Bích Lan (ngồi) giao lưu, tặng sách học sinh Trường Marie Curie - Ảnh: NVCC
Tôi sớm nhận ra mình yêu việc dịch văn học hơn bất cứ việc gì tôi từng làm. Tuy không đem lại sự giàu có tiền bạc, nhưng nó thỏa mãn tất cả những gì riêng tôi mong muốn về một nghề đích thực.
Trí nhớ tôi vẫn còn ký ức nặng nề những ngày ấy, khi bạn bè tôi như chim vui tung cánh, còn tôi ngồi lặng trước cánh cửa đóng sập.
Bên kia hầm tối
Đi không nổi, đứng không xong, không thể tự bưng bát cơm ăn, không thể làm được bất cứ việc gì. Tôi không biết làm thế nào mình chịu đựng nổi những ngày dài lê thê. Quá mệt mỏi vì nghĩ ngợi, tôi để mặc mình rơi vào trạng thái trống rỗng, vô nghĩa.
Thế rồi một hôm, đang buồn chán, tôi nghe tiếng em trai tôi mới vào lớp 10 ở quê, đọc những từ tiếng Anh vỡ lòng. Những âm thanh lạ lẫm phát ra từ miệng cậu học trò đang vỡ tiếng không hiểu sao lại thu hút tôi đến thế. Não tôi "chộp" lấy chúng.
Từ đó, tôi hóng những từ tiếng Anh trong bài học của em mình. Lúc em đi học, tôi lấy sách giáo khoa tiếng Anh của em, tìm "mặt chữ" những từ mà tôi lờ mờ biết cách phát âm nhờ nghe lỏm, rồi chép chúng lên tờ lịch xé.
Cứ thế tôi chép nguyên cả cuốn sách, chép vào đầu trước, chép ra giấy sau. Tôi học vụng, sợ bị ngăn cản bởi bệnh tôi cần nghỉ ngơi.
Không ngờ, chuyện học vụng của tôi "vỡ lở", thay vì cấm cản, gia đình khích lệ tôi bằng sự im lặng hàm nghĩa đồng tình. Việc người lớn hăng hái thay bóng đèn lớn hơn cho bàn học, hay đem chiếc radio cũ đi sửa là sự động viên cực lớn đối với tôi.
Những sách tự học tiếng Anh cũ rách mà người khác không dùng nữa, đến với tôi thành kho báu vô giá. Tôi học với ý thức thoát khỏi sự trống rỗng, đồng thời cũng biết mình bước vào đường hầm tối.
Nhưng tôi không thể ngờ đường hầm ấy lại tối đến thế. Ngày nay, các bạn đi học tiếng Anh có thầy, có bạn, sách vở, Internet còn thấy khó.
Ngày ấy, tôi chỉ quanh quẩn trong căn buồng nhỏ, không có điện thoại để kết nối với ai trợ giúp, trong khi bệnh tật không lúc nào cho tôi được thoải mái để chơi chứ chưa nói đến học. Có khi lập xong thời khóa biểu mỗi ngày phải tự học 6 tiếng, tôi tự hỏi liệu mình có tàn nhẫn quá với bản thân?
Có lúc giữa mớ cấu trúc ngữ pháp rối rắm, tôi gục xuống khóc nức nở. Có những ngày sau cơn bệnh phải nằm bẹp giường, thoát khỏi tử thần, tôi nghĩ sự sống mình chỉ đủ để thở, không còn chỗ cho tự học.
Những lúc như thế bản năng xui khiến tôi bỏ cuộc, nhưng dường như có lực nào đó mạnh hơn khiến tôi tin rằng mình sẽ vượt qua. Chính sự thúc đẩy ấy khiến tôi nghĩ ra đủ mọi cách vượt khó trong việc học, kể cả tưởng tượng ra người bạn ảo, hằng ngày kể cho ông ấy nghe về cuộc sống của mình để luyện nói tiếng Anh.
Sáu năm đầu tự học là quãng thời gian tôi đẩy sự trống rỗng ra xa để đổi lấy gian khổ. Mỗi lúc vượt qua cảm giác muốn bỏ cuộc, tôi lại hi vọng phía trước sẽ có tia sáng le lói. Cho đến ngày tôi cảm thấy mình có chút vốn tiếng Anh muốn chia sẻ cho trẻ làng.
Lớp học tại gia của tôi hình thành với vài trẻ đang học cấp II ở quê, tất cả đều chưa biết một từ tiếng Anh. Tôi trao cho chúng những con chữ tôi học được trong gian khổ, mà không biết rằng sự vượt khó của mình cũng truyền cho chúng lòng hiếu học.
Tiếng đồn xa, nhiều học sinh trung học trong huyện xin được làm học trò của tôi. Và tôi có hơn 200 học trò để có thể dạy các buổi trong tuần.
Năm 2001, sau trận ốm nặng với kết luận "suy tim độ II" của bác sĩ, tôi buộc phải dừng lớp học. Gượng dậy, tôi lại bắt đầu tìm kiếm điều mà mình mong mỏi nhất: sống có ý nghĩa! Tôi bắt đầu thử sức với việc dịch sách văn học.
Đừng nghi ngờ tình yêu của anh, tiểu thuyết đầu tiên tôi dịch được NXB Phụ Nữ in năm 2002, mở ra hướng đi mới trong hành trình tôi vượt lên bệnh tật. Tôi tiếp tục dịch cuốn sách thứ hai, thứ ba...
Ý thức trách nhiệm, ý chí vượt khó, lòng cảm thông và trắc ẩn dành cho những người gặp khó khăn là tài sản lớn mà tôi tích lũy được trong hành trình của mình.
Tôi vẫn phải sống chung với bệnh loạn dưỡng cơ chưa có thuốc chữa, nhưng về mặt tinh thần tôi đã vượt qua đường hầm tối.
Đối với tôi, bên kia hầm tối không phải là tương lai hoàn hảo hay phép mầu giúp tôi khỏi bệnh, mà là cuộc sống có ý nghĩa, đúng như khát vọng của tôi từ khoảnh khắc ấy, khi tôi bắt đầu hành trình thay đổi số phận mình.
Bích Lan đã tìm thấy tình yêu văn học - Ảnh: NVCC
Tôi được tình yêu lớn
Tôi sớm nhận ra mình yêu việc dịch văn học hơn bất cứ việc gì tôi từng làm. Tuy không đem lại sự giàu có tiền bạc, nhưng nó thỏa mãn tất cả những gì riêng tôi mong muốn về một nghề đích thực: cho phép tôi kết hợp năng khiếu văn chương, vốn tiếng Anh, cũng như kiến văn của một "mọt sách".
Nó cũng đòi hỏi tôi ở mức cao nhất sự kiên nhẫn, chăm chỉ. Và luôn khiến tôi ý thức rằng dù ở mức cao nhất, khả năng đó có thể chưa đủ cho việc dịch sách mới, vì thế bắt buộc tôi không ngừng tự học.
Tôi tìm thấy hạnh phúc ngay trong việc dịch từng trang sách, chứ không cần phải đợi tới lúc cuốn sách được xuất bản, được bạn đọc đón nhận.
Đến nay, tôi đã dịch được 36 cuốn sách, trong đó có tác phẩm dịch Triệu phú khu ổ chuột được trao giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn VN năm 2010, cũng như các tác phẩm đề cao sự thật, lòng nhân ái của các tác giả từng được trao giải Nobel như Lời nguyện cầu từ Chernobyl của Svetlana, Một đêm duy nhất của văn hào Tagore...
Cùng 4 cuốn sách sáng tác, đặc biệt tự truyện Không gục ngã, những tác phẩm dịch của tôi đến với độc giả cả nước.
Tôi đã nhận được hàng trăm bức thư cảm ơn của độc giả: có những người bỏ học từ lâu, sau khi đọc tự truyện của tôi đã quyết tâm học trở lại; có người đang chống chọi bệnh tật hiểm nghèo tìm đọc sách của tôi để "không gục ngã"; có người trước đó chưa từng đọc trọn một cuốn sách, đã đọc sách của tôi và xúc động vì những gì một cuốn sách nhỏ có thể tác động đến anh.
Một độc giả đặt câu hỏi: "Nếu ngày ấy chị không quyết tâm tự học thì giờ cuộc đời chị ra sao?". Nếu không tự học, có thể tôi vẫn sống. Nhưng tôi sẽ sống như cái bóng góc nhà, trống rỗng, vô nghĩa.
Khoảnh khắc nghe em mình phát âm những từ tiếng Anh đầu tiên, tôi dường như đã quyết định bỏ lại sự buông xuôi phía sau để bắt đầu hành trình tự cứu mình.
Lựa chọn cách sống ấy, tôi cũng đồng thời tự nhận trách nhiệm trả lại cuộc sống bình thường cho gia đình, cho những người mình thương yêu...
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019
* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.
* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.
* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.
Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.
Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.
Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.
Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.
* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.
Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.
* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.
* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.
Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.
Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận