21/02/2023 13:45 GMT+7

Nhà tôi trên bến sông

Sau này, tôi nhất định sẽ cất lại một mái nhà trên bến sông xưa ấy. Một mái nhà chỉ vừa đủ để che mưa nắng nhưng vô cùng hào sảng tặng lại tôi một khoảng trời thơ ấu xa xôi.

Nhà tôi trên bến sông - Ảnh 1.

Nhà lá đơn sơ nhưng tình thương dư dả tràn đầy - Ảnh: Đỗ Minh Tân

Tôi không rõ căn nhà lá nhỏ xíu đó ba má đã cất lên từ khi nào. Chỉ biết nó đã cùng ba má nuôi dưỡng, vun vén cho mấy chị em tôi tuổi thơ dù có thiếu thốn vật chất nhưng tình thương lúc nào cũng dư dả tràn đầy.

Ngôi nhà lá hai mái xuôi, chập lại ở giữa, kiểu nhà lá đặc trưng Nam Bộ. Bốn bề cũng là vách lá. Duy chỉ có vách ngăn buồng ngủ với khoảng nhà trước để tiếp khách là được ba tận dụng vách bồ bằng những nan tre đập dập cho đẹp.

Nhà được ba cất trên một miếng biền - là miếng đất ruộng giáp sông, cơi đất lên thành nền nhà, rồi dựng mấy cây khuynh diệp thành cột kèo chống đỡ. Bên hông nhà là bến sông.

Hồi đó, tôi đã từng hai lần xốn xang khi ba phá bỏ nhà cũ, cất nhà mới. Nhà lá nên tuổi thọ cao lắm chỉ khoảng mười năm. Không ít lần mưa gió, nắng nôi đã mài mòn những cọng lá bạc màu.

Mưa thủng lá như kim đâm chi chít. Những lỗ hổng đó nếu ba chưa chằng vá kịp, buổi trưa những đốm nắng rọi xuyên vô nhà, thành những ray sáng lấp lánh tuyệt đẹp. Nhưng cái sự đẹp đó sẽ tắt lịm trong những ngày mưa bão. Mưa, mấy má con phải lôi hết mớ thau chậu lu khạp trong nhà ra để hứng nước từ mấy lỗ dột đó.

Mỗi lần cất nhà mới là trong nhà ai nấy chộn rộn như có tiệc. Bà con chòm xóm sẽ có mặt từ tinh mơ để phụ ba tôi dỡ mái, kéo cột kèo cũ để thay cột mới. Cột mới là những thân cây khuynh diệp ba đã đốn hạ trong vườn nhà, ngâm bùn ít nhất sáu tháng trước đó để chống mối mọt. Thớ cây bóng lưỡng nhưng mùi gỗ pha mùi bùn non ngai ngái hăng nồng.

Mấy chị em tôi rất vui mừng vì sắp có nhà mới, dẫu nó cũng mang dáng dấp và kích thước "y sì" nhà cũ. Một căn nhà lá đơn sơ nhưng cũng cần 5,7 người xúm xít mần một hai ngày mới nên hình nên dạng.

Cực vậy, nhưng tiền công chỉ là ổ bánh mì "nước buổi" lúc sáng sớm, bữa cơm canh đạm bạc lúc trưa, mấy nải chuối xiêm, mấy buồng dừa ba mới hái, hoặc một cuộc rượu được bày trên chiếu ở giữa sân lúc chiều tà, giữa những cơn gió lộng xào xạc đưa từ vườn dừa, vườn chuối ba trồng xung quanh.

Gió từ sông thốc lên mát lạnh cả một vùng. Sau này, vì quá khó khăn, ba má bán miếng đất ấy lên đất chợ mua một ngôi nhà gạch tiện nghi hơn để mấy chị em tiện bề đi học đi làm.

Chúng tôi không còn được sống lại những khoảnh khắc tràn đầy ân tình với những người hàng xóm. Nhà mới ở khu đô thị hóa, mạnh ai nấy sống. Chúng tôi chỉ thỉnh thoảng chào nhau qua khe hở cổng rào.

Nhiều năm liền, tiếng thở dài tiếc nuối của ba má vẫn còn trĩu nặng.

Nhà tôi trên bến sông - Ảnh 2.

Cũng bến sông đó, tháng chạp về thì tự dưng mà sông "trổ hoa" giữa dòng. Là bởi, những chiếc ghe kia đang chở hoa kiểng miền Tây lên đây bán Tết. Nhà tôi khi đó cũng thành một vựa hoa bất đắc dĩ. Tết nhà tôi trở nên rực rỡ sắc màu đẹp đẽ quá chừng!

Tôi sống ở ngôi nhà thân thương đó hai mươi mấy năm, còn ba má đã gắn hai phần ba đời mình với chốn đó, đâu thể nói dứt áo ra đi là có thể dứt luôn cái tình cái nghĩa. Ở đâu thương đó. Mấy năm đầu khi chủ đất mới chưa về xây cất gì trên miếng đất đó, má vẫn giữ thói quen ngày 30 Tết là về nhà cũ dọn dẹp, cúng kiếng.

Má nói chừng nào chủ mới chưa tới ở thì đó vẫn là nhà mình. Nhà mình thì sao đành lòng để căn nhà lạnh lẽo. Mấy cành mai cả năm ủ dột với nắng mưa, má về, chúng cũng ráng hực lên mấy chùm bông vàng rực. Má nhìn mấy cành mai, sửa soạn lại cái bàn thiên đầy bụi trước sân nhà, bày bánh trái, thắp mấy nén hương mà mắt nhòe chực khóc.

Rồi tôi lập gia đình, một lần nữa rời khỏi nhà mình trong tiếc nuối. Nhiều năm liền tôi thường xuyên mơ thấy mình được ở nhà với ba má, nhưng là ngôi nhà trên bến sông xưa cũ.

Vía mình rõ ràng còn nghe tiếng ghe máy tạch tạch của các cô chú bạn hàng của má từ Cần Đước, Long An chở theo đầy ắp mớ cây trái miệt vườn như thơm (khóm), ổi, xoài, khoai lang, dừa, mít… cập bến sông bỏ hàng cho má đem ra chợ bán.

Nhà sát sông nên mỗi bận triều cường lên, nước lé đé mép giường. Tối, mấy chị em phải bắc ghế đẩu cao, ngồi co giò co cẳng bên cây đèn dầu ôn bài, chờ khuya nước rút dọn nền nhà, dọn giường đi ngủ. Vậy mà thành những kiỷ niệm nhớ đời!

Ba tôi mất cách đây hai năm. Một điều lạ lùng là ba nuối một điều gì đó mà lúc mất ông không nhắm mắt hẳn. Mãi đến bây giờ, khi về ngang khu nhà cũ, tôi mới giật mình nghiệm ra ba nuối cái chỗ đã từng quây ấm cả gia đình.

Cái chỗ dẫu cực khổ cơ hàn nhưng nó đã ấp ủ những thương yêu, chắt chiu. Nhà của ba má ở đó, thơ ấu của chúng tôi ở đó, những người ơn của ba má cũng ở đó…

Tôi nhủ lòng nhất định sẽ tìm lại một bến sông nào đó giống bến sông xưa, mua một miếng vườn, cất một căn nhà, cất lại một khoảng trời tuổi thơ thương yêu nồng ấm ở đó.

Lâu lâu chị em trở về, quây quần bên nhau nhắc chuyện vui buồn xưa cũ. Giờ chỉ còn má với mấy chị em tôi, nhưng chắc má sẽ vui!

Cảm ơn 800 bạn đã gửi bài Về nhà

Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.

Cuộc thi Về nhà dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút... và gửi về địa chỉ email venha@tuoitre.com.vn.

Giải thưởng: 1 giải nhất - 20 triệu đồng, 1 giải nhì - 15 triệu đồng, 1 giải ba - 10 triệu đồng, 10 giải khuyến khích - 5 triệu đồng/giải.

Tính đến ngày 21-2, cuộc thi đã nhận được hơn 800 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.

BAN TỔ CHỨC

Nhà tôi trên bến sông - Ảnh 4.

Hạnh phúc chốn quay về…Hạnh phúc chốn quay về…

Căn nhà gia đình tôi chuyển đến nằm trên một khu đất hoang do ba tôi tạo dựng. Ngày đó, thôn xóm còn thưa thớt, những thửa ruộng rau muống nằm kề những hố bom.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên