Bà Nguyễn Thị Nhung (mẹ Hoa, bìa phải) cùng cô giáo chủ nhiệm năm lớp 12 bên cạnh tân cử nhân Phạm Thị Hoa - Ảnh: NGỌC HIỂN
Không khóc, không xúc động và không hạnh phúc sao được khi bà mẹ già được nhà trường mời đến chứng kiến cảnh con gái đứng trên bục nhận tấm bằng cử nhân kinh tế.
Mùa tuyển sinh 2015, Phạm Thị Hoa trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Nhà quá nghèo, dù đã chạy vạy khắp nơi nhưng vẫn không đủ tiền đóng học phí. Cuộc sống cùng cực khiến Hoa không dám nhìn về tương lai dù 12 năm qua em đều là học sinh giỏi. Hoa quyết định vì gia đình mà gác lại giấc mơ học hành để vào nhà xưởng làm công nhân.
Ngay khi lá thư "cầu cứu" của cô giáo chủ nhiệm gửi đến chương trình Tiếp sức đến trường, chúng tôi đã tức tốc lần theo địa chỉ để tìm về gặp Hoa trong một xưởng may nhỏ ở huyện Hóc Môn (TP.HCM). Nữ công nhân này dường như rơi vào hố sâu tuyệt vọng, đành chấp nhận số phận đã an bài.
Với khẩu hiệu xuyên suốt của chương trình là không để bất kỳ một tân sinh viên nào phải bỏ học vì nghèo khó, chương trình Tiếp sức đến trường đã quyết định trao ngay cho Hoa một suất học bổng. Song, cánh cửa đại học đã đóng sầm lại khi nhà trường thông báo nữ sinh này đã trễ lịch nhập học 1 tháng.
Để tìm cách "cứu" sự học của nữ sinh này, nhà trường đã tổ chức một buổi làm việc với Hoa và đại diện báo Tuổi Trẻ ngay ngày hôm sau.
Kết quả là đi đến một quyết định chưa có tiền lệ: trường cho phép Hoa được nhập học và miễn toàn bộ học phí suốt 4 năm với điều kiện Hoa phải tự nỗ lực để bắt nhịp chương trình học.
Ngày đầu tiên bước vào giảng đường, Hoa đã khẳng định với tôi: "Em không được phép thất bại, sau này em sẽ trả lại những ân tình này".
Lời hứa đó đã được Hoa thực hiện khi cô vừa đi học, vừa làm thêm nhưng vẫn tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá và hiện đã có công ăn việc làm. Với Hoa, tấm bằng tốt nghiệp này là nỗ lực không ngừng nghỉ biến giấc mơ tri thức thành hiện thực để đền đáp những ân tình đã vun vén và kỳ vọng vào cô.
Câu chuyện của Hoa chỉ là một trong 18.110 tân sinh viên đã được Tuổi Trẻ bắc nhịp cầu bước tới giảng đường đại học bằng những suất học bổng Tiếp sức đến trường trong gần 20 năm qua. Rất nhiều bạn đã được học bổng "giải cứu" ở phút thứ 89.
Những bàn tay ân tình đã chìa ra, trao cho các tân sinh viên chiếc phao cứu sinh ở thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời. Đó là bước đệm cả về vật chất lẫn tinh thần để những cô cậu học trò nỗ lực và tự lực thay đổi số phận, thay đổi hoàn cảnh gian khó của gia đình bằng con đường học.
Cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng nói rằng: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất bạn có thể dùng để thay đổi thế giới". Riêng với thế giới của chính mình, những cô cậu học trò từng nhận học bổng đã vươn lên mạnh mẽ trong sự học, người đi trước là tấm gương gieo niềm tin cho lứa sinh viên sau vững vàng bước qua gian khó cuộc đời.
Mùa Tiếp sức đến trường năm nay bước sang tuổi 17, bằng với số tuổi của những cô cậu học trò đang đứng trước ngưỡng cửa đại học. Dù nguồn lực hỗ trợ học bổng còn rất nhiều khó khăn nhưng học bổng Tiếp sức đến trường vẫn nỗ lực biến những giấc mơ đó thành hiện thực, bởi hàng vạn tấm lòng của bạn đọc luôn sẵn sàng chung tay cùng Tuổi Trẻ viết tiếp những mơ giấc tri thức.
Ngày 11-10-2015, Phạm Thị Hoa vẫn là nữ công nhân may mặc ở trong nhà xưởng bởi cô tin rằng giấc mơ đến với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã đóng lại - Ảnh: NGỌC HIỂN
Sáng 12-10-2015, nhà giáo Phan Thị Bích Nguyệt, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đã trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của Hoa và quyết định cho cô học trò nghèo này được nhập học ngay trong chiều 12-10.
Sáng 13-10-2015, Hoa đã nở nụ cười khi lần đầu tiên bước đến giảng đường, chạm tay vào giấc mơ mà cô ngỡ rằng đã tuột mất - Ảnh: NGỌC HIỂN
...Và đây là cái kết có hậu cho nỗ lực của Phạm Thị Hoa khi bước lên bục cao nhất nhận tấm bằng cử nhân sau những nỗ lực và sự giúp đỡ của những bàn tay ân tình - Ảnh: K.T.
Không để nghèo khó chặn ước mơ tân sinh viên khó khăn
"Không để nghèo khó chặn đứng ước mơ của những tân sinh viên khó khăn nhưng có khát khao vươn lên" - đây là thông điệp nhiều năm qua của báo Tuổi Trẻ. Năm học 2019-2020, báo Tuổi Trẻ vẫn đồng hành và cam kết sẽ là điểm tựa vững chắc cho những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có khát vọng vươn lên.
Dự kiến trong năm 2019-2020, chương trình sẽ dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt.
Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: congtacxahoi@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 0283.9973.838 - 0918033133.
Đồng thời, bạn đọc có thể đồng hành cùng Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập. Đây sẽ là sự hỗ trợ ban đầu và động lực tinh thần để các tân sinh viên tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời. Ngoài học bổng, chương trình rất mong được sự hỗ trợ thêm chỗ ở, việc làm hay phương tiện đi lại, dụng cụ học tập...
Kinh phí ủng hộ học bổng có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực. Hoặc chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận