10/12/2019 15:40 GMT+7

Hối hận trước chuồng bò

VÕ NHẬT THỦ
VÕ NHẬT THỦ

TTO - Đất nước hậu chiến bộn bề khó khăn, phức tạp. Anh chị tôi về quê cầm cuốc, với mảnh ruộng, con bò. Cuộc đời non trẻ của cậu thiếu niên 14 tuổi như tôi cũng không thiết tha gì học hành.

Hối hận trước chuồng bò - Ảnh 1.

Tôi về ôm mẹ reo lên: "Mẹ ơi! Con đỗ đại học rồi!". Mẹ tôi ôm tôi không nói nên lời, mắt cứ rơm rớm niềm hạnh phúc.

VÕ NHẬT THỦ

1. Khi vào lớp 8, tôi bắt đầu phá phách. Cha tôi như buông xuôi, để đứa con út muốn học thì học, muốn nghỉ thì nghỉ. Với ổng, tương lai đời tôi sớm muộn gì cũng nối nghiệp anh chị về cầm cuốc, cầm cày thì học để làm gì.

Chỉ thương mẹ tôi, dù biết tôi phá phách không chịu học hành, bà vẫn động viên: "Kệ con, ráng mà học! Con người lớn lên hơn nhau ở cái chữ".

Năm lớp 9, tôi mong niên học qua mau để tôi sớm kết thúc con đường học vấn, trở về với ruộng đồng. Với tiền đồ như vậy, tôi càng phá phách. Học thì ít, phá thì nhiều. Bỏ học, trốn giờ lêu lổng.

Ngày đó, năm 1979, hết lớp 9 không có thi tốt nghiệp như bây giờ, chỉ xét mãn cấp để có giấy chứng nhận nộp đơn thi vào lớp 10. Tôi là đứa học sinh cá biệt, bị trường kỷ luật, xếp đạo đức kém, không được xét mãn cấp II.

Tôi rời ghế nhà trường trong hoàn cảnh như vậy và thành đứa chăn bò, không mơ màng gì chuyện học hành, không phải hằng ngày cắp sách đến trường để học những điều mà mình cho là vô bổ. Với tôi, niềm vui là sáng mở cửa chuồng cho bò ra bãi cồn để chăn, tối lại dẫn bò về chuồng.

Cứ vậy, một năm trôi qua, đời tôi như hồ nước bình lặng nơi thôn dã, an phận chăn bò. Không ai trách cứ gì tôi, xem như chuyện trở về ruộng đồng của tôi là sự an bài của số phận, trừ mẹ tôi. Thỉnh thoảng bà trách cứ là tại sao tôi bỏ học giữa chừng.

2. Một năm sau.

Một buổi cho bò về, tôi vừa đóng cửa chuồng thì mẹ tôi đứng chờ đó tự bao giờ. Mẹ nhìn tôi:

- Thủ nè! Thằng Hùng bữa nay thi đỗ lớp 10 rồi. Nó sẽ vào Trường Trần Cao Vân để học, còn con thì phải ở nhà chăn bò.

Tôi thoáng nhìn đôi mắt trách móc của mẹ rồi quay mặt đi:

- Kệ hắn mẹ ơi!

Tôi vào nhà, để mặc mẹ tôi thở dài bên cửa chuồng bò.

Hùng là đứa em con ông chú, học thua tôi một lớp. Khi tôi nghỉ học về chăn bò thì nó học lớp 9. Quê tôi duy nhất chỉ có Trường Trần Cao Vân - Tam Kỳ là trường cấp III nên học sinh trường làng đỗ vào trường này là rất hãnh diện.

Và kỳ lạ lắm! Sau lời trách móc của mẹ, bắt đầu từ đêm ấy tôi ngủ cứ chiêm bao mình đi học lại. Ngôi trường xưa, lớp cũ cứ tái hiện trong những giấc mơ chợt đi, chợt đến, để lúc giật mình thức giấc tôi lại cứ tiếc ngẩn ngơ.

Những giấc mơ cứ lặp đi lặp lại khiến hối hận trong lòng tôi ngày một lớn rồi chuyển thành nỗi giày vò. Đến nỗi, cứ nhắm mắt lại là ánh mắt và lời trách cứ của mẹ tôi trước cửa chuồng bò lại hiện về ...

Bao lần tôi ước giấc chiêm bao thành sự thực. Nhưng nỗi khát khao ấy lại mâu thuẫn với mặc cảm: Đi học lại là chấp nhận "thân phận" thằng ở lại lớp. Xấu hổ lắm! Tôi không dám thổ lộ nỗi lòng mình với ai, kể cả bạn bè và anh chị tôi.

Xóm tôi giáp ranh giữa hai huyện Tam Kỳ và Thăng Bình thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Năm đó, làng bên phía Thăng Bình vừa xây xong một trường cấp II. Ông chú họ tôi là giáo viên trường đó và là chủ nhiệm lớp 9.

Một đêm ra chơi nhà chú, tôi bạo miệng thổ lộ với chú việc muốn đi học lại. Chú tôi nghe chuyện, khuyên tôi gác bỏ mặc cảm và "dũng cảm" đi học lại. Tôi vừa mừng, vừa lo.

Đêm sau, vừa xong buổi ăn tối, cha tôi chợt hỏi:

- Thủ, mi muốn đi học lại à?

- Dạ! Tôi lí nhí.

Vậy là chú tôi đã đem chuyện của tôi kể cho cha tôi nghe.

Tôi đi học lại với tâm thế của đứa ở lại lớp đầy mặc cảm. Nhưng tôi gạt bỏ hết. Tôi đã hiểu thế nào là hối hận. Tôi cần mẫn, tích lũy từng lời giảng của thầy cô, tranh thủ kiến thức của bạn.

Các môn toán, lý, hóa lúc đầu hơi khó nhưng sau đó tôi học tiến bộ khá nhanh. Tôi say mê những bài toán hóc búa, những đề văn nghị luận. Tôi được các thầy cô khen ngợi, khích lệ. Bạn bè cũng dần nhìn tôi bằng đôi mắt khác.

Một năm sau, tôi thi đỗ vào lớp 10 Trường Trần Cao Vân với số điểm thủ khoa. Niềm vui của tôi thì khỏi nói rồi, nhưng người vui hơn tôi chính là mẹ.

Ba năm sau, tôi tốt nghiệp cấp III. Ngay sau khi thi đại học, tôi phải nhập ngũ. Chiến trường Campuchia ngày ấy rất khốc liệt.

Ngày còn ở quân trường huấn luyện, tôi biết được mình còn thiếu 1,5 điểm là đủ đậu đại học. Do vậy, tuy trượt nhưng với số điểm của kỳ thi lần đầu đã thắp cho tôi niềm tin về ngày tôi sẽ trở thành sinh viên nơi giảng đường đại học.

Hơn ba năm ở chiến trường, nhân một chuyến về phép, tôi mang qua Campuchia sách vở cũ. Tranh thủ lúc rảnh, ngày nghỉ tôi ôn lại kiến thức đã học để chuẩn bị "làm lại cuộc đời" ở ngày về. Tôi đặt mục tiêu vào đại học bằng ý chí của người lính.

3. Sau ngày phục viên, tôi nộp đơn thi vào Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng. Tôi đã đậu đại học ở kỳ thi đó. Quê tôi những năm 1980 của thế kỷ trước không dễ gì có người đậu đại học nên cả nhà tôi vui, vui lắm!

Bốn năm sau, tôi tốt nghiệp đại học và xin việc ở tận Tây Nguyên. Tôi lại xa quê, nhưng lần này là sự ra đi của cánh chim đủ lớn để bay lên với bầu trời cao rộng. Trước khi từ giã người thân, tôi cầm tay, đưa mẹ lại nơi cửa chuồng bò ngày nào:

- Mẹ ơi! Nếu không có lời quở trách của mẹ năm xưa ở chỗ này, đời con sẽ không có ngày hôm nay.

Mẹ không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt yêu thương! Trong hành trang mang theo đời, mãi đến những năm tháng thành đạt sau này, tôi luôn có ánh mắt ấy, ánh mắt của mẹ dành cho tôi với niềm vui vô hạn.

64934139_1127083360811444_8185015653837570048_n

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

logo hdbank

Này con yêu ơi! Này con yêu ơi!

TTO - Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Chỉ vài tháng nữa là con gái ba mẹ đã tròn tám tuổi rồi. Nhanh thật, con nhỉ? Mới ngày nào ba mẹ còn ẵm bồng con trên tay, mà giờ con đã biết đọc, biết viết, biết múa hát, vẽ tranh...

VÕ NHẬT THỦ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên