Bìa sách 'Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân' - Ảnh: P.VŨ
Những câu chuyện, những sự kiện hàng hàng lớp lớp trong cuộc đời ông khiến người đọc có cảm giác như ông đã ra những quyết định rất nhanh bằng lòng thương dân, vì dân của mình; những công việc cũng được thực hiện rất suôn sẻ, nhanh chóng với sự ủng hộ, trông đợi và nhiệt tình của những người xung quanh.
Thực tế cho thấy chỉ những người "biết nghe" mới "được nghe" những lời tâm huyết tự đáy lòng của trí thức - những người luôn nặng lòng với đất nước - để thực hiện những điều tốt đẹp cho đất nước một cách thành công nhất.
Vũ Quốc Tuấn (nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt 1985 - 1994)
Nhưng cuộc đời thật nào có phải như vậy, nhất là cuộc đời vào những thời kỳ khó khăn đến khắc nghiệt như ông Sáu Dân đã đi qua, cho dẫu ông có là "Thủ tướng làm được nhiều việc nhất cho đất nước, cho dân tộc" như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét về người Thủ tướng đi sau mình.
Và người hâm mộ ông Sáu Dân sẽ có thể được biết thêm những góc khuất ẩn sau nụ cười rạng rỡ, cởi mở của ông; có thể được biết những trăn trở của ông trước mỗi quyết định, những khúc mắc, chông gai trên mỗi chặng đường ông đi, những cái giá ông phải đánh đổi để được làm một việc vì dân... khi đọc tập sách mới được xuất bản đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 100 (23-11-2022) của ông: Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân (nhiều tác giả, NXB Tổng Hợp TP.HCM).
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, chủ biên, tự nhận xét đây là một tập sách mỏng nhẹ về số trang nhưng nặng dày tình cảm yêu mến, kính trọng với vị Thủ tướng xuất sắc của đất nước, người đã sâu về tâm lại còn lớn về tầm.
Và đúng như vậy. Chỉ tròn 300 trang nhưng cuốn sách thật nặng dày vì các tác giả đều là những người thân gần từng sống, từng làm việc, từng trải qua những vui - buồn, thành công - thất bại, ngọt ngào - cay đắng với Võ Văn Kiệt khi ông làm chủ tịch, bí thư, Thủ tướng hay khi chỉ làm một ông già Nam Bộ thích câu cá, bơi lội bên sông Sài Gòn mà lòng vẫn đau đáu với nước, với dân.
Những cái tên đầy đủ uy tín về con người, về trải nghiệm: Nguyễn Minh Triết, Trần Đức Nguyên, Vũ Quốc Tuấn, Trần Việt Phương, Nguyễn Trung, Bùi Quang Vinh, Võ Viết Thanh, Đặng Thế Truyền, Nguyễn Thái Nguyên, Lê Hồng Lam, Trần Trọng Thức, Phạm Chi Lan, Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Lê Đăng Doanh, Võ Đại Lược, Cao Huy Thuần, Nguyễn Ngọc Trân, Trần Văn Thọ, Lưu Trần Luân, Nguyễn Duy, Vũ Kim Hạnh, Huỳnh Sơn Phước, Nguyễn Thế Thanh, Trương Trọng Nghĩa, Vũ Thành Tự Anh...
Đã là những người thân gần, nhưng đây lại là lần đầu họ được viết, được kể những câu chuyện, những kỷ niệm với ông Sáu Dân thân thương mà không chỉ là chuyện vui, không chỉ là những thành công.
Trong ấy có khoảnh khắc ông chán nản ném tập hồ sơ lên bàn, ngồi phịch xuống ghế. Trong ấy có tập sách công phu về ông đã bị đình bản chỉ vì một cái tên tác giả. Trong ấy có người đồng chí hỏi ông xóc óc: "Ngày vào Đảng là thiêng liêng mà đồng chí không nhớ rõ, vậy có đủ phẩm chất của đảng viên không?".
Trong ấy có những khoản tiền ông "xin" của con gái để cùng các cộng sự tiếp tục làm việc chung khi mình đã nghỉ hưu. Trong ấy có những tâm sự buồn của ông về chuyện riêng - chung, lại cũng có cả những trăn trở, đau đáu đến lúc cuối đời của ông về tổ chức, về đất nước, về dân tộc...
Những câu chuyện mà những người quanh ông đã đợi đến hôm nay - thời điểm của trăm năm - mới kể, và cũng lại chính là những câu chuyện trăm năm đúng nghĩa. Chuyện của Dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận