02/07/2019 12:03 GMT+7

'Chết lặng khi thấy mẹ bỏ ăn trưa còng lưng phân loại ve chai'

ĐỖ THỊ THANH HOÀI
ĐỖ THỊ THANH HOÀI

TTO - Tôi từng có thời gian xấu hổ về mẹ. Ai đời có người mẹ mua bán ve chai? Nhìn mẹ người ta là giáo viên, bác sĩ, viên chức nhà nước khiến tôi phát thèm...

Chết lặng khi thấy mẹ bỏ ăn trưa còng lưng phân loại ve chai - Ảnh 1.

Tôi sinh ra trong gia đình khó khăn nhưng vẫn đủ ăn, đủ mặc hơn những mảnh đời khác.

Tôi đã trách hờn mẹ mình

Bố tôi làm nghề sửa xe, quanh năm vất vả lo cho gia đình. Mẹ tôi năm nay đã ngoài tuổi 40, là người buôn đồng nát, mà nói đồng nát cho sang vậy thôi chứ thực ra là mua ve chai dạo.

Tôi từng hỏi tại sao mẹ lại chọn nghề này? Mẹ tâm sự buồn rằng mình sinh ra trên đất Quảng Bình nắng gió, quanh năm làm ruộng, cày thuê. Mẹ là con thứ 5 trong gia đình đông 8 anh chị em. Hồi đó tiền ăn còn chẳng có, lấy đâu ra tiền học hành. 

Đủ tuổi thì mẹ rời quê hương vào Sài Gòn mưu sinh, rồi dòng đời đưa đẩy gặp bố tôi - một người từ vùng đất Thái Bình cũng nghèo, cũng muốn tự lập nên rời quê vào Nam mưu sinh như mẹ tôi.

Ngày ấy, tôi còn đang năm tháng cuối cấp II nông nổi. Mẹ tôi lại làm lụng cực nhọc, dễ nóng nảy. Thế là nhiều khi nhà bỗng trở nên căng thẳng. Mẹ con hay giận hờn, trách móc nhau, không con hờn thì cũng mẹ mắng. 

Nhiều khi mẹ thấy tôi ngồi không cũng rầy la tôi. Bố tôi bực tức quát lại mẹ, thế là mẹ lại dồn lên đầu tôi như trút giận. Nhiều lúc tôi tự hỏi bản thân mình có phải con ruột của mẹ không!

Ở tuổi 15 ấy, tôi đã nông nổi "vùng lên", cãi cọ với mẹ. Nhìn mẹ người khác ra mặt cưng chiều con mình, tôi cảm giác đang rơi vào đáy vực sâu thẳm của sự buồn chán, tuyệt vọng...

Những áp lực học tập khi tôi phải thâu đêm suốt tháng ôn luyện để thi lên cấp III, rồi không khí nặng nề của gia đình khiến tôi nghĩ quẩn chẳng muốn sống trên cõi đời này nữa! Những lúc bực tức lủi thủi trong căn phòng tối, tôi òa khóc trong tuyệt vọng và nghĩ đến cái chết.

Tôi nghĩ mình chịu đựng quá đủ rồi. Tôi không muốn bị la trách nữa. Tôi cũng không muốn áp lực thi cử đè nén. Lúc đó, tôi chỉ muốn nói cho mẹ hiểu rằng: "Mẹ à, con cũng là con của mẹ mà! Con cũng cần mẹ yêu thương. Xin mẹ đừng trách mắng con nữa".

Nhưng chẳng thể nói thành lời, nên tôi cứ âm thầm trượt đi. Học hành sa sút, tôi bắt đầu chửi thề, gần bạn xấu. Hình như tôi chẳng quan tâm gì nữa và cũng nghĩ chẳng cần ai quan tâm mình.

Và tôi tự hứa với lòng sẽ chẳng bao giờ làm mẹ phải buồn vì mình nữa, dù là chỉ một lần.

Đỗ Thị Thanh Hoài

Mẹ đã quá khổ vì con!

Cho đến một hôm, tôi đi học về và bắt gặp hình ảnh mẹ lam lũ nhặt từng vỏ chai, lon bia rỗng và những mảnh giấy vụn cáu bẩn. Nắng trưa hầm hập như đổ lửa, gương mặt gầy gò, nhem nhuốc của mẹ đầm đìa mồ hôi. 

Nhưng mẹ vẫn còng lưng cặm cụi ngồi phân loại ve chai mà bỏ cả bữa cơm trưa. Rồi những thanh sắt thải nặng hàng chục ký được mẹ tôi bặm môi, lảo đảo cố hết sức đặt lên chiếc xe máy cũ kỹ.

Tôi như chết lặng ngay khoảnh khắc ấy! Từng giọt mồ hôi thấm đẫm chiếc áo sờn rách của mẹ, người đã tần tảo nuôi nấng tôi. Nghẹn ngào, tôi cứ nhìn dáng mẹ gầy gò, liêu xiêu, rồi nhìn chiếc xe ve chai cồng kềnh nặng hơn cả người mẹ...

Rồi tôi nhìn lại mình với bộ đồng phục trắng tinh khôi, với đôi giày còn thơm mùi da mới, trên vai là chiếc cặp xinh xắn được mẹ để dành tiền mua cho. Khoảnh khắc đó như có cái gì chạm sâu, cắt sâu vào tim tôi. 

Nó làm tôi nghẹn ngào, đau đớn, đau hơn cả những lần bị mẹ la mắng, hơn cả những bài kiểm tra điểm kém bị thầy cô phê bình trước lớp. Tự dưng tôi tự thấy giận mình và thương mẹ, thương yêu mẹ đến vô cùng.

Một hôm, tôi còn tình cờ nghe được mẹ kể với bố là mẹ vừa vào bãi phế thải nhặt sắt, nhặt nhựa, cố kiếm chút tiền để đóng phí học thêm cho con. Trong đó có rất nhiều mảnh vỡ và kim tiêm của kẻ nghiện ngập...

Từ ngày ấy, tôi bắt đầu gần gũi mẹ nhiều hơn và biết mẹ đang âm thầm chịu đựng những cơn đau cột sống triền miên hằng đêm. Rồi tay mẹ, chân mẹ không lúc nào hết vết sưng bầm tím, thậm chí tóe máu từ những lần bị sắt thép phế thải va phải. Càng hiểu, càng xót xa mẹ đang quá khổ vì con, tôi càng thấy bao năm qua mình là đứa con bất hiếu, ích kỷ vô cùng!

Đến một đêm, tôi sà vào lòng mẹ, quyết định tâm sự hết lòng mình cho mẹ hiểu. Nhìn mẹ xúc động ứa nước mắt mà tôi đau xiết khó tả. Lâu rồi mẹ con mới gần gũi, cởi lòng nhiều với nhau. Lỗi lớn là tại tôi. Mẹ đã già nhanh quá, nếp nhăn dày ở mắt, bàn tay cũng nhăn nhúm. Mẹ đã chịu khổ quá nhiều rồi! Nếu không vì chồng, vì con mình thì vì ai?

Từ ngày đó, tôi biết vâng lời mẹ hơn, biết tự giác làm việc nhà giúp gia đình. Tôi cũng bắt đầu học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn, chẳng khiến cho mẹ phải phiền lòng, nóng giận nữa. Những khi gần nhau, mẹ con tôi quấn quýt, thậm chí còn vui đùa như bạn bè.

Không khí nặng nề ngày nào tan đi, gia đình tôi giờ đây vui vẻ, gắn bó với nhau đầm ấm hơn. Hình như nhờ vậy, chuyện làm ăn của bố mẹ tôi dù vẫn còn rất vất vả nhưng cũng dần khá hơn so với hồi trước.

Bố mẹ tôi đã tự mình xây được ngôi nhà cấp 4 trông rất khang trang, đẹp đẽ. Mặc dù trong mắt người khác nó nhỏ và không được đầy đủ hay không được đẹp, nhưng trong mắt tôi, ngôi nhà này là đẹp nhất trong tất cả các ngôi nhà mà tôi từng thấy. Bởi dưới mái nhà ấy rộn rã bao nụ cười và những lời yêu thương dành cho nhau.

Và tôi cũng tự hứa với lòng sẽ chẳng bao giờ làm mẹ phải buồn vì mình nữa, dù chỉ là một lần!

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

photo-1

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

logo hdbank

'Suất cơm bệnh viện 5.000 đồng, mẹ chỉ còn 3.000...'

TTO - Cuộc đời mỗi người như một cuộn phim. Có người, đó là sự hãnh diện, hạnh phúc. Còn với tôi lại là sự tủi thẹn, xót xa nhưng cũng cho tôi ý chí vươn lên vì người thương yêu của mình...

ĐỖ THỊ THANH HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên