Hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước - Ảnh: Chinhphu.vn
Sáng 27-3, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc (kết nối 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc trung ương) nghiên cứu, học tập và quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trình bày chuyên đề "Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng", ông Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - khẳng định văn kiện nhấn mạnh 5 quan điểm chỉ đạo.
Trước hết là kiên định và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới và xây dựng Đảng, nhưng bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. "Đây là vấn đề có tính nguyên tắc không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động" - ông Thắng nói.
Tiếp tục đẩy mạnh đường lối đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần và quốc phòng an ninh là trọng yếu thường xuyên.
Tạo động lực phát triển đất nước, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy tính dân chủ, sáng tạo; bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn lực, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Xuân Thắng trình bày chuyên đề báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XIII - Ảnh: Chinhphu.vn
Huy động nguồn lực phát triển, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, chủ động tích cực hội nhập.
Ông Thắng đặt vấn đề: "Làm thế nào để tập đoàn, công ty đóng góp sự phát triển, tăng thu ngân sách mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào phân khúc thị trường. Vì vậy, cần xác định nguồn lực trong nước, nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất".
Vẫn theo ông Thắng, việc xây dựng văn kiện và các báo cáo chính trị là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng và toàn dân, thể hiện sự thống nhất. Trong đó, bao trùm vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định, nhân dân là trung tâm, chủ thể và là cội nguồn sức mạnh của mọi thắng lợi.
Theo đó, có 12 định hướng lớn cho phát triển đất nước là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững; hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, gồm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số.
Tạo đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển con người toàn diện; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện đường lối đối ngoại, độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa...
Đặc biệt, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực, cải cách hành chính. Tiếp tục xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn...
Văn kiện cũng nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra giám sát, phòng chống tham nhũng bài bản và quyết liệt hơn gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật để không dám tham nhũng, có cơ chế khuyến khích để không muốn tham nhũng, bảo vệ những người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Để khắc phục tình trạng thực hiện còn bất cập, ông Thắng cho hay sẽ nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của Nhà nước về thể chế, đồng bộ hệ thống pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp, tăng kiểm tra giám sát, cải cách tư pháp... Cùng với đó sẽ đổi mới bộ máy, nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm hướng về cơ sở, địa bàn.
Tiếp tục ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch COVID-19, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nền công nghiệp quốc gia hiện đại, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế biển, chú trọng dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp, ứng dụng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...
Chương trình hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-3 với các báo cáo chuyên đề, bao gồm: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do ông Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - trình bày; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do ông Phạm Minh Chính, trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trình bày.
Tiếp đó, trong ngày 28-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ giới thiệu chuyên đề Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; thượng tướng Phan Văn Giang - tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc phòng - sẽ giới thiệu chuyên đề "Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam"; đại tướng Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, giới thiệu chuyên đề "Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận