100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022), những kỷ niệm về ông vẫn vẹn nguyên nghĩa tình...

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 1.

Và đó cũng là tấm lòng của bao người , từ cán bộ, trí thức đến đồng bào lao động nhắc nhớ ông với sự thương quý không quên.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 2.

Đã cống hiến tuổi thanh xuân cho những phong trào sinh viên đòi hòa bình, chống chiến tranh ở ĐH Văn khoa, đã thoát ly vào khu theo hoạt động Thành Đoàn, sau ngày thống nhất Huỳnh Quan Thư ôm con gái mới vài tháng tuổi, dắt con trai vừa biết đi về Sài Gòn.

Đằng sau niềm vui hòa bình của đất nước là nỗi đau của người thiếu phụ: chồng cô - anh hùng liệt sĩ Lê Quang Lộc - hy sinh chỉ vừa hai tuần.

Những năm tháng hối hả sau đó không có chỗ cho nỗi niềm riêng. Được giao nhiệm vụ phụ trách công tác thiếu nhi ở quận Bình Thạnh, rồi sau đó là Thành Đoàn, bà Thư lao vào công tác không chỉ với nhiệt huyết của một cán bộ mà còn với tâm trạng một người mẹ.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 3.

"Sau chiến tranh, người lớn bị cuốn vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn, những đứa trẻ phải chịu rất nhiều thiệt thòi dù có xuất thân thế nào. 

Mất mát - thiếu vắng cha, mẹ, người thân, thiếu thốn vật chất từ miếng ăn, hụt hẫng tinh thần từ một món đồ chơi. 

Rồi những phân biệt lý lịch chính trị bắt đầu xuất hiện ảnh hưởng lớn đến các bạn trẻ, đến cả các em thiếu nhi. Thương lắm!...", bà Thư tâm sự.

Bao năm rồi mà bà Thư chưa quên những chuyện đau lòng. Những ưu tiên vì là con liệt sĩ không xua được nỗi thiếu vắng cha của hai con. 

Những phân biệt đối xử đây đó với thanh niên khiến Thư khó xử và bất lực trước những câu hỏi của bạn bè, kể cả những người đã từng cùng tham gia phong trào sinh viên.

Rồi đến chính cha mẹ của bà trở thành đối tượng của chiến dịch cải tạo công thương nghiệp.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 4.

Bài phát biểu được báo Tuổi Trẻ đăng toàn văn, lan đi nhanh như sóng.

"Tôi đã ứa nước mắt như nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối. Niềm tin trong tôi có lại chỗ dựa vững chắc. Những hoạt động thiếu nhi, thanh thiếu niên do tôi tổ chức được tiếp nguồn sinh khí mới.

Và đúng là bí thư không phát biểu rồi quên đi. Những ngày ấy ông và bộ máy chính quyền đang phải lo từ gạo - dầu cho dân, nguyên liệu sản xuất cho nhà máy, rồi bao nhiêu việc về nhân sự, về con người của thành phố, nhưng lời hứa "dành những gì tốt nhất cho thiếu nhi" ông vẫn nhớ.

Thương xá Tax đang bị bỏ quên giữa những cuộc kiểm kê hàng hóa, từ một nơi buôn bán sầm uất, sang trọng nhất Sài Gòn mà lúc ấy thường xuyên cửa đóng then cài, tối đen như nhà hoang.

Bí thư Võ Văn Kiệt chỉ đạo: dành vị trí đẹp nhất trung tâm ấy để mở Cửa hàng phục vụ thiếu nhi. Từ ban thiếu nhi Thành Đoàn, tôi được phân công về đó làm phó chủ nhiệm...", bà Thư rưng rưng nhớ lại.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 5.

"Và đâu chỉ có vậy - bà Hoàng Lê Tuyết Ngọc góp thêm vào câu chuyện - Từ 1976, Bí thư Võ Văn Kiệt đã ký quyết định giao cho Thành Đoàn khu dinh thự 169 Nam Kỳ Khởi Nghĩa để tổ chức thành Nhà Thiếu nhi thành phố. Tôi được giao làm chủ nhiệm.

Những ngày đầu ít người, việc làm không xuể, ông vẫn theo dõi sát và có lần gọi chúng tôi lên trách cứ: "Nghe nói tụi bay để cỏ mọc um tùm trong khuôn viên nhà thiếu nhi phải không?". Có lãnh đạo như vậy, làm sao không làm cho tốt?

Sau này nữa, khi rời thành phố ra Hà Nội để trở thành Thủ tướng, căn nhà công vụ mà ông để lại đã được thành phố dành để làm trường mẫu giáo theo đúng mong muốn của ông: luôn dành những gì tốt nhất cho thiếu nhi. Thành phố soi tương lai của mình trên vầng trán các em".

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 6.

"Không có ai chọn cửa mà sinh ra", ông Sáu Quang - Nguyễn Chơn Trung vẫn nhớ quan điểm nhân văn này đã có từ lâu trong ông Sáu Dân trước khi phát biểu thành lời súc tích, và "chính điều đó đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ" khi Thành ủy giao nhiệm vụ cho Thành Đoàn phát động phong trào thanh niên xung phong khai khẩn đất hoang những ngày đầu năm 1976.

Hai tháng phát động ròng rã ở các Đoàn thanh niên, chỉ có hơn 2.000 đoàn viên đăng ký tham gia.

Chỉ tiêu được giao tối thiểu phải vận động được 10.000 người, và đó cũng là số nhân lực cần thiết để lao động trên Nông trường Phạm Văn Cội (Củ Chi) sẽ bắt đầu ngay sau ngày ra quân đã định là 26-3-1976.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 7.

Quan điểm thông, chỉ vài tuần lễ đã hơn một vạn người đăng ký gia nhập TNXP, có cả những người đang cai nghiện ma túy.

Ngày ra quân ở sân vận động Thống Nhất, Bí thư Võ Văn Kiệt đã khiến nhiều thanh niên Sài Gòn ứa nước mắt từ lời mở đầu:

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 8.

Bài diễn văn gợi nên nỗi xúc động sâu xa trong lòng những thanh niên Sài Gòn đang chấn động, hoang mang, vì sự thay đổi thời cuộc.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 9.
Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 10.

"Ông Sáu Dân là một trong những người cộng sản đầu tiên tôi gặp sau ngày đất nước thống nhất', linh mục Huỳnh Công Minh tâm sự ông luôn cảm thấy lòng ấm áp mỗi khi nhắc đến ông Sáu Dân...

"Trước đó, khi đang du học và được thụ phong linh mục ở Pháp, năm 1969 tôi về Việt Nam làm luận án tiến sĩ và chọn ở lại trong tình cảnh chiến tranh leo thang vì sợ tình hình càng phức tạp thì không còn cơ hội về nước.

Tôi tham gia nhiều hoạt động của các trí thức và giáo dân chống tham nhũng và bị cho là làm bất lợi cho chính quyền...

Song không phải vì vậy mà chúng tôi không lo lắng khi đất nước thống nhất, chế độ thay đổi. Rất nhiều tin đồn về chính quyền của những người cộng sản.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 11.

Đi gặp bí thư Thành ủy, những người lãnh đạo mặc áo cán bộ vừa từ rừng núi về tiếp quản thành phố, linh mục Huỳnh Công Minh không khỏi hồi hộp, nhưng khi gặp, ông bí thư rất ấm áp và thiện chí.

Ông cho biết đã tìm hiểu và biết linh mục Minh có nhiều hoạt động tích cực, gần gũi và có uy tín với giáo dân lao động, lại là người thân tín của Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Ông đề nghị linh mục làm cầu nối để được gặp Đức Tổng giám mục với mong muốn tìm sự hòa hợp trong lòng yêu nước của những người kính Chúa và những người cộng sản.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 12.

Linh mục Minh đã rất bất ngờ và cảm động: "Tôi thật không mong gì hơn vì quả thật nhiều người Công giáo đã gặp phải sự phân biệt, bị coi là người của chế độ cũ, bị coi không phải người yêu nước chân chính".

Mọi việc sau đó còn vượt quá điều ông mong đợi. Cuộc gặp giữa Đức Tổng giám mục với bí thư đã diễn ra thật tốt đẹp, và hai người đã mau chóng hòa hợp đến mức xem nhau là bạn, gọi nhau thân thiết "anh Năm - anh Sáu".

Từ đấy, cứ vài tháng ông Sáu Dân lại đến gặp ông Năm Bình ở trụ sở báo Công Giáo Dân Tộc, kể cả khi ông đã chuyển ra công tác Hà Nội thì những cuộc gặp có thưa hơn nhưng vẫn duy trì.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 13.

Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã viết cho các giáo dân của mình: "Là người Công giáo, chúng ta gặp Chúa trong lòng dân tộc. Đức tin không góp phần xây dựng trần thế là đức tin chết".

Còn ông Sáu Dân đã từng viết về ông Năm Bình: "Giữa bao mặc cảm và cả ngộ nhận, ông đã chia sẻ với một người cộng sản không phải để chiều thời mà để xây dựng trần thế.

Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình là một tấm gương về sự kiên trì xóa bỏ thành kiến bằng cách chủ động bước vào cuộc sống mới, tạo ra thực tế mới để xây dựng niềm tin chân thành, vững chắc".

"Còn về tôi - linh mục Huỳnh Công Minh nhớ rành mạch - sau rất nhiều lần tôi tìm đến bí thư trình bày các vấn đề của giáo dân, ông đã đề nghị tôi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa VI, khóa Quốc hội thống nhất đầu tiên.

Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được việc đó, nhưng rồi tôi đã thành đại biểu, đại diện giáo dân trong Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đầu tiên do Bí thư Võ Văn Kiệt làm trưởng đoàn.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 14.

Từ ông mà tôi đã hiểu người cộng sản hơn, cũng giúp giáo dân chúng tôi được nhiều hơn".

Linh mục Huỳnh Công Minh bật cười kể một chuyện mà ông bảo "thật xấu hổ khi người ta thường đồn các ông lãnh đạo hay quan liêu, thế mà trong chuyện này, tôi là một linh mục cũng được tiếng là gần dân lao động, lại còn quan liêu hơn, không hiểu đời bằng ông bí thư".

Câu chuyện lại quay về những ngày thành phố thiếu ăn vì chế độ phân phối tem phiếu, vì quan điểm tự sản tự tiêu, vì cấm chợ ngăn sông từ hạt gạo, túi đường.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 15.

Linh mục từ chối: "Tôi đã được giáo dân tiếp tế, lại có thêm mẹ tôi ở Củ Chi cho thêm rau củ. Nhà thờ không đến nỗi thiếu. Cảm ơn ông bí thư".

Thế nhưng hôm sau lại thấy ông Ba Huấn (Nguyễn Văn Huấn - phó chủ tịch TP.HCM thời ấy) đi xe đến: "Anh Sáu nói nhờ linh mục dẫn đường đến thăm các sơ ở Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm".

Đường sang Thủ Thiêm ngày ấy chưa có cầu, chưa có hầm, đi xe phải vòng qua cầu Sài Gòn sang Thủ Đức, quanh co đường ruộng sình lầy mãi mới đến nơi. Linh mục Huỳnh Công Minh cười đỏ mặt ở tuổi 81 hôm nay:

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 16.
Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 17.

Những câu chuyện nho nhỏ như vậy hôm nay đã trở thành chuyện trăm năm Võ Văn Kiệt mà nhiều người vẫn cứ kể mãi về ông không dứt.

Nghe những chuyện như vậy chợt hiểu "sức hấp dẫn Sáu Dân" của ông từ đâu mà tỏa ra không những đến những tầng lớp người Việt mà đến cả những lãnh đạo đồng cấp với ông ở nước ngoài.

Ấy là từ tấm lòng rộng mở với tất cả nhưng chọn lựa lại đinh ninh chỉ một: vì mọi người, vì đất nước, vì dân tộc, vì lẽ phải.

Một lựa chọn ấy thôi và ông sẵn sàng nghe, sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng đồng hành, sẵn sàng dẫn dắt.

Ngay như tôi, 20 năm trước là một phóng viên mới vào nghề, chưa biết gì về cuộc đời và càng chưa hiểu gì về Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay ông Sáu Dân, nhưng tôi đã được ông cho hẹn gặp riêng chỉ để ghi ý kiến về chuyện oan khuất của một người đồng chí, đã được cho phép tham dự những cuộc họp với các nhóm trí thức mà ông vẫn thường xuyên tổ chức kể cả khi đã nghỉ hưu.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 18.

Ở bên cạnh ông, những nhà khoa học, nhà kinh tế không phải không có lúc buồn, nhưng ông Sáu Dân không cho phép nản lòng.

Ông khẳng định: "Miễn là việc đúng, việc hợp lý, khả thi, miễn là việc vì lợi ích chung, miễn là có sự vào cuộc tâm huyết của khoa học, đề xuất lần thứ ba chưa được thì lần thứ tư, thứ năm, không ngại "bất quá tam". Làm việc vì dân, vì nước thì phải kiên nhẫn".

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 19.
Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 20.

"Hồi cùng làm Chính phủ ở Hà Nội, thỉnh thoảng cuối tuần anh Sáu Dân gọi tôi sang ăn cơm có món do chính anh nấu.

Chúng tôi đã tâm sự rất nhiều, từ chuyện gia đình, chính sách đến tiếng lòng của dân", nhiều năm đã trôi qua, ông Tư Triết - nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết - vẫn ắp đầy kỷ niệm về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt...

"Ngày 3-2-1994, vị Tổng thống thứ 42 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam.

Đến ngày 11-7-1995, Tổng thống Bill Clinton chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Rạng sáng ngày 12-7-1995 giờ Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 21.

Đây là bước ngoặt lịch sử trong công cuộc đổi mới của chúng ta. Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở châu Âu từng giúp đỡ Việt Nam không còn nữa.

Nếu chúng ta không bình thường hóa quan hệ được với Mỹ, không mở ra được thị trường lớn nhất thế giới này thì làm sao đổi mới thành công được", kể bước ngoặt đổi mới của đất nước, ông Tư Triết hay tâm sự điều này với tư cách là người trong cuộc, còn Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở vai trò đặc biệt.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 22.

Ông Hảo khuyên Việt Nam nên nỗ lực đẩy nhanh việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và nhanh chóng mở rộng quan hệ quốc tế, đừng thu hẹp cục bộ như trước. Khẩu hiệu Việt Nam làm bạn với thế giới phải đi vào thực chất, không nên chỉ dừng lại ở khẩu hiệu ngoại giao.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 23.

Về sau có dịp gặp lại ở Hà Nội, anh Thình vẫn nhắc lời khuyên này, muốn Việt Nam đáp ứng những yêu cầu để bình thường hóa quan hệ với Mỹ và nâng cao vị thế kinh tế tư nhân vốn mới chỉ hé mở ở thời điểm ấy.

Anh Thình nói nếu Mỹ không bỏ cấm vận thì chúng ta sẽ không làm được gì...", ông Tư Triết nhớ lại lúc tiếp xúc những nhân vật này, ông Sáu Dân rất thân tình, cởi mở. Nhưng sau đó, ông đăm chiêu, suy tư nhiều.

Ai gần gũi hoặc từng làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều hiểu điều này. Ông rất lắng nghe trí thức, luôn tạo điều kiện cho họ mở lòng. Và ông hiểu kỳ vọng của họ ở thời điểm đất nước cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hay thụt lùi trước bước tiến vũ bão của thời đại...

Thực tế những năm đầu thập niên 1990 thế kỷ 20, nhiều luồng gió mới, đa chiều đã thổi mạnh vào Việt Nam. Ngày 6-10-1993, Phó thủ tướng Phan Văn Khải đã bay sang Mỹ, gặp gỡ Ngoại trưởng Warren Christopher. Phía Hoa Kỳ tuyên bố giữa Mỹ và Việt Nam không còn tình trạng chiến tranh, Mỹ không còn coi Việt Nam là kẻ thù.

Những trang sử mới được lật ra. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ lần lượt vào thị trường mà năm nào là chiến trường. Bank of America, hãng thuốc lá Philip Morris, Công ty Vatico, Hãng máy tính IBM, Công ty thiết bị Caterpiller... lần lượt tìm cơ hội và khai trương văn phòng ở Việt Nam.

Nhiều năm đã trôi qua, nhắc nhớ giai đoạn lịch sử này, ông Tư Triết vẫn xúc động: "Cũng có một số ít ý kiến này nọ, nhưng không khí chung của giai đoạn đó là vui mừng trước vận hội mới của đất nước.

Anh Sáu Dân quan tâm, chỉ đạo rất sát sao. Họp chính phủ có những buổi kéo dài đến tận tối. Cuối tuần, anh mời tôi sang ăn cơm, tâm sự chuyện này kia rồi cũng lại tập trung vào vấn đề bang giao và mở ra thị trường Mỹ".

Từng làm bí thư TP.HCM những năm khó khăn hậu chiến, từng lắng nghe nỗi niềm những trí thức, những nhà sản xuất, kinh doanh và đồng bào lao động, ông Sáu Dân thấu hiểu sâu sắc khát khao được "cởi trói", được giải phóng năng lực và được giao thương quốc tế như Sài Gòn đã từng làm.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 24.
Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 25.

Nhắc nhớ những kỷ niệm khó quên của giai đoạn bước ngoặt đất nước, cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết có rất nhiều kỷ niệm khó quên với ông Sáu Dân, vị lãnh đạo của đất nước giai đoạn đang chèo chống tìm đường vươn ra biển lớn.

Ông nhớ mãi năm 1994, đang đi Hội nghị phát triển thương mại của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại thành phố Columbus, tiểu bang Ohio, Mỹ, thì nhận cuộc gọi từ Văn phòng Chính phủ yêu cầu ông về phải gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngay.

Chuyến đi của ông Triết được đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros - Ghali mời. Rồi cũng chính vị này đã tổ chức cho đoàn Việt Nam cuộc gặp gỡ, làm việc với đoàn Mỹ do Bộ trưởng Bộ Thương mại Ron Brown dẫn đầu.

Trong cuộc gặp gỡ Bộ trưởng Brown vui vẻ nói: "Tôi hân hạnh thông báo ngài Bộ trưởng Việt Nam biết dự kiến Tổng thống Bill Clinton sắp tuyên bố xóa bỏ cấm vận với Việt Nam. Ý ngài và chính phủ ngài thế nào?".

Ông Triết đáp lời đó cũng là mong mỏi của nhân dân, chính phủ hai nước. Điều không may lớn nhất giữa hai nước là để nổ ra cuộc chiến tranh, giờ đây phải khép lại quá khứ, đi đến tương lai hòa bình và hợp tác cùng nhau phát triển...

Sau khi nhận cuộc gọi từ trong nước, ông Tư Triết đáp xuống sân bay Nội Bài, đã về thẳng Văn phòng Chính phủ và thấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ngồi đợi sẵn từ trước.

Mời ông Tư Triết uống ly nước, ông Sáu Dân đề nghị báo cáo kỹ kết quả chuyến đi. Lắng nghe chăm chú từng lời, ông Sáu Dân giao ngay các việc chuẩn bị quan trọng về ngoại giao cho ông Nguyễn Mạnh Cầm và thương mại với Mỹ cho ông Triết.

"Đây là thời cơ phát triển đất nước. Chúng ta phải nắm lấy và phải thành công", ông Sáu Dân vui vẻ nói khi buổi họp đã sang tối mịt. Vận hội mới đang mở ra cho đất nước...

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 26.
Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 27.

Tháng 9-1975, báo Tuổi Trẻ ra đời ở TP.HCM thì báo Sài Gòn Giải Phóng đã phát hành đến số thứ 120 với 90.000 bản mỗi ngày. Báo Công Nhân Giải Phóng 25.000 bản, Phụ Nữ 25.000 bản. 

5 năm sau - 1980, Tuổi Trẻ vẫn chỉ là một nội san với số lượng phát hành không quá 10.000 bản một tuần (tháng 6-2008 hơn 450.000 bản mỗi ngày).

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 28.

Tháng 4-1980, Bí thư Võ Văn Kiệt hỏi: "Vì sao trước 1975 ai làm báo cũng giàu, bây giờ năm nào Tuổi Trẻ cũng ngửa tay xin tiền, xin giấy, cho đồng nào xài hết đồng ấy? Liệu còn có cách nào để tự lập không?".

Và rồi chính ông đã ra quyết định: từng bước cắt tài trợ ngân sách, trả cho Tuổi Trẻ quyền tự chủ và sống nhờ vào sự chi trả của người đọc.

Tháng 5-1981, khi thị trường còn là điều cấm kỵ, nền kinh tế bị trói chết trong cơ chế tập trung và chế độ bao cấp hoang phí, ông Võ Văn Kiệt đến từng nhà máy loay hoay tiến hành những cuộc thể nghiệm không có tiền lệ.

Các doanh nghiệp mới dám nói đến chuyện hai kế hoạch, ba lợi ích, thì đã có ngay lời bàn xỉa xói "bít lợi A" (bít lợi ích Nhà nước).

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 29.

Ông kéo nhà báo đến nhà máy trò chuyện với công nhân, làm việc với nhà khoa học, chuyên gia kinh tế tài chính, ngân hàng, với các nhà quản trị kinh doanh từng trải trong thị trường...

Chính họ, giới tinh hoa vốn có tình thân với "anh Sáu Dân" đã sớm nói không với cơ chế tập trung bao cấp, trói chết sức sản xuất và quay lưng với những sáng kiến đổi thay của con người.

Chính người Sài Gòn - TP.HCM đã mở cửa nhà máy đặt quan hệ với thị trường, vô hiệu hóa chủ trương hợp tác hóa cưỡng bức, giúp cho Đảng bộ TP.HCM đi đến nghị quyết "cởi trói - bung sản xuất".

Trong sổ tay của người làm báo như tôi lúc đó, "Đêm trước đổi mới" không xuất phát từ những ý tưởng vỡ mộng, không phải từ salon của những nhà hoạch định đường lối chính sách.

Việt Nam - đặc biệt là miền Nam - đã khai phá con đường đổi mới, trở lại với thị trường, từ những tổng kết thực tiễn chứ không phải từ những thất vọng giáo điều. 

Người Sài Gòn - TP.HCM đã bắt đầu từ nhà máy, từ đồng ruộng, từ kinh tế đặt lên bàn nghị sự của các nhà hoạch định đường lối chính sách những sản phẩm hàng hóa của ĐỔI MỚI trước khi có nghị quyết về ĐỔI MỚI.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 30.
Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 31.

Thôi làm Thủ tướng, ông Sáu Dân có nhiều thời gian để chia sẻ với nhà báo những chuyện sâu kín của một chính khách, những sự thật cần cho tương lai.

Ngày 30-4-2005, ông kể: "Khi giữ cương vị bí thư Thành ủy TP.HCM, tôi có dịp trò chuyện với Đức tổng giám mục Nguyễn Văn Bình.

Một lần, cùng Tổng giám mục đến thăm các cháu thiếu nhi vui chơi trong vườn Tao Đàn, tôi nói với cụ: "Nhìn những cháu bé đang chơi với nhau ấy, làm sao có thể phân biệt được cháu nào có đạo, cháu nào không, cháu nào là "con quốc gia", cháu nào là con cộng sản?".

Đức Tổng nhất trí với tôi: Chỉ người lớn mới phải chịu trách nhiệm về những sự phân biệt đó". Giọng ông tiếc nuối "giá như đổi mới sớm hơn".

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 32.

Lúc này giới quan sát bắn tin cho nhau về một dự báo lạc quan khả năng có bước đột phá về chính trị, 2005 - đêm trước của Đại hội X, thời điểm đã chín cho một cuộc vận động "đổi mới lần thứ 2".

Từ đầu tháng 4-2005, khi đi tìm một cuộc phỏng vấn độc quyền, chúng tôi biết nhiều đồng nghiệp đã đến trước.

Trả lời phỏng vấn báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao), ông Sáu Dân nói: "Sau 30 năm, một sự kiện liên quan đến chiến tranh, khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn.

Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.

Với những người từng đưa quân đến xâm lược và đánh thuê trên đất nước ta, chúng ta còn khép lại quá khứ, đưa tay kết bạn, huống chi là người nước mình...

Về đối nội, theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 33.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TP.HCM về kế hoạch 1995 (ảnh chụp sáng 2-12-1994) - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ".

Trên báo Lao Động, ông Sáu Dân cũng trải lòng: "Phải thông hiểu sâu sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước thương nòi trong mỗi trái tim người Việt Nam, cho dù sự biểu hiện có thể rất khác nhau với nhiều hoàn cảnh không giống nhau, thì mới đánh giá đúng sự kiện 30-4-1975...

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 34.

Chiều 1-5-1997, tại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định xây dựng đường hầm ngầm qua Thủ Thiêm - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Chúng ta cần ôn lại để tự soi sáng cho mình trong những bước đi sắp tới. Không có một tình huống nào mà không có lối ra.

Chỉ cần chúng ta biết thật sự cầu thị, dám vượt qua chính mình, chân thành lắng nghe và trân trọng tiếp thu những tiếng nói trung thực của mọi người Việt vốn nặng lòng với đất nước, mở rộng dân chủ để mọi sáng kiến, mọi kế sách tâm huyết đến được với những nơi cần đến, nhất định sự nghiệp của chúng ta sẽ giành được thắng lợi".

Là người luôn có những ý tưởng đột phá, ông Sáu Dân có thế mạnh của người trong cuộc, trong tổ chức, trăn trở, động não khi bị buộc phải khép mình chờ đợi, nhưng xuyên suốt vẫn là khả năng vượt qua chính mình, vượt ra khỏi cái trật tự lỗi thời, ông thường gọi là "vật cản" để có được những quyết định cải cách.

Bị ngộp trong không gian hẹp của những giáo điều cấm kỵ, ông tìm niềm vui sống khi tự đặt mình, đúng hơn là tìm đến với những nơi, những người có thể đặt lên bàn những cuộc tranh luận những sự kiện mới, những ý tưởng mới, những chọn lựa khác mình.

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 35.
Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 36.

Về hưu, ông Sáu Dân thường tự đặt mình trước những câu hỏi về thể chế chính trị, nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội công dân, tự do ngôn luận...

Tháng 9-2007, ông vận động sáng lập "Viện Nghiên cứu phát triển IDS" gồm những nhà khoa học lớn với những khát khao lớn: nghiên cứu, tư vấn các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và xã hội; đưa ra các giải pháp, những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.

Tháng 12-2007, ông nhận làm Chủ tịch danh dự "Trung tâm Nghiên cứu Saigon Times", gặp gỡ các nhóm nghiên cứu phát triển "Diễn Đàn" ở Pháp, các nhà nghiên cứu chính sách Mỹ-Việt (Think tank) - vừa nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước, vừa dọn đường cho sự hợp tác phát triển chiến lược giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản...

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 37.

Khác với những năm 1980, giờ đây trước lúc trở về, ông có tầm nhìn và trí tuệ của một cuộc tập hợp lớn cần cho bước chuyển lớn của Việt Nam ở đầu thế kỷ 21, nhưng lúc này "Sáu Dân không còn đủ quyền lực để trả nợ cho những kỳ vọng của nhân dân".

Đó là những gì ông đã gửi lại cho bất cứ ai còn nhận mình là nhà báo Việt Nam, gửi lại cho những trang báo của ngày mai...

Ông Sáu Dân và những kỷ niệm thương quý không quên - Ảnh 38.
HUỲNH SƠN PHƯỚC - QUỐC VIỆT - PHẠM VŨ
VÕ TÂN


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên