Một câu hỏi được đặt ra: Phải chăng việc nộp tiền là để các cán bộ đã "nhúng chàm" mong thoát án tử, án chung thân?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Nam Định, nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nói trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì việc thu hồi tài sản là yêu cầu rất quan trọng.
Ông cho rằng trước đây việc thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án, nhất là vụ án tham nhũng, gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, gần đây công tác thu hồi tài sản đạt được kết quả ngày càng tốt và năm sau cao hơn năm trước. Ông nói:
- Để kết quả đạt tốt chính là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tố tụng, cơ quan chức năng khác.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các chính sách pháp luật đã đạt được hiệu quả tốt hơn. Các chính sách khoan hồng, nhân đạo cùng với sự nhận thức rõ của các bị can, bị cáo nên đã tích cực động viên gia đình và người thân khắc phục hậu quả, nộp tiền.
Tính răn đe cao của pháp luật
* Ông đánh giá thế nào về việc thời gian gần đây nhiều bị can, bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ đã chủ động nộp tiền, khắc phục hậu quả?
- Khi chưa có các biện pháp tố tụng thì những người liên quan các vụ án này dường như chưa cảm thấy sợ. Nhưng với các chứng cứ chắc chắn, bị các cơ quan điều tra khởi tố trở thành bị can và cơ quan kiểm sát truy tố trở thành bị cáo thì những người này mới khiếp sợ.
Với các điều khoản bị khởi tố, truy tố họ có thể sẽ bị vào khung chung thân hay tử hình. Khi đó họ mới tính toán sự thiệt - hơn và chủ động tìm cách khắc phục hậu quả, nộp tiền với mong muốn là tình tiết giảm nhẹ, giảm mức án tòa tuyên hay nói cách khác là muốn thoát án tử, án chung thân.
Hay như trong vụ án chuyến bay giải cứu vừa qua, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng vẫn ngoan cố, quanh co, chối tội.
Nhưng với những chứng cứ rõ ràng, sau khi bản án sơ thẩm được tuyên với mức án chung thân và xác định có thể "phải làm ma trong tù" thì bị cáo mới thay đổi, nhận tội, đồng thời nộp tiền khắc phục hơn 18 tỉ đồng.
Trước đó, các bị cáo trong vụ án này hay vụ Việt Á đang xét xử cũng đã nộp tiền khắc phục nhiều tỉ đồng. Cần phải hiểu rõ như vậy chứ không phải tự nhiên những người này tự nguyện như vậy.
Song rõ ràng đây là tín hiệu tích cực, đóng góp quan trọng vào việc thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả do các hành vi làm trái, tham ô, tham nhũng gây ra.
Quan trọng hơn là qua đây cũng cho thấy việc thực thi các quy định của pháp luật đã tạo ra tính răn đe cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bị can, bị cáo. Chính sự nghiêm túc, nghiêm khắc của pháp luật với trường hợp ngoan cố, không chịu khắc phục nhưng lại khoan hồng, nhân văn, nhân đạo với những người ăn năn, hối cải, chủ động, tích cực khắc phục hậu quả đã giúp họ nhận thức được và động viên gia đình, người thân khắc phục.
Cùng với đó, việc thu hồi được các tài sản này sẽ giúp bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, chấm dứt hành vi tham nhũng, tạo ra nguồn tài chính quan trọng để phục vụ cộng đồng, phát triển đất nước.
* Thực tế việc nộp tiền, khắc phục hậu quả là rất tốt nhưng theo ông tiền ở đâu mà các bị can, bị cáo này có để nộp, thậm chí vài chục tỉ đồng cũng có ngay?
- Mỗi trường hợp, mỗi vụ việc, vụ án sẽ khác nhau nhưng tựu trung lại cho thấy những người tham nhũng đều đã có tính toán cụ thể. Có khả năng thứ nhất khi họ tham ô, tham nhũng sẽ không đưa tiền ra ngoài tiêu xài ngay để xã hội dòm ngó, phát hiện mà chủ yếu là cất giấu, gửi chỗ nọ chỗ kia hay chuyển thành vàng bạc châu báu...
Đến khi thấy mọi việc im ắng, không bị ai phát hiện hay "hạ cánh" rồi mới bắt đầu mang ra tiêu xài. Việc này cũng giúp khi vụ việc bị phanh phui, những người này trở thành bị can, bị cáo sẽ có tiền ngay để khắc phục, nộp lại.
Khả năng thứ hai, nếu có lỡ tiêu xài cá nhân hay đầu tư chỗ này chỗ kia một ít rồi thì họ cũng động viên gia đình cố gắng vay mượn. Bởi mục đích lớn nhất cần đạt được là khắc phục hậu quả để được sống, được giảm án.
Còn khả năng thứ ba là đã thực hiện nhiều phi vụ trục lợi, tham ô, tham nhũng khác trót lọt rồi, vì vậy "của ăn, của để thừa thãi". Đến khi bị phát hiện ở một vụ án này thì việc huy động một vài tỉ hay vài chục tỉ đồng để khắc phục hậu quả sẽ rất nhanh chóng.
Khắc phục để giảm nhẹ chứ không thể gột rửa tội
* Ông nói đến việc các bị can, bị cáo tính toán rất nhiều thiệt - hơn để giảm án. Tuy nhiên, qua các vụ án cho thấy phần nhiều bị can, bị cáo đều là cán bộ, thậm chí cán bộ cao cấp, được đào tạo bài bản. Nhưng có lẽ họ đã không tính toán được việc lợi trước mắt còn hại là phải vào vòng lao lý về sau này?
- Đúng như vậy. Qua các đại án vừa qua cho thấy nhiều bị can, bị cáo là cán bộ cấp cao, được đào tạo bài bản, cao cấp lý luận chính trị và chắc chắn họ đều có tính toán. Nhưng họ lại không tính làm việc lớn là làm lợi cho nước, cho dân mà lại mưu đồ vào việc không hề lớn là tham nhũng, trục lợi cho bản thân, gia đình.
Như trường hợp của các bị cáo ở vụ chuyến bay giải cứu hay hai cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh, cựu bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng... trong vụ Việt Á.
Khi tham nhũng họ đã không tính đến nhân cách, đạo đức, phẩm chất cán bộ của mình và không tính được đến việc "lưới trời lồng lộng", đã làm việc xấu, việc hại cho nước cho dân, trục lợi cho bản thân thì không bao giờ thoát được. Để đến khi bị phát hiện, xử lý, khởi tố, truy tố, xét xử rồi mới tính thì đã quá muộn.
Việc khắc phục hậu quả có làm cũng chỉ giúp một phần nào để được hưởng sự khoan hồng, nhân văn của chính sách pháp luật hình sự chứ không thể gột rửa được tội lỗi gây ra và vẫn sẽ có những bản án nghiêm minh vói những người này.
* Theo ông trong thời gian tới, cần làm gì để các bị can, bị cáo phải chủ động nộp ngay tiền để khắc phục hậu quả?
- Quan trọng nhất, theo tôi phải có, là chỉ ra được những chứng cứ đầy đủ, xác đáng, đanh thép khiến các đối tượng tham nhũng phải "giật mình" vì có thể chỉ rõ hành vi của họ. Từ đó buộc họ phải thừa nhận hành vi phạm tội và chủ động khai báo, khắc phục hậu quả.
Cùng với đó, đối với các hành vi tham ô, tham nhũng khi đưa ra truy tố cần đề nghị ở mức án cao nhất, thậm chí kịch khung của tội đó. Việc xét xử cũng cần rất nghiêm minh, nếu không khắc phục hậu quả hay khắc phục quá ít so với số tiền trục lợi, gây thất thoát, tham ô, tham nhũng thì xem xét tuyên mức án cao nhất ở khung đó. Khi đó những người này mới biết sợ, chủ động động viên gia đình khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, bên cạnh việc xử phạt tù về mặt hình sự, trong thời gian tới cần xem xét xử phạt nặng hơn bằng tiền với người phạm tội tham ô, tham nhũng, kinh tế. Bởi các hành vi này đã gây ảnh hưởng đến thị trường, xã hội, người dân và các cơ quan phải tốn rất nhiều công sức để phát hiện, xử lý.
Bên cạnh đó cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, chính sách liên quan đến kiểm soát quyền lực cũng như kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức, nhất là người lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị. Đồng thời phải có sự giám sát của nhân dân, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Làm được việc này cũng sẽ giúp chúng ta biết rõ được tài sản, thu nhập của cán bộ và khi họ vi phạm sẽ có thể thu hồi được tốt tài sản.
Số tiền thu hồi trong các vụ án lớn
* Vụ Việt Á (tính đến cuối năm 2023): Tổng tài sản thu hồi khoảng 1.400 tỉ đồng.
* Vụ chuyến bay giải cứu (tính đến tháng 7-2023): Các bị cáo nộp lại 120 tỉ đồng và 1,5 triệu USD.
* Vụ Vạn Thịnh Phát (tính đến tháng 12-2023): Các bị can đã nộp khắc phục hàng ngàn tỉ đồng.
Một số trường hợp cựu quan chức khắc phục hậu quả
* Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nộp khắc phục 2,25 triệu USD.
* Cựu bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nộp khắc phục 4,6 tỉ đồng.
* Cựu bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, cựu chủ tịch tỉnh Nguyễn Đình Xứng nộp 45 tỉ đồng khắc phục sau khi bị khởi tố.
* Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nộp ngay 4,2 tỉ sau khi bị bắt một ngày.
* Vợ ông Lưu Bình Nhưỡng đã nộp 7 tỉ đồng khắc phục hậu quả cho chồng sau khi bị khởi tố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận