12/11/2022 09:47 GMT+7

Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên - Kỳ 4: Khơi dậy niềm tin nhân sĩ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Năm nay, ông Sáu Dân tròn 100 năm, còn giáo sư Võ Tòng Xuân cũng tuổi 82 và từng trải nhiều giai đoạn lịch sử chiến tranh, thăng trầm của đất nước.

Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên - Kỳ 4: Khơi dậy niềm tin nhân sĩ - Ảnh 1.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong buổi gặp gỡ các trí thức, trong đó có giáo sư Võ Tòng Xuân (bìa trái) - Ảnh tư liệu V.T.X

Ngay lần đầu được gặp chú Sáu Dân ở Đại học Cần Thơ năm 1976, tôi đã ấn tượng tốt đẹp. Tính chú bình dị, thân thiện và tin tưởng trí thức. Có lần chú không ngại nói thẳng là chú không chuyên môn gì về khoa học nhưng chú biết lắng nghe nhà khoa học. Nếu thiếu chân tình này, chưa chắc đã giữ được nhiều nhân sĩ, trí thức ở lại.

Giáo sư Võ Tòng Xuân

"Ngay năm 1976, tôi đã được gặp chú Sáu Dân, một người mà tôi và nhiều trí thức khác đặc biệt kính trọng. Chú Sáu về làm việc ở miền Tây, hay ghé thăm người bạn Bảy Khai là hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ, và tôi đã may mắn được tiếp xúc, được hiểu về chú ở đây", giáo sư Võ Tòng Xuân nhắc nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn bằng lời xưng cháu, chú ấm áp niềm thương quý. 

Gặp gỡ thân tình ở Đại học Cần Thơ

Giáo sư Xuân kể hồi đó ông Sáu Dân về Cần Thơ hay nghỉ ở nhà khách trường đại học. Có lẽ ngoài lý do yên tĩnh, kín đáo, nơi này ông còn có dịp tâm tình với người bạn thân Bảy Khai, tức giáo sư Phạm Sơn Khai. 

Quê ông Sáu Dân ở Vĩnh Long, còn ông Bảy Khai miệt Tân Hiệp, Kiên Giang. Hai người đã thân nhau từ thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông Bảy tập kết ra Bắc, ông Sáu ở lại tiếp tục con đường kháng chiến giành độc lập cho đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ông Bảy Khai vào tiếp quản Viện đại học Cần Thơ (sau đổi thành trường đại học) và làm hiệu trưởng từ năm 1976 đến 1986. Ông Sáu Dân có dịp về công tác miền Tây, thường ghé thăm bạn. 

Bên mâm cơm đơn sơ thời hậu chiến, đôi bạn hàn huyên kỷ niệm, từ chuyện năm xưa đi kháng chiến đến những trăn trở phát triển đất nước thời bình.

"Chính những lúc đó, tôi đã hiểu được tầm cao của chú Sáu Dân cũng như tấm lòng ấm áp, tin người, biết dùng người của chú", giáo sư Xuân kể. Hồi trước năm 1975, Viện đại học Cần Thơ có một chương trình phát triển nông nghiệp được Mỹ hỗ trợ. 

Đợt di tản vội vã cuối tháng 4-1975, các chuyên gia Mỹ hỏi đồng nghiệp Việt Nam có đi thì họ sẽ hỗ trợ. Một người đã đi, nhưng hầu hết chọn ở lại, trong đó có giáo sư Võ Tòng Xuân. Họ có niềm tin rằng mình làm khoa học nông nghiệp thì giai đoạn nào, chính phủ nào không cần ruộng lúa tốt tươi, nồi cơm ắp đầy.

Khi vào tiếp quản, một trong những câu hỏi đầu tiên của ông Bảy Khai là giáo sư Võ Tòng Xuân còn ở đây không? Bởi ông có nghe qua đài chương trình nông nghiệp của nhà khoa học nông nghiệp này. 

Lần đầu về gặp bạn, chính ông Sáu Dân cũng hỏi câu này và kể hồi trong chiến khu, có hay nghe chương trình canh nông "Gia đình bác Tám" của giáo sư Võ Tòng Xuân. 

Chương trình thường phát sóng radio lúc 5h sáng để chỉ bày canh nông thiết thực. Khi biết hầu hết giảng viên Đại học Cần Thơ chọn ở lại với quê hương, ông Sáu Dân rất xúc động, vui mừng.

"Tôi nhớ mãi chú Sáu Dân đã có những lời chân tình thế này: Sau chiến tranh, đổ nát, đất nước có thể sẽ bị đói kém, người dân có thể khổ. Nên rất cần các nhà nông nghiệp giúp bà con nông dân sản xuất thật tốt, làm ra được nhiều lúa gạo...", giáo sư Xuân tâm sự tính Thủ tướng là thế. 

Ông nói thẳng, nói thật và rất gần gũi trí thức, quan tâm sâu sắc đến nỗi lòng và cả hoàn cảnh gia đình họ. Chính nhờ vậy, Hội trí thức yêu nước sau năm 1975 đã quy tụ được nhiều nhân vật có tài, có tâm ở miền Nam sẵn sàng gạt qua nghi ngại, mặc cảm, bất đồng để đóng góp cho dân tộc bước sang giai đoạn lịch sử mới. Họ đã lắng nghe sự kêu gọi chân thành của ông Sáu Dân. 

Những nhân sĩ, trí thức không cần tiền, không cần quyền mà chỉ cần được làm việc đúng đắn, được cống hiến cho dân tộc mình.

Giáo sư Xuân kể ông có người bạn thân là giáo sư C.P.N.S.. Sau ngày đất nước thống nhất, họ chọn ở lại và vui vẻ bàn tính với nhau về khả năng và cách thức đóng góp cho đất nước bước qua thời hậu chiến khó khăn. Tuy nhiên, giáo sư S. có người vợ lấn cấn với cuộc sống mới, chính quyền mới và muốn ra đi. 

Tình cảnh gia đình khiến vị giáo sư kia khó yên tâm làm việc. Gần gũi, sâu sát với trí thức và biết chuyện này, ông Sáu Dân đã tổ chức cho vợ con nhà khoa học đó đi Pháp thuận lợi. Chuyện lan ra, các trí thức chọn ở lại càng thêm mến ông Sáu Dân.

Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên - Kỳ 4: Khơi dậy niềm tin nhân sĩ - Ảnh 3.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm đời sống nông dân. Trong ảnh: ông Kiệt về thăm tỉnh An Giang - Ảnh tư liệu N.M.N.

Hưởng ứng tấm lòng ông Sáu Dân

Có một kỷ niệm về cố Thủ tướng mà giáo sư Xuân và nhiều đồng nghiệp đã và sẽ còn nhớ mãi. Đó là lần ông Sáu Dân tâm sự: Anh em đề nghị cái này cái kia không phải ai cũng nghe, nhưng ông nghe, ông tin anh em. 

Anh em trình bày điều gì đến ông thì ông nói lại và người ta sẽ nghe ông, nên anh em cứ bày tỏ hết lòng. Nhưng anh em phải nhớ nếu bày người ta làm trật thì anh em phải chịu trách nhiệm. Nhiều năm nhắc nhớ chuyện này, giáo sư Xuân vẫn xúc động kể mọi người rất vui với những lời thẳng thắn của ông Sáu Dân. 

Ông đã khẳng định niềm tin với các trí thức miền Nam ở lại và yêu cầu mọi người phải chịu trách nhiệm với công việc của mình. Còn điều gì cần và quý hơn thế với người trí thức.

Hưởng ứng tấm lòng của ông Sáu Dân, chính giáo sư Võ Tòng Xuân đã kêu gọi nhiều bạn bè, mỗi người giỏi một lĩnh vực trong ngành nông nghiệp để khôi phục ruộng đồng, nâng cao năng suất cây lúa đem lại chén cơm cho người dân thời đất nước còn ngổn ngang khó khăn sau chiến tranh. 

Về sau, giáo sư Võ Tòng Xuân cũng nhiệt thành tham gia nhóm tư vấn cho cố Thủ tướng về lĩnh vực nông nghiệp, những khi có việc gì cần đến chuyên môn ông đều đóng góp sự hiểu biết của mình. 

"Chính những cuộc họp này, tôi càng thấy rõ sự lắng nghe, tin tưởng của chú Sáu với nhân sĩ, trí thức. Và chính tấm lòng đó đã khơi dậy niềm tin...", giáo sư Xuân kể thêm ông "khoái nhất" là lời kêu gọi trí thức phải chịu trách nhiệm. 

Chính phải "chịu trách nhiệm" này mà ông và các trí thức đóng góp ý kiến gì đều không chỉ có lòng tận tâm mà còn phải nghiên cứu cẩn thận.

"Tôi nhớ một thời bừng bừng khí thế đóng góp. Thầy cô giáo, sinh viên nông nghiệp đều ra ruộng với bà con nông dân. Vừa tận tình giúp đỡ bà con kỹ thuật canh nông, chống sâu rầy, họ vừa sưu tầm giống làm ngân hàng giống lúa. 

Ai cũng muốn góp sức với đất nước", giáo sư Xuân kể thêm chính ông Sáu Dân đã vui vẻ nói: "Anh em làm khuyến nông như vậy rất tốt, nên đưa chương trình lên truyền hình vì bà con rất thích xem". 

Về sau, ông Sáu Dân cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp lập thêm Cục Khuyến nông, nhưng ban đầu cũng có những ý kiến ngược xuôi vì bộ đã có nhiều cục. Ông nói về mà xem chương trình khuyến nông rất hiệu quả của miền Tây như ở tỉnh An Giang đã làm. 

Thế rồi, Cục Khuyến nông cũng ra đời. Đây chính là một trong những việc làm của ông Sáu Dân mà giáo sư Xuân và nhiều nhà khoa học khác rất quý. Một lãnh đạo có tầm cao mà cũng rất thực tế, hiểu sâu sắc nông dân mà nghèo thì sao đất nước giàu mạnh được...

Tham gia đại biểu Quốc hội ba khóa 6, 7, 8 suốt 17 năm, giáo sư Xuân cũng có nhiều kỷ niệm khó quên với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Có những kỷ niệm vui, kỷ niệm "đụng", nhưng không hề có sự nặng nề, bởi mọi người đều hiểu tấm lòng của ông với người dân, với đất nước. 

Một lần, đại biểu Xuân đăng đàn đề nghị Thủ tướng Võ Văn Kiệt diệt tham nhũng như đã trị thành công đốt pháo. Thủ tướng trả lời đại biểu yêu cầu trị tham nhũng như đốt pháo, nhưng xin thưa quốc nạn tham nhũng này đâu có dễ nghe, dễ thấy như đốt pháo, nên phải cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ để diệt trừ.

Giáo sư Xuân cười, hiểu lời ông Sáu Dân. Tính Thủ tướng là thế, nói là nói thẳng, không ưa vòng vo lời xuôi tai, nhưng ông nói được, làm được và hợp lòng dân...

______________________________

Giữa bề bộn công việc của Bí thư Thành ủy hay sau này là Thủ tướng, ông Sáu Dân vẫn thường sắp xếp đến với những buổi họp chiều thứ sáu của nhóm Thứ Sáu để lắng nghe lời tâm huyết...

Kỳ tới: Lắng nghe lời tâm huyết

Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên - Kỳ 3: Nặng lòng với ruộng đồng, mồ hôi nông dân Ông Sáu Dân - Những kỷ niệm thương quý không quên - Kỳ 3: Nặng lòng với ruộng đồng, mồ hôi nông dân

TTO - Ông Bảy Nhị trải lòng rồi đây lịch sử sẽ còn tiếp tục kể mãi vị Thủ tướng đã có quyết sách đúng đắn khai phá vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, đào kênh T5, T6 xả lũ trị phèn, ngăn mặn, khai khẩn đất hoang để bật lên tiềm năng vựa lúa...

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên