Tôi là con út trong gia đình có ba anh em (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Từ nhỏ tôi đã là cô bé ngoan ngoãn, chịu khó học hành. Có lẽ vì hai điều này mà bố mẹ rất chiều chuộng và tự hào về tôi.
"Mẹ bảo anh chị đi"
Hết lớp 12, dù rất mong muốn theo ước mơ riêng, cuối cùng tôi đành nghe lời bố mẹ thi vào sư phạm để nối tiếp truyền thống gia đình.
Tôi trở thành cô giáo ở tuổi 22 tại một trường vùng cao của huyện. Khi đó những khó khăn, thiếu thốn đầu đời khiến tôi rất nản lòng. Nhưng bố luôn là người trực tiếp động viên, tiếp sức cho tôi...
Tuổi trẻ, lại được bố mẹ bao bọc, tôi chỉ quen đón nhận mà gần như không quan tâm xem bố mẹ mình như thế nào. Những ngày cuối tuần về nhà, tôi chỉ biết than vãn về những khó khăn ở trường mới, về học sinh cá biệt, điều kiện ăn ở thiếu thốn.
Bố lắng nghe hết và nụ cười của bố luôn hiền: "Tuổi trẻ cần rèn luyện con ạ, cố gắng một vài năm rồi bố sẽ xin cho con về gần".
Tôi thấy được an ủi hơn với lời hứa của bố... Rồi bất ngờ bố tôi ốm. Bệnh thương hàn kéo dài triền miên, cứ đỡ rồi lại tái phát...
Bác sĩ nói rằng bố bị suy nhược cơ thể nên phục hồi chậm. Mấy mẹ con thuyết phục bố đi bệnh viện tuyến trên nhưng bố nhất định không nghe. Và cả nhà đều chủ quan như thế.
Hồi đó mẹ mới nghỉ hưu, việc chăm bố ở nhà đều một tay mẹ. Tôi vẫn là cô út đỏng đảnh được nuông chiều, quen nhận hơn là cho đi. Có ai nghĩ rằng bố tôi bệnh nặng đâu.
Một sáng đầu tuần, tôi dậy sớm chuẩn bị đồ đạc để vào trường thì mẹ bảo: "Con xuống phố mua bánh mì cho bố đã rồi hẵng đi, đêm qua bố nói muốn ăn bánh mì...". Tôi đã nai nịt xong và chuẩn bị lên đường, nên phụng phịu: "Tí nữa mẹ bảo anh chị đi, con phải lên trường bây giờ...".
Bỗng nhiên mẹ nổi cáu, điều rất hiếm khi xảy ra với tôi: "Con với cái, bố ốm đau mà bảo đi mua chiếc bánh mì thôi mà khó khăn thế sao?". Tôi sững lại, ngạc nhiên vì sao mà mẹ cáu?
Anh chị tôi làm ở gần nhà thì mẹ không bảo, sao mẹ lại bảo đứa sắp phải đi hơn 20km đến trường như tôi? Nhưng tôi chưa kịp nói gì thì mẹ tiếp: "Tưởng con gái út được bố chiều chuộng thì thương bố nhất, ai ngờ bảo đi mua chiếc bánh mì cho bố cũng từ chối!".
Và mắt mẹ ngân ngấn nước. Tôi nhìn vào phòng, thấy bố vẫn nằm yên trên giường, chẳng biết bố có nghe được cuộc đối thoại của hai mẹ con không. Nhưng tôi thấy mẹ cáu vô lý nên rất ấm ức.
Tôi phóng xe đi một lúc, mang bánh mì và ít đồ ăn khác nữa về. Khi tôi đưa, mẹ không cầm. Mẹ nhìn tôi rất lạ và quay đi. Tôi đành đặt đồ ăn lên bàn, quay vào chào bố rồi đi lên trường, vì sáng đó tôi còn có giờ dạy...
Bố không kịp ăn chiếc bánh mì nữa rồi. Và mãi mãi tôi không bao giờ có cơ hội được mua bánh cho bố nữa.
ĐINH THÙY HƯƠNG
Ân hận không nguôi
Vậy mà chỉ đến buổi chiều, tôi nhận được điện của anh trai: "Em về đi, bố đi cấp cứu ở Hà Nội rồi...". Tôi bủn rủn cả người và sụp xuống. Đồng nghiệp đã phải đưa tôi về ngay chiều ấy.
Tôi không kịp nhìn mặt bố ở giây phút cuối cùng. Tôi sốc đến độ ngất lên ngất xuống. Chiếc bánh mì tôi mua cho bố ban sáng vẫn nằm nguyên trên bàn.
Tôi khóc... Rõ ràng có một điều gì đó rất lạ trong lời mẹ nói với tôi buổi sáng, nhưng sự vô tâm của một đứa con được chiều chuộng như tôi không nhận ra.
Tôi đau như có cảm giác ai bóp nghẹt trái tim mình. Trong ba anh em, tôi là người hợp với bố nhất, bố cũng yêu thương tôi nhất. Vậy mà ngày cuối cùng, chiếc bánh mì bố muốn nhấm nháp một chút tôi cũng từ chối đi mua. Có đứa con nào như tôi không?
Bác sĩ nói bố tôi mắc bệnh lâu rồi, nhưng ở tuyến huyện không phát hiện. Nhìn mẹ vật vã từ lúc bố nhắm mắt cho đến những ngày sau đó, thực sự tôi không thể cam lòng. Chiếc bánh mì tôi mua về đưa mẹ nhưng mẹ không cầm trong buổi sáng ấy cứ ám ảnh tôi.
Tôi chỉ biết đấm ngực mình thùm thụp. Tôi quá vô tâm và giờ tôi quá hối hận vì sự ích kỷ của mình.
Giá như tôi biết lo lắng, biết quan tâm chăm sóc cho bố nhiều hơn. Giá như tôi bớt than vãn những vấn đề của mình, để nghe bố tâm sự trong những ngày cuối cùng. Giá như tôi biết phụ mẹ chăm bố những ngày ấy...
Và tất cả chỉ còn là giá như! Tôi đã không thể nào đứng vững trong một thời gian dài. Sau đám tang của bố, tôi phải xin nghỉ việc hai tháng trời.
Ở nhà, nhìn mẹ hằng ngày ôm chiếc áo của bố đờ đẫn, tôi hiểu ra nếu mình không mạnh mẽ thì mẹ không thể nào vượt qua được. Hình ảnh chiếc bánh mì bố không kịp ăn vẫn cứ day dứt trong tôi.
Giá như lúc bố còn sống, tôi học được cách chăm sóc, yêu thương bố thì đâu đến nỗi. Tôi đã 22 tuổi cơ mà, đâu phải bé bỏng gì nữa mà không hiểu?
Tôi dần gượng dậy, học cách chăm sóc mẹ, học cả sự quan tâm tới mẹ mà tôi đã bỏ bê. Tôi giấu tất cả những gì gợi nhắc về bố trước mặt mẹ.
Tôi trở nên mạnh mẽ đến không ngờ. Điều duy nhất khiến tôi sợ lúc đó là nhìn thấy mẹ khóc. Tôi sợ những giọt nước mắt của người vợ mất chồng, nó đau đớn và cô độc đến khôn cùng.
Sau này, tôi chuyển về dạy học gần nhà và có thời gian chăm sóc mẹ hơn, nhưng nỗi day dứt ân hận vẫn không nguôi trong tôi.
Vì nỗi đau quá lớn nên mẹ không còn nhớ buổi sáng sai tôi đi mua bánh mì cho bố. Nhưng thực sự mẹ ngạc nhiên vì sao sau khi bố mất, tôi lại biết quan tâm mẹ như thế...
Tất nhiên là tôi im lặng. Chiếc bánh mì mà bố không kịp ăn đã làm thay đổi con người tôi. Sống trên đời, nếu biết trao đi yêu thương sẽ khiến lòng mình nhẹ nhàng hơn. Tôi đã trả giá quá đắt để nhận ra điều ấy!
Từ ngày 17-7 đến 6-8, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" lần 2 đã nhận được bài dự thi của các bạn đọc:
Phạm Văn Ninh (Quảng Ninh), Nguyễn Thu Thảo (TP.HCM), Ngọc Mến (Long An), Nguyễn Kim Anh (Hà Nội), Lê Trần Kiều Trang, Lê Văn Hòa (TP.HCM), Nguyễn Ngọc Thái Phượng (TP.HCM), Lê Thị Ngọc Mai (Hà Nội), Nguyễn Minh Châu (TP.HCM), Trầm Tấn Phát, Hoàng Thị Tuyết (Hưng Yên), Nguyễn Thu Thủy (Hà Nội), Trần Lương Công Khanh (Bình Thuận), Hồ Thị Thu Nhâm (Quảng Trị), Mai Thị Thảo (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Trúc Ly (Đồng Tháp), Nguyễn Văn Lành (TP.HCM), UMI (Tiền Giang), Nguyễn Vinh Pha (TP.HCM), Phan Xuân Hậu (Nghệ An), Phạm Thị Ngọc Ánh (Nam Định), Tiểu Mễ (Hà Nội), Lê Thị Liên (Hà Nội), Mạc Khánh Vi (Hà Nội), Nolumicry (Hà Nội), Phạm Anh Tuấn (Nam Định), Phạm Đình Được (Đà Nẵng), Nguyễn Thị Lành (TP.HCM), Bùi Trung Phương (TP.HCM), Phạm Thị Thanh Thảo (Quảng Ngãi), Lê Thị Nhung (Thái Bình), Nguyễn Hữu Thiện (An Giang), Nguyễn Thị Ngọc Nhân (Bến Tre), Nguyễn Thị Hồng Hải, Jane Tran (TP.HCM), Lê Minh Tuấn (Phú Yên), Lê Thị Phương (Thanh Hóa), Lê Quang Thọ (Đắk Lắk), Đinh Thị Minh Phương (Hà Nội), Huỳnh Thị Vinh (Quảng Nam), Nguyễn Ngọc Thanh Thư (TP.HCM), Thi Văn Chương (Long An), Lê Thị Lan (TP.HCM), Mai Nguyễn Vy (Khánh Hòa), Phạm Công Thành (Thừa Thiên Huế), Nguyễn Lương (Hà Nội), Nguyễn Quỳnh Ngọc (TP.HCM), Nguyễn Ngọc Hiền (Hà Nội), Nguyễn Kim Ngân (Đồng Tháp), Minh Duyên (Phú Yên), Nguyễn Thị Thanh Hằng (Hà Nội), Yến Nhi (Tây Ninh), Hao Nguyen, Nguyễn Anh Đức, Trần Dương Minh Nhàn (TP.HCM), Đào Minh Tuấn (TP.HCM), Mai Đức Dũng (TP.HCM), Đỗ Ngọc Hải (Hà Nội), Nguyễn Thị Hoài (Hà Nội), Đinh Thùy Hương (Phú Thọ), Lê Thị Hồng Hiệu (Quảng Ngãi), Trần Thị Tuyết (Đà Nẵng), Trịnh Thụy Vũ (Đồng Nai), Lê Thạch (Bình Dương), Võ Ngọc Minh Châu.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019
* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.
* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.
* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.
Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.
Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.
Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.
Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.
* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.
Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.
* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.
* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.
Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.
Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".
Đồng hành cùng cuộc thi này
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận