25/02/2023 08:32 GMT+7

Cha ơi, ra đón con

Tôi đứng chờ gửi hành lý rất lâu, xếp hàng giữa cơ man gương mặt mệt mỏi kéo lỉnh kỉnh nào vali, ba lô, túi xách... khệ nệ cả giỏ quà và những tấm lịch ai đó biếu tặng chất chật ních khoang hành lý của chiếc xe khách đường dài.

Cha tôi lau lư đồng mỗi Tết - Ảnh tác giả cung cấp

Cha tôi lau lư đồng mỗi Tết - Ảnh tác giả cung cấp

Uể oải vì chuyến bay hơn hai giờ đồng hồ cùng những lượt di chuyển hút cạn sức lực, tôi chìm vào giấc ngủ rất nhanh.

Chỉ bừng thức khi tiếp viên thông báo xe đã đến một trạm dừng chân. Dòng người lố nhố chen chúc xuống xe để ăn uống và đi vệ sinh. Chỉ tôi và một vài hành khách nằm lại.

Phía trước tôi, giường tầng trên, một cô bé vừa qua cơn ngái ngủ, móc điện thoại bấm gọi. Tôi nghe giọng cô bé trong trẻo, pha chút nũng nịu: "Cha ơi, con về tới trạm dừng chân rồi. Chút xíu nữa, cha ra bến rước con nghe cha!". Tôi nhìn đồng hồ. Gần 3h sáng.

Dường như tôi bắt gặp lại hình ảnh của chính mình cách nay hơn mười năm. Khi đó tôi cũng là cô sinh viên xa nhà, năm khi mười họa mới về quê.

Cũng trên một chuyến xe khách đường dài như chuyến xe đêm nay, cũng trạm dừng chân này, trong khoảng thời gian khuya khoắt như vầy, tôi đã bấm điện thoại gọi cha tôi với dòng thông báo y hệt. "Cha ơi ra đón con!".

Nhà tôi sâu trong quê, cách bến xe chính xác là mười lăm cây. Nhớ những lần buổi chiều tan học xong là được thông báo nghỉ lễ luôn. Tôi đạp xe về phòng trọ thu dọn một ít đồ đạc là ra thẳng bến mua vé. "Đừng mua gì về mang nặng nghe con".

Cha luôn điện dặn dò tôi như vậy. Biết tiền làm thêm của tôi cũng chẳng nhiều nhặn gì, nhưng mỗi lần về đều muốn mua quà này thức kia mà dưới quê không có, dù ít ỏi. "Ba cái đồ quỷ đó cha ăn hoài!".

Tôi vẫn mua. Cha rầy. Nhưng hồi tôi đi khỏi thể gì cha cũng mang quà ra ăn rất dè dặt. Rồi khoe với mọi người. "Của con gái tui mua cho tui uống nước trà". Giọng đầy hãnh diện.

Cũng giống như lần tôi chắt mót tiền dạy kèm mua cho cha cái quần dài dù không phải đồ tốt lắm, cha cũng rầy la. "Quần áo cha thiếu gì!". Để rồi sau đó đi đâu cha cũng mang cái quần dài tôi mua, mặc đến khi sờn màu bạc thếch vẫn không bỏ.

Mỗi lần nghe tôi về, dù bất kể là quãng giờ nào trong ngày, cha đều lạch cạch chiếc Cub cũ sờn ra đón. Từ lúc tôi thông báo lên xe, cứ cách một khoảng giờ là cha gọi để xác nhận có phải tôi đã đến địa điểm đó hay không?

Cha thuộc làu từng nơi tôi đi qua, dừng ghé. Tôi ngủ nhưng cha thì không. Điện thoại cả nhà đêm đến tắt chuông, điện thoại cha luôn mở. Với tôi, cha luôn sẵn sàng.

Sau này ra trường đi làm, đi công tác tôi cũng như trước, ít khi về quê. Nhưng hễ có dịp về, thì từ lúc thông báo, cha đã bắt đầu ngóng đợi. Tôi đã ở một nơi xa cha hơn trường đại học khi xưa. Nhưng vẫn vậy, cha luôn gọi để biết chừng tôi đã đến nơi nào đó.

Đời cha, đâu có bao nhiêu lần đi xa khỏi quê như tôi. Những nơi tôi đi qua, cha chưa từng đặt chân tới. Nhưng tình thương của cha luôn dõi theo. Chính tình thương đó đã cho cha sự hình dung để biết con mình đang ở nơi nào.

Còn nhớ có một lần tôi muốn tạo bất ngờ cho cha khi lên xe về mà không cho cha hay. Tôi điện nhờ chị khuya ra đón. Vậy mà khi tôi tới nơi vẫn chưa thấy chị, điện thoại đổ những hồi chuông dài nhưng chẳng ai bắt, tôi biết chị tắt chuông và chắc đã ngủ quên rồi.

Đứng giữa bến vắng teo người tôi gọi thêm vài người nữa nhưng chẳng ai nghe. Tôi buộc phải gọi cho người cuối cùng là cha. Điện thoại vừa đổ chuông đã nghe tiếng cha bắt máy, giọng ôn tồn: "Về hả con, tới đâu rồi, cha ra rước?".

Tôi tự hỏi còn có niềm hạnh phúc nào hơn khi mình dù có đi xa đến tận đâu, vui hay buồn, thành hay bại đều luôn có một người tận tâm, lòng đầy kiên nhẫn ngóng chờ mình về. Cha chưa từng một lần thể hiện hay bày tỏ với tôi rằng lòng cha rất thương con.

Chưa từng nói những lời dễ nghe, chưa từng khen tặng, khi tôi trong đời cũng nhiều lần khiến cha phải tự hào lắm chứ.

Nhưng cha sẵn lòng thức khuya dậy sớm, một mình thui thủi nơi bến sông đổ dớn bắt từng con cá đem bán rồi đạp xe từ nhà ra huyện hơn mười cây số để vào ngân hàng chỉ để gửi 500.000 đồng cho tôi.

Cha không quản ngại đường sá xa xôi bắt xe khách mang chiếc xe đạp cha tự ráp từ cái bu lông con tán khi tôi đậu đại học khi xưa. Đến phòng trọ của con chỉ kịp uống ngụm nước trắng đã quày quả bắt xe ôm ra bến cho kịp về chuyến xe trưa giữa trời nắng gắt.

Và bất kể là lúc nào, dù tôi có đi đâu, ở đâu, cha đều bao dung ngóng đợi tôi. Năm dài tháng rộng đã trôi qua chỉ có tình thương của cha hoài ở lại.

Với tôi đó là thứ của để dành mà mỗi lần ngẫm nghĩ đều thấy mình có thêm sức mạnh. Và cũng là tiếng lòng ngân khẽ nhắc nhở mình quay về.

Cảm ơn hơn 850 bạn đã gửi bài "Về nhà"

Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.

Cuộc thi Về nhà dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút... và gửi về địa chỉ email venha@tuoitre.com.vn.

● Giải thưởng: 1 giải nhất - 20 triệu đồng,

1 giải nhì - 15 triệu đồng, 1 giải ba - 10 triệu đồng, 10 giải khuyến khích - 5 triệu đồng/giải.

● Tính đến ngày 25-2, cuộc thi đã nhận được hơn 850 bài dự thi.

● Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.

BAN TỔ CHỨC

Cha ơi, ra đón con - Ảnh 4.

Ngôi nhà miền cũNgôi nhà miền cũ

Thỉnh thoảng, giữa hơi men say chếnh choáng, bố tôi hay buồn kể chuyện những ngày chúng tôi ngấp nghé lên năm.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên