Vật gốm tráng chân phương này bày biện trên bàn thờ cùng chân đèn, lư hương… không biết ai đã dời chỗ, rồi vì sao cái bình nằm vùi nơi gốc cây sơn tra mà không hề vỡ, rạn. Cha phủi lớp đất bám kín quanh đáy bình, miệng vòi; nhón rôm bọc mà ngồi kỳ cọ thật chậm ngoài cầu ao.
Đôi bàn tay tỉ mỉ, hơi run rẩy chà lên lớp men đã trở lại lấp lánh dưới nắng xuân. Một sáng sân còn chưa tỏ, ông đem bình ra dùng. Trà rót ra có mùi kỳ lạ của lá ải mục, thay vì vị lâng lâng chát ở đầu lưỡi.
Cha phải đổ bỏ nước ấy, rửa bình với nước mưa trong khạp, lượt pha thứ hai cũng là đun, hãm trà, chờ đợi…
Nhà thông hưởng thụ hương vị bằng nụ cười nhăn nhúm hai gò má. Cha trầm ngâm hàng giờ bên gốc mai. Cha tánh gắt như vị trước nhự. Cha từng vội vàng đem giấy tờ xin cho các con vào trường xong, lau mồ hôi mừng không ăn được cơm.
Thuở ấy, chiều ngỡ dài thêm trên đê, từng tốp người đi gánh nước ao làng, ới ơi kĩu kịt gánh lúa về. Âm thầm mà gấp rút, bột đổ bánh, giá sống, rổ lá cách đẫm nước, tô tôm bạc đất thúc nhau tanh tách bà đã bày ra mâm. Mấy phụ nữ cắt lúa về tề tựu gần kín câu chuyện trên rừng dưới biển.
Ngoài xa, cộ xong việc được kéo miết trên lối nhỏ. Những thím, những cô vừa nhóm lửa trên sân vừa chuẩn bị rau mõ làm món ăn mà ai cũng thích. Bọn trẻ kéo vào sau hào hứng ngửi hương bột bánh vừa chín xèo trên chảo. Đụn bếp khói nghiêng gió như reo đôi ba lối… mà tiếng trò chuyện vẫn sôi nổi trong tiết se se lạnh.
Tiếng cao thanh gần gũi của quý cô, khi là kể câu chuyện gì, ý trách móc ganh tị về một ai đó có xen vào tiếng đùa giỡn của trẻ con. Bà nội đem bánh phồng mì nướng trên lửa than. Bà nói đem lúa về tới sân rồi vui lắm, như vậy trời đất cũng mỉm cười.
Những ngày vui thì có vui, rồi cũng qua. Trẻ con lại bận rộn đến trường. Trẻ tiểu học nói chuyện với tiếng quê nguyên sơ đã dần làm quen một chuẩn mực mới về tiếng mẹ đẻ hiện trên sách vở.
Ai từng gò lưng nắn nót mỗi nét đồ lại "công cha, nghĩa mẹ…", "uống nước nhớ nguồn", là khởi đầu cho nỗi sợ hoa bướm về giọng ru, lời nói chữ viết quê hương. Ai biết bốn mùa như gió, sẽ có lần tạm biệt hết bằng bịn rịn mấy dòng lưu bút.
Một sáng yên tĩnh, chợt nghe từ xa giọng trầm đục, rồi giọng phụ nữ thanh thao truyền lại mà không thấy người. Đoạn sông Lôi Giang cong khuất, chập chùng lá che khuất hai vợ chồng vừa buông lưới vừa nói chuyện cùng nhau. Sông chảy từng gợn xanh biếc, tiếng chim, tiếng trao đổi… đã làm dịu quạnh quẽ.
Lạ, giữa tịch mịch với nước vỗ bên hông thuyền và cảm xúc đơn độc, âm vang lại như lời hát với nỗi hoang mang, là giọng của người Phước Vân. Về tổng đội rồi mà lòng còn bồi hồi, nhớ nhà, nhớ tiếng tre cọ giữa trưa vắng như thở than hãy ở lại.
Đêm nằm trên cung đường mới trên bãi phù sa xưa còn chưa kịp khô, thắc mắc hoài cùng là cây lúa, sao đoạn trên là rơm, đoạn dưới là rạ, nói "rang mạ" khi đun nấu gì đâu đầu mùa? Còn sao "thượng điền… học điền…" khi cùng mực thủy, một bình độ như nhau. Ra vậy, tiếng quê ta rối như tơ hồng, lại mềm như tơ trời.
Đây rồi trong nắng, vạn thọ nở trên ruộng mang vẻ âu lo, xưa cũ. Những chân rạ trải ngay ngắn ở nền đất nâu, ở kia màu bông phơ phất, hiền từ, hoài cổ. Người về nghe tiếng vỡ của thân rạ. Gốc lúa còn lại thân nào cũng nhọn nghiêng vì vết cắt lưỡi hái. Vài đụn thóc rụng bên dưới, cạnh vết trược của hai chân cô bồ.
Vệt như hai đường ray của đoàn tàu no ấm. Tự nhủ ngay dưới chân có mồ hôi của người là bà, cha ở gần, mẹ xa hơn, làng bên. Sau nhà mẹ có lũy ít ai qua lại. Có nhiều hớp bóng rộn mặt lũy. Rặng cây thưa thớt lại mang dày đặc tổ chim.
Tổ rồng rộc đan nhau chen lấn những bó cỏ khô dễ chừng ấm lắm. Mẹ về với cha lúc rất trẻ, trẻ đến độ nhìn như vừa mới thôi học xong. Có người thợ cố công tìm gỗ tốt khắp miền rồi về chế tác cánh cửa kỳ diệu. Mỗi ngày mở cửa ra là thấy muôn hoa nở, ngày khác là tiếng suối reo êm ái cả bình minh.
Về Phước Vân quá trẻ, mẹ không hình dung mình đã mở ra cánh cửa mới cho mạch sống chảy vô lượng vô biên. Bao mùa lúa chín, tới ngày này trở về không còn nghe tiếng, thấy được bóng dáng mẹ… Chỉ còn nỗi nhớ, rồi nỗi nhớ xâu vào sợi dây năm tháng như vòng dâu hồi nào mẹ luồn vô tay nhỏ.
Cảm ơn 900 bạn đã gửi bài Về nhà
Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.
Cuộc thi Về nhà dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút... và gửi về địa chỉ email venha@tuoitre.com.vn.
Giải thưởng: 1 giải nhất - 20 triệu đồng, 1 giải nhì - 15 triệu đồng, 1 giải ba - 10 triệu đồng, 10 giải khuyến khích - 5 triệu đồng/giải.
Tính đến ngày 27-2, cuộc thi đã nhận được hơn 900 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.
BAN TỔ CHỨC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận