Dừa được người bán nhúng vào chất tẩy làm trái dừa khi gọt vỏ nhìn trắng và bắt mắt hơn - Ảnh: T.T.D.
Tôi muốn nói thẳng: vì lòng tham từ người trồng cây, người sản xuất thực phẩm, người buôn bán và cả người tiêu dùng.
Lỡ bước rồi, làm sao quay lại!?
Chẳng hiếm lạ khi nghe tin tức về những lô hàng không đạt tiêu chuẩn, dư chất bảo quản thực vật bị trả về từ nước ngoài. Rồi người tiêu dùng trong nước lại một phen hoang mang: xưa nay mình đang mua sản phẩm chất lượng mà nước bạn không dám ăn? Những chuyện này lâu lâu xuất hiện trên bản tin báo chí, rồi lại chìm vào quên lãng đến khi nổi lên vụ khác. Mỗi ngày, đa số người dân đành nhắm mắt đưa chân bởi nhìn đâu cũng thấy thực phẩm "không sạch".
Biết vậy, nhưng nhiều người thành thị cũng không còn lựa chọn nào khác, nhất là với những người mức thu nhập chỉ đủ trang trải cho cuộc sống. Người khấm khá hơn có thể trích thu nhập hằng tháng cho thực phẩm ngoại nhập, thực phẩm được quảng bá là "sạch".
Nhiều người bỏ phố về vùng quê tự làm nông nghiệp sạch - tự cung cấp rồi mở rộng phạm vi cho bạn bè, nhóm khách nhỏ lẻ. Nhưng tất cả đều không đủ để đảm bảo mọi thứ là thực phẩm sạch khi mặt đất và nguồn nước, không khí... đều khó mà khoanh vùng, làm sạch.
Cùng một mảnh vườn, miếng ruộng, một bên xịt thuốc để bán, một bên không phân thuốc để ăn, đâu đó vẫn có những người chọn cách này. Từ chỗ làm nông nghiệp sạch ngày xưa chuyển sang phân thuốc quá độ, giờ có mấy người quay về cách canh tác vì sản phẩm sạch? Thực tế hầu hết vẫn chạy theo xu hướng tăng trọng, tăng trưởng, tăng năng suất bất chấp hậu quả cho người và cho mình.
Thịt heo ngâm hóa chất và huyết bò biến thành thịt bò - Ảnh: T.LONG
Chúng ta không vô can
Vì sao những người pha thuốc, ngâm thuốc để nhúng rửa rau củ quả biết độc hại cho chính họ (khi sục rửa, hít thở khí/nước cực độc) mà vẫn làm? Vì sẽ nhiều lợi nhuận hơn? Vì luật pháp chưa nghiêm trị những hoạt động trái phép có thể khiến người khác chết dần chết mòn?
Căn nguyên của chuyện này suy cho cùng cũng bởi phục vụ chính người tiêu dùng, những người thích mua hàng giá rẻ nhưng nhìn tươi non mơn mởn.
Bao người vẫn từ chối những bó rau chỉ vì rau có vẻ cằn hơn, lá nổ lốm đốm vì bị sâu cắn? Bao người muốn thưởng thức loại hoa quả, rau củ trái mùa? Vậy tức là mọi người đồng tình chuyện cấy ghép, nhân giống bằng nhiều biện pháp trái với tự nhiên, việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu quá độ. Chúng ta muốn ăn ngon... mắt, ăn thứ lạ miệng, xứ người có gì xứ mình cũng phải có nấy, làm sao không xảy ra tình trạng ăn phải những món có chứa thuốc để bảo quản!
Rồi trước những loại nông sản được trồng thuận theo tự nhiên còi cọc, người mua chê đắt, không đáng tiền vì họ vẫn lý luận: cái gì cũng tự nhiên phải rẻ! Muốn trồng tự nhiên, có thể đất phải được dưỡng rất lâu vài năm để thải bớt độc do tồn dư hóa chất, cải tạo chất dinh dưỡng cho đất, trồng thêm cỏ để giữ nước cho đất, che phủ cho cây, làm cỏ bằng tay thay vì xịt thuốc vừa nhanh vừa khỏe.
Và như vậy giá cả nông sản trồng tự nhiên sẽ đắt hơn. Những người làm nông sản sạch đã phải trả một cái giá chẳng hề rẻ trước khi thuyết phục được thị trường.
Thực phẩm rỗng - khái niệm này đã được nhắc đến nhiều bởi sự bạc màu của đất, bạc bẽo của lòng tham con người bất chấp thời tiết hay khí hậu, thổ nhưỡng. Trái đất ngày một đông người hơn, nhu cầu về thức ăn, tiêu dùng vì thế ngày một nhiều lên. Trong tình hình biến đổi khí hậu, "chiến tranh" nguồn nước ngọt và thực phẩm sẽ là một trong những viễn cảnh tồi tệ mà chúng ta phải đối mặt. Vậy nên có thể nào mỗi người tự nhắc mình bớt chút lòng tham, bớt chút lợi nhuận được chăng?
Hiểm họa cho đời sau
Mới đây, báo Tuổi Trẻ có đưa tin một trường hợp rửa rau củ bằng hóa chất phải đi tù. Đọc phản hồi, tôi nhận thấy nhiều người đề nghị chính quyền có hình thức xử phạt nặng để răn đe. Phạt hành chính không đủ mạnh khiến người ta chùn tay làm điều ác.
Cần những bản án đủ sức răn đe, bởi mối hiểm họa từ thực phẩm bẩn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thế hệ này mà còn tạo ra những thay đổi về gen, di truyền đến thế hệ con cháu. Mọi người lên án người bán thực phẩm ngâm tẩm hóa chất như những kẻ trung gian gieo rắc mối nguy hại. Nhưng liệu người trồng cây, nuôi gia súc gia cầm và cả người tiêu dùng (với cách chọn thực phẩm chỉ cần rẻ, đẹp, to), chúng ta có vô can không?
Ông Nguyễn Thanh Phong (cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế):
Tội ác không thể dung túng
Trong sản xuất kinh doanh thực phẩm hiện nay có một số loại chất phụ gia vẫn được cấp phép sử dụng. Vấn đề quan trọng là người sản xuất phải có sử dụng đúng các chất có trong danh mục được cấp phép, sử dụng đúng hàm lượng, đúng nồng độ và đặc biệt phải đảm bảo thời gian cách ly cần thiết...
Trên thực tế, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người sử dụng các loại chất này bừa bãi trong sản xuất, chế biến, buôn bán thực phẩm, bất chấp sức khỏe cộng đồng. Việc này, dù ít hay nhiều, đều gây ra các nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Mức độ phát sinh bệnh tật nặng hay nhẹ, sớm hay muộn đều phụ thuộc vào lượng chất sử dụng, lượng thực phẩm ăn vào và thời gian sử dụng.
Tôi coi đây là một tội ác, một hành vi đáng bị lên án và cần phải được xử lý nghiêm, chứ không ai có thể dung túng. Hành vi ngâm tẩm thực phẩm bằng hóa chất của một chủ cơ sở tại TP.HCM vừa bị phát hiện, đưa ra xét xử hình sự có ý nghĩa tác động trực tiếp đến nhiều người khác thức tỉnh và thay đổi.
Bà Phạm Khánh Phong Lan (trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM):
Còn thiếu nhiều quy định
Thực tế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt; chất cấm, thuốc an thần trong chăn nuôi; các loại hóa chất bảo quản trong rau, củ, quả, thịt đang gây ra những hệ lụy nhức nhối... Lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu vào nước ta hiện nay khá cao, trung bình một ngày nhập khẩu chính thức hàng triệu USD tiền thuốc (chủ yếu từ Trung Quốc). Thay đổi thực trạng này cần sự thay đổi nhận thức từ người trồng trọt bớt dần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bởi dư chất độc hại vẫn là một nguy cơ gây bệnh tật cho người tiêu dùng, tổn hại lâu dài đến môi trường.
Một ví dụ khác như vấn đề kiểm soát tiêm chất an thần trên heo hiện nay, nếu phát hiện không thể tiêu hủy được. Luật không bắt buộc phải tiêu hủy, mà cho phép "câu lưu" đợi đào thải và tiêu thụ nếu hàm lượng không vượt quá ngưỡng (ngưỡng độc) của Bộ Y tế. Nhưng tới giờ phút này vẫn không có quy định ngưỡng độc là bao nhiêu cả!
Quy định về quản lý kinh doanh phụ gia vẫn còn nhiều bất cập, vì chưa có quy định phân biệt với quản lý hóa chất công nghiệp. Trên thị trường vẫn còn tồn tại các cơ sở buôn bán hóa chất công nghiệp bên cạnh phụ gia thực phẩm.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM chỉ đáp ứng được 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Nhu cầu lớn như thế, nhưng việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế.
Để giải quyết được vấn đề này, chúng tôi đã có đề xuất cần có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành về việc nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ trên thị trường phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc. Tức là phải có quy định thống nhất cách thực hiện việc giám sát, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Nhằm khống chế việc kinh doanh, sản xuất sản phẩm không an toàn, một trong rất nhiều giải pháp chúng tôi đang thực hiện là xây dựng chuỗi thực phẩm sạch. Cụ thể như phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, nông sản sạch, truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng; phát triển mô hình kinh doanh hiện đại, cải thiện kinh doanh truyền thống, xây dựng mô hình chợ thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, việc tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra tại chợ đầu mối và các quận, huyện nhằm "chống thực phẩm bẩn" đang được đẩy mạnh cũng góp phần kiểm soát nguồn thực phẩm, giảm nguy cơ cho người tiêu dùng.
HOÀNG LỘC ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận