
Điều đó cho thấy nếu ai không trong sạch thì hãy coi chừng, đừng tưởng chưa bị "rờ gáy" là có thể vi vu và tha hồ đi rao giảng "những lời có cánh".
Điểm lại các vụ tham nhũng thời gian qua đều thấy hầu hết những người bị bắt hoặc bị kỷ luật đều là các quan chức có tầm cỡ và có dư luận không mấy tốt đẹp trước đó. Họ thường hiện diện ở các buổi lễ lạt, những nơi trang trọng, được mời phát biểu.
Có người mới đọc diễn văn khai mạc sự kiện thể thao trước quốc dân đồng bào, trước bạn bè quốc tế thì vài hôm sau tra tay vào còng.
Có người bị coi là tội phạm ngay sau khi đánh trống khai trường được dăm bữa.
Có người hồi hưu rồi, tưởng như "hạ cánh an toàn", thường vẫn thấy xuất hiện trong các buổi lễ, sự kiện nhưng đùng một cái cơ quan thanh tra quy trách nhiệm cố ý làm trái trước đó, gây thất thoát lãng phí... Có rất nhiều trường hợp như vậy.
Đành rằng theo các quy định hiện hành, mọi người đều vô tội khi chưa có kết luận của tòa án hay các cơ quan có thẩm quyền.
Tức là họ vẫn là công dân, vẫn là cán bộ đương chức hoặc nghỉ hưu, họ được làm tất cả mọi việc luật không cấm hay cơ quan chức năng cho phép.
Lý là vậy, song lẽ đời thì khác. Ông bà ta vẫn nói "tiếng dữ đồn xa", dân không phải là "cừu non", không phải cứ "thấy đỏ là chín".
Dân là tai mắt, dân biết hết, nên rất khó chấp nhận khi phải nghe những lời thao thao bất tuyệt của những ai mà họ ngờ ngợ về nhân cách.
Đó là chưa kể hầu hết các trường hợp sai phạm thường vốn có dư luận từ trước, cho nên các kết luận xử lý cán bộ bao giờ cũng có câu "gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương".
Tận sâu suy nghĩ của một số cán bộ "nhúng chàm" là gì khi xuất hiện ở các sự kiện, thậm chí có cả những lời lẽ dạy dỗ người khác phải thiện lành?
Khó đoán định họ nghĩ thế nào, chỉ biết có lẽ họ đang cố gắng đi qua dư luận, lo lắng hay đang tìm cách mong thoát ngày "lên thớt".
Chẳng hay ho gì khi luôn sống trong tâm trạng nặng nề, suốt ngày lo lắng cho cái vỏ bề ngoài mong manh.
Không chỉ cán bộ, ở đời vốn không thiếu những người miệng nói hay nhưng tay "nhúng chàm", phô trương những hình ảnh long lanh cùng với mọi lời nói cao đẹp nhưng chính bản thân của mình lại không được vậy.
Đó là một thực tế tâm lý tệ hại, bất chấp pháp luật và chuẩn mực xã hội. Tâm lý này có thể gây đổ vỡ niềm tin, có thể là tiền lệ xấu để mọi người cứ vậy noi theo, kiểu nào cũng gieo rắc những mầm hạt tiêu cực.
Những con người chính trực bao giờ cũng nói đi đôi với làm, chính đại quang minh. Những người đã "nhúng chàm" tất nhiên khó mà được như vậy nhưng vẫn nên cố giữ lấy chút tự trọng còn sót lại, đừng để người đời chê trách cạn lời.
Riêng các cấp thẩm quyền phải kiên quyết ngăn chặn ngay vấn nạn tay "nhúng chàm" mà vẫn đây đó nhơn nhơn, miệng vẫn nói hay, nhất là đối với những người đang thuộc diện "phong sát".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận