Đó lại cũng chính là cảm giác mà tôi chưa gọi được thành tên trong những lần may mắn được gặp ông.
Ghi lại, lòng tôi hơi ngạc nhiên. Vì bản thân tôi cố gắng nâng mình lên khi được gặp ông là điều đương nhiên, nhưng những nhà trí thức lớn cũng vậy, người đồng chí tiếp bước ông làm thủ tướng như ông Phan Văn Khải lại cũng nói như vậy.
"Ấy là vì trong câu chuyện với ông luôn tràn ngập trăn trở với những vấn đề của đất nước, nhân dân. Những đề bài ông đưa ra thảo luận đều là những vấn đề rất lớn cần nhiều lời giải, nhiều cách giải khác nhau để chọn được một cách vẹn toàn. Chẳng bao giờ có một suy tính cá nhân, chẳng bao giờ có khe hở nào cho chuyện tư riêng...
Nâng mình lên thì mới có thể suy nghĩ cùng với ông, tìm lời giải giúp ông được. Nếu lúc ấy có chút so đo cho bản thân, chúng tôi liền thấy mình không phải" - ông Phan Chánh Dưỡng, ông Huỳnh Bửu Sơn đã giải thích với tôi như thế.
"Nghe đúng, thấy đúng, nghĩ đúng là ông nói ngay, làm luôn, không mảy may có ý nghĩ sợ mất ghế, mất chức", cố Thủ tướng Phan Văn Khải từng kể về người tiền nhiệm của mình. "Không có mấy ai được như vậy", ông nhấn mạnh thêm.
Và vậy là ai gặp ông Sáu Dân cũng đều cố nâng mình lên, gác lại những chuyện cá nhân để góp sức cùng ông lo chuyện nước, chuyện Dân. Từ đó mà ông có thêm điều kiện "nghe đúng - nghĩ đúng - quyết đúng". Từ đó mà dấu ấn Võ Văn Kiệt - Sáu Dân in đậm trên thế đứng Việt Nam hôm nay.
Và vì thế mà dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh này của ông, cũng là 14 năm ông rời dương thế, mà bao nhiêu người vẫn nhớ, vẫn nhắc từng kỷ niệm, từng câu chuyện, bao nhiêu người vẫn tiếc, vẫn ước giá như ông còn...
Người yêu thương cuộc đời như ông Sáu Dân chắc cũng tiếc lắm khi phải rời đi, nhưng cũng chắc chắn rằng ông sẽ cười rạng rỡ như mọi khi và thanh thản hơn nếu biết rằng những người đang nhắc nhớ ông cũng vẫn sẽ nâng mình lên dù hôm nay không còn được gặp ông nữa.
Nâng mình lên, bớt chuyện tư riêng, bắt tay, lắng nghe để tìm người đồng chí hướng, tìm việc làm đúng, ích nước, lợi dân. Đâu phải chỉ thủ tướng mới có thể làm việc đó. Võ Văn Kiệt đã mang cho mình tâm nguyện ấy, đã hăng hái với những việc làm ấy từ ngày còn là cậu thiếu niên Chín Hòa ở Vũng Liêm.
"Và trong cuộc sống của mình, ông đã tự làm ra mình, tự trở thành một trí thức xứng đáng với danh hiệu ấy", ông Việt Phương nhận xét. Võ Văn Kiệt còn hơn vậy, ông không chỉ tự làm ra mình mà còn khuyến khích những người quanh ông cũng thế, cũng cố gắng để tự làm ra mình của ngày mai tốt hơn hôm nay.
Đến Vĩnh Long dự lễ kỷ niệm 100 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi "noi gương, học tập cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt". Noi gương là nâng mình lên, và bài học của ông để lại rất nhiều nhưng chỉ gói gọn trong một chữ "Dân" thôi. Chữ Dân ông đã mang lấy cho đời mình, đến nay là trăm năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận