15/12/2019 11:00 GMT+7

Người anh mạnh mẽ

KIM TRÀ
KIM TRÀ

TTO - Một ngày cuối tháng 1-2016, tôi nhận điện thoại chị gái nức nở: 'Anh rể viết thư để lại, bỏ nhà đi mất rồi!'. Tất cả còn lại chỉ tiếng khóc. Tôi chóng mặt, phải tựa vào tường mới đứng vững.

Người anh mạnh mẽ - Ảnh 1.

1 Anh rể tôi đang làm trưởng phòng một công ty dầu khí ở thành phố, bất ngờ bỏ ngang để về nhà tôi kinh doanh viên nén. Anh nói mình ấp ủ bao năm, đã làm thử, tìm kiếm và nghiên cứu thị trường rất kỹ nên giờ muốn kinh doanh.

Bố tôi sau khi nghe anh trình bày cần vốn đã mang ngay sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Mẹ cũng bất ngờ khi nhân viên đưa hồ sơ vay ra bảo ký. Mẹ cố kìm để đặt bút, rồi về nhà bố và mẹ cãi nhau tơi bời. Nhưng bố vẫn quyết: "Con nó có chí, mình có tiền thì cho mượn, nó mượn rồi trả chứ có sao đâu".

Bố huy động cả nhà, cả họ vào công cuộc cho anh rể tôi vay tiền, nhưng như cái bể cát háu nước, bao nhiêu tiền đổ vào cũng không đủ. Bố và anh trai tôi vay nặng lãi bên ngoài cho anh rể tôi đổ vào công ty. 

Đến lúc này, tôi lờ mờ nhận ra có gì không đúng lắm, khi công ty vẫn xuất hàng đều mà liên tục đi vay tiền sản xuất. Nhưng bố vẫn gạt đi, nói rằng khởi đầu nào chẳng vậy...

Chị gái tôi vốn người mạnh mẽ, chưa bao giờ tôi thấy chị khóc trừ ngày còn bé chị bị bố mẹ đánh đòn, mà việc này cũng rất ít khi bởi chị luôn được yêu thương cưng chiều. Đến cả khi lấy anh rể, cũng chưa từng thấy chị rớt nước mắt. Chắc giờ chị trốn nơi nào để khóc và gọi cho tôi.

"Không được nói cho mẹ biết!", bố lặng người nói sau khi biết tin. Sau đó là chuỗi ngày thực sự câm lặng và ngột ngạt, bức bối đến khó tả.

2 Nhẩm tính số nợ gần 5 tỉ. Tôi choáng váng, không cách nào đủ trả lãi chứ đừng nói đến tiền trả nợ. Thảm cảnh một lần nữa ngân hàng đến xiết nợ và nhà tôi phải ra trọ...

Ngày tôi còn nhỏ, từng một lần ngân hàng đến đo đạc nhà, niêm phong tài sản. Khi ấy tôi chưa thể hiểu được niêm phong là thế nào, nên thấy người ăn mặc lịch sự đến đo đạc và đọc lệnh niêm phong mà tôi hí hửng lắm. 

Chỉ bà ngoại khóc run bên thềm, níu tay anh trai tôi nói: "Chết mất cháu ơi! Giờ lấy gì mà sống? Người ta thu hết cả, lấy gì mà nấu ăn?". Anh trai quay lại yên ủi: "Bà yên tâm, đợi người ta về, cháu cạy cửa vào nhà, lấy cái nồi cơm rồi cháu nấu cho bà ăn. Cháu không để cho bà đói đâu".

Đôi lúc, nhìn lại chuyện buồn đó, tôi vẫn thầm nghĩ có khi bà ngoại tôi biết trước nên vội ra đi trước một bước để không phải nhìn cảnh nhà tôi bây giờ. 

Mọi hi vọng kiếm tiền trả nợ đều không khả dĩ, đôi khi tôi bần thần nhìn bố và mấy anh chị em tôi đều vô thức mua vé số mỗi ngày. Dường như nhà tôi chỉ còn bấu víu vào những tờ vé số xanh đỏ làm niềm tin may mắn sẽ mỉm cười.

Mẹ biết chuyện khi băng cho vay nặng lãi hùng hổ kéo đến nhà. Đến lúc này tôi mới dám hé cho mẹ hay, cái ngày anh rể bỏ đi đã để lại số điện thoại anh trai cho bọn chủ nợ.

Một phần bởi anh trai mới là người đứng tên làm giám đốc thực sự. Bởi khi làm hồ sơ kinh doanh, anh rể vẫn đang còn giấy tờ đảng viên và nhiều việc chưa giải quyết xong, nên để anh trai đứng tên. 

Phần vì toàn bộ vốn vay đều nhà tôi huy động. Thế nên, dầu không biết gì nhiều về kinh doanh của anh rể, anh trai tôi phải đứng mũi chịu sào.

3 Anh trai tôi bắt tay tiếp quản đống ngổn ngang đó. Anh trả đủ công nhân 4 tháng nợ lương để họ về ăn tết. Nhưng cũng vì vừa điều hành công ty lại hay nhậu nhẹt, khiến anh luôn bị bố mẹ mắng. 

Mọi người xung quanh đàm tiếu anh vô dụng, rượu chè, vay tiền bố mẹ để kinh doanh rồi đổ bể, mà không biết sự thật đằng sau.

Anh có mặt ngay ở nhà chị hai vào ngày anh rể bỏ đi. Anh hỏi cái thư tạ từ anh rể bỏ lại nhà sau ngày bà mất. 

Cái thư đó anh rể bỏ ở bàn thờ bà để mọi người thắp hương có thể thấy. Anh trai đọc xong đem cất biến. Tưởng sẽ có câu trả lời thỏa đáng, nào ngờ lại phải lao đi khắp thành phố rộng lớn để tìm anh rể giúp chị.

Anh trai trở về và nhận công trình làm thêm, bán đất, bán hết cây cảnh, xoay xở đủ việc có tên, không tên. Có lần bố nói anh nên gọi anh rể về để nói cho rõ ràng.

Anh thở dài, tất cả chỉ chuyện tiền, có tiền mới giải quyết được, chứ giờ anh rể trắng tay, có gì mà nói. Bố cáu, lại la anh. Anh lặng im, đợi bố đi rồi mới nói khẽ với tôi là nếu không nhậu, anh sợ mình điên mất. Ngày nào mở mắt ra, anh cũng phải nghĩ đến tiền...

Rồi ba năm sau ngày xảy ra cuộc gọi tuyệt vọng của chị gái, gia đình tôi dần ổn định lại. Nợ vẫn chưa hết. Nhưng anh trai vẫn miệt mài làm để trả nợ. Giờ nhìn lại ngày tháng đã qua, tôi vẫn thầm cảm ơn anh trai đã không đầu hàng, buông bỏ.

Khoảnh khắc chị khóc kể anh rể vỡ nợ, bỏ đi, gia đình tôi tưởng sụp đổ. Nhưng anh trai lại mạnh mẽ thể hiện vai trò người đàn ông cứu lấy người thân của mình...

Người anh mạnh mẽ - Ảnh 2.

Đồng hành cùng cuộc thi này.

'Chết lặng khi thấy mẹ bỏ ăn trưa còng lưng phân loại ve chai'

TTO - Tôi từng có thời gian xấu hổ về mẹ. Ai đời có người mẹ mua bán ve chai? Nhìn mẹ người ta là giáo viên, bác sĩ, viên chức nhà nước khiến tôi phát thèm...

KIM TRÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên