Người dân khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội xếp hàng chờ đến lượt lấy nước sạch sau khi nước sinh hoạt bị ô nhiễm - Ảnh: QUANG THẾ
Bà Nguyễn Thị Bảy (ngụ Long Thành, Đồng Nai):
Phạt nặng người sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm
Chưa lúc nào việc lo cho gia đình một bữa ăn an toàn lại là bài toán hóc búa như hiện nay đối với các bà nội trợ. Nhìn xung quanh nào là thịt heo bẩn, gạo phun thuốc trị mối mọt, cá tẩm hóa chất, rau - trái cây ngâm tẩm, xịt thuốc bảo vệ thực vật...
Ví dụ như gạo. Nếu như trước đây gạo không cần phải vò thì nay mỗi lần nấu cơm, tôi thường vò gạo rất nhiều lần đến lúc trong nước mới thôi. Còn trái cây như cam, quýt, chuối... tôi rất hạn chế mua để sử dụng. Rồi các loại rau muống bào, rau chuối... tôi tuyệt đối không dám sử dụng bởi được ngâm tẩm hóa chất để trắng, giòn khá phổ biến.
Để hạn chế việc ăn phải thực phẩm mất an toàn, từ mấy năm nay gia đình tôi chuyển qua tự trồng rau, nuôi heo, gà... để phục vụ nhu cầu ăn uống. Trước mối lo này, tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước cần có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề an toàn thực phẩm bởi nếu không được kiểm soát, từ đây sẽ sản sinh nhiều loại bệnh tật cho người dân.
Đặc biệt, phải làm sao nghiêm cấm triệt để, ngăn chặn từ gốc các nơi sản xuất thực phẩm lạm dụng hóa chất, các loại chất cấm. Đối với những người buôn bán, sử dụng chất này trong thực phẩm cần phải xử lý thật nặng, có thể phạt tù mới đủ sức răn đe.
Bà Nguyễn Thị Dung (quận 9, TP.HCM):
Có phải bộ chưa coi trọng vấn đề môi trường?
Gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng nhưng chính quyền cảnh báo cho dân rất chậm trễ. Các bộ ngành không biết ai chịu trách nhiệm, họp tới họp lui cả tháng sau mới tìm ra nguyên nhân, thông báo sự cố và chậm đưa ra các biện pháp khắc phục.
Tôi muốn hỏi bộ trưởng khi nào ở Việt Nam mới có cảnh báo về ô nhiễm môi trường như dự báo thời tiết để người dân biết mà phòng tránh? Đến năm nào thì chính quyền có thể thực hiện biện pháp phòng tránh khi có dự báo môi trường ô nhiễm? Chừng nào Nhà nước có phản ứng nhanh, khắc phục ngay khi các sự cố môi trường xảy ra?
Ông ĐỖ THÀNH NHÂN (Đà Nẵng):
Kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa tội phạm
Vấn đề cử tri quan tâm, lo lắng hiện nay là tình trạng tội phạm có chiều hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt là tội phạm về ma túy, giết người, tội phạm hoạt động đòi nợ thuê theo băng nhóm xã hội đen… Các loại tội phạm xã hội này có biểu hiện thách thức cơ quan công quyền khiến lòng dân bất an, môi trường sống của người dân bị đe dọa.
Phải nói rằng thời điểm này người dân khắp nơi hết sức lo lắng về nạn nghiện hút ma túy. Vừa qua công an ở nhiều địa phương "sờ" vào vũ trường, quán bar nào cũng phát hiện các ổ nhóm thanh niên chơi ma túy. Từ các đối tượng nghiện hút ma túy này phát sinh ra bao nhiêu loại tội phạm khác như giết người, cướp của, trộm cắp…
Ông Nguyễn Minh Nhị (cựu chủ tịch UBND tỉnh An Giang):
Cần có cơ chế riêng cho ĐBSCL
Nỗi lo hiện hữu của vùng ĐBSCL là tình trạng sụt lún, nước biển dâng; người dân trong vùng có xu hướng bỏ đất để đi xứ khác làm ăn, làm cho nhiều nơi xảy ra tình trạng khan hiếm lao động; vấn đề mặt bằng dân trí thấp và cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém đã ảnh hưởng đến nhiều mặt phát triển của vùng.
Theo tôi, nếu vùng đất này có nguy cơ bị "chìm" như kịch bản của một số nhà khoa học đưa ra thì người dân vùng ĐBSCL phải "nổi". Cần xác định đây là vùng đất đặc biệt khó khăn, để có những chính sách mang tích đặc thù để thu hút đầu tư. Bởi doanh nghiệp vào đây làm ăn, hay người dân nhiều nơi trong vùng muốn làm ăn gặp nhiều khó khăn khi gặp trở ngại do hạn chế của cơ sở hạ tầng giao thông, trình độ nhân lực… so với một vài nơi khác. Cần sớm áp dụng chính sách riêng, bởi nếu chậm trễ thì người dân ở đây càng bị thiệt thòi.
Sáng 1-11, TAND quận Thủ Đức đã tuyên án 1 năm 6 tháng tù với Bùi Văn Sáng (36 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM) về tội “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” do ngâm củ cải bằng hóa chất cấm. Trong ảnh: Sáng thực nghiệm hành vi ngâm tẩm củ cải bằng hóa chất - Ảnh: NHÂN HẬU
Các đại biểu sẽ chất vấn thẳng thắn
Đại biểu Phạm Văn Hòa (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp):
Cần câu trả lời rõ về hàng gian, hàng giả, hàng nhái
Tôi đặc biệt quan tâm lĩnh vực nông nghiệp, công thương và sẽ chất vấn hai vị bộ trưởng của ngành này cùng với Thủ tướng. Tôi cần bộ trưởng Bộ Công thương câu trả lời rõ ràng về thực trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất ra nước ngoài hay gian lận xuất xứ ngay chính trong thị trường nội địa dù đây không phải là do người Việt sản xuất.
Đối với nông nghiệp, tôi sẽ chất vấn bộ trưởng ở vấn đề hàng nông sản, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Đến nay năm nào cũng lặp lại điệp khúc "được mùa rớt giá", vấn đề hỗ trợ, trợ giá cho nông sản vẫn chưa có tiến triển. Năm nay, nhiều loại nông sản và đặc biệt là lúa rớt giá thê thảm gây thiệt hại cho bà con nông dân, bên cạnh đó là dịch bệnh ở heo thời gian qua phải nói rằng làm điêu đứng người dân.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Làm rõ thế nào là "made in Việt Nam"?
Đối với ngành nông nghiệp, tôi quan tâm đến vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp ở khu vực Tây Nguyên, vấn đề chưa bao giờ cũ là "trồng cây gì, nuôi con gì" mà đến nay người nông dân ở nhiều nơi vẫn còn rất lúng túng. Làm sao đảm bảo an ninh lương thực nhưng cũng phải đảm bảo đời sống của người nông dân. Trong đó, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp rất quan trọng bởi đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp.
Trong kỳ chất vấn này, đối với ngành công thương, điều tôi quan tâm là cần phải rõ xuất xứ hàng hóa, làm rõ thế nào là "made in Việt Nam".
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau):
Bộ trưởng đã thực hiện lời hứa thế nào?
Tôi tiếp tục chất vấn mở rộng thị trường nông, thủy, hải sản để làm sao tìm đầu ra cho bà con nông dân. Hiện khu vực nông nghiệp chiếm tỉ trọng khá cao nhưng vấn đề đầu ra đang khó khăn, mức sống người nông dân còn thấp so với mặt bằng chung. Họ làm lụng cực nhọc nhưng lãi làm ra hạn chế, đầu ra sản phẩm bất ổn. Các ngành, các cấp có giải pháp tạo đầu ra tốt, giá cả cạnh tranh, nâng cao đời sống người dân.
Quan trọng nhất, trong trả lời chất vấn tôi mong quan tâm tới việc các bộ trưởng giải trình những lời hứa trước đây đã thực hiện như thế nào. Trước cử tri khi hứa các bộ trưởng phải có đầy đủ trách nhiệm. Không phải khi nào hỏi tới cũng nói sẽ cố gắng, có giải pháp nhưng sau đó lại ít có chuyển biến.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM):
Không nên cào bằng tỉ lệ ngân sách địa phương giữ lại
Chuẩn bị cuối nhiệm kỳ Quốc hội rồi, chắc chắn sẽ đặt vấn đề tỉ lệ phân chia ngân sách cho nhiệm kỳ tài chính 2021-2025 sắp tới. Tôi muốn Chính phủ, đặc biệt cơ quan chuyên môn là Bộ Tài chính, phải chứng minh tính khoa học, cơ sở nào để phân định tỉ lệ ngân sách địa phương được giữ lại.
Tôi muốn đặt vấn đề các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh thành tạo lập ngân sách mới, đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế, có dân cư đông, có động lực phát triển, có chỉ số ICOR (chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư)...
Ngân sách địa phương ở những vùng kinh tế trọng điểm, những địa phương làm ăn có hiệu quả thì những nơi này sẽ tạo nên ngân sách mới rất tốt. Không nên cào bằng, mang tính chất "xin - cho" mà phải dựa trên những phân tích mang tính khoa học, logic và ngân sách phải tạo được động lực cho phát triển ngân sách mới.
NGỌC HIỂN - TIẾN LONG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận