10/02/2025 09:26 GMT+7

Ông Trump và sức ép bầu cử tổng thống ở Ukraine

Sự trở lại của ông Trump không chỉ tạo ra những thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại, mà còn làm dấy lên cuộc tranh luận tại Ukraine về khả năng tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới trong bối cảnh xung đột chưa kết thúc.

Ông Trump và sức ép bầu cử tổng thống ở Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Reuters ngày 7-2 - Ảnh: REUTERS

Tất cả các cuộc bầu cử tại Ukraine đã bị đình chỉ kể từ khi thiết quân luật được ban hành do xung đột với Nga năm 2022.

Dù chưa có dấu hiệu rõ ràng về hòa bình, cam kết chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine của ông Trump đang làm dấy lên suy đoán về khả năng một cuộc bầu cử tổng thống sẽ sớm diễn ra tại Ukraine.

Sức ép tăng với ông Zelensky

Phương Tây - vốn luôn nhấn mạnh tính hợp pháp của một chính phủ, một cuộc bầu cử hay một tổng thống - đã phớt lờ những nghi ngờ và chỉ trích về việc ông Zelensky tiếp tục nắm quyền trong gần một năm qua.

Theo Hiến pháp Ukraine, tổng thống được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm và không thể phục vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Ông Zelensky nhậm chức vào tháng 5-2019, và trong điều kiện bình thường, ông sẽ mãn nhiệm vào tháng 5-2024, trong khi cuộc bầu cử tổng thống đáng lẽ diễn ra vào mùa xuân cùng năm.

Tuy nhiên, tình hình chiến sự căng thẳng và thiết quân luật đã cản trở việc tổ chức bầu cử tổng thống tại Ukraine.

"Giai đoạn nóng bỏng của cuộc chiến sẽ kết thúc, và khi thiết quân luật được dỡ bỏ, cuộc bầu cử sẽ được công bố", Tổng thống Zelensky tuyên bố hồi đầu tuần qua trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Anh Piers Morgan.

Đây luôn là câu trả lời của ông khi được chất vấn về vấn đề liên quan trực tiếp đến tính chính danh của mình trên cương vị tổng thống.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, ngày càng nhiều người, cả trong và ngoài Ukraine, đã đặt lại câu hỏi này với mong muốn nhận được một câu trả lời khác.

Theo Đài DW (Đức), các thảo luận về bầu cử tổng thống tại Ukraine ngày càng gia tăng, đặc biệt sau khi ông Keith Kellogg - đặc phái viên của chính quyền Trump về Ukraine và Nga - nêu lại vấn đề, nhấn mạnh rằng bầu cử "có lợi cho nền dân chủ".

Một số chính trị gia Mỹ thậm chí đã kêu gọi Ukraine tổ chức bầu cử từ một năm trước. Tuy nhiên, sự trở lại của ông Trump đã làm gia tăng sức ép và khiến vị thế của ông Zelensky trong nước trở nên bấp bênh hơn.

Tỉ lệ ủng hộ cao chót vót mà nhà lãnh đạo Ukraine từng có vào thời điểm đầu cuộc chiến với Nga đã suy giảm đáng kể khi xung đột kéo dài.

Theo báo New York Times, một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy mức độ tín nhiệm đối với ông Zelensky đã giảm xuống dưới 50%, thậm chí còn thấp hơn so với các đối thủ chính trị khác trong các cuộc khảo sát giả định về bầu cử sau một thỏa thuận ngừng bắn với Nga.

Một phần trong kế hoạch hòa bình?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần bày tỏ hoài nghi về tính hợp pháp của ông Zelensky trên cương vị tổng thống Ukraine.

Matxcơva tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Kiev nhưng khẳng định sẽ không ký thỏa thuận chấm dứt chiến tranh cho đến khi Ukraine tổ chức bầu tổng thống mới.

Trước các diễn biến gần đây, Đài DW nhận định bầu cử tại Ukraine có thể là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, dù các chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố. Trong bối cảnh này, đặc phái viên Keith Kellogg dự kiến sẽ đến Kiev trong tháng 2.

Ông John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine và hiện là chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (tại Mỹ), cho biết ông không ngạc nhiên trước lập trường của Nga về các cuộc bầu cử và đàm phán với Ukraine.

Ông Herbst đánh giá chính quyền của ông Trump là "thông minh" khi nhận ra trở ngại lớn nhất đối với các cuộc đàm phán chính là Tổng thống Putin.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo Washington sẽ phạm sai lầm nếu tin rằng việc thúc ép Kiev tổ chức bầu cử có thể mở đường cho các cuộc hòa đàm với Matxcơva.

Các đối thủ của ông Zelensky tăng tốc trong cuộc đua quyền lực

Trong khi đương kim tổng thống Ukraine vẫn nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ chính quyền mới ở Mỹ, các đối thủ chính trị của ông, cả trong và ngoài nước, đã bắt đầu có những động thái chuẩn bị cho cuộc đua quyền lực.

Cựu tổng thống Petro Poroshenko và cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko - những đối thủ của ông Zelensky trong cuộc bầu cử năm 2019 - đã liên lạc với các thành viên trong nhóm của ông Trump. Đáng chú ý, bà Tymoshenko thậm chí đã đến Washington để tham dự một số sự kiện liên quan đến lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, cựu tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny - người từng bị ông Zelensky cách chức - cũng không còn giới hạn hoạt động của mình trong vai trò đại sứ Ukraine tại Anh.

Đặt giả định Ukraine tổ chức bầu cử tổng thống, tổ chức thăm dò ý kiến Leading Legal Initiatives đã tiến hành khảo sát dư luận. Kết quả cho thấy ông Valery Zaluzhny sẽ dẫn đầu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống hai giai đoạn với 24% số phiếu, trong khi ông Zelensky chỉ đạt 16%.

Ông Trump và sức ép bầu cử tổng thống ở Ukraine - Ảnh 2.Ông Zelensky ưu tiên doanh nghiệp Mỹ, nói Washington có quyền kiếm tiền từ Ukraine

Tổng thống Zelensky nói Kiev ưu tiên các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào quá trình tái thiết Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên