Hội thảo khoa học "Phòng, chống tham nhũng tiêu cực - Vấn đề lý luận và thực tiễn" - Ảnh: HÀ THANH
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012 - 2022), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cho chủ trương giao Ban Nội chính trung ương hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự, mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.
Theo ông Trí, làm như vậy sẽ thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa.
Kiến nghị này nhận được sự quan tâm của người dân, Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia pháp luật. Bên cạnh những ý kiến đồng tình với kiến nghị thì cũng có ý kiến cho rằng việc cho cán bộ tham nhũng nộp lại tiền thì sẽ không bị xử lý hình sự sẽ khiến người tham nhũng 'không biết sợ', tham nhũng nhiều hơn, mạnh hơn.
Vi phạm thì phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi
Tôi không ủng hộ kiến nghị trên, bởi khi anh tham nhũng tức là anh đã thực hiện một hành vi đặc biệt nghiêm trọng đến mức cấu thành tội phạm. Nên không thể dùng bất cứ tình tiết gì để vô hiệu hóa trách nhiệm pháp lý bất lợi.
Ví dụ khi anh vi phạm pháp luật hình sự, đơn bãi nại của người bị hại chỉ là một trong những căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý, chứ không dẫn đến việc vô hiệu hóa trách nhiệm pháp lý của anh. Đây chính là nguyên lý: người gây ra thiệt hại, gây ra lỗi phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi. Và nguyên lý này đã tồn tại từ xưa đến nay.
Luật hình sự và luật dân sự là khác nhau. Luật hình sự là mối quan hệ giữa một bên là Nhà nước, một bên là cá nhân, tổ chức, trong đó Nhà nước là bên thiết lập "luật chơi".
Người ta có thể nói rằng luật do con người tạo ra và có thể thay đổi được, nhưng những hành vi đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa vào nhóm tội phạm, quy định trong Bộ luật hình sự thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Do đó, anh không thể sử dụng quyền từ chức, khắc phục toàn bộ thiệt hại thì sẽ được vô hiệu hóa hậu quả pháp lý bất lợi. Cứ anh có hành vi vi phạm thì anh phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi.
Dưới nguyên tắc lý luận chung, điểm c khoản 3 điều 73 Luật phòng chống tham nhũng có quy định mà tôi cho rằng không hợp lý. Cụ thể điều này cho rằng anh tham nhũng thì anh phải gánh chịu trách nhiệm kỷ luật, nhưng nếu xin từ chức trước khi bị phát hiện thì sẽ được miễn hết các hình thức kỷ luật.
Theo tôi, khi anh có hành vi vi phạm thì anh phải gánh chịu hậu quả bất lợi, đó là nghĩa vụ của anh trước Nhà nước. Còn việc từ chức là quyền của anh thôi, không thể dùng quyền để vô hiệu hóa hậu quả pháp lý bất lợi.
Trở lại vấn đề, khi anh thực hiện hành vi phạm tội thì anh không thể dùng tiền để được miễn xử lý hình sự. Cơ chế hiện nay về thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta vẫn thực hiện bằng cơ chế dân sự, nên không thể dùng cơ chế dân sự để vô hiệu hóa hình sự.
Tôi cho rằng quy định hiện nay là hợp lý, nếu anh nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng thì sẽ miễn án tử hình nhưng vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật hình sự bên cạnh yếu tố giáo dục, phòng ngừa thì còn có yếu tố răn đe. Nếu quy định khắc phục hậu quả thì không bị xử lý hình sự thì sẽ mất đi tính răn đe, trừng trị và sẽ mất đi tác dụng phòng ngừa chung, phòng ngừa riêng.
Cần xử lý hình sự để làm cương tỏa buộc nộp lại tài sản
Nguyên tắc tài sản tham nhũng không phải tài sản thuộc về cá nhân người tham nhũng. Do đó, vấn đề nằm ở việc chứng minh tài sản của họ mà thôi. Dù hình phạt là tử hình hay không tử hình thì vẫn phải thu hồi tài sản trả lại cho Nhà nước.
Tôi cho rằng cần phải giữ lại án tử hình, truy cứu trách nhiệm hình sự làm cương tỏa để buộc họ phải nộp lại tài sản.
Bên cạnh đó, khi áp dụng chế tài hình sự thì mới có thể áp dụng các biện pháp tư pháp, hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ trong một thời gian thì sẽ "triệt tiêu" nọc tham nhũng.
Khi làm sai thì đó là sai, sai về mặt nội dung hay sai về hình thức đều là sai. Không có pháp luật nào trên thế giới có thể vá được tất cả lỗ hổng trong đời sống. Cuộc sống có hàng trăm, hàng vạn tình huống khác nhau mà nhà lập pháp không thể hình dung ra được. Chính vì thế, mới có vai trò của tòa án, viện kiểm sát, có những vụ việc sẽ phải làm việc dựa trên lẽ công bằng.
Trong từng vụ việc, chúng ta phải đánh giá mức độ nguy hiểm như thế nào để áp dụng hình phạt cho tương xứng. Pháp luật hình sự có quy định nhiều mức hình phạt, 3-7 năm, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ... Hội đồng xét xử có nghĩa vụ chứng minh, đánh giá, áp dụng các khung khoản, tình tiết nhẹ hơn. Con người cụ thể phải thấu tình đạt lý, chứ không phải cái sai về nội dung và cái sai về thủ tục đều xử như nhau.
Trên đây là một ý kiến của độc giả về vấn đề phòng, chống tham nhũng, bạn có góp ý gì về vấn đề này?
Mọi phản ảnh, ý kiến, hiến kế... về vấn đề này, mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận