27/02/2023 09:44 GMT+7

Nước mắt ngày trở về

15 năm xa nhà, con chỉ trở về vào mỗi dịp Tết. Luôn vội vã. Luôn bận rộn. Luôn tìm cách ở một mình.

Ảnh minh họa: GIA TIẾN

Ảnh minh họa: GIA TIẾN

Con không thể rời màn hình điện thoại, vì công việc còn chưa khiến con hài lòng. Con không thể rời bàn phím máy tính, vì có những vị trí con muốn đặt chân lên.

15 lần về nhà, con vội vàng nói cười, ơ hờ nhận chiếc áo len do mẹ tự tay đan rồi về với góc làm việc luôn sẵn sàng, luôn sạch sẽ của mình mà chưa từng một lần tự hỏi mẹ vừa dọn dẹp lại cho con, phải không?

15 lần về nhà, con theo lời mẹ, xuống cùng mọi người quây quần gói bánh tét, bánh chưng; thế nhưng những câu hỏi han của mẹ chỉ được đáp lại bằng những cái gật đầu vô nghĩa.

Bởi con chỉ nghe thấy, đọc thấy những thứ từ chiếc điện thoại vẫn dính chặt trên tay mình. Rồi có một lần, sau 15 lần vô tình ấy, con trở về và ở lại với mẹ lâu hơn...

Đó là lần những cơn ho khan của mẹ cứ kéo hoài không dứt. Đó là lần những khi mẹ quay mặt đi, giấu cái cau mày vì ngực thì tức và tim thì đau...

Lần trở về này, con quan sát mẹ nhiều hơn. Mái tóc muối tiêu trong tâm tưởng của con giờ đã thành bạc trắng. Chắc mẹ soi gương sẽ buồn lắm, vì mẹ luôn thích đẹp mà.

Mẹ gầy đi rất nhiều, hai bàn tay hay lam hay làm giờ trơ lại lớp da nhăn nheo và mấy lằn gân xanh nổi cộm. Mấy chấm đồi mồi đen lan trên làn da đã từng rất trắng... Mẹ đã 70 rồi!

Lần trở về này, con buông xuống dần những mục tiêu, những hoài bão. Mẹ lắc đầu, nói không cần phải thế; đừng vì mẹ mà bỏ lỡ tương lai của mình. Tương lai ư? Có thật sẽ có không? Khi một nửa cuộc đời của con đang sống cùng một khối u ác tính?

Con đã từng tưởng mình mạnh mẽ lắm, tưởng mình đủ sức đối đầu với những thử thách ngoài kia. Cho đến khi con nhận ra mình sắp phải chấp nhận chuyện không còn mẹ ở nơi mình quay về, con mới biết con nhím xù lông hóa ra chỉ để bảo vệ thứ bên trong mềm yếu.

Và con ở lại đó, nơi con được sinh ra. Chỉ ở đó thôi, nhưng con lại có rất nhiều lần trở về... Đó là mỗi tuần, từ nhà đến bệnh viện lãnh thuốc và trở về, với nỗi nơm nớp lo sợ còn bao nhiêu lần mẹ dùng thuốc giảm đau nữa?

Đó là những đêm mưa gió, từ phòng mẹ trở về phòng mình, chưa kịp nằm ấm chăn đã giật mình hoảng hốt quay trở xuống vì cần chắc chắn mẹ có thể tự kéo chăn đắp ngang người... Suốt nửa năm trời, con trở về với bản ngã thật của mình - nhỏ bé, đầy lo âu và mềm yếu.

Đến độ, chưa từng bao giờ con đủ dũng khí để khóc, cho dẫu chỉ là khóc một mình. Bởi, khóc có nghĩa con chấp nhận sự thật rằng mẹ sắp ra đi và không bao giờ trở về với con nữa.

Suốt nửa năm trời, con sống với những đêm thức gần đến sáng, tiêm cho mẹ xong một mũi thuốc và dành thời gian để đầu óc trở về với những hoài niệm tưởng đã rất xa. Nào là những lần mẹ chở đi khám răng, với lời hứa nếu ngoan mẹ sẽ mua cho 2.000 đồng giò lụa.

Nào là những vết roi hằn lên da thịt con đỏ, với dòng nước mắt mẹ lăn xuống, "sao mẹ dạy hoài con không nghe?"... Là những bát canh con nấu vụng về mà mẹ vẫn cười, vẫn gật đầu khen "út nấu ngon lắm".

Là lần con khóc xé toang cả đêm vắng, còn mẹ âm thầm khóc đắng lòng mẹ khi con bỏ chồng về nhà. Rồi, cả quãng thời gian con biền biệt đi xa, mẹ cắc củm từng đồng để đủ tiền cho chuyến xe gần mười tiếng, chỉ để "dòm út chút là mẹ yên tâm rồi!".

Nửa năm, con có thể trở về với đứa trẻ biết cười những nụ cười chân thật. Khi dỗ mẹ ráng ăn thêm chút, khi tếu táo vài câu chuyện vui để mẹ tin con của mẹ vẫn rất kiên cường. Con đọc sách cho mẹ nghe và có thể thật tâm vui khi thấy mẹ cười.

Và, cứ mỗi khuya, khi chuẩn bị trở về phòng, con lại cũng có thể thật lòng chúc mẹ ngủ thật ngon, thật an, thật thanh thản... Hóa ra, khóc hay cười, cũng duy nhất mình mẹ có thể giúp con sống thật.

Và rồi cũng đến lúc con khóc, khi đưa mẹ từ nhà hỏa táng trở về. Đó có lẽ là những giọt nước mắt chỉ chảy duy nhất một lần trong đời, bởi lời từ biệt ấy, ngôn từ không bao giờ nói hết được.

Làm gì có độ tuổi nào để con người có thể dễ dàng chấp nhận mình mồ côi. Con đau chứ, khi nghĩ đến chuyện từ nay về nhà không còn mẹ nữa. Nhưng mẹ cứ bình an mà đi nhé, về thế giới mẹ đã từng luôn hướng tới, về nơi chốn mẹ tin mẹ thuộc về.

Con cũng phải trở về tiếp tục sống cuộc đời của con - cuộc đời thiện lương mà mẹ luôn dạy con phải sống - để một lúc nào đó, con có thể bình an đến nơi có mẹ và nói "mẹ ơi, út đã về với mẹ rồi đây!".

Hơn 1.000 bạn đọc đã gửi bài Về nhà

Cuộc thi viết "Về nhà" do báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành HDBank tổ chức đã nhận được sự tham gia của hơn 1.000 bạn đọc gửi bài dự thi. Hạn cuối nhận bài: hết ngày 1-3.

Các bài Về nhà được chọn đăng trên Tuổi Trẻ nhật báo và Tuổi Trẻ Online là những bài đã vào sơ khảo, sẽ được tập hợp trong một cuốn sách cùng tên.

Ban giám khảo xét giải chung cuộc bao gồm nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, diễn viên Hứa Vĩ Văn và biên tập viên Lê Thị Thái Hòa.

Dự kiến lễ trao giải cuộc thi, ra mắt sách Về nhà diễn ra ngày 18-3 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM.

BAN TỔ CHỨC

Nước mắt ngày trở về - Ảnh 3.

Cô Đậm về nhàCô Đậm về nhà

Bố tôi có tất cả sáu anh chị em, trên bố là bác cả lấy chồng tận Yên Bái, sau đến cô ba, tên Đậm, dưới cô Đậm còn hai cô cùng một chú út.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên