17/11/2022 19:34 GMT+7

Nhớ những lần ông Sáu Dân đến với dân

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Những câu chuyện xúc động về vị thủ tướng trọng dân, gần dân, vì dân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được các nhân chứng thân cận với cố Thủ tướng kể lại trong lễ giới thiệu sách "Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới".

Nhớ những lần ông Sáu Dân đến với dân - Ảnh 1.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: NGÔ MINH ĐẠO

Lễ giới thiệu sách Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới (tuyển chọn tài liệu lưu trữ) nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022) diễn ra ngày 17-11 tại Hà Nội.

Tiến sĩ kinh tế Lê Đình Ân - người từng làm thư ký cho ông Võ Văn Kiệt từ năm 1982 lúc ông Kiệt mới ở TP.HCM ra Hà Nội làm phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - cho biết cố Thủ tướng rất ân cần, cởi mở với cấp dưới khiến ông tự tin hơn trong công việc phục vụ cho người lãnh đạo của mình.

Nhớ những lần ông Sáu Dân đến với dân - Ảnh 2.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm công trường xây dựng Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi) năm 2005 - Ảnh: NGÔ MINH ĐẠO

Ông Ân đã học được rất nhiều trong thời gian phục vụ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cũng như nhiều người dân và những người từng làm việc với cố Thủ tướng, ông Ân đặc biệt xúc động với sự gần dân, trọng dân, vì dân của "anh Sáu Dân".

Ông Ân còn nhớ, cố Thủ tướng thường xuống tận phường, xã hỏi han tình hình, lo từng cân gạo cho dân. Những năm lụt bão ở miền Trung, ở Huế là những năm rất gian khổ, ông Kiệt đã vào tận Huế, chỉ đạo từng chuyến tàu để hỗ trợ cho đồng bào.

Nhiều tỉnh khó khăn ông đều có mặt. Mọi việc ông làm đều là vì dân, lo cho dân.

Cũng bởi thương dân nghèo khó, ông Sáu Dân đã có ý tưởng phát triển Khu công nghiệp Dung Quất, tạo tiền đề phát triển kinh tế cho miền Trung - nơi gian khổ nhất của đất nước.

Theo ông Ân, dấu ấn của "anh Sáu Dân" rất đáng suy ngẫm trong tình hình phát triển của đất nước hiện nay. Các cán bộ ngày nay rất cần noi gương ông về tính kỷ luật, dám nghĩ dám làm, sự liêm khiết, đức trọng dân, vì dân.

Nhớ những lần ông Sáu Dân đến với dân - Ảnh 3.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm và nói chuyện cùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Buôn Ma Thuột trong chuyến thăm các tỉnh Tây Nguyên tháng 4-1997 - Ảnh: NGÔ MINH ĐẠO

Nhiếp ảnh gia Ngô Minh Đạo - người có chín năm đi theo chụp ảnh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - cũng giữ nhiều kỷ niệm về vị lãnh đạo yêu dân nên được dân thương này.

Ông Đạo còn nhớ một hôm chủ nhật cố Thủ tướng gọi đi với ông tới đê Yên Phụ. Hôm đó ông Đạo thấy vị lãnh đạo thật lạ lẫm với bộ râu giả, đội mũ, mang ba toong.

Hóa ra hôm ấy ông Kiệt cải trang thành một Việt kiều để người dân không nhận ra ông mà trò chuyện với ông về việc giải tỏa dân ở con đê này. Ông rất sốt ruột không muốn ngồi chờ các báo cáo và cũng không được nghe hết nỗi lòng của người dân.

Hôm ấy ông đã được người dân nói hết tất cả suy nghĩ, những lo lắng của họ, những lời mà ông biết chắc chắn ông sẽ không được nghe từ các báo cáo ở dưới gửi lên.

Võ Văn Kiệt 4

Trưng bày cuốn sách Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới (từ tư liệu lưu trữ) - Ảnh: T.ĐIỂU

Cuốn sách Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới được giới thiệu ngày 17-11 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyển chọn các tài liệu lưu trữ (bài viết, bài phát biểu, thư, điện…) phản ánh những dấu mốc quan trọng từ thực tiễn chỉ đạo của cố Thủ tướng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao.

Cuốn sách được ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - viết lời giới thiệu, trong đó đánh giá:

"Với tầm tư duy chiến lược, sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, với quyết tâm đổi mới, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tác phong sâu sát, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn tìm tòi, trăn trở, bám sát thực tiễn cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước.

Đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước…".

Ông Trần Trung Kiên - phó cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - cho rằng cuốn sách phải đưa vào học đường, đưa vào các lớp bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để các thế hệ lãnh đạo ngày nay và mai sau kế thừa được kinh nghiệm, tầm nhìn của cố Thủ tướng.

Dịp này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tiếp nhận những hình ảnh quý về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt những năm đầu đổi mới đất nước từ nhà nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo.

Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt được xếp hạng di tích quốc gia Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt được xếp hạng di tích quốc gia

TTO - Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đình Bình Phụng tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên