23/08/2019 07:36 GMT+7

Nụ cười cứu rỗi vợ chồng tôi

NGUYỄN THỊ NGỌC
NGUYỄN THỊ NGỌC

TTO - Tôi thầm cảm ơn một năm ở với anh chị chồng. Một năm đó, tôi đã trải biết bao cung bậc xúc cảm, nhưng thực sự tôi đã trưởng thành, học được những bài học quý báu trên con đường làm vợ.

Nụ cười cứu rỗi vợ chồng tôi - Ảnh 1.

Chúng tôi đã đọc nhiều lần bài này trước khi chọn đăng. Rất nhiều gia đình, nhất là lứa trẻ, đang than vãn cuộc sống vợ chồng căng thẳng, tổ ấm tan nát, con trẻ thiệt thòi. 

Tự sự đặc biệt của người vợ trẻ này có thể không phải là "liều thuốc" cho tất cả, nhưng gợi lên nhiều điều đáng suy ngẫm...

Tôi tìm thấy mình trước đây khi biết đặt vào vị trí người khác. Tôi thẳng thắn mà nhẹ nhàng nói chuyện với anh. Trước mọi vấn đề, tôi luôn nghĩ đến mặt tích cực trước.

NGUYỄN THỊ NGỌC

"Tất cả do mình. Vì tôi mà cuộc sống của tôi và chồng căng thẳng. Chính là tôi chứ không phải chồng cần thay đổi" - nụ cười của anh cùng cái lườm nguýt đáng yêu của chị khiến tôi chợt nhận ra.

Căng thẳng chuyện chồng con

Giờ thì tôi đã hiểu mình cần thay đổi trước khi đòi hỏi người khác thay đổi...

Ngồi bên khung cửa sổ dõi theo ánh trăng vằng vặc, thi thoảng lại nhìn hai bố con đang chơi cờ, lòng tôi bỗng rộn niềm vui khó tả. Thế là đã 5 năm, tôi có một gia đình hoàn mỹ, hạnh phúc trọn vẹn khi có con cái, có nhà cửa riêng, việc làm ổn định ở Hà Nội.

Thế nhưng trong chăn mới biết chăn có rận, trong sự hạnh phúc ấy chất chứa bao sóng gió mà chúng tôi nếm trải. Với người khác có thể là nhỏ nhặt, nhưng với người trẻ lần đầu làm vợ chồng như chúng tôi, quả thực là thử thách khắc nghiệt.

Bởi sóng gió của chúng tôi mắt thường không thấy được. Nó là sóng lòng, là bản ngã mỗi cá nhân mà chỉ có chính người đó mới hiểu, mới có thể thoát ra được. 

Nếu chúng tôi không tự nhận ra, không thấu hiểu cho nhau, sóng lòng đó sẽ ngấm ngầm gặm nhấm tâm hồn hai đứa, rồi sẽ có lúc phải nói lời chia ly, gia đình tan nát!

Cơn sóng ngầm cuồng nộ đầu tiên dội vào cuộc sống chúng tôi khi con gái gần 2 tuổi. 

Lần đó, vì chuyện đón con ở quê ra hay chưa đón ra, chúng tôi trở nên căng thẳng. Và anh đã tát tôi! 

Lần đầu trong đời, tôi bị tát bởi một người đàn ông. Từ khi sinh ra, bố tôi chưa bao giờ đánh tôi lấy một roi. Ấy vậy mà anh là người có học, là chồng tôi mà dám đánh tôi.

Cái tát không đau nhưng khiến tim tôi tan nát! Tôi khóc như mưa. Bát cơm trưa bỏ dở. Tôi gọi điện cho chị gái anh, bảo tôi không ở với anh nữa. Tôi gọi cho mẹ đòi về. 

Cơn tức giận cùng sự thất vọng về người chồng học thức khiến tôi suy sụp. Nếu hôm đó bố anh và chị gái anh không đến khuyên nhủ, chắc chúng tôi đã chia tay.

Cuộc sống chung đụng ưu phiền

Cơn sóng ngầm thứ hai (mà thực ra nhiều cơn sóng dai dẳng) tiếp tục ập đến khi chúng tôi chuyển về sống chung với gia đình anh trai chồng. Bốn người lớn, hai trẻ con trong một căn nhà, không khó chịu ra mặt nhưng vẫn có những va vấp.

Con gái tôi là cô bé khó tính, hay ốm vặt, lại khó ngủ. Từ khi sinh con, tôi sụt chục cân. Tôi chưa bao giờ ngủ tròn giấc. 

Sáu tháng đầu, hầu như tôi chỉ ngủ 2 tiếng mỗi ngày. Tôi gầy, đen như một con mắm. Ngược lại với con tôi, con trai anh chị lại ăn ngủ ngoan như chú cún con.

Trong khi tôi luôn lo lắng vì những trận ốm đau của con mình thì anh chị tôi cứ nhàn tênh việc chăm cháu. 

Rồi nỗi sợ hãi, khổ sở của tôi lên đến đỉnh điểm khi con tôi mắc chứng táo bón. 

Nếu ở riêng, có lẽ tôi sẽ dần tự tin và kiên nhẫn tìm nguyên do khiến con bị vậy. Nhưng vì ở chung, những cái mè nheo khó chịu của con khiến nhà bác không vừa ý, khiến chồng tôi đổ lên đầu tôi cái tội làm con ốm, không biết chăm con. Điều đó càng giày vò tôi, khiến đầu óc tôi rối bời.

Có lần tôi bảo chồng về vấn đề sức khỏe của con, anh trách tôi: "Sinh lý con người, làm sao bắt con ị theo ý mình được. Ngu dốt của cô khiến cả nhà tôi khó chịu". 

Câu nói của anh như gáo nước lạnh giội vào mặt tôi. Tôi câm lặng, không thốt lên lời nào. 

Anh bảo tôi ngu ư? Thế anh có biết con anh đau đớn như thế nào khi bốn ngày mới đi ị không? Bác sĩ dặn phải tập con mỗi ngày ị một lần, chứ có phải tôi tự nghĩ đâu. Tôi phải bới phân con để kiểm tra máu chảy là do đâu, nó nhiều hay ít. Những điều đó, anh có biết không? Hay anh chỉ lo bản thân?

Tôi ấm ức, căm hận anh. Và có lúc tôi đã trút lên đầu con. Có hôm, con không chịu ị. Tôi hét lên như một người điên. 

Con bé 2 tuổi thấy mẹ như vậy cũng khóc ầm lên. Nghe con khóc, tim tôi thắt lại. Tôi ngồi xuống rồi ôm con khóc nức nở. Khi ấy, tôi chỉ muốn ôm con bỏ đi.

Tiếng cười hài hước đổi thay tôi

Khi con gái hơn 3 tuổi, con đỡ ốm đau hơn. Tôi bớt quay cuồng trong mớ hỗn độn và bắt gặp hình ảnh anh chị chồng vui vẻ, yêu thương bên nhau. 

Bình thường, chuyện ấy vẫn hay xảy ra, nhưng hôm đấy khoảnh khắc ấy đã tác động mạnh mẽ đến tôi. 

Thay vì tranh luận gay gắt lỗi phải của nhau, anh chị lại bông đùa một cách hài hước. Thế là cái sai vốn rất to bỗng dưng bé lại như con muỗi.

Khoảnh khắc ấy khiến tôi chợt nhớ lại điều chị dâu nói khi biết tin anh đánh tôi: "Chồng em nó ngoan hiền nhất nhà. Chị biết nó từ bé, nó không cáu kỉnh với ai bao giờ. Ấy vậy mà nó đánh em, tức là nó đã quá ức chế, buồn bực chuyện gì đấy".

Giờ thì tôi đã hiểu, một phần sự thay đổi đến căng thẳng đó là do chính tôi. Tôi đã đặt áp lực lên vai anh. Những trận ốm đau của con khiến đầu óc tôi mụ mị, khiến tôi luôn trong trạng thái căng thẳng. 

Khi anh hỏi han, âu yếm con thì tôi lại gắt gỏng: "Để con yên. Hôn hít cái gì". 

Khi anh không quan tâm, tôi lại trách anh vô tâm. Hơn nữa, từ khi có con và ở chung, chúng tôi gần như không còn thời gian cho nhau. 

Tối nào anh cũng ngủ riêng ngoài ghế, vì cả nhà nằm chung giường chật chội, con không ngủ được. Thế là chuyện quan hệ vợ chồng dường như cũng bị lãng quên.

Rồi tôi liên tục đổ lỗi cho anh. Từ khi lấy anh, tôi không còn được là chính mình. Thay vì một cô gái vui vẻ, hoạt bát, tôi trở thành một phụ nữ cáu kỉnh, già nua. 

Tôi trước kia luôn suy nghĩ tích cực trước mọi vấn đề, thì nay trong tôi luôn bị bủa vây lấy sự tiêu cực. Tôi ít nói chuyện với anh. Tôi không muốn gần anh. Có lúc tôi còn cảm thấy ghê sợ anh.

Giờ thì tôi đã hiểu, thật sự hiểu... Thế là từ hôm ấy, từ cái khoảnh khắc ấy, tôi bắt đầu tĩnh tâm lại. Việc ốm đau của con, tôi đã sáng suốt hơn. 

Tôi không còn chỉ rối bời theo những thông tin hỗn tạp trên mạng nữa mà tôi lắng nghe cơ thể con. 

Tôi cũng bình tĩnh hơn khi nói chuyện với anh. Tôi tìm thấy mình trước đây khi biết đặt vào vị trí của người khác. 

Tôi thẳng thắn mà nhẹ nhàng nói chuyện với anh. Trước một vấn đề, tôi luôn nghĩ đến mặt tích cực trước. Khi tôi thay đổi, chồng tôi cũng nhanh chóng đổi thay...

Tôi và anh bắt đầu giải quyết mọi sự theo cách hài hước, nhẹ nhàng, yêu thương nhau. Chúng tôi tìm được tiếng nói chung trong việc mua nhà khi chị dâu sinh em bé thứ hai. 

Và đúng như tôi nghĩ, từ khi ra riêng, anh trở về đúng con người anh. 

Anh thoải mái thể hiện tình yêu của anh dành cho mẹ con tôi. Anh vui vẻ nấu cơm, lau dọn nhà cửa. 

Anh quan tâm sức khỏe tôi. Anh chú ý việc giáo dục con. Những điều trước kia anh chưa từng làm, hoặc có lẽ những điều đó vốn có trong con người anh nhưng giờ mới có dịp thể hiện.

Tôi cảm ơn cái khoảnh khắc hài hước, yêu thương nhau của anh chị chồng. Nhờ nó mà cuộc hôn nhân của chúng tôi thực sự được cứu vãn. Nhờ có nó mà tôi hiểu ra rằng, cuộc sống luôn luôn có "hỉ, nộ, ái, ố".

Không ai có thể bắt mình sống theo cách người khác. Chỉ có bản thân mình mới có quyền và khả năng lựa chọn niềm vui, tình thân ái hay sự phẫn nộ, căm hờn mà thôi. 

Giờ thì gia đình tôi luôn tràn ngập nụ cười yêu thương. Những tiếng gắt gỏng, than vãn, hờn oán đã xa rồi, thật sự xa rồi...

Tôi đã có bài học quý báu để làm vợ

Mẹ tôi từng nói: "Trên đời không ai ở được với nhau vì hợp nhau, mà ở với nhau được là vì biết nhường nhịn nhau, hiểu và thông cảm cho nhau. Lúc người này rắn lên thì người kia phải mềm lại".

Chân lý tưởng chừng xa vời ấy không ngờ lại hiển hiện ngay trước mắt tôi.

Tôi thầm cảm ơn một năm ở với anh chị chồng. Một năm đó, tôi đã trải biết bao cung bậc xúc cảm, nhưng thực sự tôi đã trưởng thành, học được những bài học quý báu trên con đường làm vợ.

64934139_1127083360811444_8185015653837570048_n

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

logo hdbank


Người đẹp có đôi chân siêu ngắn Người đẹp có đôi chân siêu ngắn

TTO - Tôi là một cô gái rất đặc biệt, vì ở Việt Nam chỉ có khoảng 3.000 người mang hình hài tí hon giống tôi. Thấp ngang hông bạn, nhưng tôi lại rất cao nếu đo từ đầu tôi lên trời.

NGUYỄN THỊ NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên