bộ, công chức, nâng cao hiệu quả công vụ…

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 11.

Ông Lương Ngọc Đủ, bí thư kiêm phố trưởng phố Chu Văn An, thị trấn Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh cho biết ông đã đảm nhận cả 2 nhiệm vụ tại khu phố từ hơn 4 năm trước. Dù ở cấp tổ dân phố không có vấn đề lớn phát sinh nhưng các vụ việc phát sinh trong khu phố từ khi hợp nhất 2 vị trí bí thư chi bộ, phố trưởng khu phố đã được giải quyết nhanh gọn hơn.

"Nếu trước đây khi xảy ra các sự cố như cháy nổ nhà dân hoặc khiếu kiện đông người, trưởng khu phố phải bàn bạc, thống nhất với bí thư chi bộ khu phố trước khi báo cáo cấp trên, gặp gỡ người dân để động viên giải quyết thì nay có thể trực tiếp xuống giải quyết và báo cáo lên cấp trên để nhờ hỗ trợ giải quyết. Nhiều bức xúc của người dân một mình tôi có thể xuống động viên người dân hướng giải quyết, không nhất thiết phải chờ đợi người này người kia cùng tới", ông Đủ cho biết.

Tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, bí thư kiêm chủ tịch phường Vũ Ngọc Lâm khẳng định từ khi có chủ trương bí thư kiêm chủ tịch phường, mọi kiến nghị của người dân đều được giải quyết nhanh gọn.

Hùng Thắng là phường có tốc độ đô thị hóa cao, từng là điểm nóng của TP Hạ Long về khiếu nại tranh chấp đất đai, trật tự xây dựng. Những năm trước đây tỉ lệ đơn thư khiếu nại của người dân tồn đọng rất lớn, nhưng từ khi tỉnh thực hiện chủ trương kiêm nhiệm 2 chức danh và bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, nhiều vụ việc phức tạp đã được bí thư, chủ tịch phường trực tiếp chỉ đạo xử lý. 

Số vụ việc khiếu kiện của người dân liên quan tới đất đai đã giảm, 8 tháng đầu năm nay đơn thư khiếu kiện gửi tới bộ phận một cửa của phường giảm 75% so với cùng kỳ năm trước.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 12.

Ông Lâm kể, khi mới từ UBND thành phố về giữ chức danh bí thư kiêm chủ tịch phường Hùng Thắng, địa bàn có nhiều vụ việc phức tạp. Nổi cộm là việc hàng trăm người dân sinh sống trong các khu chung cư cao tầng trên địa bàn liên tục căng băng rôn, phản đối chủ đầu tư nhiều năm liền vì chủ đầu tư không họp dân để thành lập ban quản trị, không bàn giao quỹ bảo trì. Đây cũng được coi là điểm nóng về tranh chấp chung cư trên địa bàn TP Hạ Long.

Để giải quyết vụ việc, UBND phường đã mời đoàn công tác của Bộ Xây dựng về họp để tìm hướng giải quyết. Qua trao đổi, đề xuất của địa phương, Bộ Xây dựng đã đồng ý cho phường tổ chức họp dân, bầu ban quản trị các tòa nhà dù không đủ 50% hộ dân tham gia. Nhờ đó, sau 4 tháng UBND phường Hùng Thắng đã bầu được 12 ban quản trị chung cư, ổn định cuộc sống người dân, chấm dứt tình trạng khiếu kiện đông người trên địa bàn.

"Có nhiều dự án lấy đất trên địa bàn, nhưng vì tiến độ nên phường đứng ra gần như "bảo lãnh" với dân để thống nhất giá đền bù rồi bàn giao mặt bằng sớm cho chủ đầu tư dù tiền đền bù chưa nhận. Đây cũng chính là "bài học", là "kinh nghiệm" để các dự án lớn của tỉnh về sau này áp dụng, ví như chiến dịch 30 ngày đêm giải phóng mặt bằng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái", bí thư, chủ tịch phường Hùng Thắng khoe.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 13.

5 năm qua (2015 - 2020), Quảng Ninh đã thí điểm áp dụng các mô hình mới, thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 3 huyện, thành phố Đông Triều, Tiên Yên, Cô Tô; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND tại 7 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 14.

Ở cấp xã, Quảng Ninh cũng thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở 88 xã, phường, thị trấn ( đạt trên 47%), bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở 90 đơn vị cấp xã (trên 48%); và 1.562/1.565 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố (99,74%).

Trong những năm qua, Quảng Ninh cũng thí điểm thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung cho khối mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở 14 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Chủ động xây dựng đề án, đề xuất và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương và thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh trực thuộc Tỉnh ủy trên cơ sở hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh gồm Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Hạ Long, Trung tâm Thông tin tỉnh từ ngày 1-1-2019.

Cuối năm 2019, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 15.

Ông Vũ Quyết Tiến, Trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy kiêm Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết việc hợp nhất các tổ chức, cơ quan cùng cấp tại Quảng Ninh không đơn giản là sự sáp nhập mang tính cơ học, mà là quá trình tối ưu hóa mô hình tổ chức chính quyền các cấp. Qua đó, xây dựng, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng đủ mạnh; tập trung chức năng, chia sẻ nhiệm vụ, khắc phục được sự cồng kềnh, chồng chéo; tinh giản được biên chế; tạo môi trường cọ sát, cạnh tranh để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với phát huy tối đa sở trường, năng lực, sức sáng tạo.

Về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã giảm 622 biên chế công chức, trong đó khối Đảng, đoàn thể giảm 161 người; khối chính quyền giảm 461 người, và 1.314 viên chức so với năm 2015; thực hiện lộ trình đến 2020 giảm 10% so với năm 2015. Qua đó, góp phần sử dụng hợp lý nguồn ngân sách dành cho chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 16.

Thành phố Quảng Ninh

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 18.

Từ nhiều năm nay, Quảng Ninh đã thực hiện luân chuyển cán bộ rất mạnh, đặc biệt tỉnh này chú trọng việc luân chuyển, bổ nhiệm người đứng đầu không phải là người địa phương để phát huy tối đa năng lực cán bộ.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 19.

Là một cán bộ được luân chuyển từ tỉnh xuống huyện, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh cho hay luân chuyển cán bộ trên địa bàn huyện đã trở thành nền nếp trong thời gian qua, không còn chuyện cán bộ phải đi xin gặp lãnh đạo này, lãnh đạo kia xin xỏ liên quan đến công việc của mình. Các cán bộ trên địa bàn đều xác định công tác tại một vị trí 5-7 năm sẽ luân chuyển, cũng không có chuyện thích vị trí này không thích vị trí kia.

Tuy nhiên, việc luân chuyển sẽ căn cứ trên năng lực từng cán bộ, qua đó các cán bộ cũng tự thấy được năng lực của mình phù hợp với những công việc nào. Ở huyện Đầm Hà, 100% bí thư, chủ tịch xã là người xã nọ sang xã kia chứ không có cán bộ người địa phương. Đầm Hà đã thực hiện việc luân chuyển cán bộ được 5 năm, nhiều cán bộ cấp phòng được luân chuyển về làm bí thư, chủ tịch xã bước đầu cũng gặp khó khăn, nhưng sau quá trình thích nghi với vị trí công việc mới, hầu hết cán bộ trưởng thành hơn, cán bộ luân chuyển về cơ sở sát dân, đều tiếp cận, bám được cơ sở.

"Nếu không là người địa phương, các bí thư, chủ tịch sẽ không bị vướng vào các quan hệ thân quen, họ hàng khi giải quyết công việc. Bên cạnh đó, lãnh đạo các huyện, các xã cũng dễ dàng nắm bắt thông tin trái chiều từ người dân, từ cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình để có chỉ đạo, chấn chỉnh", bà Hà chia sẻ.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 20.

Khó khăn lớn nhất trong luân chuyển cán bộ không phải là người địa phương theo Bí thư Huyện ủy Đầm Hà là cán bộ phải di chuyển đi lại nhiều, ít thời gian cho gia đình.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 21.

Theo ông Lương Ngọc Đủ, bí thư kiêm phố trưởng phố Chu Văn An, thị trấn Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, chủ trương luân chuyển cán bộ, bí thư, chủ tịch không phải là người địa phương sẽ tránh được tình trạng cục bộ, địa phương, điều này rất phù hợp với thực tế hiện nay. Lãnh đạo không phải người địa phương khi xử lý các bức xúc của người dân ở cơ sở sẽ khách quan, không nể nang, không mang tình cảm cá nhân vào công việc.

Cũng theo ông Đủ, một bí thư, chủ tịch xã làm mãi một vị trí tới 15-20 năm sẽ trì trệ, tạo cục bộ địa phương, ngại va chạm, rất khó giải quyết công việc khách quan. Trình độ cán bộ công chức trong quá trình luân chuyển cũng tăng lên, mỗi công chức phải nỗ lực, có trách nhiệm hơn khi đảm nhận vị trí công việc mới.

Ông Lương Ngọc Đủ, bí thư kiêm phố trưởng phố Chu Văn An, thị trấn Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh

Chủ trương luân chuyển cán bộ, nhất thể hóa chức danh, tinh gọn bộ máy đảng, đoàn thể, chính quyền của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua đã đem lại hiệu quả quả công vụ rõ nét. Ghi nhận của Báo Tuổi Trẻ tại trung tâm hành chính công huyện Đầm Hà cho thấy không còn cảnh người dân phải chờ chực làm thủ tục hành chính, phải đi lại nhiều lần khi đến làm thủ tục hành chính.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 23.

Ông Đỗ Văn Kỷ, một người dân trú tại số 233 phố Hoàng Văn Thụ, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh cho biết không gặp khó khăn gì khi tới làm thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn kinh doanh. "Theo quy trình được hướng dẫn niêm yết công khai tại trung tâm, tôi chỉ cần mang hồ sơ gốc như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh thư, hộ khẩu gia đình tới, mọi thủ tục thế chấp vay vốn đều được cán bộ trung tâm hướng dẫn thực hiện, mình chỉ việc ký vào hồ sơ thôi. Các cán bộ trung tâm làm việc có trách nhiệm, mọi thủ tục được thực hiện rất nhanh gọn, không phải chờ đợi lâu. Hôm qua mang hồ sơ đến thì hôm nay tới nhận kết quả", ông Kỷ chia sẻ.

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 24.
Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 25.

Quảng Ninh đặt mục tiêu cho 5 năm tới là thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

2 trong số 19 chỉ tiêu mà Quảng Ninh phấn đấu thực hiện trong giai đoạn 5 năm tới là phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD…

Để thực hiện mục tiêu chung, tỉnh này đã đưa ra 19 chỉ tiêu cụ thể trên mọi mặt lĩnh vực, gồm:

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 26.
Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 27.
Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 28.
Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 29.
Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 30.

Ít nhất 10 công trình lớn của tỉnh đã được khánh thành, gắn biển công trình chào mừng đại hội đảng bộ tỉnh. Đó là các công trình…

Cụm công trình Trung tâm hành chính tỉnh: Cụm công trình Trung tâm hành chính tỉnh gồm 4 dự án chính: trụ sở Liên quan cơ quan số 3; đầu tư xây dựng công trình Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; nâng cấp cụm công trình Trung tâm tổ chức hội nghị, trụ sở Liên cơ quan số 2, nhà khách và xây dựng mới hệ thống cầu kính kết nối các trụ sở liên cơ quan với trụ sở UBND tỉnh; hoàn thiện hạ tầng Trung tâm hành chính tỉnh.

Việc đưa vào sử dụng cụm công trình, với nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẽ tạo điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp..

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 31.

Tòa nhà Viettel - "điểm nhấn" của Hạ Long: Tòa nhà Viettel Quảng Ninh được đầu tư xây dựng tháng 7-2017 với tổng kinh phí gần 200 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích khoảng 2.800m2. Công trình được thiết kế gồm 1 tầng hầm và 15 tầng nổi.

Đây là công trình có kiến trúc khác biệt, hiện đạt nhất và có mức đầu tư lớn nhất của Tập đoàn Viettel trên cả nước, ứng dụng nhiều công nghệ kỹ thuật thân thiện với môi trường, là công trình thể hiện vị thế của Viettel trên địa bàn tỉnh, tạo điểm nhấn cho trung tâm TP Hạ Long.

Đường mới vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử: Chỉ trong 60 ngày vừa giải phóng mặt bằng vừa thi công, công trình đường vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử dài hơn 12 km đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng ngày 15-9.

Công trình có tổng mức đầu tư trên 172 tỉ đồng, trong đó  UBND tỉnh hỗ trợ 100 tỉ đồng, phần còn lại là nguồn vốn ngân sách thành phố Uông Bí. Đường được làm theo tiêu chuẩn đường đô thị, bề rộng 25m với 10m vỉa hè 2 bên, với tổng chiều dài hơn 12 km.

Kết nối giao thông tới 104 thôn, bản khó khăn của huyện Bình Liêu: Hệ thống các công trình giao thông kết nối tới 104 thôn, bản huyện Bình Liêu được triển khai trên địa bàn các xã Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động và thị trấn Bình Liêu với tổng chiều dài hơn 250 km. Hệ thống công trình có tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.300 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động của Chương trình nông thôn mới và Chương trình 135  được triển khai thực hiện từ năm 2016 và mới hoàn thành trong năm 2020.

Đường nối sân bay Vân Đồn tới Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí Vân Đồn: Tuyến đường từ Cảng hàng không Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, Khu kinh tế Vân Đồn dài 15 km.Tuyến đường đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng, được triển khai từ năm 2017 và hoàn thành trong năm 2020.

Giảng đường cho 3.000 sinh viên: Giảng đường trung tâm Trường Đại học Hạ Long (phường Nam Khê, TP.Uông Bí) được khởi công từ 12-2018, hoàn thành vào ngày 15-8-2020 (vượt tiến độ 4 tháng).

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 32.

Công trình có quy mô 01 tầng hầm, 19 tầng nổi và tum, được xây dựng trên diện tích hơn 1.000m2 với tổng diện tích sàn gần 20.000 m2. Giảng đường có 57 phòng học lý thuyết; khu không gian văn hóa quốc tế (phục vụ 4 ngành học ngôn ngữ nước ngoài); hội trường thực hành biểu diễn và các phòng khối nghệ thuật; hai tầng thư viện, trung tâm học liệu...

Đây là tòa nhà được xây dựng với công năng đa dạng, kiến trúc đẹp, hiện đại, chú trọng đến không gian nghỉ ngơi giữa giờ cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu học tập cùng lúc cho khoảng 2.500 - 3.000 sinh viên.

Cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần (Cô Tô): Tỉnh đã đầu tư gần 400 tỉ đồng để đưa điện từ xã Vĩnh Thực (Móng Cái) ra thôn đảo Trần, huyện Cô Tô (đóng điện ngày 2-9-2020). Để giúp cán bộ, chiến sĩ và 12 hộ dân trên đảo trần có điện lưới quốc gia, đơn vị thi công đã xây dựng mới gần 20 km đường dây trung áp 22kV (trong đó có hơn 13,5 km cáp ngầm dưới biển và gần 7 km đường dây trên không), ba trạm biến áp với tổng công suất 460kVA và 3,2 km đường dây hạ áp 0,4kV và 65 công tơ đo đếm điện…

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 33.

Tuyến đường nối khu công nghiệp Cái Lân với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn: dài gần 12 km và có 4 cầu vượt sông trên toàn tuyến. Dự án có tổng mức đầu tư 1.299 tỉ đồng…

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 34.

Đầu tư đổi mới công nghệ khai thác than ở Công ty than Hạ Long: Công trình đổi mới công nghệ khai thác cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ tại lò chợ I-11-5 có tổng mức đầu tư 106 tỉ đồng, quy mô gồm 80 bộ giàn chống tự hành, 1 máng cào, 1 máy khấu than được đặt dưới một hầm lò khai thác thuộc Công ty than Hạ Long. 

Với công nghệ mới này, sản lượng trung bình ban đầu là 812 tấn/ngày (tăng 2,1 lần so với công nghệ thủy lực đơn). Năng suất lao động trực tiếp trung bình 12,5 tấn/công (tăng 2,9 lần so với công nghệ thủy lực đơn), giảm được 30% nhân công, và đặc biệt đảm bảo an toàn hơn trong quá trình khai thác hầm lò.

Cung Trúc Lâm, Yên Tử 

Quảng Ninh - Khát vọng vươn tới tầm cao mới - Ảnh 35.

ĐỨC BÌNH - ĐẶNG TUÂN
NAM TRẦN - NGỌC QUANG
NAM TRẦN - NGỌC QUANG
KIỀU NHI
BẢO SUZU
28/9/2020
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0